Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Hy thiêm: Vị thuốc chữa phong thấp từ cây mọc hoang cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Hy thiêm là một loại thực vật mọc hoang được tìm thấy nhiều nơi tại Việt Nam. Nói về tác dụng trong y học của Hy thiêm, Hy thiêm có khả năng khử phong thấp, chữa tay chân tê dại, lợi gân cốt, đau lưng, mỏi gối tê tay.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Hy thiêm.
Tên khác: Cỏ đĩ; Cứt lợn; Hy kiểm thảo; Hy tiên; Niêm hồ thái; Chư cao; Hổ cao; Chó đẻ; Nụ áo rìa.
Tên khoa học:Sigesbeckia orientalis, họ Asteraceae (Cúc).
Đặc điểm tự nhiên
Hy thiêm dạng cây thân thảo sống hàng năm, thân cây cao khoảng tầm 30 đến 40cm, có khi tươi tốt có thể cao lên đến 1m, cây có nhiều cành và lông.
Lá Hy thiêm có hình 3 cạnh hoặc dạng thuôn dài hình quả trám, la mọc đối, cuống lá ngắn, phần cuống lá nhỏ lại, có răng cưa, mặt dưới của lá có lông; lá dài khoảng từ 4 đến 10cm, rộng khoảng từ 3 đến 6cm. Hoa Hy thiêm có màu vàng, cụm hoa hình đầu, cuống hoa có lông, hoa Hy thiêm có 2 loại lá bắc. Quả Hy thiêm là quả bế màu đen, hình quả trứng, cạnh cài khoảng 3mm, rộng khoảng 1mm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Hy thiêm tìm thấy mọc hoang ở khắp tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam. Ngoài ra, còn tìm thấy ở trung Quốc, Nhật Bản, Philipin, Châu Úc và nhiều quốc gia khác.
Hy thiêm ra hoa và khoảng mùa hạ tháng 4 – 5 đến mùa thu tháng 8 – 9, mùa ra quả khoảng giữa trong các tháng 6 – 10. Hy thiêm được thu hoạch vào các tháng 4 – 5 hay tùy từng vùng khác nhau, tuy nhiên Hy thiêm được thu hái vào lúc cây chưa ra hoa, đem về phơi khô trong mát hay ngoài nắng, bó thành từng bó nhỏ để bảo quản và sử dụng.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của Hy thiêm là toàn cây trên mặt đất, vị thuốc Hy thiêm được thu hoạch vào lúc cây sắp ra hoa, chọn cây nhiều lá, cắt lấy phần từ ngọn trở xuống, dài 30 – 50cm, đem phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Trong thành phần hóa học của Hy thiêm có một chất có vị đắng chính là darutin, không phải là ancaloit hay glucozit theo Wehmer (1931, Die Pflanzenstoffe Bd., II: 1224). Theo các nghiên cứu hay đánh giá về cấu trúc hóa học người ta cho rằng darutin là một dẫn xuất của axit salixylic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu y học cổ truyền, Hy thiêm là vị thuốc có tính hàn, vị đắng, Hy thiêm quy vào 2 kinh là thận và can. Nhờ các tính chất như trên nên Hy thiêm được sử dụng trong điều trị các bệnh về phong thấp và hỗ trợ lợi gân cốt. Công dụng của Hy thiêm được biết đến như chữa lưng đau mỏi, phong thấp, gối đau, tay chân tê dại. Tránh sử dụng cho những người tê đau nhưng do âm huyết không đủ.
Ngoài ra, Hy thiêm còn được sử dụng để giã đắp tại chỗ chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn.
Theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, Hy thiêm được sử dụng để hạ đường huyết, hạ huyết áp, hỗ trợ kháng siêu vi khuẩn gây bệnh cho gia cầm là Rankhet.
Trong các thí nghiệm người ta tiến hành gây phù chân chuột cống trắng bằng kaolin, kết quả thử nghiệm khi dùng lá Hy thiêm cho thấy nó có tác dụng ức chế khá mạnh trong giai đoạn tiến trình viêm cấp tính của chuột. Theo nghiên cứu liều sử dụng là 3,7g/kg có thể ức chế đến 50% cường độ gây viêm đối với chuột.
Bên cạnh đó, thí nghiệm đối với giai đoạn viêm mạn tính và khả năng gây thu teo tuyến ức chuột cũng được tiến hành và chứng minh rằng la Hy thiêm cũng có tác dụng đáng kể đến các tiêu chí nêu trên đối với chuột cống non. Trong đó, tác dụng gây thu teo tuyến ức là một trong những đặc điểm của thuốc ức chế miễn dịch. Liều chết 50% đối với số động vật thí nghiệm là xác định bằng đường uống trên chuột nhắt trắng theo phương pháp Karber là 77,5 g/kg, chứng tỏ Hy thiêm có độc tính thấp.
