Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Hương thảo: Loại gia vị có khả năng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Hương thảo là loài cây dạng cỏ và có mùi thơm. Bên cạnh việc sử dụng như một loại gia vị trong chế biến thực phẩm, Hương thảo còn được biết đến với vai trò là một dược liệu có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh về ho, viêm họng…
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Hương thảo.
Tên khác: Mê điệt hương.
Tên khoa học:Rosmarinus officinalis Lamiaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Hương thảo mọc thành bụi thân phân nhánh, thân cây nhỏ cao khoảng 1 đến 2m. Hương thảo có rất nhiều lá, hình dạng lá hẹp, có mép lá gập xuống, lá hình dải, dai, không có cuống lá; mặt dưới lá có lông trắng, mặt trên lá nhẵn, lá có màu xanh sẫm. Hoa màu tím nhạt, dài khoảng 1cm xếp thành 2 đến 10 hoa ở các vòng lá. Toàn thân cây có mùi rất thơm nên được gọi với tên là Hương thảo.
Phân bố, thu hái, chế biến
Hương thảo là loài cây có nguồn gốc từ vùng bản địa Địa Trung Hải, sau đó được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Tây Á, Bắc Phi, Nam Châu Âu… Tại Việt Nam, Hương thảo được nhập về và trồng tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Đối với cách trồng hương thảo người ta có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm chiết cành đều được.
Hương thảo sinh trưởng và phát triển tốt tại các vùng đất có khí hậu khô ráo, nhiều nắng, tuy nhiên nhiệt độ phải không quá nóng, vị trí trồng Hương thảo phải có khả năng thoát nước tốt.
Thu hoạch Hương thảo nếu như ở quy mô lớn có thể cắt lấy các ngọn có hoa đem phơi sấy khô, đập lấy lá. Đối với thu hoạch ở quy mô nhỏ, có thể cắt cành không hoa hoặc tỉa lá. Hương thảo khi thu hoạch sẽ tỏa ra mùi hương khá nồng.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của Hương thảo là lá và ngọn cây.
Thành phần hoá học
Thành phần hóa học của Hương thảo chủ yếu chứa tinh dầu và tanin.
Tinh dầu chiếm khoảng 0,5% ở cây khô, cao hơn là ở lá với 1,1 – 2% và 1,4% ở hoa. Trong tinh dầu Hương thảo có chứa các thành phần như: Borneol, acetat bornyl, camphor, cineol, terpen, sesquiterpen (caryophyllen) và thành phần chiếm hàm lượng cao nhất chính là α-pinen (tới 80%). Tinh dầu Hương thảo khi mới thu được từ các phương pháp chiết tách ở dạng thể lỏng, trong suốt không màu hoặc màu vàng. Tuy nhiên theo thời gian lâu dần, tinh dầu Hương thảo sẽ đậm màu dần và cứng lại; tinh dầu hương thảo có thể hòa tan vô hạn vào rượu.
Cây Hương thảo chứa các acid hữu cơ (citric, glycolic, glyeeric), glucosid không tan trong nước là choline, saponosid acid, và hai heterosid là romaside và romarinoside. Ngoài ra còn có acid rosmarinic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Hương thảo có mùi thơm nồng, vị chát, tính ấm nóng. Tác dụng:
-
Tăng cường sinh lực, bổ dưỡng, hoạt huyết.
-
Lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, tẩy uế, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
-
Có khả năng chống viêm sưng, có vai trò chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do.
-
Giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung thông qua việc kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp chống rụng tóc và mau mọc tóc.
-
Làm long đàm, dễ khạc đờm, khử trùng đường hô hấp.
Theo y học hiện đại
Trong điều trị phục hồi sau đột quỵ não, nhồi máu cơ tim
Nghiên cứu đối với động vật sau nhồi máu cơ tim cho thấy kết quả khi cho sử dụng lá Hương thảo tươi nhận thấy kết quả tỉ lệ sống ở động vật thí nghiệm cao hơn. Các tiêu chí đánh giá có sự cải thiện như sau: Phì đại cơ tim, chức năng tâm trương, hình thái tim. Nhờ đó mà các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng khi sử dụng Hương thảo sẽ như một liệu pháp bổ sung giúp phục hồi chức năng tim sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Một nghiên cứu khác đối với chiết xuất Hương thảo được chiết bằng dung môi hydroethanolic có vai trò bảo vệ các tế bào thần kinh đối với động vật bị thiếu máu não cục bộ. Đột quỵ não có 2 trường hợp, do tắc nghẽn (thiếu máu cục bộ) hoặc do mạch máu bị vỡ ra (xuất huyết); đột quỵ sẽ làm cản trở hay gián đoạn sự lưu thông của máu đến não. Tất cả nguyên nhân gây nên đột quỵ não đều gây ra những tổn thương hoặc thiệt hại không phục hồi được.
