Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cỏ máu: Loài cây biết “chảy máu” cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cỏ máu là tên gọi khác của dược liệu Kê huyết đằng. Hiện nay, dược liệu Kê huyết đằng được lấy từ nhiều loài cây khác nhau với cùng công dụng. Gọi là Cỏ máu vì trong thân cây có chứa một chất nhựa màu đỏ nâu như máu.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cỏ máu.
Tên khác: Huyết đằng, Kê huyết đằng, Hồng đằng, Dây máu người, Máu gà, Máu chó.
Tên khoa học: Từ nhiều loài thực vật khác nhau như cây Kê huyết đằng (Millettia nitida), Huyết đằng lông (Butea superba), Huyết đằng quả to (Mucuna birdwoodiana cuneata), Huyết rồng (Spatholobus anberrectus) thuộc họ Đậu (Fabaceae) hoặc cây hồng đằng (Sargentodoxa cuneata) thuộc họ Huyết đằng (Sargentodoxaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Sargentodoxa cuneata là một loại cây thân leo, thân có thể dài tới 10m, vỏ ngoài màu hơi nâu. Lá kép gồm 3 lá chét, mọc đối, cuống lá dài 4,5 – 10cm, lá chét giữa có cuống ngắn, lá chét hai bên gần như không cuống. Phiến lá chét giữa hình bầu dục, lá chét 2 bên hơi hình trứng hay bầu dục, dài 7 – 12cm, rộng 3,5 – 7cm, lá màu xanh, mặt trên đậm hơn mặt dưới. Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành chùm ở nách lá, cụm hoa dài 14cm, mọc thòng xuống. Hoa đực màu vàng xanh, có 6 lá đài, 6 tràng thoái hóa thành sợi, 6 nhị. Hoa cái giống hoa đực, nhiều lá noãn, bầu trên. Quả kép với 6 – 20 quả mọng hình trứng, có cuống, dài 8 – 10mm, khi chín có màu lam đen.
Millettia nitida cũng là một loài dây leo, lá mọc đối, có 5 lá chét, cuống lá dài 3 – 5mm, phiến lá chét dài 4 – 9cm, rộng 2 – 4cm, lá chét giữa rộng và dài hơn các lá chét bên. Gân lá nổi rõ ở cả hai mặt. Hoa mọc thành chùm ở ngọn cành hay nách các lá ở ngọn cành, cụm hoa dài khoảng 14cm. Trục phát hoa phủ nhiều lông mịn, hoa màu tím, đài hoa hình chuông, cánh hoa hình cánh bướm. Quả giáp dài 7 – 15cm, rộng 1,5 – 2cm, hình lưỡi liềm hay mỏ chim, trên bề mặt phủ lông nhung màu vàng nhạt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Các loài Cỏ máu rất đa dạng, phân bố ở nhiều vùng khác nhau, cụ thể như sau:
- Huyết đằng lông: Mọc ở các vùng rừng núi miền trung như ở khu vực Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa,…
- Kê huyết đằng: Phân bố chủ yếu ở các vùng rừng núi phía bắc, nhiều nhất ở Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
- Huyết đằng quả to: Phát hiện ở vùng Bến En, Như Xuân – Thanh Hóa.
- Huyết rồng: Ở các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang.
- Hồng đằng: Ở Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái.
Các loài trên thường mọc trong các quần xã rừng kín thường xanh trên các vùng núi đất, núi đá vôi; đôi khi gặp trong các quần xã rừng thưa nửa rụng lá hơi khô. Chúng có thể sống được trên nhiều loại đất, độ cao phân bố thường không quá 1600m.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, nhưng hoa quả chỉ thấy mọc trên những cây lớn, không bị chặt phá thường xuyên. Nguồn dược liệu Cỏ máu tại nước ta tương đối phong phú. Tuy nhiên, những loại dây leo gỗ này thường bị loại bỏ trong quá trình tu bổ rừng. Cây có thể tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt và cây chồi gốc sau khi bị chặt.
Bộ phận sử dụng
Thân gỗ leo thu hái quanh năm, tốt nhất vào các tháng 8 – 10. Thân gỗ sau khi chặt về, bỏ cành lá, để vài ngày cho nhựa se lại rồi mới chặt khúc, phơi khô. Dược liệu còn tươi cắt ngang có nhựa đỏ như máu tiết ra, lúc khô, ở mặt cắt có nhiều vòng đen do nhựa quánh lại.
Thành phần hoá học
Do số loài được gọi là Cỏ máu khá nhiều, thành phần hóa học của vị thuốc cũng đa dạng. Cụ thể:
- Trong Hồng đằng có salidroid, leriodendrin, emodin, physcion chrysophanol, rosamulin, kajichigosid F1. Ngoài ra còn có catechin, acid protocatechic, acid vanilic, acid stearic daucosterol, β-sitosterol.
