Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Kê huyết đằng: Vị thuốc chữa đau xương khớp và nhiều công dụng mới cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Kê huyết đằng là vị thuốc có tên khoa học là Millettia reticulata Benth thuộc chi Thàn mát và họ Đậu. Các thực vật chi Thàn mát (Millettia) với thành phần hóa học chính thuộc nhóm flavonoid, được biết đến là các dược liệu quý và được ứng dụng rất nhiều trong các bài thuốc dân gian.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Kê huyết đằng.
Tên khác: Hoạt huyết đằng, huyết đằng, đại huyết đằng.
Tên khoa học: Millettia reticulata Benth, thuộc chi Thàn mát và họ Đậu.
Đặc điểm tự nhiên
Các thực vật thuộc chi Thàn mát là cây bụi hoặc dây leo, lá xếp theo hình lông chim với 1 lá chét ở đầu cuối và số lá chét lẻ (hiếm có ba lá chét). Chùm hoa nở ở nách lá hoặc đỉnh, hình chùy, nhiều cành hoa. Lá bắc lộ ra nhưng sớm rụng. Đài hoa dạng hình chuông hoặc hình ống. Nhị hoa có một bó nhị hoặc hai bó nhị và bao phấn đính gốc. Bầu nhụy chứa từ hai, ba hoặc vài noãn. Vòi nhụy thường nhẵn không có lông hoặc lông ở nửa dưới và nhẵn ở phía trên. Vỏ quả dạng bầu dục hoặc bán nguyệt. Hạt hình bầu dục ngang, hình vuông hoặc hình chữ nhật.
Kê huyết đằng là cây dạng dây leo, lá mỏng, giòn, không lông. Hoa xếp sát nhau ở đầu nhánh, màu đỏ. Quả đỏ nâu chứa 3 – 6 hạt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Kê huyết đằng thường mọc ở hàng rào, vùng cây bụi, ven rừng, trong rừng rậm (thường là rừng xanh), ở độ cao dưới 1000m. Tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác.
Kê huyết đằng được thu hái quanh năm, có thể nằm trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10.
Có hai cách chế biến chính là dùng tươi hoặc khô. Với việc dùng tươi, rễ và dây Kê huyết đằng được rửa sạch, thái thành những phiến mỏng để sử dụng. Để dùng khô, trước khi phơi cần ngâm nước dược liệu, vớt ra rửa sạch, sau đó làm khô bằng cách phơi hoặc sấy.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng là rễ và dây.
Thành phần hoá học
Thành phần hóa học chính của các loài thuộc chi Thàn mát, như Kê huyết đằng, là các hợp chất thuộc nhóm flavonoid. Chủ yếu thuộc khung như isoflavone (khoảng 100 hợp chất), flavone (khoảng 30 hợp chất), flavanone (khoảng 20 hợp chất), chalcone (khoảng 30 hợp chất), ngoài ra còn có các thành phần khác như flavanonol, rotenoid,…
Flavonoid đã được chứng minh có hoạt tính khoa học vô cùng phong phú, đa dạng như kháng viêm, làm bền thành mạch, chống độc, bảo vệ chức năng gan, chống oxy hóa, virus và ung thư.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Các thực vật thuộc chi Thàn mát được xem là các dược liệu quý và được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian. Đặc biệt, loài Millettia reticulata có tác dụng chữa đau nhức xương khớp, thấp khớp, trị lưng gối mỏi đau tê bại, đòn ngã tổn thương, hoạt huyết.
Theo Đông y, thân Kê huyết đằng có vị đắng. Rễ cây thư cân hoạt huyết, trấn tĩnh, dây giúp tán khí, tán phong, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Chủ trị các bệnh lý như chữa đau nhức mỏi gân xương, đau mỏi, chóng mặt, thiếu máu, phong tê thấp,…
Theo y học hiện đại
Trong điều trị kháng viêm
Theo một nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng viêm của cây Kê huyết đằng tại Việt Nam. Kết quả đánh giá hoạt tính kháng viêm in vitro của cặn chiết Kê huyết đằng cho thấy cặn chiết giúp ức chế sản sinh NO trên đại thực bào RAW264, thể hiện hoạt tính kháng viêm tốt với liều nhất định không gây độc cho tế bào.
