Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Hải tảo: Thức ăn dinh dưỡng kiêm vị thuốc quý cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Ở nước ta, Hải tảo mọc hoang ở các vùng duyên hải, bám trên những dãy núi đá ngầm ở các tỉnh Quảng Trị (Vĩnh Linh), Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh. Hải tảo có công dụng chữa bướu cổ và tràng nhạc, sán khí, phù thũng.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt:
Hải tảo.
Tên khác:
Rong mơ; Rau mã vĩ; Rau ngoai; Tảo biển.
Tên khoa học: Sargassum pallidum.
Đặc điểm tự nhiên
Hải tảo là các loại tảo sống ở biển. “Thân” là những sợi phân nhánh non, màu nâu, mang những bộ phận dẹt và mỏng như “lá”, các “lá” này thay đổi kích thước tùy theo loài, ví dụ loài Sargassum fusiforme dài 7 – 40 cm, loài Sargassum pallidum dài 30 – 100 cm, đường kính “thân” loài S. fusiforme chỉ đạt 1 – 4 mm, trong khi loài S. pallidum đạt 2 cm.
“Lá” có khi hình trụ dài 3,5 – 7 cm (S. fusiforme) hay vừa hình phiến lá vừa hình sợi (S. pallidum) dài tới 25 cm, rộng khoảng 2 – 2,5 cm, trên mặt có những điểm đen, có mép răng cưa thô. Có những bộ phận hình dạng giống “quả” mọc rải rác trên toàn tảo, thực ra đó chỉ là những chiếc “phao” trong giúp cho tảo đứng thẳng trong nước biển do chứa đầy không khí.
Tùy theo loài mà “phao” có kích thước to nhỏ khác nhau. Có loài phao to bằng hạt tiêu nhưng cũng có loài chỉ nhỏ bằng hạt gạo. “Pháo” có khi có hình thoi ở đầu “thân” (dương thể thái), có khi lại có hình cầu ở nách “lá” (loài S. pallidum). Có những chấm đen ở ngoài mặt phao.
Phân bố, thu hái, chế biến
Hải tảo mọc hoang ở các vùng duyên hải, thường mọc thành các dải rộng 2 – 3 km với chiều dài lên đến hàng chục km, bám trên những dãy núi đá ngầm ở các tỉnh Quảng Trị (Vĩnh Linh), Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh. Riêng ở nước ta, khối lượng hải tảo thu hoạch hằng năm có thể lên tới 400 đến 500 tấn.
Thu hoạch vào mùa hạ và mùa thu, vớt hải tảo, rửa bằng nước ngọt 2 lần đến 3 lần để loại muối và tạp chất. Phơi hoặc sấy khô từ 40 °C đến 50 °C.
Bộ phận sử dụng
Hải tảo thu hái vào mùa thu, hạ. Thân Hải tảo hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, bề mặt có gai hoặc trơn nhẵn. Từ các nhánh tảo mọc ra nhiều phiến “lá” mỏng”. Mép “lá” có răng cưa hoặc nguyên vẹn.
Trên thân Hải tảo có nhiều túi chứa khí hình tròn hoặc bầu dục gọi là phao.
Sau khi thu hái, hải tảo phải được rửa bằng nước ngọt để loại muối và các tạp chất, rồi đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
Thành phần hoá học
Trong rong mơ có từ 10 – 15% muối vô cơ (trong đó có rất nhiều iốt 0,3 đến 0,8%, asen, kali), 1 – 2% lipid, 4 – 5% protid và rất nhiều algin hay acid alginic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Vị: Mặn, đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào ba kinh can, vị, thận. Có tác dụng tiêu đờm, làm mềm chất rắn, tiết nhiệt lợi thủy dùng chữa bướu cổ, thủy thũng, tràng nhạc, sán khí.
Theo y học hiện đại
Hải tảo làm thuốc chữa bướu cổ (tán nhỏ dập thành viên iotamin chứa 50 đến 70 microgam iốt – dùng 2 đến 4 viên/ngày, trong 3 đến 5 tháng), là nguyên liệu dùng chế biến alginate, iốt dùng trong công nghiệp hồ vải sợi.
Hoạt chất natri alginat và các thành phần đa đường chiết từ hải tảo đã được nghiên cứu như sau:
Ảnh hưởng đến chức năng thực bào của các đại thực bào
Thí nghiệm khi tiêm natri alginat bằng đường xoang bụng trên chuột nhắt trắng, kết quả cho thấy có sự gia tăng chức năng thực bào trong xoang bụng, tỷ lệ tăng 1,43 lần so với đối chứng.