- Loài Kê huyết đằng có chứa formonetin, atromosin, odoratin, calycosin, daidzein, isomucromatol, pendulon, vestitol, pseudobaptigenin, isoliquiritigenin, genistin và một số hợp chất thuộc nhóm polysaccharide.
- Loài huyết đằng quả to có chứa các hợp chất saponin triterpen và polyphenol.
- Loài huyết rồng chứa các flavonoid ononin, prunetin, afrormosin, các hợp chất thuộc nhóm tannin: Epicatechin, acid protocatechic, ngoài ra còn có daucosterol, cajinin, isoliquiritigenin và daidzein.
Công dụng
Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, Cỏ máu có vị đắng, tính hơi ấm, có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt giải độc, thư cân, giảm đau. Cỏ máu được dùng trong phạm vi kinh nghiệm dân gian làm thuốc chữa các bệnh lý thiếu máu, lưng gối đau mỏi, chân tay tê liệt, kinh nguyệt không đều. Cây Hồng đằng còn dùng chữa kinh bế, đau bụng, phong thấp, giun kim, giun đũa.
Theo Y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn và kháng virus
Bệnh lý nhiễm trùng là một vấn đề sức khỏe ngày càng được chú ý, nhất là trong bối cảnh tình trạng đề kháng kháng sinh trở nên phổ biến.
Dịch chiết thân cây Cỏ máu thể hiện tác dụng kháng khuẩn mạnh, nhất là với các chủng Staphylococcus aureus và S.mutans. Ngoài ra, dịch chiết cây thuốc này còn ức chế chủng S.aureus kháng đa thuốc (chủng MDRS) với độc tính tương đối thấp. Hơn nữa, các hợp chất phân lập từ Cỏ máu ức chế sự phát triển của S.mutans mà không gây độc cho tế bào. Vì vậy, Cỏ máu có thể được xem là một tác nhân tiềm năng trong việc tìm kiếm và phát triển các kháng sinh thực vật mới.
Dịch chiết ethanol cây Cỏ máu thể hiện tác dụng ức chế các virus HIV, coxsackie B3 và virus viêm gan C. Đặc biệt, trên mô hình chuột cống trắng, dịch chiết Cỏ máu làm giảm nguy cơ viêm cơ tim và giảm tử vong do nhiễm virus coxsackie B3. Đối với tác dụng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của virus, dịch chiết toàn phần cây Cỏ máu thể hiện tác dụng mạnh hơn các hợp chất phân lập từ chính dược liệu này.
Tác dụng kháng viêm
Một trong số những cơ chế phổ biến gây ra đáp ứng viêm của cơ thể là lipopolysaccharide (LPS). LPS là một kháng nguyên của tế bào vi khuẩn, khi xâm nhập vào cơ thể, phân tử này kích hoạt các đại thực bào, dẫn đến sự tổng hợp quá mức nitrit oxid (NO) và các chất trung gian hóa học như prostaglandin, TNF-α và các cytokin tiền viêm.
Cỏ máu là một tác nhân kháng viêm tiềm năng thông qua các thử nghiệm in vitro và in vivo. Cụ thể, dịch chiết nước và ethanol cây Cỏ máu ức chế sự sản xuất NO và TNF-α tạo ra bởi đại thực bào do kích thích của LPS. Trên thử nghiệm lâm sàng, dịch chiết Cỏ máu làm giảm đáp ứng viêm trong bệnh lý viêm da cơ địa thông qua làm giảm độ dày da và giảm nồng độ IgE trong máu.
Tác dụng chống oxy hóa
Cỏ máu thể hiện tác dụng chống oxy hóa mạnh do sự tồn tại của các hợp chất polyphenol trong cây. Khả năng chống oxy hóa của cây chủ yếu là do khả năng khử của các hợp chất, giúp loại bỏ hoặc trung hòa các gốc tự do và làm giảm sự peroxy hóa lipid. Các hợp chất polyphenol trong cây còn tham gia vào quá trình thải sắt khỏi các ion kim loại, làm suy yếu các phản ứng oxy hóa.
Tác dụng chống bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh lý có liên quan chặt chẽ đến các stress oxy hóa do sự đường hóa protein trong các mô và sự oxy hóa glucose tạo ra các gốc tự do và hậu quả là làm tăng quá trình peroxy hóa lipid, gây tổn thương ADN của tế bào. Dịch chiết Cỏ máu có tác dụng chống oxy hóa mạnh, do đó có thể hỗ trợ trong điều trị đái tháo đường. Ngoài ra, Cỏ máu trực tiếp cải thiện cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường thông qua ức chế các enzyme tân tạo đường và giảm hấp thu glucose.
Tác dụng kháng khối u
Các bằng chứng khoa học cho thấy Cỏ máu có vai trò tích cực trong hỗ trợ điều trị nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư đại tràng và ung thư máu. Cơ chế gây độc tế bào của cây Cỏ máu tương đối đa dạng, bao gồm thúc đẩy sản xuất các protein tham gia vào quá trình chết tế bào theo chương trình và các protein gây stress tế bào; gây ngưng chu kỳ tế bào, giảm sự tân sinh mạch máu ở khối u và ngăn cản quá trình xâm lấn và di căn của tế bào ung thư.
