Hắc sâm có tên khoa học Scrophularia ningpoensis Hemsl., đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Scrophulariaceae (họ Hoa Mõm sói).
Hắc sâm là loại cây thân thảo, cao khoảng 1,5 – 2m, sống nhiều năm. Thân thẳng, hình vương, có rãnh dọc, khi non có lông ở, sau nhẵn hoặc có ít lông tuyến. Lá mọc đối, hình trứng hay hình mác, dài 7 – 20cm, rộng 3,5 – 12cm, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt có ít lông nhỏ rải rác; cuống lá dài 2 – 4cm.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá đầu cành thành chuỳ to gồm nhiều xim tán; hoa màu vàng nâu hoặc tím đỏ; đài 5 răng hàn liền, mép mỏng, mặt ngoài có lông tuyến; tràng hình chén có môi trên dài hơn môi dưới; nhị 4, 2 dài, 2 ngắn thoái hoá gần như hình tròn.
Quả nang, hình trứng, dài 8 – 9mm, có đài tồn tại, hạt nhiều, màu đen.
Mùa hoa quả: Tháng 6 – 10.
Rễ củ dài 3 – 15cm, phần trên hơi phình to và thuôn nhỏ dần về bên dưới, một số rễ hơi cong. Mặt ngoài của rễ màu nâu đen hoặc nâu xám, có nhiều rãnh lộn xộn và nếp nhăn, nhiều vết tích của đoạn rễ nhỏ hay rễ con còn sót lại cùng nhiều lỗ vỏ nằm ngang. Lõi rễ màu đen, bên ngoài có lớp bần mỏng bao bọc, phía trong có nhiều bó libe – gỗ tạo thành vân tỏa ra. Rễ Hắc sâm mềm, hơi dẻo, vị hơi ngọt và hơi đắng, mùi đặc, khá giống mùi đường cháy.
Dược liệu Hắc sâm thái lát: Dược liệu Hắc sâm là những lát mỏng hình bầu dục hoặc gần tròn, mặt ngoài của rễ màu nâu xám hoặc vàng xám. Mặt cắt lát màu đen, có thể có khe nứt, hơi bóng, vị hơi ngọt và hơi đắng, mùi đặc trưng khá giống như mùi đường cháy.
Phân bố
Hắc sâm của Trung Quốc được nhập vào nước ta vào những năm 1960. Ban đầu, cây được trồng thử nghiệm ở Sapa, Bắc Hà (Lào cai), sau chuyển xuống Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sìn Hồ (Lai Châu), Phó Bảng – Đồng Văn (Hà Giang), Bá Thước (Thanh Hóa).
Hiện nay, cây đã mọc hoang dại trong tự nhiên, xen lẫn với nhiều loài cây cỏ khác ở ven đường đi, ven rừng và bờ nương.
Thu hái và chế biến
Thu hái rễ củ Hắc sâm vào mùa đông, khi thân và lá cây đã tàn lụi. Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con rồi tách riêng từng rễ và phân loại to nhỏ. Sấy hoặc phơi ở nhiệt độ 50 – 60oC cho đến gần khô. Sau đó, ủ rễ trong 5 – 10 ngày, đến khi trong ruột rễ chuyển thành màu nâu đen hoặc đen, rồi tiếp tục phơi đến khô hoàn toàn.
Cách ủ dược liệu Hắc sâm: Trải dược liệu sau khi phơi gần khô trên nong nia thành lớp dày chừng 15cm, phủ một lớp rơm mỏng hay đậy bằng một cái nong nia khác, để nơi mát, đảo vài lần mỗi ngày. Không được đổ dược liệu dày quá, thường xuyên đảo trộn và không đậy quá kín vì dược liệu dễ bị hấp hơi dẫn đến thối hỏng. Khi cần dùng rửa sạch, ủ rễ Hắc sâm đến mềm rồi thái lát mỏng và phơi khô.
Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc mọt.
Rễ củ.
Trong Hắc sâm có chất scrophularin.
Một số nghiên cứu khác chứng minh rằng trong cao rượu bào chế từ Hắc sâm có chứa alcaloid, phytosterol, acid béo, tinh dầu, saparagin và đường.
Hắc sâm có chứa phytosterol
Hắc sâm có vị đắng, ngọt, tính mát, quy vào kinh phế, thận.
Tác dụng tư âm giáng hỏa, lương huyết giải độc, sinh tân, nhuận táo, hoạt trường. Tức là bổ phần âm của cơ thể, làm mát bên trong, trị các chứng nóng trong người, bốc hỏa, nổi mụn nhọt, táo bón…
Hắc sâm chủ trị sốt cao, nóng sốt về chiều, miệng lưỡi lở, viêm họng, mụn nhọt, phát ban, mẩn ngứa, táo bón. Vị thuốc còn có tác dụng nhuyễn kiên, tán kết, được dùng trong làm mềm các khối u thể rắn trong cơ thể.
Hắc sâm chủ trị sốt cao, nóng sốt về chiều
Tác dụng trên tim
Cao lỏng Hắc sâm ở nồng độ thấp (0,01 – 0,02%) thấy sức co bóp của tim ếch mạnh lên, với nồng độ trung bình (0,1%) thấy lực tim yếu đi, nhịp đập trở nên chậm, với nồng độ cao (10%) làm cho tim ngưng đập.
