Tên tiếng Việt:
Gấc (Hạt).
Tên khác:
Mộc miết tử.
Tên khoa học:
Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.
Họ: Cucurbitaceae (Bầu bí).
Gấc là loại thực vật dây leo, khô héo mỗi năm một lần nhưng từ gốc mọc ra nhiều thân mới vào mùa xuân năm sau. Mỗi gốc gồm nhiều dây, mỗi dây gồm nhiều đốt, mỗi đốt lại gồm nhiều lá. Lá Gấc mọc so le và chia thùy sâu khoảng nửa phiến. Phiến lá có đường kính khoảng 12 đến 20cm, gần về đáy lá có dạng hình tim, có màu xanh lục xám, sờ ram ráp ở mặt trên lá. Vào khoảng tháng 4,5, hoa nở có màu vàng nhạt.
Vào khoảng tháng 6, Gấc ra quả có hình dạng bầu dục với chiều dài 15cm, có nhiều gai mềm màu đỏ bên ngoài. Bên trong quả gấc có nhiều hạt bao bên ngoài là lớp áo gấc có màu đỏ máu rất đẹp; bên trong lớp màng là lớp vỏ có màu đen, khá cứng có nhân, chứa nhiều dầu. Quanh mép hạt có răng cưa, hạt có chiều dài khoảng 25-35mm, chiều rộng khoảng 19-31mm và chiều dày khoảng 5-10mm. Sở dĩ hạt gấc có tên là mộc miết tử (mộc là gỗ, miết là con ba ba) vì hình dạng của nó khá giống con ba ba nhỏ bằng gỗ.
Gấc là loại cây mọc hoang và trồng khắp nơi ở nước ta, chủ yếu là các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, Gấc còn thấy mọc ở các nước Philipin, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Gấc được trồng bằng hạt hoặc giâm cành vào khoảng tháng 2, 3 đầu năm. Sau khi trồng một năm sẽ thu hoạch được nhiều năm, mùa thu hoạch quả từ vào gần tháng 8 – 9 cuối năm đến hết tháng 1 – 2 đầu năm sau. Sau mùa thu hoạch cây gấc lụi đi, nảy chồi, mọc cây mới vào mùa xuân.
Quả Gấc sau khi hái về, bổ lấy nguyên cả hạt cùng lớp áo màu đỏ bao xung quanh hạt bên ngoài. Lớp màng phía ngoài hạt dùng để đồ nấu xôi với gạo nếp, chế dầu Gấc. Còn hạt đen cứng bên trong sau khi phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp (60-70°) thì dùng làm thuốc hoặc ép lấy dầu.
Hạt Gấc.
Theo nguồn tài liệu của F. Guichard và Đào Sĩ Chu, Hà Nội, 1941 thì trong nhân hạt Gấc có chứa 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường toàn bộ, 1,8% tanin, 2,8% xenlulose, 55,3% chất béo, 16,6% chất protit và 11,7% các chất không xác định khác. Ngoài ra còn chứa các men thủy phân như invectase, photphatase và peroxydase, một chất không tan trong ete dầu hỏa, trong ete etylic, tan trong cồn methylic và có những tính chất và cho các phản ứng của một saponin với chỉ số bọt 5.600, chỉ số chết cá 16.600, chỉ số phá huyết 62.500.
Ngoài ra hạt Gấc còn chứa một số chất vi lượng cần thiết cho cơ thể như kẽm (cần thiết cho những người bệnh gan), selenium (cần thiết để phòng chống ung thư), đồng, sắt, coban.
Không tìm thấy thông tin.
Thí nghiệm lâm sàng của Huard, Rivoalen, Grenierboley và Riou tại Hà Nội vào 1942 đã chứng minh dầu Gấc bôi lên các vết thương, vết loét có tác dụng như các thuốc vitamin A, giúp vết thương chóng lành, mau lên da non. Uống dầu gấc giúp bệnh nhân mau tăng cân.
Năm 1990, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lâm đã có thí nghiệm trên súc vật và bệnh nhân được báo cáo như sau: Chế phẩm dầu Gấc Cagavit giúp sửa chữa các hư hỏng của nhiễm sắc thể, các khuyết tật trên phôi thai do dioxin gây ra trên động vật. Ngoài ra, nó còn giúp phòng chống ung thư đối với người bị bệnh xơ gan, làm giảm hàm lượng AFP ở người bị bệnh gan mãn tính. Kết luận rằng có nhiều cơ sở khoa học tin rằng chế phẩm dầu Gấc hữu ích đối với người đã bị viêm gan virus B, người có nguy cơ bị bệnh ung thư gan, người phơi nhiễm với các hóa chất, tia xạ độc hại.
Hạt Gấc chỉ mới được dùng trong phạm vi dân gian mà chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo kinh nghiệm dân gian thì hạt Gấc có tác dụng trị mụn nhọt, tiêu thũng, dùng cho các đối tượng bị thương, sưng vú ở phụ nữ, hậu môn sưng thũng, sưng độc.
Từ năm 1942, người ta đã bắt đầu sử dụng dầu Gấc cho những đối tượng thiếu vitamin A hay caroten sau:
Bệnh chậm lớn ở trẻ em, biến chứng về mắt (khô mắt, quáng gà), làm mau lên da non trong những vết bỏng, vết thương. Nhu cầu về vitamin A đối với cơ thể người lớn là 1 – 2mg một ngày, trẻ con đang tuổi lớn 3,6 – 4,8mg, lúc có thai và đang nuôi con 3mg. Vì một số caroten bị cơ thể tích trữ lại nên nếu dùng caroten thì số lượng phải dùng gấp đôi.
Dầu Gấc dùng được cả uống trong và dùng ngoài nhưng chủ yếu vẫn dùng bôi ngoài. Nếu dùng uống trong thì ngày đầu dùng nhân nên được nướng chín. Còn nếu dùng bôi ngoài thì có thể dùng không kể liều lượng. Dùng trong liều 5 giọt/lần x 2 lần dùng trước 2 bữa ăn chính, có thể tăng lên tới 20 giọt. Đối với đối tượng là trẻ em chỉ nên dùng 5 đến 10 giọt trong ngày. Dầu Gấc dùng ngoài dưới dạng thuốc mỡ có 5 đến 10% dầu Gấc hoặc dưới dạng dầu nguyên chất để bôi vết bỏng.
Chữa trĩ lòi dom
Hạt Gấc đem giã thật nát, sau đó thêm một ít dấm thanh rồi gói bằng vải đắp vào nơi bị trĩ ở hậu môn để suốt đêm.
Chữa sưng vú
Hạt Gấc đem giã với một ít rượu (30-40°) đắp lên vùng bị sưng đau.
Hạt Gấc khi dùng có lưu ý là đối với một số người yếu gan nếu ăn nhiều dầu Gấc thì da sẽ có màu vàng. Khi đó có thể tạm ngưng một thời gian sẽ hết.
Nguồn Tham Khảo:
Tracuuduoclieu: //tracuuduoclieu.vn/hat-gac.html.
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Võ Văn Chi.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.