Tên tiếng Việt:
Táo (Hạt)
Tên khác:
Táo nhân; Toan táo nhân; Toan táo hạch; Sơn táo nhân; Nhị nhân; Dương táo quân; Điều thụy sam quân
Tên khoa học: Zizyphus jujube Lamk
Toan táo nhân là vị thuốc chế biến từ cây táo xanh hay còn gọi là cây táo ta. Cây cao khoảng 2-4 mét, thân có vỏ nứt nẻ, có gai mọc đơn độc, cành buông thõng. Lá hình bầu dục ngắn hoặc hơi thon dài, mặt trên của lá nhẵn và có màu xanh lục, mặt dưới có lông trắng, mép lá có răng cưa, có 3 gân dọc lồi lên rõ rệt. Hoa táo xanh màu trắng, hình tam giác nhọn, mọc thành xim ở kẽ lá. Quả hạch có vỏ ngoài nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín hơi vàng, vỏ quả giữa vị ngọt hơi chua, quả có 1 hạch cứng xù xì, bênh trong chứa một nhân hạt dẹt gọi là Táo nhân.
Táo xanh thường mọc hoang hoặc được trồng ở khắp nơi nên rất phổ biến. Việc thu hái chế biến khá thuận tiện.
Táo xanh có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi.
Vào cuối mùa thu đến đầu mùa đông là lúc quả chín. Ta hái quả về, bỏ phần thịt quả, rửa sạch, hạch quả đem phơi hoặc sấy cho khô, sau đó xay bỏ vỏ hạch, lấy nhân, phơi khô sẽ được vị thuốc Toan táo nhân.
Cách chế biến Toan táo nhân sao đen: Sử dụng một cái chảo dẹt, đun lửa to đến khi chảo nóng già thì cho toan táo nhân vào. Vặn lửa nhỏ lại và đảo đều tay để hạt chín đều, đến khi hạt táo chuyển sang màu nâu đen là được.
Bộ phận dùng làm thuốc là nhân hạt của quả táo xanh. Những hạt nguyên vẹn, to mập và có vỏ ngoài màu hồng tía là tốt nhất để chế biến thành thuốc với dược tính cao.
Thành phần hóa học của toan táo nhân gồm dầu, beta sitosterol, saponin, betulin, betulin acid, flavon C-glycosid và vitamin C. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về công dụng của táo nhân. Trong đó có những nghiên cứu nổi bật về các hoạt chất và công dụng chúng như sau:
Flavonoid, cAMP và jujuboside có thể là các thành phần hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển các chất bổ sung sức khỏe để phòng ngừa và/ hoặc điều trị các bệnh thần kinh.
Các hợp chất phenolic từ quả táo và các hoạt động chống oxy hóa liên quan đã được nghiên cứu trong giai đoạn chín. Hơn nữa, trong quá trình chín, hoạt động chống oxy hóa có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi flavanol và tannin cô đặc. Chất tannin cô đặc tinh khiết của quả táo có thể được sử dụng làm chất chiết xuất chống oxy hóa tự nhiên.
Theo sách Trung Dược học lại viết Toan táo nhân có những hoạt chất sau:
Trên thực nghiệm súc vật, khi phối hợp Táo nhân với Ngũ vị tử có tác dụng chống choáng do phỏng và giảm phù nề vùng phỏng do mất nước qua khoang thứ 3.
Toan táo nhân vị chua, tính bình. Tác dụng chủ yếu của vị thuốc này là bình can, định tâm an thần, chữa các chứng mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh còn gọi là thất miên, tâm quý chính xung. Thêm vào đó vị Toan táo nhân có tác dụng liễm mồ hôi trong chứng tự hãn hay đạo hãn, có thể sinh tân chữa mất tân dịch trong trường hợp ốm lâu mất huyết hoặc lo nghĩ mà tổn thương Tâm Tỳ. Ngoài ra toan táo nhân có thể bổ huyết ở Tâm và Can có tác dụng an thần, định trí.
Toan táo nhân dùng sống có vị ngọt chua mà nhuận, chủ yếu dùng cho chứng Can Đởm hư nhiệt: Cốt chưng, tâm phiền, mất ngủ.
Toan táo nhân sao chín có vị chua tính ấm, tác dụng tỉnh Tỳ, thường dùng điều trị các chứng do Can Đởm Tâm Tỳ huyết hư gây mất ngủ.
