Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Hòe (Nụ hoa): Dược liệu giàu rutin giúp tăng sức bền mạch máu cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Hòe có tên khoa học là Styphnolobium japonicum (L.) Schott – Sophora japonica L. thuộc họ thực vật: Fabaceae. Công dụng: Chữa cao huyết áp, phòng ngừa chứng đứt mạch máu não, ho ra máu, đái ra máu, đau mắt; còn chữa chảy máu cam, băng huyết, trĩ chảy máu, xích bạch lỵ (nụ hoa hoặc quả).
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Hòe, Lài luồng (Tày), Hòe hoa, Hòe mễ.
Tên khác: Japanese pagoda – tree, Chinese scholar tree, Umbrella tree (Anh); Sophora (Pháp).
Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott – Sophora japonica L. Họ thực vật: Fabaceae (họ Đậu).
Đặc điểm tự nhiên
Cây nhỏ, cao 5 – 6m, có khi đến 10m. Thân cành nhẵn, đôi khi hơi nức nẻ, cành nằm ngang, màu lục nhạt, có những chấm trắng. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 11 – 17 lá chét mọc đối, hình bầu dục thuôn, dài 30 – 45mm, rộng 12 – 20mm, mặt dưới hơi có lông.
Hoa nhỏ, màu trắng hay vàng lục nhạt, dài hình chuông, gần như nhẵn, mọc thành chùm ở đầu cành. Cụm hoa dài 20cm, phân nhánh nhiều. Cánh hoa có móng ngắn, cánh cờ rộng, hình tim cụt ở gốc, mép cong lên; nhị 10 rời nhau; bao phấn hình bầu dục.
Quả đậu thắt eo ở khoảng giữa các hạt thành một chuỗi lúc khô thì nhăn nheo, màu đen nâu, chia 2 – 5 đốt chứa 2 – 5 hạt hình bầu dục, hơi dẹt, màu đen bóng.
Trong dân gian, người ta phân biệt cây Hòe nếp và cây Hòe tẻ. Kinh nghiệm của Thái Bình (nơi trồng nhiều Hòe nhất trong cả nước) cho biết:
-
Hòe nếp: Hoa to, nhiều, đều, nở cùng một lúc, có màu nhạt, cuống ngắn. Cây phát triển nhanh, phân nhiều cành.
-
Hòe tẻ: Hoa nhỏ, thưa thớt, không đều, nở nhiều đợt, có màu sẫm hơn, cuống dài. Cây vồng cao, phân ít cành.
Phân bố, thu hái, chế biến
Chi Stypnolobium L. gồm hầu hết là cây bụi hay cây gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Việt Nam có 5 loài, trong đó Hòe là cây trồng. Cây Hòe trồng ở vườn hoặc hai bên đường, bờ mương máng, ở độ cao tới 1.500m.
Cây ra hoa vào tháng 5 – 6, có quả tháng 8 – 10.
Hòe được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía bắc hiện nay vốn là cây nhập nội, chưa rõ nguồn gốc. Cây phân bố ở Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng. Hòe thuộc loại cây gỗ trung sinh, ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng ở vườn gia đình xen với cây ăn quả. Vài năm trở lại đây, cây được trồng có kết quả tốt ở cả vùng đồi, đất cao nguyên ở Mộc Châu, Điện Biên, Đắc Lắc, hoặc ở đất mới khai hoang vùng Tam Điệp (Ninh Bình). Nhiệt độ không khí trung bình khoảng 23 – 260C. Cây ít thấy trồng ở những vùng cận nhiệt đới, núi cao như Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn (Hà Giang). Những cây trồng ở Trại thuốc Tam Đảo phát triển kém hơn cây trồng ở vùng đồi trung du và đồng bằng.
Ngoài ra, cây còn phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, nay được trồng ở nhiều nước trên thế giới.
Người ta trồng Hòe bằng hạt hoặc giâm cành vào mùa xuân. Sau 3 – 4 năm bắt đầu thu hoạch, cây càng sống lâu càng cho nhiều hoa. Hái hoa lúc còn nụ, phơi hay sấy khô; dùng sống hay sao hơi vàng để pha nước uống, hoặc cho vào nồi đất đun to lửa, sao cháy tồn tính (80%) để cầm máu. Quả hái vào tháng 9 – 11, rửa sạch, đồ mềm, phơi hay sấy khô, dùng sống hay có thể sao qua. Khi dùng giã đắp.
Bộ phận sử dụng
Bộ phần dùng của Hòe là nụ hoa – Flos Sophorae Immaturus, thường gọi là Hòe mễ; Hoa Hòe – Flos Sophorae, hay Hòe hoa và quả Hòe – Fructus Sophorae hay Hòe giác. Vỏ rễ, cành lá cũng được sử dụng.
Thành phần hoá học
Nụ hoa Hòe có chứa rutin, có thể đạt tới 34%. Còn có berinlin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B và sophorin C. Vỏ quả chứa 10,5% flavonoid toàn phần và một số dẫn xuất như genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol, glucosid C, rutin 4,3%. Hạt Hòe chứa 1,75% flavonoid trong đó có rutin 0,5%, một số alcaloid, cytisin, N-methyl cytisin, sophocarmin, matrin. Ngoài ra còn có 8 – 24% chất béo và galactomanan.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Nụ hoa Hòe có vị đắng nhạt, mùi thơm, tính hàn, có tác dụng thanh lương, thu liễm, chỉ huyết. Quả Hòe có vị đắng, tính mát, có tác dụng chỉ huyết, giáng áp, lương huyết.