Tác dụng tạo máu
Cỏ máu có thể kích hoạt các tế bào tạo máu và hồng cầu, phục hồi môi trường vi mô của tủy xương. Dịch chiết Cỏ máu cũng thúc đẩy quá trình tạo máu bằng cách kích hoạt sự biệt hóa các tế bào gốc trong hệ tạo máu.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng hàng ngày 10 – 15g, sắc nước hoặc ngâm rượu uống.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa thiếu máu hư lao
Cỏ máu 200 – 300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 – 10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc Thục địa, Đan sâm, Hà thủ ô liều lượng bằng nhau. Ngoài ra, có thể dùng cao đặc cô từ nhựa cây, mỗi ngày 2 – 4g, pha với rượu uống.
Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương
Cỏ máu, cây Mua núi, rễ Gối hạc mỗi thứ 12g, rễ Phòng kỷ, vỏ thân cây Ngũ gia bì 10g, Dây đau xương 10g. Tất cả phơi khô tán nhỏ, sắc với 400ml còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa kinh nguyệt không đều
Bài 1: Cỏ máu 10g, Tô mộc 5g, Nghệ vàng 4g, sắc uống 2 lần trong ngày. Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai.
Bài 2 (bài thuốc dân gian của Trung Quốc): Cỏ máu 1000g, Đan sâm 30g, Huyền hồ 20g, Đương quy 20g, Sa nhân 10g, Nhục quế 10g, Câu kỷ 30g, Hoàng kỳ 500g, Thiên niên kiện 150g, Liên nhục 500g, Thiên ma 20g, Ngưu tất 30g, Khương hoạt 20g, Mộc hương 20g, Uy linh tiên 60g, Đỗ trọng 30g, Đại táo 500g, đường trắng 500g.
Đem Cỏ máu ngâm trong nước nóng khuấy đều cho nhựa mủ tan vào nước, vớt bã lấy nước, cho thêm nước nóng vào bã ngâm lần 2 rồi gộp 2 nước ngâm lại. Các dược liệu còn lại sắc làm 2 lần rồi gộp lại chung với nước ngâm Cỏ máu. Cô đặc dịch chiết bằng lửa nhỏ, khuấy đều để nhựa không bám vào đáy nồi, đến khi bọt nổi trên bề mặt thì cho đường hòa tan vào. Đổ vào khuôn cho cao đông cứng lại, cắt thành miếng khoảng 30g. Ngày dùng một miếng.
Chữa cam tích trẻ em, giun đũa, giun kim (bài thuốc dân gian Trung Quốc)
Cỏ máu, Hồng thạch nhĩ mỗi thứ 15g, nghiền thành bột, trộn với đường trắng uống.
Chữa viêm ruột thừa giai đoạn đầu, chưa mưng mủ (bài thuốc dân gian Trung Quốc)
Cỏ máu 30g, Tử hoa địa đinh, Liên kiều, Kim ngân hoa mỗi thứ 15g, Một dược, Nhũ hương, Đơn bì, Diên hồ sách mỗi thứ 10g, Cam thảo 5g. Sắc nước uống.
Lưu ý
Một số lưu ý cần chú ý khi sử dụng Cỏ máu:
- Do có tính hành huyết, dễ gây động thai nên tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai.
- Thận trọng trên người có cơ địa dị ứng.
- Do dược liệu có chứa nhiều nhựa mủ, dễ bị nấm mốc và nhiễm khuẩn nên phải lựa chọn nguồn dược liệu chất lượng để sử dụng làm thuốc.
- Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài vì có thể gây khô miệng, táo bón.
Cỏ máu là một loài thực vật khá thú vị với nguồn tài nguyên phong phú ở nước ta. Tuy nhiên, dược liệu có tính hành huyết, nên cần cẩn trọng khi sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ chảy máu cao, và không được sử dụng cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, cây có tính ấm, sử dụng lâu ngày có thể gây tích nhiệt trong cơ thể với các biểu hiện táo bón, khô miệng, nóng trong người. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nhất là với những người có vấn đề về hệ tiêu hóa như đầy trướng bụng, tiêu lỏng.
Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng cây Cỏ máu làm thuốc. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi hy vọng nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở các bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
- Võ Văn Chi (1997). Từ điển cây thuốc Việt Nam Tập 1. Nhà Xuất bản Y học.
- Viện dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
- Zhang, F.; Ganesan, K.; Liu, Q.; Chen, J. A Review of the Pharmacological Potential of Spatholobus suberectus Dunn on Cancer Cells 2022, 11, 2885. https://doi.org/10.3390/cells11182885
- Characterization of flavonoids in Millettia nitida var. hirsutissima by HPLC/DAD/ESI-MSn: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2095177911000360
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.