Tên tiếng Việt: Duối.
Tên khác: Ruối, Hoàng oanh mộc, Mạy sói (Tày), Buk khu (Bana), Stamese rough – bush (Anh).
Tên khoa học: Streblus asper Lour., thuộc họ Dâu tằm Moraceae.
Cây nhỏ, dạng bụi. Cây có thể cao tới 4 – 8m, cành mang hoa gầy. Thân và cành hình trụ, khúc khuỷu, vỏ sần sùi, màu xám, chứa nhựa mủ trắng. Cành non mảnh có lông tơ. Lá hình trứng, dài 3 – 7 cm, rộng 12 – 35 mm, gốc thuôn tròn hoặc hơi hình tim, đầu tù hơi nhọn, mép có răng cưa, cứng, nhám, không có lông, gân nổi rõ; lá kèm hình tam giác; cuống rất ngắn có lông.
Hoa đực cái khác gốc, hoa đực họp thành đầu có cuống, mang 10 – 12 hoa xếp rất sít nhau, đính phía dưới những cành ngắn; hoa có 4 lá đài dính ở gốc và có lông, nhị 4, xếp đối diện với lá đài; hoa cái mọc đơn độc trên một cuống, đài có 4 răng bao kín bầu nhẵn.
Quả thịt, màu vàng nhạt, to bằng hạt tiêu, hơi nổi lên giữa đài.
Mùa hoa quả: Tháng 6 – 11.
Streblus Lour. là chi tương đối điển hình ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương và có thể cả châu Phi. Ở Việt Nam có 9 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997). Ruối là một cây mọc rất phổ biến và được trồng ở khắp các tỉnh trong nước ta để làm hàng rào do có nhiều cành chằng chịt với nhau. Còn mọc ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Philippin và hầu hết các nước khác ở vùng Đông Nam Á. Cây cũng phân bố tương đối phổ biến ở Việt Nam, từ vùng núi thấp khoảng 500m trở xuống đến tất cả các tỉnh ở vùng trung du và đồng bằng. Cây mọc tự nhiên thường thấy ở đồi, bờ nương rẫy hay trong các lụm bụi quanh làng. Ruối còn được trồng ở khắp nơi để làm hàng rào hoặc làm cảnh. Do khả năng tái sinh cây chồi khỏe, đặc biệt là có thể mọc ra nhiều chồi trên những cành còn lại sau khi bị cắt, nên người ta dễ dàng tạo dáng cho cây.
Duối là cây ưa sáng và chịu hạn tốt, ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cành bánh tẻ và cây chồi rễ thường được sử dụng để nhân trồng.
Người ta dùng lá thân, rễ tươi và khô, thu hái gần như quanh năm. Nhựa ruối cũng được dùng.
Vỏ rễ, vỏ thân, lá và nhựa mủ.
Trong nhựa mủ duối có nhựa (Resin) và một ít cao su. Trong nhựa mủ đã đông đặc, tỷ lệ nhựa tới 76% và cao su là 23%.
Duối chứa asperosid và streblosid (Singh Som N. và cs. 1994; CA. 121: 99.147 e). Ngoài ra còn có một pregnan glycosid gọi là siorasid.
Theo Chawia A S và cs. 1990, phần trên mặt đất của cây duối chứa n-triacontan, tetracontan-3-on, β-sitosterol, betulin và acid oleanolic.
Duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu, sát trùng. Người ta nhận thấy chất đắng của vỏ có tác dụng đối với cơ tim tương tự như adrenalin. Streblosid có thể so sánh với digitoxin.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, người ta dùng nhánh cây con để làm bàn chải làm sạch răng và chữa chảy mủ lợi.
Ruối còn gọi là một vị thuốc dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân. Nhân dân thường dùng nhựa ruối dán lên hai bên thái dương chữa nhức đầu. Nhựa mủ của ruối có tác dụng làm đông sữa. Cành và rễ thái mỏng sắc uống được dùng làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng.
Vỏ ruối ngậm chữa sâu răng, đau họng. Nhân dân Campuchia còn dùng rễ ruối phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa ho, chữa lao phổi. Ấn Độ dùng vỏ ruối sắc uống chữa sốt, đi ỉa lỏng, lỵ. Có thể dùng dưới dạng sấy vỏ khô, tán nhỏ mà uống.
Cả cây duối trừ rễ có tác dụng ức chế sự phát triển của carcinom dạng biểu bì của mũi – họng người trong nuôi cấy mô. Thử nghiệm lâm sàng ban đầu trên 296 bệnh nhân có bệnh giun chỉ phù bạch huyết, tiếp theo là việc sử dụng rộng rãi trên lâm sàng trên 5.000 bệnh nhân giun chỉ ở Ấn Độ ở những giai đoạn khác nhau của bệnh, thấy vỏ thân cây duối chữa khỏi và đỡ với tỷ lệ 90 – 100% bệnh giun chỉ ở mức độ bệnh khác nhau. Thuốc cũng có tác dụng làm hết nghẽn mạch bạch huyết do bệnh giun chỉ. Vỏ rễ có chứa glycosid có tác dụng trợ tim.
