Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Hải trung kim: Vị thuốc dân gian lạ mà quen cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây Hải trung kim hay Hải kim sa là một vị thuốc nam quý trong kho tàng dược liệu y học cổ truyền của Việt Nam. Cây thuốc này được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những đặc điểm và tác dụng dược lý hiện đại cũng như công dụng y học cổ truyền của cây thuốc này.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Hải trung kim.
Tên gọi khác: Hải kim sa, Bòng bong, Thòng bong, Thạch vĩ đằng.
Tên khoa học: Lygodium flexuosum (L.) Sw. Thuộc chi Lygodium, họ Lygodiaceae, bộ Schizaeales.
Đặc điểm tự nhiên
Hải trung kim là một loại dây leo, bề ngoài gần giống với dương xỉ. Thân rễ bò khỏe, có thể dài đến 4m, có lông màu nâu đỏ hoặc nâu đen. Cuống chính dày khoảng 2,5mm, mỗi cuống có 3 – 4 lá mỗi bên. Lá dài từ 15cm đến 20cm, xẻ lông chim 2 – 3 lần, xen kẽ theo cuống chính cách nhau 5cm, lá dạng tam giác, mặt lá phủ lông mịn ngắn. Mép lá có các bào tử hình nang tròn, với chức năng sinh sản. Bào tử hình trụ 4 mặt, chứa hạt phấn nhỏ màu vàng, chất mịn nhẹ, sờ nhẵn như cát biển.
Phân bố: Cây Hải trung kim thường mọc ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Đây là loài cây thường được tìm thấy trong các môi trường ẩm ướt như các bụi rậm, vườn cây, bờ rào đất ẩm và ít ánh sáng, rừng mưa, rừng ngập nước và các vùng cận nhiệt đới có khí hậu ẩm ướt. Thường thì vị thuốc này sẽ leo lên các cây khác hoặc các cấu trúc khác gần môi trường của nó. Tại Việt Nam, cây Hải trung kim phân bố rộng ở một số tỉnh như Cao Bằng, Thái Nguyên, Gia Lai, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre,… Trên thế giới, cây chủ yếu mọc nhiều tại khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippine,…
Thu hái: Cây Hải trung kim thường có thể thu hái quanh năm. Cây sinh sản nhanh, đặc biệt sinh trưởng mạnh vào mùa nắng. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào lúc bào tử của cây chưa rụng. Vị thuốc này có thể thu hoạch cả cây, sau đó về sơ chế và bào chế.
Chế biến: Sau khi thu hái, cho dược liệu vào rổ có lót vải hoặc giấy rồi phơi ở nơi kín gió để bào tử không bị bay. Khi thuốc khô, dùng tay trộn và lắc đều để bào tử rụng rồi rây mịn tác riêng phần nang bào tử và thân lá.
Bộ phận sử dụng
Dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Dùng toàn cây hoặc dùng bào tử mịn.
Thành phần hoá học
Chiết xuất từ cây Hải trung kim trong nước và trong metanol đã được phân tích hóa học sơ bộ để phát hiện sự hiện diện của các nhóm hợp chất hóa học khác nhau như saponin, tannin, alkaloid, flavonoid, triterpenoid, steroid, glycoside, anthraquinone và coumarin bằng cách sàng lọc định tính các chất chuyển hóa thứ cấp.
Theo Aguinaldo và cộng sự (2005), alkaloids, flavonoids và saponin là những nguồn quan trọng cho các hoạt động kháng khuẩn. Tannin có thể được sử dụng làm chất chống ung thư do giá trị tiềm năng của chúng như là chất gây độc tế bào.
Theo Kumar và cộng sự (2002), các hợp chất hóa học đã biết dryocrassol, O-p-coumaryl-dryocrassol, tectoquinone, kaempferol, kaempferol-3-β-D-glucoside, β-sitosterol, stigmasterol được báo cáo từ cây này.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh
Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng nhẹ, tính hàn.
Quy kinh: Bàng quang, Tiểu trường.
Công năng, chủ trị
Công dụng: Thanh thấp nhiệt, lợi thủy, thông lâm.
Chủ trị: Trị tiểu nóng, gắt buốt, tiểu mủ, tiểu máu, bí tiểu, sỏi đường niệu.
