Tên tiếng Việt:
Hồ tiêu (Quả và Rễ).
Tên khác:
Tiêu ăn; cổ nguyệt; hắc cổ nguyệt; bạch cổ nguyệt.
Tên khoa học:
Piper nigrum L.
Hồ tiêu là một loại thực vật dây leo, thân dài khá nhẵn không có lông thường lấy rễ bám vào cây khác. Mối quan hệ giữa cây tựa và cây Hồ tiêu là quan hệ cộng sinh, nên khi người ta gỡ cây hồ tiêu ra khỏi cây tựa thì đa số cây Hồ tiêu sẽ bị chết. Thân hồ tiêu mọc cuốn và mang lá mọc cách. Lá hồ tiêu hơi giống lá trầu không nhưng lá hồ tiêu dài và thuôn hơn. Cây Hồ tiêu gồm hai loại nhánh xuất phát từ kẽ lá đó là loại nhánh mang quả và loại nhánh khác mang dinh dưỡng.
Hoa Hồ tiêu là một cụm hoa dạng đuôi sóc, thường rụng cả chùm khi chín. Quả Hồ tiêu dạng hình cầu nhỏ, có khoảng tầm 20 đến 30 quả trên một chùm. Khi sống có màu xanh lục và chuyển dần sang màu đỏ rồi đến màu vàng khi chín. Khi vận chuyển cây hồ tiêu đi xa cần cẩn thận vì đốt cây rất dòn nên tránh để cây khỏi chết.
Cây Hồ tiêu trồng chủ yếu ở nhiều tỉnh miền Nam nước ta, đặc biệt là các tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Bà Rịa, Phú Quốc, Quảng Trị. Ở một số tỉnh miền Bắc như các vùng tại Vĩnh Linh đã bắt đầu trồng và đang gắng di chuyển dần ra phía bắc miền Bắc Việt Nam. Cây Hồ tiêu thu hoạch mỗi năm khoảng hai lần, sẽ có cách thu hái khác nhau phụ thuộc vào loại hồ tiêu đen hay hồ tiêu trắng.
Nếu muốn có Hồ tiêu đen sẽ hái lúc quả còn xanh nhưng không nên hái lúc quả quá non mà hái tầm chùm quả mới xuất hiện một số quả đỏ hay vàng. Vì quả quá non sẽ chưa có sọ khá giòn nên khi phơi dễ bị vỡ vụn. Còn đối với các quả khác xanh vừa lúc thì khi phơi quả nhăn nheo lại, ngả màu đen nên có tên là Hồ tiêu đen.
Nếu muốn có Hồ tiêu trắng (tiêu sọ) thu hoạch vào lúc quả thật chín. Tiếp đó lấy chân đạp và loại bỏ vỏ ngoài. Một cách khác có thể ngâm dưới nước trong vòng khoảng 3, 4 ngày, sau đó đạp loại bỏ vỏ đen rồi đem phơi khô. Tiêu sọ thì có màu trắng ngà hoặc xám, ít bị nhăn nheo và ít thơm hơn tiêu đen do lớp vỏ ngoài chứa tinh dầu đã bị loại đi nhưng bù lại vị sẽ cay hơn.
Quả, rễ.
Trong Hồ tiêu có tinh dầu và hai ancaloit. Ngoài ra còn có một số chất khác như xenluloza, muối khoáng.
Tinh dầu chừng 1,5 – 2,2%. Tinh dầu này tập trung ở vỏ quả giữa cho nên Hồ tiêu sọ ít tinh dầu hơn. Tinh dầu màu vàng nhạt hay lục nhạt, gồm các hydrocacbua như phelandren, cadinen, cariophilen và một ít hợp chất có oxy.
Haiancaloit là piperin và chavixin Piperin C17H19O3N có trong hạt tiêu từ 5 – 9%, có tinh thể không màu, không mùi, không tan trong nước sôi, rất tan trong rượu nóng, tính kiềm nhẹ, đồng phân với mocphin. Khi đun với dung dịch rượu kali cho axit piperic C12H10O4 và một ancaloit khác lỏng, bay hơi là piperidin C5H10N AXIT PIPERIC đun với KMnO4 sẽ cho piperonala dùng chế nước hoa.
Chavixin C17H19O3N có người cho là một chất nhựa, có trong Hồ tiêu từ 2,2-4,6%. Chavixin là một chất lỏng sền sệt, có vị cay hắc, làm cho Hồ tiêu có vị cay nóng, tan trong rượu, ete, chất béo, đặc ở O°C. Vì Chavixin tập trung ở phía ngoài vỏ cho nên Hồ tiêu, sọ ít hắc hơn Hồ tiêu đen. Chavixin là đồng phân quang học CH3 piperin. Thuỷ phân sẽ cho piperidin và axit chvinic C12H10O4.
Ngoài tinh dầu và ancaloit ra, trong Hồ tiêu còn 8% chất béo, 36% tinh bột và 4,5% độ tro.
Trong y học cổ truyền Hạt tiêu có tính nóng, đại ôn, vị cay, thường quy vào bốn kinh là tỳ, vị, phế, đại tràng. Hạt tiêu có tác dụng giúp trừ đờm, giảm đau, kháng khuẩn, hạ khí, trừ hàn.
Trong y học hiện đại, hạt tiêu giúp sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi Hồ tiêu còn giúp đuổi sâu bọ, bảo vệ quần áo len khỏi bị nhậy cắn.
Hồ tiêu nếu dùng liều nhỏ giúp tăng dịch vị, dịch tụy, trợ tiêu hoá, kích thích ăn ngon miệng.
Ngoài ra, Hồ tiêu không dùng làm gia vị mà còn mà còn dùng làm thuốc trị nhiều bệnh như đau bụng tiêu chảy, đau dạ dày, phong thấp, động kinh.
Liều dùng Hạt tiêu mỗi ngày khoảng 2 đến 4 g. Tùy theo mục đích điều trị bệnh, có thể dùng dược liệu ở dạng thuốc sắc, thuốc tán bột, thuốc làm hoàn hay thuốc ngâm rượu.
Không tìm thấy thông tin.
Một số lưu ý khi sử dụng Hồ tiêu:
Piperin và piperidin ở liều cao gây độc. Piperidin làm tăng huyết áp, tê liệt hô hấp và tê liệt một số đầu dây thần kinh. Khi tiêm bắp thịt piperin cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít với liều cao thì thấy hơi thở gấp, chân bị tê liệu rồi rơi vào trạng thái mê hoàn toàn, chết do ngừng thở.
Liều lớn sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, làm sung huyết và gây viêm cục bộ, viêm đường tiểu tiện, tiểu ra máu và gây sốt.
Nguồn Tham Khảo:
Tracuuduoclieu: //tracuuduoclieu.vn/ho-tieu.html
Thuốc dân tộc: //www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/hat-tieu
Hình 1: //www.thuocdantoc.org/wp-content/uploads/2020/01/hat-tieu.jpg
Hình 2: //media.ex-cdn.com/EXP/media.vietpress.vn/files/nguyenthituongvi/2018/06/26/blackpepperessentialoil-174842.jpg
Hình 3: //tieudung.vn/upload_images/images/2021/07/11/hat-tieu.jpg
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.