Nhân dân Campuchia còn dùng rễ duối phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa ho, lao phổi. Lá được dùng làm thuốc lợi sữa, bột nhão lá đắp vào chỗ sưng tấy, hạch sưng, và để làm ngừng sự thoát mồ hôi quá mức. Nước hãm lá có thể thay nước chè. Thuốc đắp từ rễ trị loét, sưng tấy và nhọt. Rễ tán bột uống trị lỵ, nước sắc rễ trị giang mai, nước sắc vỏ cây trị sốt, lỵ, tiêu chảy và sát trùng vết thương. Nhựa mủ có dụng làm săn và sát trùng, trị đau gót chân, bàn tay nứt nẻ, sưng tuyến và bôi thái dương để an thần trị đau dây thần kinh.
Nhiều bộ phận được dùng làm thuốc:
Lá duối: Chữa trâu bò đau bụng ỉa chảy và xoa bóp chữa bại liệt; còn dùng chữa nắng nóng. Lá sao vàng chữa băng huyết, kiết lỵ. Lá non giã đắp trị vết thương chảy máu (thêm ít vôi tôi).
Nhựa mủ duối dùng dán 2 bên thái dương chữa nhức đầu; cũng dùng chữa đinh sang, lở chốc.
Vỏ duối dùng chữa sâu răng, đau bụng, sốt, đi ỉa chảy, lỵ, trị được ho và lao phổi, phong thấp đau nhức, chó dữ cắn và đáp bó chữa gãy xương.
Cành và rễ thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng. Vỏ rễ chữa đái đục, bí đái.
Hạt duối chữa chảy máu cam, trĩ và tiêu chảy. Dùng ngoài, bột nhão từ hạt trị bệnh bạch biến.
Chữa lỵ: Hằng ngày dùng 15g đến 20g (có thể dùng tới 50g) dưới dạng thuốc sắc.
Người lớn có thể dùng tới 100 – 150g.
Vỏ rễ chữa đái đục, bí đái. Liều dùng 12-20g dưới dạng thuốc sắc để uống và ngậm. Dùng ngoài lấy lượng vừa đủ.
Mặc dầu có những tài liệu nghiên cứu dược lý kể trên, thực tế lâm sàng không thấy có triệu chứng độc trong và sau khi uống thuốc. Thời gian điều trị thường từ 5 – 7 ngày là khỏi. Dùng riêng hoặc phối hợp với vị rau sam.
Quả ngọt của cây duối ăn được. Theo kinh nghiệm dân gian, nhựa duối dán vào hai bên thái dương chữa nhức đầu. Cành và rễ thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng. Vỏ duối sắc ngậm chữa sâu răng, đau họng. Vỏ rễ khô thái nhỏ sao vàng với liều 10 – 40g mỗi ngày, sắc uống trong 5 – 7 ngày chữa sốt rét.
Người ta còn dùng vỏ duối chữa bệnh phong, chân voi; dịch ép vỏ cây, thêm đường uống, mỗi lần 3 thìa cà phê, ngày 3 lần, trong một tuần trị chứng giảm niêu. Để trị tiêu chảy, lấy khoảng 200g vỏ duối, sắc với 2 lít nước trong một giờ, mỗi lần uống 3 thìa cà phê, ngày 3 lần, trong một tuần.
Chữa phù thũng
Dùng lá Duối 12g, vỏ Bưởi (sao vàng) 12g, vỏ Quýt 12g, cây Bố rừng 12g, vỏ Tỏi 10g, củ Sả 10g. Đổ 600ml nước sắc còn 200ml, uống mỗi thang 2 nước trong 1 ngày.
Đái đục
Dùng vỏ rễ Duối, vỏ rễ Nhót, mỗi vị 20g, sắc uống.
Bó gãy xương
Dùng vỏ Duối giã nhỏ với lá Thanh táo, dây Tơ hồng và bẹ Chuối tiêu đắp bó.
Sâu răng
Dùng vỏ duối sắc đặc ngâm.
Vỏ duối, củ gấu, mỗi vị 30g, giã nát, ngâm rượu 70 độ trong 7 – 10 ngày. Dùng tăm bông tẩm thuốc đặt vào chỗ đau, ngày 2 – 3 lần.
Chữa nhức đầu, chóng mặt, sốt nóng, đái đỏ
Lá duối, củ ráy dại, mỗi vị 40g; lá cúc tần, lá cỏ xước, mỗi vị 20g; lá tre, lá tía tô, mỗi vị 10g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sao thơm, sắc uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa sốt rét, vàng da
Búp duối, búp tre, mỗi vị 40g; lá hàn the 12g, hoạt thạch 6g. Sắc uống.
Búp duối, lá chỉ thiên, lá trầu không non, liều lượng bằng nhau. Sắc uống.
Theo Copacdiuxki 1947 (Bull. Soc. Chimiebiologique số 29: 924 – 926) chất nhựa mủ của cỏ sữa có tính gây xót đối với niêm mạc và độc với cá và chuột.
Dung dịch cỏ sữa 1/20 đến 1/40 có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ Sonner, Flexne và Shiga.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- //tracuuduoclieu.vn/cay-ruoi.html.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.