Tác dụng điều trị mất ngủ, thần kinh suy nhược
Rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề phổ biến nhất trong cuộc sống của phụ nữ sau mãn kinh, người già và những ai làm việc trí óc. Mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài không chỉ làm suy giảm chức năng trí nhớ, gây ra bệnh Alzheimer mà còn dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào thuốc. Việc dùng viên nang chế biến từ hạt táo tàu có tác động tích cực đến việc cải thiện chất lượng giấc ngủ của phụ nữ sau mãn kinh và có thể được khuyến cáo như một loại thuốc thảo dược hữu ích đã được công nhận trên nhiều tạp chí lớn.
Tác dụng điều trị chứng hay quên, ăn uống kém, mỏi mệt
Táo mang lại lợi ích cho não của chúng ta bằng cách làm dịu tâm trí. Táo có các hoạt động bảo vệ thần kinh, bao gồm bảo vệ tế bào thần kinh chống lại sự căng thẳng của chất độc thần kinh, kích thích sự phân hóa tế bào thần kinh, tăng biểu hiện của các yếu tố dinh dưỡng thần kinh, thúc đẩy trí nhớ và khả năng học tập.
Tác dụng điều trị chứng ra mồ hôi trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng cơ thể bài tiết mồ hôi trong lúc ngủ có thể là ban đêm hoặc ban ngày. Nhưng tình trạng này thường gặp nhất là vào ban đêm mà không liên quan đến thời tiết bên ngoài.
Mồ hôi trộm thường được bài tiết ở những vùng sau trên cơ thể: Vùng đầu, trán, nách, bàn tay, bàn chân. Mồ hôi có thể nhiều đến mức làm ướt quần áo, ga giường hoặc chỉ lắm lấm tấm vài giọt trên trán.
Mồ hôi trộm không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn thấy ở người lớn. Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tác dụng điều trị chứng hạ đường huyết trên chuột
Hoạt chất chiết xuất từ hạt của quả táo làm tăng khả năng dung nạp glucose ở cả chuột bình thường và chuột mắc bệnh tiểu đường. Những kết quả trên được công bố trên pubmed – một tạp chí khoa học đáng tin cậy. Bài báo cáo cho thấy rằng chất chiết xuất từ hạt quả táo có hoạt tính hiệp đồng hạ đường huyết. Điều này mở ra hướng điều trị mới cho những bệnh nhân tiểu đường trong tương lai bằng thuốc YHCT.
Liều thường dùng của Toan táo nhân là từ 3g đến 9g. Trong những trường hợp cần thiết có thể dùng từ 15g đến 30g. Toan táo nhân thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong điều trị mất ngủ và suy nhược thần kinh
Ta dùng Toan táo nhân (sao đen) 6g kết hợp Phục linh 5g, Xuyên khung 3g, Tri mẫu 4g, Cam thảo 2g.
Sắc cùng 600ml nước sạch đến khi còn 200 ml. Thuốc sắc xong chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trong điều trị chứng hay quên, ăn uống kém, mỏi mệt
Ta dùng Toan táo nhân (sao đen) 16g kết hợp cùng các vị thuốc khác như Viễn chí (chích), Xương bồ đều 8g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g.
Sắc cùng 600ml nước sạch đến khi còn 200 ml. Thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày hoặc tán bột, uống với nước cơm.
Trong điều trị ra mồ hôi trộm
Ta dùng Táo nhân sao đen 20g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g tán bột, uống với nước cơm hoặc sắc cùng 600ml nước sạch đến khi còn 200 ml. Thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày.
Một số sách Đông dược đã chỉ ra một số lưu ý khi sử dụng Toan táo nhân làm thuốc:
Sách Bản Thảo Kinh Sơ viết rằng Phàm kinh Can, Đởm và Tỳ có thực nhiệt thì không dùng Toan táo nhân.
Sách Đắc Phối Bản Thảo nêu rằng Những người can vượng, phiền táo, mất ngủ do Can dương thịnh không dùng Toan táo nhân.
Sách Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển viết rằng Toan táo nhân không dùng cùng với Phòng kỷ.
Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách viết rằng Người có thực tà, uất hỏa không được dùng.
Theo Cẩm Nang Đông Dược viết người có Can, Thận, Tâm, Tỳ thực nhiệt hoặc thử thấp đọng bên trong cơ thể mới cảm mạo phong hàn tránh dùng Toan táo nhân.
Nguồn Tham Khảo:
//doi.org/
//www.researchgate.net/
//www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7735973/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.