Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Diếp cá: Loại rau có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Trong đời sống hằng ngày, Diếp cá không chỉ dùng để kết hợp với một số món ăn mà còn có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Diếp cá.
Tên khác: Lá giấp; rau Giấp cá; Ngư tinh thảo; thuộc họ Lá giấp.
Tên khoa học:Herba Houttuyniae cordatae. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Saururaceae (Giấp cá).
Đặc điểm tự nhiên
Diếp cá là loài cây thảo, sống lâu năm, cao 20 – 40 cm. Cây có thân ngầm màu trắng ít lông, mọc bò ngang trong đất, rễ mọc ra từ các mấu. Thân nhẵn mọc đứng, màu tím đỏ hoặc xanh lục. Cuống lá dài, hình trụ tròn, có bẹ. Lá hình tim hoặc đầu nhọn xếp so le; mặt trên của lá màu lục sẫm, mặt dưới màu tím, dọc theo gân của cả 2 mặt lá có ít lông; lá kèm cũng có lông ở mép. Lá có 7 gân chính mọc toả từ cuống.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 2 – 2,5cm, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt, tổng bao gồm 4 lá bắc màu trắng giống cánh hoa, hoa nhị 3 và không có bao.
Quả Diếp cá thuộc loại quả nang, mở ở đỉnh; hạt hình trái xoan. Toàn cây Diếp cá có mùi tanh giống cá.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.
Phân bố, thu hái, chế biến
Thế giới: Diếp cá phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới của châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Chi Houttuynia Thunb. của họ Saururaceae chỉ có duy nhất loài này.
Việt Nam: Diếp cá mọc hoang khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi (độ cao lên đến 1500m như ở Sa Pa). Ngoài ra, cây còn được trồng để làm thuốc và làm rau. Diếp cá rất dễ trồng, thường mọc ở đất ẩm và nhiều mùn. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, có khả năng tái sinh chồi mạnh từ thân rễ. Cây ra hoa quả hàng năm trên những ngọn không bị ngắt và hái lá thường xuyên.
Thu hái: Thu hái lá Diếp cá quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa hạ, khi cây sinh trưởng mạnh nhất. Cắt lấy phần trên mặt đất của Diếp cá lúc trời khô ráo, giũ bớt đất cát, bỏ gốc rễ, phơi hoặc sấy khô nhẹ.
Chế biến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô.
Bảo quản: Nơi khô mát.
Bộ phận sử dụng
Toàn bộ phận trên mặt đất của cây.
Thành phần hoá học
Toàn thân cây Diếp cá chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu bao gồm:
Chất không có tác dụng kháng khuẩn: Nhóm chức aldehyd và các dẫn xuất ceton như 1-decanal, 1-dodecanal, methyl-n-nonyl ceton.
Chất có tác dụng kháng khuẩn: 3-oxododecanal.
Nhóm terpen: Pinen, limonen, camphen, bornyl acetat, linalol, geraniol, myrcen và caryophylen.
Trong tinh dầu Diếp cá còn chứa acid caprinic, aldehyde capric, acid coleic, acid clorogenic, acid stearic, lipid, vitamin K…
Một số chất khác cũng được phân lập từ lá Diếp cá như cordalin, 3 – sitosterol và các flavonoid (quercitrin, hyperin, isoquercitrin, rutin và afzelin).
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị quy kinh: Diếp cá có vị hăng, chua, cay; mùi tanh giống cá, tính mát; quy vào kinh Phế; có tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, lợi tiểu, được dùng trong điều trị mụn nhọt, kinh nguyệt không đều.
Trong dân gian, người ta dùng cây Diếp cá để chữa tình trạng tụ máu như đau mắt (giã nhỏ lá và đắp lên hai mắt khi ngủ) hoặc trong bệnh trĩ lòi dom (sắc 6 – 12g Diếp cá để uống đồng thời sắc nước để xông và rửa).
Theo y học hiện đại
Tính kháng khuẩn, virus và nấm
Tinh dầu trong Diếp cá có khả năng ức chế nhiều loại loại vi khuẩn, virus và vi nấm gây bệnh: HIV chủng 1 ở người (HIV-1), herpes (HSV-1), trực khuẩn lỵ, virus gây bệnh cúm, liên cầu khuẩn tan huyết, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, nấm…
Theo nghiên cứu vào năm 2003 tại Trung Quốc, chiết xuất từ Diếp cá có thể ức chế virus SARS gây ra Hội chứng hô hấp cấp nặng.
Diếp cá cũng được thử nghiệm trong điều trị loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh và cho kết quả khả quan.
Các flavonoid trong Diếp cá ức chế men polyphenoloxydase và catalase – thường có hoạt tính tăng cao khi cơ thể bị viêm cấp hoặc mạn tính.
Tác dụng ức chế histamin và acetylcholin
Hoạt chất trong Diếp cá có tác dụng đối kháng histamin và acetylcholin, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn của ruột.
Trong một thí nghiệm, động vật được tiêm liều độc gây chết nọc rắn hổ mang (gây vỡ dưỡng bào và giải phóng histamin và một số chất trung gian hoá học khác), sau đó dùng dịch chiết Diếp cá. Kết quả cho thấy, Diếp cá giúp kéo dài thời gian cầm cự hoặc tăng tỷ lệ sống còn của động vật thử thuốc so với đối chứng, chứng minh hoạt tính chống độc và chống dị ứng của cây.
Trong tác dụng lợi tiểu
Diếp cá chứa hoạt chất quercitrin có tác dụng lợi tiểu mạnh, giúp thanh lọc cơ thể cơ thể, đào thải độc tố tích tụ ra ngoài.