Tác dụng chống viêm cấp của Hy thiêm qua bài thuốc gồm các dược liệu Hy thiêm, thiên niên kiện, mộc qua, ngưu tất đã được nghiên cứu và chứng minh bằng cách cho chuột cống trắng uống, đồng thời gây giảm tỷ lệ gamma – globulin trong huyết thanh.
Hy thiêm có tác dụng an thần, đối với các động vật thí nghiệm Hy thiêm làm giảm hoạt động tự nhiên của chúng gây hiện tượng choáng phản vệ.
Các nghiên cứu về tác dụng của Hy thiêm đối với chuyển hóa lipid ở chuột cống trắng. Hy thiêm làm giảm cả 3 chỉ số: Tỷ số beta/alpha lipoprotein máu, mức choloesterol máu và mức lipid toàn phần trong máu ở động vật thí nghiệm.
Rượu ngọt và viên nén Ngưu linh thiêm (bào chế từ 3 dược liệu Hy thiêm, ngưu tất và khúc khắc) được thí nghiệm trên 154 bệnh nhân, trong đó có 40 viêm đa khớp dạng thấp, 95 viêm đa khớp lành tính, 5 đau dây thần kinh tọa và 14 đau lưng). Trên lâm sàng, thuốc ngưu linh thiêm có tác dụng chống viêm và giảm đau rõ rệt kết quả tương đối nhanh và tốt nhất đối với đau lưng cấp do sang chấn và lạnh. Tác dụng điều trị tương đối tốt với viêm đa khớp dạng thấp, chưa có biến dạng về khớp và đối với các chứng đau nhức đơn thuần. Khi đã có biến dạng về xương, cơ, khớp thì kết quả kém. Thuốc không gây tác dụng phụ gì đáng kể, nhưng cần chú ý uống thuốc sau bữa ăn để tránh gây kích thích niêm mạc dạ dày.
Nghiên cứu lâm sàng viên Hy đa (bào chế từ 3 dược liệu Hy thiêm, Ngũ gia bì và Mã tiền) sử dụng trên 60 bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp và 55 bệnh nhân thấp khớp. Thuốc có tác dụng:
Thuốc khá hiệu quả trong giai đoạn sớm của bệnh, có khả năng chống viêm trên những bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp, tỷ lệ bệnh nhân khỏi và đỡ đạt 80%, đối với giảm đau trên ở bệnh nhân đau nhức khớp không rõ nguyên nhân, tỷ lệ này đạt 80%. Các nghiên cứu người ta nhận thấy tác dụng giảm đau kém hơn so với tác dụng tiêu viêm. Đối với công thức thuốc hy đa, trong thành phần 3 dược liệu có trong công thức, Hy thiêm có vai trò quan trọng nhất.
Liều dùng & cách dùng
Cách dùng: Dùng thuốc dưới dạng thuốc sắc.
Liều dùng: Liều dùng hàng ngày từ 6 đến 12g. Có thể tăng lên đến liều 16g.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa phong thấp (theo Hải Thượng Lãn Ông)
Rượu chữa phong đau:
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm 80g, rễ Cỏ chỉ 80g (sao), vỏ Chân chun 100g (sao), rễ cây Bươm bướm 60g (sao), rễ Rung rúc 80g (sao), Quy báu 40g, Cỏ xước 40g (sao), rễ Bưởi bung 40g (sao), Ô dược 40g, Cỏ roi ngựa 24g (sao), Cỏ nu áo, Cây bạc sau, Ngò đất.
Chế biến: Khi đã chuẩn bị xong những vị thuốc trên tiến hành cắt nhỏ, cho vào một túi vải, bỏ vào trong hũ rượu, dùng đất đậy kín miệng, nấu trong thời gian cháy hết một nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày 3 đêm, uống vào vào lúc đói.
Chữa phong tê:
Sử dụng bài thuốc rượu tương tự như chữa phong đau, có kết hợp thêm rau đắng đất.
Viên chữa phong đau:
Kết hợp các dược liệu: Hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), cẩu tích 240g (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô), rễ gắm 160g (sao), vỏ chân chim 160g (sao), củ ráng 100g (phơi râm, bỏ lông và vỏ), cốt toái bổ 160g (cạo hết lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm).