Theo y học hiện đại
Tác dụng bảo vệ gan
Chuột được điều trị bằng dịch chiết từ Lygodium flexuosum sau khi thiết lập mô hình gây tổn thương gan bằng carbon tetrachloride (CCl4) cho thấy khả năng bảo vệ gan đáng kể của cây thuốc này. Bằng chứng bảo vệ gan được thể hiện qua các chỉ số AST, ALT, LDH và MDA.
Nghiên cứu thành phần hóa học của cây gồm saponin, triterpenes, sterol và vị đắng có thể giải thích khả năng bảo vệ gan của nó. Nồng độ glutathione trong gan đã tăng lên đáng kể khi điều trị bằng chiết xuất ở cả hai nhóm thử nghiệm. Thay đổi mô bệnh học trên gan chuột do CCl4 gây ra cũng được giảm đáng kể ở các lô chuột được uống dịch chiết cây Hải trung kim.
Điều trị bằng chiết xuất n-hexane làm giảm nồng độ mRNA của các cytokine tiền viêm, yếu tố tăng trưởng và các phân tử tín hiệu khác có liên quan đến quá trình xơ hóa gan. Mức độ biểu hiện của yếu tố hoại tử khối u TNF-α, interleukin, yếu tố tăng trưởng biến đổi, procollagen-I, procollagen-III và chất ức chế mô metalloproteinase-I đã tăng lên trong quá trình gây tổn thương với CCl4 đã giảm xuống mức bình thường khi điều trị với dịch chiết xuất L. flexuosum. Chuột được điều trị trước với L. flexuosum ngăn chặn sự gia tăng AST, ALT, LDH và peroxide lipid gan trong huyết thanh ở chuột bị gây tổn thương gan. Các chỉ số sinh hóa gan như AST, ALT, LDH, MDA đã giảm xuống mức bình thường.
Chống tăng sinh tế bào ung thư
Dịch chiết L. flexuosum có hoạt tính chống tăng sinh và đưa tế bào vào quá trình apoptosis của các tế bào ung thư và có vai trò ức chế TNF-α gây ra sự kích hoạt NF-α B trong các tế bào PLC/PRF/5. Dịch chiết L. flexuosum ức chế khả năng sống sót của tế bào và gây ra quá trình chết theo chương trình trong các tế bào ung thư gan theo cách phụ thuộc vào nồng độ được chứng minh bằng những thay đổi trong chu kỳ tế bào như đảo chiều phosphatidylserine, phân cắt PARP.
Phân tích chu kỳ tế bào cho thấy giai đoạn G1 trong các tế bào được thay đổi với nồng độ dịch chiết cao. Khi được kích hoạt với TNF-α ngoại sinh trong các tế bào ung thư gan bị chuyển hóa, người ta quan sát thấy rằng sự biểu hiện gen phụ thuộc vào NF-κB bị ức chế khi điều trị với dịch chiết L. flexuosum trong các tế bào ung thư gan PLC/PRF/5 phụ thuộc vào liều lượng.
Hoạt tính kháng khuẩn
Nghiên cứu của Anishmon (2005) được thực hiện để đánh giá khả năng kháng khuẩn của các bộ phận khác nhau của L. flexuosum. Hoạt tính kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa đối với các chủng thuộc Ngân hàng gen vi sinh vật.
Người ta quan sát thấy rằng thân rễ của cây Hải trung kim sở hữu hoạt tính kháng khuẩn tối đa hơn so với cuống lá và lá. Chiết xuất thân rễ được phát hiện là có hiệu quả hơn đối với vi khuẩn gram dương như Micrococcus luteus và Staphylococcus aureus so với Gram âm. Chiết xuất từ thân rễ có nguyên tắc kháng khuẩn hòa tan trong methanol và acetone có thể điều chỉnh sự phát triển và nhân lên của các loài vi khuẩn được thử nghiệm.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng: Dùng từ 10 – 20g mỗi ngày, tùy thuộc vào bài thuốc phối ngũ.
Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc bột tán mịn, dùng với các vị thuốc khác hoặc dùng một mình tùy theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ Y học cổ truyền.
Bài thuốc kinh nghiệm
Bài thuốc chữa tiểu nóng rát buốt hoặc tiểu máu, miệng đắng, lưỡi đỏ, người nóng bứt rứt
Hải trung kim 60g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền tử 15g, Tiêu thạch 15g, Kê nội kim 12g, Thạch vi 12g, Đông quỳ tử 9g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Hải trung kim 20g, Biển súc 20g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống sáng – chiều, cử thuốc chiều uống trước khi đi ngủ 5 tiếng. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Hải trung kim đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g pha với nước ấm, thêm nửa muỗng cà phê đường gạt ngang để uống. Mỗi ngày dùng 2 lần.