Trong điều trị chống ung thư
Một nghiên cứu vào năm 2010 đã phân lập được sáu dẫn xuất flavonoid từ cây Kê huyết đằng bao gồm:
- Epicatechin;
- Naringenin;
- 5,7,3′,5′-tetrahydroxyflavone;
- Formononetin;
- Isoliquiritigenin;
- Genistein.
Trong đó, có thể thấy genistein có hoạt tính ức chế mạnh trong ung thư biểu mô tế bào gan SK-Hep-1 ở người. Ngoài ra, genistein đã được chứng minh gây ra chết tế bào theo chu trình ở tế bào ung thư SK-Hep-1 thông qua cả con đường trung gian và ty thể.
Trong điều trị giảm đau, chống viêm và hạ acid uric máu
Một nghiên cứu đánh giá tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ acid uric máu của viên GT1 trên động vật thí nghiệm. Viên GT1 được chiết xuất từ nhiều loại thảo dược khác nhau trong đó có Kê huyết đằng. Kết quả nghiên cứu cho thấy GT1 giúp giảm viêm cấp tính và mạn tính ở động vật, đồng thời giúp giảm nồng độ acid uric trong máu và nước tiểu có ý nghĩa.
Trong hoạt động bảo vệ gan
Tác giả Hsu và cộng sự vào năm 2009 đã tiến hành nghiên cứu tác dụng bảo vệ của Kê huyết đằng chống lại CCl4 – gây tổn thương gan và hoạt động viêm ở chuột. Nghiên cứu sử dụng nước chiết của Kê huyết đằng và hợp chất so sánh (acid protocatechuic) để đánh giá đối với mô hình chuột bị tổn thương gan bởi CCl4.
Chuột được uống chiết xuất Kê huyết đằng và hợp chất đối chứng đều làm giảm đáng kể nồng độ men gan do tiêm CCl4 gây ra. Mô bệnh học cũng cho thấy cải thiện đáng kể ở tế bào gan chuột, giảm tỷ lệ hoại tử tế bào gan ở chuột được uống Kê huyết đằng. Nghiên cứu cũng kết luận rằng chiết xuất Kê huyết đằng đường uống làm giảm tác dụng cho gan bằng cách tăng hoạt động của enzyme chống oxy hoá phụ thuốc glutathione, do đó là giảm stress oxy hoá và quá trình viêm ở gan chuột bị tổn thương bởi CCl4.
Trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Trong bối cảnh bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp mạn tính, gây ra phá hủy khớp tiến triển, biến dạng khớp, tàn tật và tử vong sớm. Vô số con đường khác nhau góp phần vào cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp, nhiều thuốc tân dược đánh vào các con đường này nhằm điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên nhìn chung, nhiều phản ứng bất lợi như tác dụng phụ nghiêm trọng, độc tính tiềm tàng và hiệu quả của thuốc tân dược, do đó, mối quan tâm đã đổ dồn vào các sản phẩm tự nhiên có thể ngăn ngừa tổn thương khớp với ít tác dụng phụ và chi phí thấp.
Nghiên cứu của tác giả Shen và cộng sự vào năm 2011 đã đánh giá hiệu quả của chiết xuất TBL-II (Quế chi, Hắc phụ tử, Xích thược, Ngưu tất, Dây gối tròn, Kê huyết đằng), một công thức thảo dược được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp dạng thấp, trên mô hình viêm khớp ở chuột. Kết quả của nghiên cứu đã kết luận rằng, việc sử dụng chiết xuất TBL-II giúp giảm đáng kể tình trạng viêm cấp tính và giảm các cytokine gây viêm như IL-1β và TNFα ở chuột bị viêm khớp. Như vậy có thể thấy TBL-II, trong đó có Kê huyết đằng có hiệu quả trong điều trị viêm khớp ở mô hình chuột, cũng như tiềm năng trong việc nghiên cứu thêm sau này.
Liều dùng & cách dùng
Kê huyết đằng có thể sử dụng với liều từ 10 – 30g mỗi ngày. Nên sử dụng dưới hướng dẫn của Bác sĩ Y học cổ truyền thay vì tự sử dụng. Có thể sử dụng bằng cách sắc uống, nấu trà, cô đặc thành cao hoặc ngâm rượu.
