Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Giao: Dược liệu quý có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y cổ truyền cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Giao có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Phi và hiện nay được trồng ở khắp các vùng nhiệt đới khác. Ở khu vực Đông Nam Á, Giao có ở Indonesia, Philippin, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giao có công dụng chữa táo bón, liệt dương, bệnh ngoài da, đau răng, tê thấp, hắc lào (cả cây).
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Giao.
Tên khác: Cây Kim Dao; Cây xương khô; San hô xanh; Xương cá; Cây nọc rắn; Cây càng tôm; Càng cua; Cây xương khô; Thập nhị; Cây quỳnh cành giao…
Tên khoa học: Euphorbia tirucalli L., thuộc họ Euphorbiaceae (Thầu dầu).
Đặc điểm tự nhiên
Cây nhỡ, có thể cao tới 4 – 8 m. Thân cây to bằng cổ tay, cành hình trụ dài, màu lục, gần như mọc vòng, nhìn giống như cành san hô. Lá hẹp, rộng tầm 2 mm, dài khoảng 12 – 16 mm; mọc trên các cành nhỏ, thường rụng rất sớm.
Cụm hoa có bao chung, nhiều nhị, có 5 tuyến hình bầu dục, nhị nhiều; đầu nhụy hoa hình đầu và có 3 vòi chẻ đôi. Quả nang ít lông, có 3 mảnh lồi. Hạt hình trái xoan nhẵn.
Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Giao có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Phi và hiện này được trồng ở khắp các vùng nhiệt đới khác. Ở khu vực Đông Nam Á, giao có ở Indonesia, Philippin, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, giao cũng được trồng làm cảnh ở khắp nơi. Ở một số vùng đồi các tỉnh miền trung, hay ở núi đá vôi thấp thuộc tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, còn thấy cây mọc trong trạng thái hoang dại, có thể do trồng trọt trước đây.
Giao đặc biệt ưa sáng, chịu được nắng nóng và khô hạn. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất cát khô ven biển hay ở vùng đất bán hoang mạc cằn cỗi của Ninh Thuận. Giao ra hoa quả hàng năm, tuy nhiên hạt không đóng vai trò quan trọng trong việc nhân giống. Giao có khả năng tái sinh rất mạnh, từ một mẩu thân hoặc cành nếu được tiếp xúc với đất đều chóng mọc rễ và phát triển thành cây giao mới.
Giao thu hái cây quanh năm, có thể dùng tươi hay phơi, sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Toàn cây – Herba Euphorbiae Tirucalli.
Thành phần hoá học
Giao chứa các euphorbin A và F, cyclotirucanenol (24β – methyl – 9 β – 19 – cycloanost – 20 – en – 3β – ol).
Vỏ thân chứa cycloeucalenol và γ – taraxasteryl acetat.
Vỏ thân khô và tươi còn có euphorginol (taraxer – 14 – 6α – ol) và glut – 5 – en – 3β – ol và cycloart – 23 – en – 3β – 25 – diol.
Nhựa mủ cây chứa các diterpen tirucalicin 3, 7, 12 – tri – O – acetyl – 8 – isovaleryl – ingol, các chất diterpen ester là dẫn chất của các alcol ingenol, phorbol và resiniferonol, chất triterpen cycloeuphordenol (4α, 14α, 24β – trimethyl – 9β: 19 – cyclocholest – 20 – en – 3β – ol).
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Toàn cây có tính mát, vị cay, hơi chua và hơi có độc. Cả cây có tác dụng tiêu viêm, giải độc, thúc sữa, sát trùng, khử phong. Nhựa cây rất độc, để dính vào mắt có thể làm mù; nhựa còn gây phồng làm nóng đỏ, tẩy xổ và chống kích thích. Để ngoài ánh nắng mặt trời, nhựa cây sẽ khô đặc lại và khi ngâm trong nước sẽ cho loại nhựa như cao su.
Ở một số nước Đông Nam Á, thuốc đắp từ cành hoặc vỏ cây giao được dùng để trị gãy xương.