Ngày nay ta biết được các tác dụng của mủ hoa Hòe: Làm giảm tính thẩm thấu của các mao quản, tác dụng kháng chiếu xạ, tác dụng hạ huyết áp.
Theo y học hiện đại
Tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch
Tác dụng làm giảm tính thẩm thấu mao mạch là thông qua ảnh hưởng của rutin và quercetin đối với sự chuyển hóa của adrenalin. Mặt khác, Rutin lại có khả năng làm co mạch trực tiếp hệ mao quản nên cũng có thể là hiện tượng giảm tính thẩm thấu của mao mạch do tác dụng co mạch trực tiếp gây nên.
Ở người cao tuổi, mao mạch không còn nguyên vẹn như trước và sự trao đổi chất giảm dần càng thúc đẩy quá trình lão hóa. Trong trường hợp này, rutin lại có khả năng duy trì tình trạng bình thường của mao mạch, bảo đảm cho mao mạch làm được chức năng trao đổi chất. Ngoài ra, rutin còn có thể làm tăng trương lực tĩnh mạch, củng cố sức bền thành mạch, do đó hạn chế được hiện tượng bị suy tĩnh mạch lúc tuổi già.
Tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol máu
Nụ hoa Hòe sao đen chữa xuất huyết, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, trĩ chảy máu, xích bạch lỵ. Nụ hoa dùng uống chữa đau mắt, cao huyết áp, phòng ngừa đứt mạch máu não.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), nụ hoa Hòe dùng trị viêm ruột hạ huyết, lỵ, tử cung xuất huyết, cao huyết áp.
Tác dụng chống viêm
Ở Quảng Tây, Hòe dùng trị tiện huyết, lạc huyết, nục huyết, lỡ trĩ xuất huyết, băng lậu, phong nhiệt đau mắt đỏ.
Quả Hòe được dùng ở Vân Nam (Trung Quốc) trụ ruột xuất huyết, tiểu tiện xuất huyết, mắt đỏ sưng đau, viêm hạch lympho; còn ở Quảng Tây dùng trị trường nhiệt tiện huyết, trĩ sang xuất huyết.
Vỏ rễ và cành lá được dùng ở Vân Nam trị sang độc.
Liều dùng & cách dùng
Nụ hoa Hòe dùng uống chữa đau mắt, cao huyết áp, phòng ngừa đứt mạch máu não. Ngày dùng 8 – 10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5 – 3g dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính chữa đại tiện ra máu. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc hãm hoặc sắc.
Nụ hoa sao vàng mỗi ngày dùng 6 – 20g sắc nước uống hoặc hãm uống như chè.
Viên rutin 0,02g và viên rutin-C gồm rutin 0,02g và vitamin C 0,05g. Mỗi lần uống 1 – 2 viên, mỗi ngày uống 2 – 3 lần. Trên thị trường quốc tế còn có loại thuốc tiêm rutin tan, được gọi là Solurutin dùng để tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch khi cần thiết.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa các loại xuất huyết, đi lỵ ra máu, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu:
Dùng hoa Hòe (sao qua) 10 – 15g, hoặc dùng quả Hòe 8 – 12 g sắc uống. Hoặc dùng hoa Hòe sao đen 20g, địa du sao đen 10g, diếp cá 12g, nước 300ml, sắc còn 200ml.
Nụ Hòe (sao) 20g, lá trác bá (sao) 20g, chí xác 12g, hoàng liên 8g, kinh giới 8g. Thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
Chữa người có huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, thần kinh suy nhược, mắt đau sợ chói, khó ngủ:
Hoa Hòe sao, hạt muồng sao, hai loại bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10 – 20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè.
Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da hay trẻ em thường đổ máu mũi, chảy máu chân răng, trằn trọc khó ngủ:
Dùng hoa Hòe sao và hạt muồng sao, tán bột, ngày dùng 10 – 20g; hoặc sắc 10g quả Hòe uống.
Chữa trị bị sưng đau:
Quả Hòe phối hợp với khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột hòa với nước, bôi ngoài.
Chữa tăng huyết áp, đau mắt:
Nụ Hòe 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Sắc nước uống.
Chữa băng lâm hạ huyết (ra máu nhiều) ở phụ nữ:
Hạt Hòe 250g (tẩm rượu sao), đan sâm 125g (tẩm giấm sao), hương phụ 60g (ngâm đồng tiện sao). Tất cả nghiền thành bột, làm thành viên nhỏ, mỗi buổi sáng uống 15g với cháo.
Chữa lòi dom:
Quả Hòe phối hợp với khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, hòa với nước, dùng bôi ngoài.
Chữa trĩ nội, viêm ruột:
Quả Hòe 100g (sao kỹ đến khi có màu tựu sẫm), kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng quả Hòe như sau:
- Phụ nữ có thai không được dùng quả Hòe, vì dễ bị sảy thai.
- Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hòe có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
https://heropharm.com/vuon-duoc-lieu/hoa-hoe-11478.html(Hình 1).
https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/hoa-hoe (Hình 2, 3).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.