Tên Tiếng Việt: Giềng giềng, Gièng gièng, Cây lâm vố, Kok chăn, Cây hoa thơm, Dây máu.
Tên khác: Bastard teak, Bengal kino tree, flame of the forest, butea gum (Anh); buteé touffue, érythrine monosperme (Pháp).
Tên khoa học: Butea monosperma (Lam.) Taub. Họ: Fabaceae (Đậu).
Giềng giềng là cây gỗ cao 8 – 10m, có thân vặn vẹo và cành không đều. Vỏ dày loang lỗ như mốc trắng, màu xám nâu, có nhựa màu đỏ. Cành non có lông.
Lá giềng giềng to và là lá kép lông chim lẻ. Lá có cuống chung dài 12 – 20 cm, có rãnh ở giữa. Lá chét 3, dài 10 – 20 cm và không giống nhau. Lá chét cuối hình thoi – mắt chim. Các lá chét bên không cân, hình trái xoan hay trái xoan ngược, tù, mặt dưới có nhiều lông mềm, dày đặc. Lá kèm rất ngắn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài, thõng xuống. Lá bắc của cụm hoa dễ rụng. Hoa có màu vàng nhạt hoặc đỏ da cam sáng chói, cong, có lông mềm, xếp thành chuỳ dài hình trụ. Tràng hoa có cánh cờ rộng ngửa ra phía sau, cánh hoa bên hình liềm, cánh thìa hình nửa vòng tròn; bộ nhị hoa có nhị trên rời.
Quả đậu thuôn, tù ở hai đầu, rất mỏng, hơi có lông mềm màu trắng, có vân mạng, mép quả dày. Hạt màu đỏ, hình bầu dục rộng, nhẵn và phẳng.
Hoa thường mọc từ tháng 6 đến tháng 10.
Chi Butea Roxb có 2 loài ở Việt Nam, trong đó có cây giềng giềng. Cây ưa sáng, mọc ở chỗ trống trên các trảng cây bụi, trong rừng thưa rụng lá và rừng thưa cây họ Dầu, trên đất sét cát, ở độ cao tới 1.500m.
Cây giềng giềng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, các nước Ðông Dương đến Indonesia (Nêpan, Mianma, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan). Ở nước ta, cây mọc nhiều ở những chỗ trống vùng đồng bằng và trong các savan, trên đất sét cát ở độ cao tới 1.500 m, từ Quảng Trị đến Ðồng Nai (Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai).
Giềng giềng thích nghi cao với vùng có khí hậu nhiệt đới điển hình, với hai mùa khô và mưa rõ rệt. Cây ưa sáng, thường mọc trên loại đất đỏ bazan dễ thấm nước, ra hoa quả nhiều, hoa có màu đỏ đẹp nên thường được trồng làm cảnh và lấy bóng mát ở những nơi công cộng. Hạt giềng giềng có khả năng nảy mầm khoẻ.
Gỗ giềng giềng màu đỏ tía, cứng và chịu lực cao, nhưng do thớ gỗ không thẳng nên ít dùng trong xây dựng, mà chỉ dùng đốt lấy than. Than gỗ giềng giềng cháy bền và cho năng lượng cao. Ngoài ra, nhựa của vỏ thân cho loại gôm đỏ rất tốt, vỏ thân cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất tannin (Vu van Dung et al, 1996).
Hoa màu da cam sáng chói, cong, có lông mềm, xếp thành chuỳ dài
Bộ phận dùng được của giềng giềng là nhựa, hạt và vỏ. Nhựa trích từ cây gồm phân nửa là gôm.
Nhựa cây gồm gần phân nửa là gôm. Từ gôm cây đã tách được leucocynictin; còn có pyrocatechin, acid kinotannic và gôm. Lá và hoa đều chứa glucosid.
Trong hạt có 3 alcaloid độc đối với giun đất; hạt chứa 18,97% một chất dầu màu vàng; hạt tươi chứa các men proteolytic và lipolytic.
Hoa chứa 1,5% glucosid butrin 0,3% butein, 0,04% butin, 0,02% một glucosid và một heterosid.
Nhựa cây có màu đỏ, đông lại ngoài không khí, phồng lên trong nước lã và làm cho nước có màu đẹp. Nhựa này có vị se.
