Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Dây thìa canh: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Dây thìa canh sao khô thường được người dân sử dụng để pha với nước ấm và uống mỗi ngày nhằm phòng chống và cải thiện bệnh tiểu đường, đồng thời giúp điều hòa mỡ máu.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng việt: Dây thìa canh.
Tên khác: Dây muôi.
Tên khoa học: Gymnema Sylvestre (Retz.) R. Br. Ex Schult.. Họ: Thiên lý – Asclepiadoideae.
Đặc điểm tự nhiên
Dây thìa canh là loại dây leo có chiều cao khoảng 6 – 10m. Cây có nhựa mủ màu trắng, thân có các lóng dài khoảng 8 – 12cm, đường kính 3mm và có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục xoan ngược thon dài dài 6 – 7cm, rộng 2,5 – 5cm, đầu nhọn, có mũi, gân bên 4 – 6 đôi, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5 – 8mm. Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12 – 15mm. Đài có lông mịn và rìa lông, tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ 5 răng. Quả đại có chiều dài 5,5cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3cm.
Mọc leo lên các bờ bụi, hàng rào. Mùa hoa quả tháng 7 – 8.
Phân bố, thu hái, chế biến
Dây thìa canh được tìm thấy ở nhiều nước như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nuven, Caledoni. Tại nước ta, cây có ở các tỉnh Kon Tum, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Dây, lá.
Thành phần hoá học
Dây thìa canh chứa một chất glucosidic là acid gymnemic, rất gần với acid chrysophanic nhưng khác về một số chất. Lá chứa những hợp chất hữu cơ, 2-hydrat carbon, chlorophylle a và b, phytol, nhựa, acid tartric, inositol, các hợp chất anthrax -quinoic và acid gymnemic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Lá và acid gymnemic không có tác dụng kháng khuẩn. Tác dụng độc của nó biểu hiện bởi các trạng thái làm ăn kém ngon, tiêu chảy, suy nhược. Nó kích thích tim và hệ thống tuần hoàn, gây bài tiết nước tiểu. Thuốc có tác dụng gián tiếp lên sự tiết insulin của tụy tạng, làm giảm glucose – niệu, làm mất vị ngọt của đường và các vị đắng của thuốc đắng trong một vài giờ. Lá cũng có tính chất nhuận tràng do có các dẫn xuất anthraquinon; còn có tính gây nôn. Rễ cũng có tác dụng gây nôn và long đờm.
Dây thìa canh thường dùng trị đái tháo đường, với liều 4g lá khô đủ để làm ngưng glucose – niệu. Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hóa, tán thành bột để chống độc.
Ở Ấn Độ và Trung Quốc, Dây thìa canh là vị thuốc chữa trị rắn độc cắn rất hiệu quả. Ngoài ra, rễ cây còn được dùng chữa phong thấp, trĩ, các vết thương do dao, đạn và diệt chấy rận.
Theo y học hiện đại
Tác dụng điều hòa đường huyết và làm giảm đường huyết
Tác dụng điều hòa đường huyết của Dây thìa canh là nhờ có chứa acid gymnemic. Theo các nghiên cứu, acid gymnemic có tác dụng tái taọ tế bào β của tuyến tụy – tế bào tiết insulin. Đồng thời, acid gymnemic có thể ức chế sự hấp thu glucose ở ruột, giảm lượng đường cơ thể hấp thu.
Tác dụng giảm mỡ máu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Chiết xuất từ Dây thìa canh có chứa nhiều hoạt chất saponin nên có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, tăng HDL, chống oxy hóa nên giảm được gốc tự do nhờ đó cải thiện tình trạng mỡ máu, giảm nguy cơ về các bệnh tim mạch.
Liều dùng & cách dùng
Mỗi ngày nên dùng 50g Dây thìa canh khô đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút và uống 3 lần/ ngày sau bữa ăn 15 – 20 phút.
Dây thìa canh thích hợp dùng cho cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và 2.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa bệnh tiểu đường
Nguyên liệu: Dây thìa canh khô 50g, 1 ấm đun nước, 1 bình giữ nhiệt
Chế biến: Đem thìa canh đi rửa sạch rồi cho vào ấm, thêm 1,5 lít nước, đun sôi. Sau khi đun sôi nên duy trì lửa nhỏ 15 phút hoặc hơn cho đến khi thấy nước cạn còn một nửa thì tắt bếp, lọc lấy nước và sử dụng.
Cách dùng: Để hạ dường huyết và hạn chế kích ứng dạ dày bệnh nhân nên uống thuốc sắc từ Dây thìa canh sau ăn.
Lưu ý
Dây thìa canh là một dược liệu có nhiều tác dụng quý. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của dược liệu đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn Tham Khảo:
Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Tra cứu dược liệu: Dây thìa canh, https://tracuuduoclieu.vn/day-thia-canh.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.