Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Đậu mèo: Dược liệu hút nọc rắn độc hiệu quả cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Đậu mèo hay còn gọi là Sắn dây rừng, nhân dân thường dùng hạt bổ đôi đắp hút nọc độc rắn cắn. Hạt cũng được dùng làm thuốc tẩy xổ với liều lượng khuyến cáo, nếu dùng liều quá cao có thể gây rối loạn đường ruột.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt:
Đậu mèo.
Tên khác:
Đao đậu tử; Đậu rựa; Mắt mèo ; Đậu ngứa; ; Đậu mèo lông bạc; Đậu mèo leo; Móc mèo…
Tên khoa học:
Mucuna cochinchinensis hoặc Mucuna pruriens (L.) DC.
Đặc điểm tự nhiên
Dây leo dài hàng chục mét, sống hàng năm, thân tròn, khía rãnh dọc mang nhiều lông trắng.
Lá có 3 lá chét, lá chét dạng màng, hình trái xoan quả trám, dài 13 – 15cm, có mũi nhọn ở đầu, mặt trên ít lông, mặt dưới có nhiều lông trắng mềm, gân bên 9 đôi, cuống lá dài khoảng 18cm. Lá bắc và lá bắc con hình mác, rụng sớm.
Cụm hoa ở nách lá, mọc thành chùm rũ xuống, dài đến 50cm, chùm mang nhiều hoa và có nhiều lông ngứa. Hoa màu đỏ, tím hay xanh lam, dài khoảng 5cm, cánh hoa có móng, cuống hoa to, đài hình trứng có 4 thùy hình tam giác, nhị hoa có bao phấn nhẵn, bầu cấu tạo chứa 5 noãn.
Quả đậu hẹp hình chữ S, dài 5 – 8cm, rộng 1,2cm; dẹt, không có nếp gấp, phủ đầy lông tơ ngứa màu trắng. Hạt 5 – 6, hình trứng, dài khoảng 1,5 cm, màu hạt dẻ.
Mùa hoa quả: Tháng 1 – 3.
Phân bố, thu hái, chế biến
Đậu mèo thuộc loại cây ưa ánh sáng, ra hoa nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Là cây hàng năm nên vòng đời của cây từ khi mọc, ra hoa kết quả đến khi tàn lụi kéo dài chỉ khoảng 4 – 5 tháng.
Đậu mèo không được ưa trồng rộng rãi do cây có nhiều lông làm mẩn ngứa khi va chạm.
Đậu mèo xuất hiện rải rác khắp các vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, đậu mèo chỉ phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, đặc biệt từ tỉnh Quảng Bình trở ra. Cây thường mọc leo lên các loại cây bụi hay cỏ cao ở các quần hệ thứ sinh ven rừng kín, ở đồi hay trảng cây bụi trên đất nương rẫy mới bỏ hoang.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng của cây Đậu mèo là hạt và rễ.
Hạt lấy từ những quả chín và đem phơi khô rồi dùng.
Rễ thu hái quanh năm, đem phơi khô rồi dùng.
Thành phần hoá học
Hạt đậu mèo chứa protein, glutathion, lecithin, sắt (Fe), calci (Ca), phosphor (P), magie (Mg), chất dopa, acid gallic, glucosid và các alkaloid.
Công dụng
Theo các thử nghiệm sơ bộ trên chuột cống trắng, khi được cho ăn Đậu mèo thì thấy có tác dụng gây hạ đường máu trên chuột bình thường, nhưng không gây hạ đường huyết trên chuột được gây đái tháo đường thực nghiệm với aloxan.
Cần chú ý vì cây có khả năng gây mẩn ngứa khó chịu khi chạm vào do cây có nhiều lông ngứa, khi va vào mắt sẽ gây đau mắt nguy hiểm.
Hạt Đậu mèo có tính xổ và sát trùng, hút độc.
Bên cạnh đó, hạt Đậu mèo còn có thể sử dụng như 1 loại thực phẩm, người ta dùng loại hạt này để làm nhân bánh, thổi xôi, nấu cháo, làm tương hoặc làm thức ăn cho vật nuôi.
Ngoài ra, cây Đậu mèo còn được trồng thành cây phân xanh và cây phủ đất.
Liều dùng & cách dùng
Hạt Đậu mèo có tính sát trùng, hút độc nên được nhân dân sử dụng bằng cách bổ đôi và đắp lên vết thương để hút nọc độc rắn cắn.
Ở Ấn Độ, hạt được người dân dùng để trục giun đũa; cách dùng: Nghiền hạt ra, hòa trộn đều với mật ong hay sirô làm thành thuốc dẻo ngọt dùng ăn trong khoảng 4 – 5 ngày với liều mỗi ngày là 15g đối với người lớn và 4g nếu sử dụng cho trẻ em.
Hạt Đậu mèo còn được dùng làm thuốc tẩy xổ, nhưng cần lưu ý liều lượng thích hợp vì nếu dùng liều quá cao có thể gây rối loạn đường ruột và có thể dẫn đến tử vong.
Ở Lào, rễ cây được sử dụng làm thuốc.
Bài thuốc kinh nghiệm
Hút nọc rắn độc cắn
Theo kinh nghiệm dân gian, hạt Đậu mèo bổ đôi, đắp trực tiếp lên vết cắn để hút nọc rắn độc cắn.
Tẩy giun đũa
Nhân dân Ấn Độ và Haiti dùng hạt Đậu mèo để tẩy giun với liều lượng thích hợp, vì nếu dùng liều quá cao có thể gây rối loạn đường ruột và dẫn đến tử vong. Cách dùng: Nghiền hạt ra, hòa trộn đều với mật ong hay sirô làm thành thuốc dẻo ngọt dùng ăn trong khoảng 4 – 5 ngày với liều mỗi ngày là 15g đối với người lớn và 4g nếu sử dụng cho trẻ em.
Tác dụng kích dục ở trâu
Ở Nepal, bột nhão rễ Đậu mèo trộn với những thức ăn nấu chín khác cho trâu ăn với liều 25 – 30g, có tác dụng kích dục. Ngày cho ăn 2 lần, đến khi có tác dụng.
Lưu ý
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng Đậu mèo bao gồm mất ngủ, nhức đầu, buồn nôn, chướng bụng, tăng nhịp tim,…
Cây có khả năng gây mẩn ngứa khó chịu, sưng tấy và nóng rát khi chạm vào do cây có nhiều lông ngứa, khi va vào mắt sẽ gây đau mắt nguy hiểm.
Trong cây Đậu mèo, có chứa thành phần hoạt chất là L – dopa, vì vậy cần lưu ý tránh sử dụng cho người đã biết là đang mắc các bệnh tim mạch hoặc tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng. Ngoài ra, chất này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày ở người bị viêm loét dạ dày.
Hạt Đậu mèo có chứa độc tính nhất định, vì vậy cần đặc biệt thận trọng và lưu ý về liều lượng khi dùng dược liệu này để trị bệnh.
Một số bằng chứng sơ bộ đã cho thấy, Đậu mèo có tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường hoặc người đường huyết thấp cần phải tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/dau-do.html
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
3033 Cây thuốc Đông Y – Tuệ Tĩnh Thiền Sư.
Hình 1: https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/dau-meo
Hình 2: https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/dau-meo
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.