Dược liệu Hoàng tinh (Rhizoma Polygonati) có nguồn gốc từ thân rễ của cây Hoàng tinh.
Tên khoa học: Polygonatum cyrtonemua, Polygonatum sibiricum, Polygonatum kingianum, thuộc họ Polygonaceae (họ Rau răm).
Cây Hoàng tinh hoa đỏ
Hoàng tinh là loài cây thân thảo sống lâu năm, cao 1 – 2m, thân to khoảng 1cm, rỗng và không có lông. Thân rễ phình thành củ to, chia nhiều đốt, màu trắng ngà, đôi khi phân nhánh. Cụm lá gồm 5 – 10 lá, dài khoảng 12cm, 3 gân chính, chóp lá có mũi nhọn dài quấn lại.
Cụm hoa xim gồm 8 – 12 hoa mọc ở nách lá, hoa Hoàng tinh màu hồng hay đỏ, mọc rủ xuống, dài 2cm; bao hoa có ống dài 15mm. Hoa có 6 nhị, chỉ nhị hẹp, dài bằng bao phấn. Bầu hình trứng tam giác. Quả mọng màu lam tím, hình cầu hay hình trái xoan. Mùa hoa nở vào tháng 3 – 5 và mùa quả vào tháng 6 – 8.
Dược liệu Hoàng tinh
Dựa vào hình thái mà người ta phân biệt thành Đại hoàng tinh, Hoàng tinh đầu gà (hoàng tinh), Hoàng tinh dạng gừng (Khương hình hoàng tinh).
Đại hoàng tinh: Thân rễ nạc, rộng 3 – 6cm, dài hơn 10cm, dày 2 – 3cm. Mặt ngoài có các mấu vòng, màu vàng nhạt đến nâu vàng, vết sẹo và nếp nhăn rễ dạng sợi, trên các mấu có vết tích của thân dạng vòng tròn lõm với phần giữa lồi lên. Đại hoàng tinh dai, cứng, khó bẻ, mặt bẻ giống như sừng, màu vàng nâu đến vàng nhạt, vị ngọt, dai dính, mùi thơm nhẹ.
Hoàng tinh đầu gà (Kê đầu hoàng tinh): Dược liệu hình trụ, đường kính 0,5 – 1,5cm, dài 3 – 10cm, cong queo. Mỗi đốt có hình hơi giống dạng chùy, thường phân nhánh, dài 2 – 4cm. Mặt ngoài có những nếp nhăn dọc và vết sẹo của thân hình tròn, màu vàng xám đến trắng ngà, trong mờ, đường kính 5 – 8mm.
Hoàng tinh dạng gừng (Khương hình hoàng tinh): Kích thước các củ không đều nhau, thường dính nhau tạo thành cụm. Mặt ngoài củ xù xì, màu nâu vàng hoặc vàng xám, đường kính 0,8 – 1,5cm, phía trên có vết sẹo của thân hình tròn lồi.
Thế giới: Trung Quốc.
Việt Nam: Cây Hoàng tinh mọc hoang trong những khu rừng ẩm ướt ở các tỉnh miền Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Nghệ An…
Thu hái
Rễ Hoàng tinh thường được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu.
Chế biến
Đào lấy thân rễ, cắt bỏ rễ con và thân cây, rửa sạch, đồ hoặc luộc đến hết lõi trắng rồi sấy hoặc phơi khô.
Hoàng tinh phiến: Ủ mềm Hoàng tinh sạch, thái phiến dày rồi sấy hoặc phơi khô.
Tửu Hoàng tinh (chế rượu): Trộn Hoàng tinh sạch với rượu, cứ 100kg Hoàng tinh dùng 20 lít rượu, cho vào thùng và đậy nắp lại. Sau đó đun cách thủy để dược liệu hút hết rượu rồi lấy ra, cắt lát dày và phơi khô.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.
Thân rễ đã phơi hay sấy khô.
Thân rễ Hoàng tinh hoa đỏ có mannose, polysaccharide. Ngoài ra còn có 4 saponin là các kingianosid A, B, C,D.
Hoàng tinh chứa polysaccharide
Hoàng tinh có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh Tỳ, Vị, Phế; có tác dụng: Ích thận, kiện tỳ, nhuận phế, sinh tân.
Công dụng: Chủ trị tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát.