Ở Malaysia, dùng thuốc đắp từ cành cây hay rễ giã nát để trị sưng tấy, loét mũi và trĩ. Rễ nạo nhỏ, tròn với dầu dừa, uống trị đau dạ dày. Cao chiết từ cây có tác dụng kháng sinh.
Ở Indonesia, nhựa mủ cây giao được phết lên chân tay bị gãy để làm chất đỡ khi khô cứng lại.
Ở Ấn Độ, nhựa mủ đắp tại chỗ trị mụn cóc, thấp khớp, đau dây thần kinh, đau răng. Ngoài ra, giao còn dùng trị đau tai, ho, hen; với liều nhỏ cho tác dụng tẩy và với liều lớn cho tác dụng kích thích, gây nôn. Nước sắc từ rễ và cành non của giao được dùng trị đau dạ dày và đau bụng. Tro cây giao được dùng để làm vỡ áp xe.
Ở Madagascar, nhựa mủ cây giao được dùng để gây nôn và làm thuốc bả cá do có độc tính khi dùng quá liều.
Ở Tây Phi, nhựa mủ bôi chữa mụn cóc, thấp khớp và đau dây thần kinh.
Theo y học hiện đại
Tác dụng ức chế vi khuẩn: Cao ethanol của cành cây giao cho tác động ức chế trên vi khuẩn Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.
Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Thí nghiệm trên động vật sử dụng cao ethanol của lá cây, thân non, nhựa mủ cây giao, kết quả cho thấy giao có tác động chống co giật, ức chế thần kinh trung ương và giảm đau.
Cao cây giao có tác dụng làm tăng sự hoạt hóa các hệ gen tiềm tàng của virus Epstein – Barr (EBV) trong những nguyên bào lympho người gây bởi EBV và cả trên sự biến đổi tế bào lympho người gây bởi EBV.
Nước và đất lấy ở xung quanh cây có thể gây nguy hiểm cho người vì cũng cho tác dụng làm tăng sự hoạt hóa trên. Những diterpen ester dẫn chất của các resiniferonol, alcol ingenol và phorbol có trong nhựa mủ cây giao là những chất kích thích và gây ung thư.
Liều dùng & cách dùng
Cành và rễ cây giao dùng dưới dạng thuốc sắc; nhựa thường dùng bôi ngoài da.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa đau răng
Hái lấy chừng 50 g cành giao, rửa sạch, ngâm ngay vào trong 100 ml cồn 90°. Mỗi lần dùng 1 muỗng cà phê (khoảng 15 ml) cho vào cốc nước, ngậm trong miệng một chút rồi nhổ đi; ngậm 3 – 4 lần/ngày.
Chữa viêm xoang
Lấy cành giao đun với nước, trùm khăn rồi xông.
Chữa mụn thịt và mụn cóc
Chuẩn bị: Nhựa mủ cây giao (loại nhựa mới).
Thực hiện: Dùng tăm bông chấm mủ cây giao rồi thoa vào vùng có nốt mụn cóc, làm 2 – 3 lần/ngày.
Chú ý: Không sử dụng trên diện rộng, khoảng 1 tuần sẽ thấy mụn rơi ra.
Chữa bong gân và sưng tay chân
Lấy một nắm cành giao tươi, rửa sạch rồi để ráo nước, bọc trong bao nilon và giã nát, dùng đắp thuốc lên vị trí đang sưng đau.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Giao:
- Nhựa cây giao rất độc, để dính vào mắt có thể làm mù, cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng.
- Cây giao mang độc vì thế không nên sử dụng liều cao, ngay cả khi dùng ngoài.
- Đối với da mẫn cảm, sử dụng các bài thuốc từ mủ của cây có thể gây kích ứng da nặng (phồng rộp, phát ban, nổi mụn nước).
- Các bài thuốc từ cây giao còn có thể gây bỏng rát cổ họng, lưỡi, niêm mạc miệng, loét dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng.
Nguồn Tham Khảo:
1) Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/xuong-kho.html .
2) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 2.
3) Sở du lịch thành phố Hồ Chí Minh: http://sodulich.tphcm.gov.vn/web/wikiduoclieu/home/-/blogs/bai-thuoc-tu-cay-giao.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.