Bài thuốc chữa bụng trướng ứ trệ, có hòn khối, thạch lâm, nhiệt lâm
Hải trung kim 10g, Kim tiền thảo 60g, Biển súc 15g, Cù mạch 15g, Mộc thông 15g, Trư linh 15g, Mã đề 15g, Phục linh 15g, Trạch tả 15g, Hoạt thạch 15g, Ngưu tất 10g, Cam thảo sống 3g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Hải trung kim 30g, Mã đề 30g, Biển súc 15g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Hải trung kim 30g, Bạch mao căn 30g, Hoạt thạch 30g, Kim tiền thảo 20g, Mã đề 12g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Bài thuốc chữa cao lâm
Hải trung kim 40g, Hoạt thạch 40g, Cam thảo sống 10g, đem tán bột mịn. Dùng nước sắc Mạch môn 20g hoặc Đăng tâm thảo 10g để chiêu thuốc. Mỗi lần uống hòa 8g bột thuốc vào nước sắc Mạch môn/ Đăng tâm thảo, ngày uống 3 lần.
Bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu do Tỳ Vị thấp trệ
Hải trung kim 30g, Bạch truật 8g, Cam thảo chích 4g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Bài thuốc chữa hoàng đới, bạch đới ở phụ nữ
Hải trung kim (dùng phần thân và lá) 100g, cắt thành từng khúc nhỏ, ninh kỹ với thịt lợn nạc thành canh hầm. Ăn thịt và uống nước canh, bỏ bã thuốc.
Bài thuốc chữa toàn thân phù thũng, khó thở, chướng bụng
Hải trung kim 15g, Khiên ngưu tử 30g (15g để sống, 15g sao vàng), Cam toại 15g, đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g với một chén nước, uống trước bữa ăn hàng ngày.
Bài thuốc chữa viêm gan
Hải trung kim 15g, Mã đề 20g, Nhân trần 30g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc lúc còn ấm nóng.
Bài thuốc chữa tắc tia sữa, viêm tuyến vú
Hải trung kim 30g, sắc kỹ với 2 chén nước hòa 2 chén rượu. Chia thành 3 phần, uống trong ngày.
Bài thuốc chữa di tinh, mộng tinh
Hải trung kim sao cháy (thán sao, sao tồn tính) rồi tán mịn thành bột. Mỗi lần dùng 4g hòa vào 1 chén nước ấm nóng, uống 2 lần/ngày.
Lưu ý
Dùng thảo dược nên ngâm rửa kỹ lưỡng để loại bỏ bụi đất và tạp chất. Nếu sơ chế thành thuốc khô nên bảo quản môi trường khô ráo, tránh ẩm mốc, mối mọt.
Khi đắp thảo dược lên vết thương cần vệ sinh vết thương và ngâm rửa thảo dược thật sạch, tránh tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn.
Độc tính
Hiện chưa có các nghiên cứu về độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của Hải trung kim.
Kiêng kị
Người Tỳ Vị hư hàn, Thận dương hư, thể chất hàn, tiểu nhiều không nên dùng loại thảo dược này.
Cây Hải trung kim là vị thuốc có tính hàn, không nên dùng trong một thời gian dài. Cần có sự tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc từ bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.
Nguồn Tham Khảo:
- Aguinaldo AM, Espeso EI, Cuevara BQ, Nonato MC. Phytochemistry. InGuevara BQ (ed). A guidebook to plant screening:phytochemical and biological. Manila: University of Santo Tomas. 2005. pp. 121-125.
- G. Meera bal, et al. Phytochemical Analysis and Anti-Microbial Activity of Crude Leaf Extracts of Lygodium flexuosum (L.) Sw. Ijppr.Human. 2016; 7(3): 91-96.
- Yadav E, Mani M, Chandra P, Sachan N, Ghosh AK. A review on therapeutic potential of Lygodium flexuosum Linn. Pharmacogn Rev. 2012 Jul;6(12):107-14. doi: 10.4103/0973-7847.99944.
- Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.
- Bộ Y tế (2006). Giáo trình Dược học cổ truyền. Nhà xuất bản Y học.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.