Hoàng tinh chữa cơ thể mệt mỏi, sức yếu
Tác dụng chống mệt mỏi
Nước sắc Hoàng tinh hoa đỏ 10% thí nghiệm trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng với liều 0,3ml có tác dụng kéo dài thời gian bơi của chuột.
Tác dụng kháng oxy hóa
Nước sắc Hoàng tinh 20% cho chuột nhắt trắng uống liều 0,13ml cho mỗi chuột, liên tục 27 ngày, tăng cường hoạt tính của men superoxide dismutase (SOD), giảm hàm lượng lipofuscin trong cơ tim.
Tác dụng kháng suy lão
Nước sắc Hoàng tinh 20% dùng tẩm lá dâu nuôi tằm, có tác dụng kéo dài thời gian làm nhộng của con tằm.
Tác dụng đối với tim mạch
Thí nghiệm trên chó gây mê, cao lỏng Hoàng tinh tiêm tĩnh mạch với liều 0,15 – 0,26 g/kg tăng cường lưu lượng máu mạch vành tim, với liều 1,5 g/kg có tác dụng đối kháng với thiếu máu cơ tim thực nghiệm do pituitrin gây nên.
Tác dụng kháng khuẩn
Hoàng tinh ức chế trực khuẩn kháng acid. Thí nghiệm trên chuột lang, dùng nước sắc đồng thời với thời gian tiêm truyền vi khuẩn lao cho chuột và dùng sau khi tiêm truyền, đều có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, cải thiện sức khỏe của chuột. Tác dụng tương đương với rimifon.
Tác dụng khác
Cao lỏng Hoàng tinh gây tăng đường huyết trong thời gian ngắn, sau đó hạ. Trong đường huyết tăng do adrenalin gây nên, tác dụng hạ đường huyết của Hoàng tinh càng rõ rệt. Hoàng tinh còn có tác dụng tăng cường miễn dịch, thúc đẩy tổng hợp DNA, RNA và protein trong cơ thể.
Polysaccharide chiết từ Hoàng tinh thúc đẩy sự chuyển dạng của tế bào lympho. Ngoài ra, Hoàng tinh còn ức chế một số nấm gây bệnh với nồng độ từ 2% trở lên.
Ngày dùng 8 – 16g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán và thường được phối hợp với các vị thuốc khác.
Thuốc bổ cho người sức khoẻ yếu, lao lực, ho nhiều
Sắc 15g Hoàng tinh và 10g ý dĩ với 600ml nước đến khi còn 200ml rồi chia làm 3 lần và uống trong ngày.
Trị suy lão sớm ở người cao tuổi, âm hư
Trộn đều dịch chiết hoàng tinh, thiên môn đông, địa hoàng, mỗi vị 300ml; cô cạn còn ½ lượng nước ban đầu. Thêm 2500g mật ong và 1000g bột bạch phục linh. Sau đó trộn đều với hồ và làm thành viên hoàn to khoảng đầu ngón tay cái. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 1 viên với rượu.
Trị lao phổi, ho ra máu
Nghiền thành bột các vị thuốc: Hoàng tinh 500g; ngọc trúc 120g; bạch cập, bách bộ mỗi vị 250g. Sau đó luyện với mật rồi bào chế thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng 3 lần, lần uống 10g.
Trị đau thắt ngực, bệnh mạch vành
Sắc các vị thuốc: Hoàng tinh, công bố mỗi vị 15g; xương bồ, bá tử nhân, uất kim mỗi vị 10g; sơn tra 24g; diên hồ 6g, uống một thang mỗi ngày, chia 3 lần. Mỗi đợt điều trị thường kéo dài 4 tuần.
Trị đái tháo đường
Nghiền thành bột mịn các vị thuốc: Hoàng tinh, sinh địa, hoàng kỳ, mỗi vị 2 phần; trạch tả, hoàng liên, nhân sâm, địa cốt bì, mỗi vị 1 phần. Mỗi ngày dùng thuốc 3 lần, mỗi lần uống 5g.
Trị huyết áp thấp
Sắc các vị thuốc: Hoàng tinh, đảng sâm, mỗi vị 30g; cam thảo 10g và uống mỗi ngày 1 thang.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Hoàng tinh:
Nguồn Tham Khảo:
- Dược điển Việt Nam.
- Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
- Tra cứu dược liệu.
- Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1+ 2”.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.