Tên Tiếng Việt: Dứa Nam Mỹ
Tên khác: Dứa sợi Mỹ; Agave americana; American Agave; American Aloe; Amerikanische Agave; Century Plant; Garingboom; Hundertjährige Agave; Maguey; Pita Común; Pite; Spreading Century Plant; Wild Century Plant
Tên khoa học: Agave americana L..Thuộc họ Thùa – Agavaceae.
Dứa bà là một loại cây thân rễ, phần thân trên mặt đất ngắn. Một cây có khoảng 30 – 50 lá, mọng nước, nặng 1,5 kg. Lá cây hình kiếm, chiều dài từ 1,2 – 1,5 m, rộng 13 cm. Lá có gai to, nhọn cứng, rắn ở ngọn lá và rìa lá. Sau nhiều năm, ở giữa vòng lá mọc một trục lớn. Trục lớn này có khi cao tới 10 m, chứa hàng nghìn hoa. Hoa màu xanh, nhị nhô ra ngoài.
Dứa bà có nguồn gốc từ Châu Mỹ, được trồng nhiều ở các nước Tanganika, Kenya, Angola, Brazil, Mehico,… Hiện nay, cây đã được du nhập vào nhiều nước ở châu Á, châu Phi, vùng có khí hậu khô hạn.
Cây dứa bà có thể thu hoạch lá sau 3 năm trồng. Một năm có thể thu hoạch từ 1 – 3 lần trong một năm, trong vòng 5 – 6 năm. Sau đó, cây cần được trồng lại. Ở các nước miền Đông châu Phi, ngành khai thác sợi từ lá dứa để làm thảm, bện dây thừng, dệt vải thô, làm bao tải,… phát triển mạnh. Tại các nước này, mỗi năm có thể khai thác tới 10 vạn tấn sợi dứa bà. Ngoài ra, thân có lõi có thể dùng làm nút chai.
Dịch ép lá dứa bà có vị ngọt được làm thành một thứ rượu nổi tiếng ở Mehico. Nếu rượu này làm bằng phương pháp lên men thì được gọi là rượu punco (pulque) còn có tên là “vang dứa bà” (vin d’agave), còn nếu làm bằng cách chưng cất thì được rượu gọi là rượu mescal.
Bộ phận sử dụng của cây dứa Nam Mỹ bao gồm: Rễ, thân, lá.
Thành phần trong lá dứa bà gồm các loại đường khử, sacacrose, chất nhầy, vitamin C và các saponin, steroid (hecogenin và tigogenin chiếm phần lớn). Theo Dawidar và Fayez (1961), hàm lượng hecogenin cao nhất trong lá cây trổ hoa (0,23%), sau đó đến lá trưởng thành (0,17%), cuối cùng là trong lá non và củ trên cán hoa (0,07%). Tigogenin có nhiều trong lá non và củ trên cán hoa.
Hecogenin là nguyên liệu để bán tổng hợp các thuốc corticoid. Hiện nay, việc tách chiết hecogenin từ dứa Nam Mỹ đang được nghiên cứu. Người ta lấy cao mềm hoặc dịch nước ép từ dứa Nam mỹ đem thủy phân rồi dùng dung môi heptan nóng hoặc butanol bão hòa nước để tách chiết hecogenin, tigogenin vác các saponin khác. Sau đó, đem tinh chế để thu được hecogenin và tigogenin tinh khiết.
Năm 1974, Ngô Vân Thu và cộng sự (Dược học, 1974, 6, 4 – 7) đã chiết được hecogenin toàn phần từ lá cây dứa Nam Mỹ tươi trồng ở Bắc Ninh với hiệu suất là 0,03%.
Dứa Nam Mỹ chủ yếu được trồng để làm cảnh, hoặc lấy sợi. Một số nghiên cứu dùng dứa Nam Mỹ làm nguyên liệu chiết hecogenin để từ đó bán tổng hợp thuốc corticoid.
Ở một số vùng, người dân dùng:
Nước sắc lá cây dứa Nam Mỹ chữa sốt.
Thân và lá phơi khô, thái nhỏ ngâm rượu uống giúp cải thiện tiêu hoá, chữa đau nhức, thấp khớp.
Lá rửa sạch, giã nát đắp lên vết loét, vết thương.
Năm 2021, các nhà khoa khoa học nghiên cứu thấy sợi nanocelloluse chiết xuất từ dứa Nam Mỹ có tiềm năng cao như một nguồn nhiên liệu xanh mới của vật liệu nano tương thích tế bào trong các ứng dụng y sinh.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà liều dùng, cách dùng dược liệu sẽ khác nhau.
Theo kinh nghiệm nhân dân:
Rễ cây dứa bà thái mỏng phơi hay sao vàng. Cân đủ 100g, thêm vào 1 lít rượu 30o, ngâm trong 15 hôm đến 1 tháng. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 – 2 thìa nhỏ (5 – 10 mL). Giúp sự tiêu hoá, chữa đau nhức, thấp khớp.
Lá dứa bà phơi khô, thái nhỏ, sắc uống chữa sốt, tiểu tiện khó.
Nhựa lá hoặc rễ dứa bà giã nát, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng.
Dùng ngoài, lá dứa giã nát, đắp lên những ứ huyết, vết thương lở loét.
Ở Trung Quốc, cây dứa bà được dùng làm thuốc trừ sâu.
Ở Lào và Campuchia, nhựa lá là thuốc lợi tiểu, nhuận tràng. Lõi thân được dùng chữa sốt, đắp ngoài chữa vết sưng đau.
Ở Italia, dịch ép lá dứa bà chữa vết thương và ở Peru, nước sắc lá dứa bà làm tan máu và cũng chữa vết thương.
Hỗ trợ điều trị lao phổi, chữa ho, thổ huyết: Lá dứa bà 30 g, ngó sen 20 g, bách bộ 12 g, bạch cập 8 g; sắc nước uống.
Trị suyễn thở, ho do phế nhiệt khái thấu: Lá dứa bà 30 g, kim ngân hoa 12 g; sắc nước uống.
Dứa Nam Mỹ là một dược liệu có nhiều tác dụng quý. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng và kiểm soát rủi ro, các tác dụng không mong muốn của dược liệu với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.
Nguồn Tham Khảo:
1. Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội. Dứa bà (trang 698 – 699).
2. Đỗ Tất Lợi (2004). Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Tái bản lần XII), Nhà Xuất bản Y học, Hà Nội. Dứa bà (Trang 278 – 279).
3. Evdokimova, O.L., Alves, C.S., Krsmanović Whiffen, R.M. et al. Cytocompatible cellulose nanofibers from invasive plant species Agave americana L. and Ricinus communis L.: a renewable green source of highly crystalline nanocellulose. J. Zhejiang Univ. Sci. B 22, 450–461 (2021). //doi.org/10.1631/jzus.B2000683
4. Tra cứu dược liệu: Dứa bà, //tracuuduoclieu.vn/dua-ba.html, Xem 17/10/2021.
5. //www.plantsoftheworldonline.org/taxon/urn:lsid:ipni.org:names:319063-2 Xem 17/10/2021.
6. Thông tin thuốc: < //thongtinthuoc.org/dua-ba.html> xem 17/10/2021.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.