Tác dụng trên mạch máu
Hắc sâm gây dãn mạch. Tiêm tĩnh mạch cao lỏng Hắc sâm cho thỏ ở liều nhỏ (1 – 4ml) huyết áp hơi tăng, sau hạ xuống và cuối cùng trở lại bình thường, liều lớn (10ml) làm huyết áp tạm thời hơi hạ, biên độ hô hấp tăng mạnh.
Tác dụng trên lượng đường huyết
Sau khi tiêm dưới da dung dịch Hắc sâm cho thỏ, nhận thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức bình thường là 15 mg/100 ml máu.
Tác dụng kháng sinh
Hắc sâm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da.
Dạng thuốc sắc: Mỗi ngày dùng 8 – 15 g.
Tăng dịch thang
Sắc uống các vị sau: Hắc sâm 40g, Mạch môn đông 32g, Sinh địa 32g. Dùng trong trường hợp người bệnh sốt cao, nóng trong người, táo bón, khô khát, miệng lưỡi khô.
Thanh dinh thang
Sắc các vị thuốc sau: Hắc sâm 12g, Hoàng liên 6g, Đan sâm 8g, Liên kiều 8g, Mạch môn đông 12g, Kim ngân hoa 12g, Sinh địa 20g, Trúc diệp 4g, 8 chén còn 3 chén. Uống mỗi ngày 3 lần để điều trị bệnh nhân sốt cao, người khô khát, mất ngủ, không tỉnh táo, nói nhảm.
Thiên vương bổ tâm đan
Hắc sâm, Bạch linh, Cát cánh, Đan sâm, Nhân sâm, Viễn chí mỗi vị 20g; Sinh địa 160g; Bá tử nhân, Đương quy, Mạch môn, Thiên môn, Toan táo nhân mỗi vị 40g. Tán nhỏ các vị thuốc trên, chế thành viên hoàn to khoảng hạt bắp, áo bên bằng một lớp Chu sa. Người bệnh uống thuốc với nước ấm vào lúc đói để điều trị mất ngủ, hồi hộp, mệt mỏi, đánh trống ngực.
Trị viêm họng, cổ họng sưng đỏ, viêm amidan gây sốt
Sắc uống các vị thuốc sau: Hắc sâm 12 – 20g, Bạc hà 8g, Cát cánh 8 – 12g, Cam thảo 4g, Hoàng cầm 8 – 12g, Liên kiều 8 – 12g, Mạch môn 12g, Ô mai 2 quả, Sinh địa 12 – 16g, Sa sâm 12g. Cho Bạc hà cho vào sau cùng.
Trị tróc da tay
Hãm Hắc sâm và Sinh địa, mỗi thứ 30g với nước nóng rồi uống như trà hằng ngày.
Trị hoa mắt, quáng gà
Hầm mềm 15g Hắc sâm 15g, 500g gan lợn với ít nước, nêm gia vị vừa đủ. Dùng cả nước lẫn cái để điều trị cho bệnh nhân can âm bất túc, quáng gà, hoa mắt, hai mắt cay, bệnh gan mạn tính… gây ra nhiều chứng bệnh khác.
Trị nhức đầu
Hắc sâm 500g, mỗi lần lấy 50g, sắc đặc còn 50ml, uống khi thuốc còn nóng để điều trị đau đầu do phong nhiệt gây ra.
Trị ho
Hắc sâm 3g, mạch môn đông 3g, cát ngạch 3g, cam thảo 3g, đạm trúc diệp 10g, đan sâm 8g, hoàng liên 6g. Sắc lọc bỏ bã, uống thay trà để chữa phế âm bất túc gây ra ngứa họng, ho nhiều, họng khô, miệng khát.
Trị các bệnh về mũi họng
Nghiền chung thành bột các vị thuốc sau: Hắc sâm 5g, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, hoàng cầm 9g, kim ngân hoa 9g, mạch môn 5g, rễ cỏ tranh 5g, sinh địa 9g, sơn đậu căn 9g, sa sâm 9g, mao đằng ngẫu phiến 30g. Sau đó sắc nước uống như trà để hỗ trợ sau khi bệnh nhân đã điều trị các bệnh về mũi họng, có phản ứng nhiệt.
Nên kiêng các thức ăn đắng, lạnh như ốc hến, khổ qua… trong khi dùng Hắc sâm vì vị thuốc này có tính mát. Ngoài ra, cũng không dùng cho người thường lạnh bụng tiêu chảy, tiêu hóa kém.
Không bào chế Hắc sâm bằng các dụng cụ bằng đồng.
Hai vị thuốc Hắc sâm và Lê lô có tính tương phản nên không dùng chung.
Hắc sâm là loài thảo dược quý được trồng chủ yếu ở Trung Quốc. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hắc sâm có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Dược điển Việt Nam V.
- Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
- Tra cứu dược liệu.
- Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”.
- Báo “Sức khoẻ và đời sống”.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.