Theo đông y, hạt có vị ngọt, chát, tính bình, có tác dụng khu trùng. Hạt có tính tẩy và trừ giun. Lá se, bổ. Hoa se, lợi tiểu, lọc máu và kích dục. Vỏ và hạt trị nọc độc.
Hoa se, lợi tiểu, lọc máu và kích dục
Tác dụng trên giun đất
Dịch chiết hạt giềng giềng có tác dụng độc với giun đất in vitro. Người ta đã xác định được thành phần độc trong dịch chiết hạt giềng giềng với giun là các alkaloid.
Ở Ấn Độ, hạt dùng thay thế santonin để trục giun. Gôm nhựa cây được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ. Vỏ cây và hạt dùng trị rắn độc.
Ở Campuchia, nhựa cây được dùng trị ỉa chảy của trẻ em và người lớn. Ngoài ra, nhựa cây cũng đdùng để băng bó các vết thương và vết loét bằng cách phối hợp với nhựa dầu mè (Jatropha curcas) để tạo thành bột đắp lên vết thương và các mụn nhọt và viêm hạch. Người ta dùng lá Sa nhân (Amomum zerumbet) và giã ra với tỷ lệ 8 phần lá cây, 2 phần muối ăn và 1 phần nhựa Giềng giềng.
Gôm nhựa cây được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ
Ở Vân Nam (Trung Quốc), hạt được dùng trực giun đũa, sán dây, và trị trẻ em cam tích.
Nghiên cứu sàng lọc về dược lý
Một công trình nghiên cứu sàng lọc tác dụng dược lý của 3 loại cao khô chiết từ lá, hoa và hạt cây giềng giềng bằng cồn 500, rồi thử tác dụng, đã được tiến hành ở Ấn Độ. Liều dùng in vitro cho động vật thí nghiệm của cao lá và hoa là 250 mg/kg, của cao hạt là 5 mg/kg. Đã thử các tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, tác dụng trên amip Entamoeba histolytica, trên giun Nippostrongylus brasiliensis, trên virus, glucose huyết, hô hấp, huyết áp, hoạt động tự nhiên, thân nhiệt, hồi tràng chuột lang cô lập và một số loại tế bào ung thư. Riêng đối với cao hạt giềng giềng còn thử cả tác dụng lợi tiểu ở chuột cống trắng. Kết quả cho thấy chỉ có cao lá giềng giềng có tác dụng ức chế sự co bóp trên hồi tràng chuột lang cô lập.
Hạt giềng giềng được dùng trị giun, với liều ngày là 0,5 – 1,5g. Dịch ép tươi của hạt để nhuận tràng. Gôm nhựa của cây trị tiêu chảy, kiết lỵ, ngày 0,5 – 1,5g.
Dùng liều cao, ngày 2 – 3g để điều trị lao phổi, viêm hạch, xuất huyết dạ dày và bàng quang. Còn dùng chữa vết thương.
Lá và hoa giềng giềng được dùng chữa kinh nguyệt không đều. Vỏ cây phối hợp với gừng chữa sổ mũi, cảm lạnh và ho. Vỏ cây và hạt còn chữa rắn cắn.
Chữa giun
Hạt giềng giềng, ngâm vào nước, cho tróc vỏ, lấy nhân hạt phơi khô, nghiền nhỏ thành bột.
Mỗi lần uống 0,6 – 1,2g, trộn với mật ong. Ngày 3 lần, dùng 3 ngày liền. Đến ngày thứ tư dùng 10 – 20ml dầu thầu dầu để tẩy.
Hạt giềng giềng rất khó uống, có thể buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.
Chữa vết thương, vết loét, mụn nhọt, viêm hạch
Nhựa giềng giềng và nhựa dầu mè trộn đều, bôi. Có thể dùng lá sa nhân tươi giã nát 8 phần, muối 2 phần và 1 phần nhựa giềng giềng, giã nát rồi đắp bó.
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ
Gôm nhựa giềng giềng 0,6 – 2g, bột quế 0,1g và nhựa thuốc phiện 0,02g. Trộn đều uống (tài liệu Ấn Độ).
Về độc tính, đã xác định được liều dung nạp tối đa của cao khô lá giềng giềng là 1.000 mg/kg dùng đường tiêm phúc mạc, và liều chết trung bình của cao khô hạt tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng là 20 mg/kg. Điều đó chứng tỏ hạt giềng giềng khá độc.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
//tracuuduoclieu.vn/gieng-gieng.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.