Tên tiếng Việt:
Kê tử hoàng.
Tên khác:
Kê tử hoàng; Lòng đỏ trứng gà.
Tên khoa học:
Không tìm thấy.
Lòng đỏ hay Noãn hoàng (tiếng Anh: Yolk hay vitellus) là phần chứa chất dinh dưỡng trong trứng, đồng thời tạo nên con gà con, giúp đưa dưỡng chất vào phôi. Trứng của một số loài vật có thể không có lòng đỏ, do dưỡng chất đưa vào đã đủ hoặc do cơ thể phát triển một bộ phận riêng cho việc này (nhau thai).
Khi dùng đập quả trứng gà, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ.
Lòng đỏ trứng gà.
Lòng đỏ trứng được tạo thành từ một số khoang hình cầu, chứa một lượng đáng kể các acid béo như acid oleic, acid palmitic và acid linoleic, cũng như mức cholesterol cao. Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng trong đó tập trung phần chủ yếu của các chất dinh dưỡng. Lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng. Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất, hoàn thiện nhất. Chất đạm của lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và nằm ở trạng thái hoà tan.
Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt… tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Lòng đỏ có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K), biotin. Màu sắc của lòng đỏ là kết quả của sự hiện diện của hai hợp chất hóa học: lutein và zeaxanthin. Cả hai hợp chất này được gọi là những xanthophyll và cũng có thể được phân loại như các hợp chất carotenoid.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt tính hơi ôn. Vào hai kinh tâm vị.
Công dụng: Thanh tâm nhiệt, dưỡng tâm huyết, tăng dịch vị, bổ tỳ âm.
Chủ trị: Kê tử hoàng chữa bệnh ở kinh Thiếu âm, trong tâm buồn bực bứt rứt không nằm được, hoặc bị bách hợp bệnh sau khi nôn, chân âm ở vị bị tổn thương
Ứng dụng và phân biệt: Lòng trắng trứng gà tính hơi hàn, chữa các chứng nhiệt phục ở trong, mắt đỏ họng đau. Lòng đỏ trứng tính hơi ôn, chữa các chứng huyết hư tâm phiền ít ngủ. Nếu cùng dùng kèm cả lòng đỏ lòng trắng thì tính bình, là vị thuốc điều hòa tỳ vị sau khi ốm dậy, nhiếp lý âm dương, bổ sung dinh dưỡng.
Nhiều tác dụng bổ dưỡng của trứng đã được GS. Devareddy Nahari tổng kết như sau (công bố trên tạp chí Poultry International, số tháng 3/2009):
Tác dụng chống ung thư
Những nghiên cứu tiến hành ở trường Đại học Kyoto, Nhật Bản đã phát hiện ra rằng trứng chứa hai chất có tên là lumiflavin và lumichrome, hai chất này cùng với sulphoraphane (có nhiều trong sup-lơ xanh) có khả năng hạn chế sự tăng sinh của virus gây ung thư cũng như ngăn ngừa các tế bào khoẻ biến thành tế bào ung thư.
Tác dụng chống oxy hoá
Các sắc chất thuộc nhóm tiền vitamin A có trong lòng đỏ trứng giữ vai trò như những chất chống oxy hoá tự nhiên có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư. Các sắc chất này cũng có tác dụng giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Phosvitin, một protein của lòng đỏ trứng cũng là một chất chống oxy hoá mạnh, an toàn so với các chất oxy hoá tổng hợp. Lipid lòng đỏ (chiết bằng ethanol) có tác dụng bảo vệ những acid béo omega-3 như DHA không bị ôi.
Vitamin E, selen hữu cơ và các chất chống oxy hoá khác trong trứng có tác dụng ngăn ngừa sự lão hoá, sự hình thành các mảng vữa lòng mạch, từ đó hạn chế được xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Tác dụng điều hoà miễn dịch
Lysozyme globulin G1, globulin G2 và G3, ovomacroglobulin, kháng thể IgY cũng như các chất kháng khuẩn và kích thích miễn dịch tự nhiên khác trong trứng có thể kéo dài tuổi thọ của những người bị AIDS.
Tác dụng trị liệu
Lòng đỏ trứng giàu “acid sialic” (tên hoá học là N- acetylneuraminic acid). Nó có năng lực kháng vi khuẩn, virus, kháng viêm và đã được dùng để diệt vi khuẩn HP (Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày) cũng như chữa các bệnh nhiễm khuẩn gây viêm loét, ung thư kết tràng, viêm ruột và dạ dày.
Phức hợp lecithin-phospholipid với vitamin B trong lòng đỏ trứng khi nuôi chuột, nuôi trẻ nhỏ hay những người bị bệnh Alzheimer đã thấy mô thần kinh và năng lực thần kinh phát triển tốt hơn.
Tác dụng kích thích sinh trưởng, bảo vệ tim mạch
Giá trị sinh học cao và cân bằng của trứng làm cho trứng trở thành một thực phẩm có tác dụng kích thích sinh trưởng ở trẻ nhỏ. Taurine trong trứng (hay trong sữa và thịt) có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, từ đó ngăn ngừa bệnh tim mạch. Taurine cũng bảo vệ võng mạc mắt tránh thoái hoá và viêm. Acid linoleic liên hợp (CLA) trong lòng đỏ trứng có tác dụng giảm nguy cơ của bệnh tim và ung thư.
Lipid lòng đỏ trứng là một nguồn giàu acid béo oleic (một loại acid béo không no có một nối đôi) chiếm 42% tổng lipid của lòng đỏ trứng cũng có tác dụng như các acid béo omega-3 của trứng, tuy nhiên nó không dễ bị oxy hoá như các acid béo omega-3.
Một quả đến hai quả.
Bài Hoàng liên a giao Kê tử hoàng thang (Thương hàn luận phương)
Chữa bệnh kinh thiếu âm được hai, ba ngày trở lên, trong tâm buồn phiền bứt rứt, không nằm được.
Hoàng liên, Hoàng cầm, Thược dược, A giao, Kê tử hoàng. Sắc ba vị trên trước, bỏ bã, cho A giao vào cho tan ra, để nguội một tí, cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều là được, chia ra uống ấm.
Bài thuốc trị chốc đầu ở trẻ em
Lòng đỏ trứng gà luộc chín, đem sao lên (rán khan) cho dầu chảy ra, trẻ em bị chốc đầu bôi vào có hiệu quả.
Một số lưu ý khi sử dụng: Nếu tỳ vị có thấp trệ thì cấm dùng.
Nguồn Tham Khảo:
Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y: //luantri.com/vi-thuoc-ke-tu-hoang/
Bài báo khoa học Tạp chí Poultry International, số tháng 3/2009 của GS. Devareddy Nahari.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.