Trong điều trị rối loạn lipid máu
Địch chiết Hương thảo được tiến hành làm thí nghiệm cho các động vật bị chứng rối loạn lipid máu; kết quả cho thấy dịch chiết Hương thảo làm ức chế sự tăng cân, giảm sự tích tụ của những chất béo đối với những động vật làm thí nghiệm. Do đó, chiết xuất Hương thảo có thể là một trong những thành phần thiên nhiên giúp kiểm soát rối loạn lipid máu.
Trong điều trị giảm đau, giảm lo âu
Khi sử dụng thuốc để làm giảm cơn đau có thể gặp các tác dụng phụ, chẳng hạn như vấn đề về tim mạch, thận và dạ dày (phổ biến). Các thí nghiệm người ta nhận thấy rằng dịch chiết Hương thảo có khả năng kiểm soát và hạn chế cơn đau mà không gây tác dụng phụ hay ảnh hưởng đến hoạt động của các thuốc khác.
Một thử nghiệm khác về vai trò của Hương thảo trong việc chống lo âu; việc sử dụng các loại thuốc trầm cảm, lo âu có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng như hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nghiện… Hương thảo được xem là một liệu pháp có thể thay thế cho các loại thuốc chống trầm cảm hạn chế được các tác dụng có hại của thuốc đến với cơ thể.
Trong dự phòng nhiễm độc chì ở cộng đồng
Ngày nay khi sự phát triển của ngành công nghiệp nặng ngày càng nhiều, vấn đề nhiễm độc chì là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe. Chiết xuất Hương thảo được chiết bằng cồn người ta đã được chứng minh là một chất có khả năng bảo vệ gan và thận, chống lại tác dụng độc hại do chì.
Liều dùng & cách dùng
Cách ngâm rượu:
Ngâm 200g lá Hương thảo khô trong chai thủy tinh đã được làm sạch khử trùng với 1 lít rượu trắng trên 40°. Mỗi lần uống khoảng 2ml, ngày uống 2 lần. Các này sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe và chữa căng thẳng thần kinh.
Cách hãm thuốc:
Hãm với nước sôi khoảng 2 – 3g lá Hương thảo khô. Mỗi ngày uống từ 4 – 5 lần như vậy. Hoặc có thể dùng 500ml nước sôi để hãm khoảng 20g lá Hương thảo khô hoặc 30g lá Hương thảo tươi, chia thành 4 – 5 lần uống trong ngày. Các này có tác dụng tăng thiết dịch mật, lợi tiểu, tăng tuần hoàn máu, giảm nhức đầu hay căng thẳng thần kinh. Phun hoặc xoa nước hãm này lên da đầu để kích thích sự mọc tóc.
Bài thuốc kinh nghiệm
Viêm họng, khàn tiếng, ho
Chuẩn bị: 6 – 12g lá cây Hương thảo cùng 1 ít muối hạt.
Thực hiện: Sơ chế dược liệu rửa sạch và cắt nhỏ. Tiếp theo sau đó nhai trực tiếp với muối hạt cho ra nước rồi nuốt chậm. Mỗi ngày 2 lần cho đến khi triệu chứng ho, viêm họng, khàn tiếng giảm dần.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Hương thảo:
-
Không dùng Hương thảo cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, những phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
-
Không nên sử dụng đối với những người có cơn động kinh, mẫn cảm với tinh dầu Hương thảo.
Tuy Hương thảo là một loại gia vị phổ biến có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng vẫn có những chống chỉ định, tác dụng phụ và chỉ định riêng. Tốt nhất khi muốn sử dụng Hương thảo cho mục đích y học thì cần nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc những người có chuyên môn.
Nguồn Tham Khảo:
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- De Oliveira, J. R., Camargo, S., & de Oliveira, L. D. (2019). Rosmarinus officinalis L. (rosemary) as therapeutic and prophylactic agent. Journal of biomedical science, 26(1), 5. https://doi.org/10.1186/s12929-019-0499-8
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.