Tác dụng đối với chuyển dạng tế bào lympho
Natri alginat thúc đẩy 3H – UR hoặc 3H –TdR xâm nhập vào tế bào lympho trong các thí nghiệm có đối chứng nhưng so với PHA thì kém.
Ảnh hưởng đối với tế bào bạch cầu
Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho kết quả natri alginat có tác dụng đối kháng với hiện tượng giảm tế bào bạch cầu do cyclophosphamid gây nên.
Tác dụng đối với ảnh hưởng do chứa xạ Co γ gây nên
Kết quả thí nghiệm gây tổn thương cho chuột nhắt trắng bằng cách chiếu xạ Co, kết quả cho thấy natri alginat có tác dụng bảo vệ chuột đối với các tổn thương do chiếu xạ Co gây nên, kéo dài thời gian sinh sống và làm giảm tỷ lệ tử vong của chuột.
Tác dụng làm giảm cholesterol huyết
Tiêm natri alginat vào xoang bụng của chuột nhắt trắng, kết quả cho thấy natri alginat có tác dụng làm giảm lượng cholesterol huyết một cách rõ rệt.
Tác dụng chống khối u
Kết quả sau khi tiêm natri alginat vào xoang bụng chuột nhắt trắng cho thấy tỷ lệ ức chế khối u đạt 36,30% so với nhóm đối chứng.
Tác dụng kháng độc tố bolutin
Tác dụng này được biểu hiện bằng tỷ lệ sống của chuột đã bị nhiễm độc, kết quả tỷ lệ đó ở các lô đã cùng các thành phần đa đường A, B, C từ hải tảo với nhóm đối chứng là 6/10, 9/10, 3/10 và 0/10.
Tác dụng khác
Thành phần đa đường từ hải tảo còn có tác dụng ức chế virus simplex herpes. Ngoài ra, hải tảo còn có tác dụng ức chế Bacillus subtilis.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng từ 6 – 12 g/ngày, dạng thuốc viên, thuốc sắc, thuốc bột hoặc có thể dùng dược liệu tươi.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa bệnh tràng nhạc, lở loét
Lấy 2 phần Hải tảo, sao với thóc đến giòn rồi loại bỏ thóc, đem tán bột, tằm vôi 1 phần (sao giòn), tán bột. Quả mơ muối rửa sạch với nước sôi, loại bỏ hạt; lấy thịt giã nát trộn với bột hải tảo rồi vo viên cỡ bằng hạt đậu xanh. Uống 3 – 6 lần/ngày, mỗi lần 5 – 6 viên với nước cơm; kiêng ăn dê, đậu, gà và uống rượu.
Trị u giáp trạng lành tính
15 g hải tảo, 15 g côn bố, 30 g hải phù thạch, 15 g kim ngân hoa, 15 g thủy hồng hoa tử, 30 g đông qua bì. Sắc uống 1 thang/ngày.
Chữa lao hạch
Hải tảo, thổ bối mẫu, hương phụ, hạ khô thảo, mỗi vị 9 g. Sắc nước uống.
Chữa ung thư trực tràng và ung thư thực quản
30 g hải tảo, 6 g thủy tức, đem nghiền thành bột, mỗi lần uống 6 g cùng với rượu, 3 lần/ngày.
Chữa phì đại tiền liệt tuyến gây bí tiểu ở người già
Xuyên sơn giáp, hải tảo, côn bố, mỗi vị dược liệu lấy 10 g; vương bất lưu hành, lệ chi hạch, quất hạch, mỗi vị lấy 15 g. Đem sắc nước uống.
Trị huyết áp tăng cao
Hải tảo, côn bố, hạ khô thảo, mộc thông, mỗi vị 30 g; hà tử, bạc hà mỗi vị 15 g; hạnh nhân 6 g. Đem nghiền nát thành bột rồi luyện với mật làm thành viên hoàn, mỗi lần uống 3 g, 3 lần/ngày.
Lưu ý
Không dùng hải tảo cho người tỳ vị hư hàn thấp trệ.
Hải tảo có tác dụng ngược với cam thảo, do đó không phối hợp với cam thảo.
Không nên phối hợp hải táo với đại kích và nguyên hoa.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam: https://duocdienvietnam.com/rong-mo/.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/rong-mo.html.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập II.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.