Trong tác dụng an thần
Một số chất trong Diếp cá có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, ức chế vận động tự phát, ức chế co giật gây do strychnin và kéo dài thời gian gây ngủ của barbiturat trong các nghiên cứu trên động vật.
Liều dùng & cách dùng
Đường uống:
Dược liệu khô: Sắc lấy nước 15 – 25g/ngày.
Dược liệu tươi: 30 – 50g/ngày sắc tươi hoặc giã vắt lấy nước.
Dùng ngoài:
Sắc lấy nước để xông hoặc rửa vết thương; hoặc giã nát rồi đắp lên vùng cần điều trị.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị đơn sưng của người lớn và trẻ em (Nam dược thần hiệu)
Lấy 15g mỗi vị thuốc sau: Diếp cá, Cải rừng, Dưa chuột, Đơn đỏ, Huyết dụ, Khế, Mía dò, Nhài, Nhọ nồi, Xương sông; có thể thêm 3 miếng Bí đao, 3 lá Xích hoa xà 3 lá và 3 miếng củ Nâu. Tất cả giã nát, thêm nước vào, vắt lấy nước uống và đắp bã lên chỗ sưng.
Trị trĩ
- Chữa trĩ gây đau nhức: Nấu nước lá Diếp cá để ngâm rửa (dùng lúc còn nóng), và đắp bã lá vào chỗ đau.
- Chữa trĩ lòi dom: Hoà tan muối natri hoặc muối ăn trong nước và rửa chỗ trĩ. Sau đó, giã nát lá Diếp cá giã nát, đắp vào chỗ trĩ và băng lại.
- Chữa trĩ ra máu: Sấy khô 2kg cây Diếp cá và 1kg Bạch cập, tán bột. Uống 6 – 12g/ngày ngày, chia thành 2 – 3 lần.
Chữa viêm tai giữa
Sắc các vị Diếp cá phơi khô 20g và 10 quả Táo đỏ với 600ml nước còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Chữa viêm tắc tia sữa
Giã nát 30g mỗi vị: Lá Diếp cá và lá cải trời tươi, thêm nước sôi rồi vắt lấy nước uống. Chưng bã thuốc với giấm và đắp lên ngực.
Chữa sài giật ở trẻ em
Giã nát 6 – 12g lá Diếp cá, 2g quả Xuyên tiêu, 6g củ Sả, thêm nước. Gạn uống và đắp bã lên hai bên thái dương.
Chữa trẻ lên sởi
Sao rau Diếp cá, sắc với nước và cho trẻ uống.
Chữa viêm ruột, kiết lỵ
Sắc 20g Diếp cá 20g, 8g Hoàng bá và 16g Xuyên tâm liên với nước và chia thành 2 lần uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ
Tán mịn 50g Diếp cá, 150g hồi đầu thảo và vỏ quả dừa (đã đốt tồn tính); đóng 25g bột dược liệu vào mỗi gói. Người lớn uống mỗi ngày 1 gói và chia thành 2 – 3 lần, trẻ em dùng nửa liều người lớn.
Chữa viêm phổi
Bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang gia vị: Sắc uống mỗi ngày một thang chứa các vị thuốc sau: Diếp cá 20g, Cam thảo 6g, Hạnh nhân 12g, Hoàng liên 12g, Hoàng cầm 12g, Kim ngân 20g, Lô can 20g, Liên kiểu 16g, Ma hoàng 8g, Thạch cao 40g.
Thêm đình Lịch tử 12g, Tang bạch bì 12g nếu bị khó thở, đờm nhiều.
Thêm Bạch mao căn 12g nếu bị ho ra máu.
Chữa áp xe phổi
Bài thuốc Thiên kim vĩ hành thang: Sắc uống mỗi ngày một thang chứa các vị thuốc sau: Diếp cá 40g, Bồ công anh 40g, Cát cánh 6g, Đào nhân 12g, Đông qua nhân 16g, Kim ngân 20g, Liên kiều 16g, Vĩ hành (bông lau) 12g, Ý dĩ 16g.
Thêm đình Lịch tử 12g, Tang bạch bì 12g nếu bị khó thở, đờm nhiều.
Thêm Chí tử sao 12g và Đan bì 12g nếu bị ho ra máu nhiều.
Chữa trĩ thể thấp nhiệt hoặc trĩ ngoại bội nhiễm
Diếp cá 16g, Kim ngân 16g, Hoàng đẳng 12g, hoa Hoè 12g, Chi tử sao đen 12g, Kinh giới 12g, Chỉ xác 8g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa sởi chưa mọc (khi chưa phát sốt)
Sắc 16g lá Diếp cá 16g, 12g Cam thảo đất, 16g rau Dệu; uống 3 lần/ngày.
Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn
Sắc Diếp cá 16g, Chi tử 8g, Hy thiên 16g, Ké đầu ngựa 16g, Kim ngân hoa 16 g, Mạch môn 12g; uống 1 thang/ngày.
Tân di thanh phế âm gia giảm:
Sắc Diếp cá 20g, Hoàng cầm 12g, Kim ngân hoa 16g, Mạch môn 12g, Sơn chỉ 12g, Thạch cao 40g, Tân di 12g, Tri mẫu 12g; uống 1 thang/ngày. Nếu bệnh nhân bị sốt, nhức đầu, sợ lạnh bỏ bớt 2 vị thuốc Hoàng cầm, Mạch môn và thêm 12g Bạc hà, 12g Ngưu hoàng tử.
Lưu ý
Không nên dùng Diếp cá cho bệnh nhân bị sung huyết não và mất ngủ.
Diếp cá là loài cây được dùng làm rau sống, thường xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Diếp cá có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam V.
Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”.
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/diep-ca.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.