Bài thuốc kinh nghiệm
Viêm khớp dạng thấp
Chuẩn bị: 16g Kê huyết đằng, 16g rễ Vòi voi, 16g cây Cứt lợn, 12g Địa hoàng, 16g cây Khúc khắc, 10g rễ cây Cà gai leo, 12g Ngưu tất, 10g Hồng trúc, 10g cây Đơn châu chấu, 10g rễ Cúc ảo.
Thực hiện: Sắc uống theo thang mỗi ngày một lần, giúp hỗ trợ giảm đau, chống viêm và cải thiện triệu chứng của bệnh.
Trị đau lưng mỏi gối
Chuẩn bị: Các thành phần như 16g Tục đoạn, 16g Kê huyết đằng, 12g Hương thảo, 12g dây Đau xương, 12g Cẩu tích.
Thực hiện: Sắc thang thuốc với nước, dùng mỗi ngày một thang, nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền để có thể giúp điều trị bệnh một cách tốt nhất.
Điều trị suy yếu cơ thể, ra mồ hôi trộm
Chuẩn bị: Từ 90 đến 100g Kê huyết đằng, tùy tình trạng bệnh.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu và đem sắc lấy nước uống hết trong ngày.
Điều trị đau thần kinh tọa
Chuẩn bị: Khoảng 20g Kê huyết đằng, các vị Cỏ xước, Hồng hoa, Khương hoàng, Thoát hạch nhân mỗi vị 12g, Cam thảo 4g, Hạn liên thảo 10g.
Thực hiện: Mỗi ngày sắc một thang thuốc uống, chia làm 2 lần.
Giúp hỗ trợ chữa đau dạ dày
Chuẩn bị: Khoảng 16 – 20g Kê huyết đằng.
Thực hiện: Đun sôi kê huyết đằng với nước, giống như hãm trà, uống trong ngày. Có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau dạ dày, tuy nhiên hãy sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo đúng người, đúng bệnh.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây kê huyết đằng:
- Chú ý khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, trẻ em, người bị dị ứng hoặc quá mẫn với thuốc.
- Sử dụng cây kê huyết đằng ở những cơ sở y tế, bệnh viện, nhà thuốc uy tín để đảm bảo dược liệu không lẫn tạp chất có hại khác.
- Dùng đúng liều lượng và sự chỉ dẫn của bác sĩ y học cổ truyền.
Kê huyết đằng là một thảo dược được sử dụng từ lâu với nhiều tác dụng khác nhau, đặc biệt trong việc điều trị đau khớp, nhức mỏi. Tuy nhiên, việc sử dụng nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ y học cổ truyền, vì không phải ai cũng có thể sử dụng Kê huyết đằng. Việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn mới giúp có hiệu quả đối với mỗi bệnh lý khác nhau, đồng thời tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc không đúng chỉ định.
Nguồn Tham Khảo:
- Các hợp chất Flavonoid từ cây kê huyết đằng (Millettia reticulata) ở Việt Nam: http://jst.tnu.edu.vn/jst/article/view/6646/pdf
- Nghiên cứu thành phần hóa học và đánh giá hoạt tính kháng viêm của cây kê huyết đằng (Millettia reticulata) ở Việt Nam: https://gust.edu.vn/media/29/uftai-ve-tai-day29533.pdf
- Cây cỏ máu – Kê huyết đằng: https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-co-mau-ke-huyet-dang
- Anticancer effects of flavonoid derivatives isolated from Millettia reticulata Benth in SK-Hep-1 human hepatocellular carcinoma cells: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19994890/
- Analgesic, anti-inflammatory and hypouricemic effects of GT1 film-coated tablets on experimental animals: https://home.biomedpress.org/index.php/BMRAT/article/view/603
- Protective Effect of Millettia reticulata Benth Against CCl4-Induced Hepatic Damage and Inflammatory Action in Rats: https://www.liebertpub.com/doi/abs/10.1089/jmf.2008.1227
- Inhibitory effects of a traditional Chinese herbal formula TBL-II on type II collagen-induced arthritis in mice: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874110009098#
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.