Chế biến: Các vị trên sau khi chuẩn bị xong tiến hành tán bột, luyện mật làm thành viên. Uống cùng với nước gừng hoặc rượu mỗi lần khoảng từ 8 – 12g.
Chữa phong thấp thể nhiệt, đau lưng và các khớp, nhức xương
Phối hợp các dược liệu sau: Hy thiêm, rửa sạch phơi khô, rưới rượu và mật vào, dồ rồi phơi, tiếp tục tẩm, dồ và phơi lần lượt như vậy đến 9 lần. Sau đó sấy khô, tán nhỏ, làm thành viên với mật, uống mỗi ngày 10 – 5g.
Hoặc có thể phối hợp Hy thiêm 50g, thổ phục linh 20g, lá lốt 10g, ngưu tất 20g, làm thành viên. Mỗi lần uống 10g, ngày uống 3 lần.
Chữa giai đoạn sớm của viêm đa khớp dạng thấp, đau nhức khớp
Phối hợp các dược liệu sau: Hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, ké đầu ngựa 12g, ngưu tất 16g, , tỳ giải 12g, cành dâu 12g, cà gai leo 12g, lá lốt 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hoặc có thể phối hợp các dược liệu sau thành viên Hy thiêm đan, mỗi viên có cao khô hy thiêm 0,03g, cao ngũ gia bì 0,035g, bột mịn ngũ gia bì 0,005g, bột mịn mã tiền chế 0,013g. Liều tối đa an toàn cho một lần uống là 20 viên và một ngày là 80 viên.
Chữa lại liệt nửa người, miệng mắt méo, mất tiếng
Kết hợp máu gà và Hy thiêm, Danh y Lê Kinh Hap thời Tự Đức đã thấy có kết quả.
Chuẩn bị lá và cành non Hy thiêm được thu hái trước khi ra hoa, sao vàng sau đó tán thành bột. Thêm mật, làm viên to bằng hạt bắp. Mỗi ngày uống 3 – 6g uống sau khi ăn, nếucó thể uống được rượu thì chiêu thuốc với rượu.
Chữa sốt rét con lâu ngày, đờm đọng hoặc tức đầy không muốn ăn
Chế nước sôi vào Hy thiêm tươi giã nhỏ chắt lấy nước cốt, uống một chén (30ml). Uống nhiều có thể nôn ra đờm.
Chữa tăng huyết áp
Phối hợp các dược liêu sau: Hy thiêm 8g, thảo quyết minh 6g, ngưu tất 6g, hoàng cầm 6g, long đờm thảo 4g, trạch tả 6g, chi tử 4g. Uống dạng thuốc sắc hoặc chè thuốc mỗi ngày dùng một thang.
Chữa đau nhức các khớp không có nóng đỏ
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi, ké đầu ngựa, mỗi vị 16g; uy linh tiên, tỷ giất, cam thảo nam, ý dĩ, mỗi vị 12g; bạch chỉ, quế chi mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa viêm khớp dạng thấp
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa, kê huyết đằng mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cây cúc áo, rễ cây cà gai to, huyết dụ, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa chàm
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm, ké đầu ngựa, hoàng bá, bạch biển bì, phù bình, mỗi vị 12g; phòng phong, thương truật, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa vẩy nến
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm 16g, hòe hoa, thạch cao, sinh địa, cây cứt lợn, mỗi vị 20g; thổ phục linh, cam thảo đất, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tổ đỉa
Phối hợp các dược liệu: Hy thiêm 16g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa, sinh địa, ý dĩ, mỗi vị 16g; kim ngân, cây cứt lợn, tỳ giải, kinh giới, cam thảo đất, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Lưu ý
Cũng như nhiều dược liệu khác, để mang đến hiệu quả tốt nhất, an toàn cho sức khỏe người dùng khi sử dụng hy thiêm cần lưu ý những vấn đề sau:
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ, người có chuyên môn trước khi sử dụng các bài thuốc đặc biệt cần đối tượng như trẻ em, phụ nữ đang mang thai, cho con bú.
-
Nếu như cơ thể mẫn cảm với bất kỳ thành phần của hy thiêm thì không nên sử dụng. Nếu như khi sử dụng dược liệu thấy các triệu chứng bất thường cần ngưng uống và đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
-
Đối với dạng thảo dược cần thiết phải kiên trì sử dụng trong thời gian nhất định mới thấy được những hiệu quả rõ rệt.
-
Không nên uống hy thiêm cùng với các dạng thực phẩm bổ sung sắt do hy thiêm có tính kỵ sắt.
-
Đối với bệnh nhân thuộc âm hư mà không có phong thấp thì không nên sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/hy-thiem.html
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.