Khiếm thực (Euryale ferox Salisb) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Nymphaeaceae họ Súng.
Khiếm thực là một loài cây thuỷ sinh mọc ở đầm ao, sống hàng năm. Lá Khiếm thực nổi trên mặt nước, hình tròn rộng, mặt dưới màu tím và mặt trên màu xanh. Vào mùa hạ, cành mang hoa mọc vươn lên trên mặt nước, đầu cành có một hoa sáng nở chiều tàn.
Hạt Khiếm thực khá cứng, hình cầu, đường kính khoảng 5 – 8mm, phần lớn đều là hạt vỡ. Vỏ hạt màu đỏ nâu; một đầu hạt màu trắng vàng, chiếm khoảng 1/3 hạt. Trên hạt có vết lõm gọi là rốn hạt dạng điểm. Khi lột bỏ vỏ lụa, lộ ra lớp bên trong có màu trắng. Hạt chứa nhiều tinh bột, vị nhạt, không mùi.
Phân bố:
Hiện chưa thấy trồng ở Việt Nam. Khiếm thực thường được trồng trong các ao đầm ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh giáp giới Việt Nam như Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây.
Thu hoạch:
Thu hoạch vào cuối thu đầu đông.
Chế biến:
Thu hái quả chín, bỏ vỏ quả, lấy hạch cứng rồi rửa sạch. Sau đó tiếp tục loại bỏ vỏ cứng, lấy hạt và phơi khô. Có thể dùng hạt Khiếm thực khô sống hoặc đã sao.
Khiếm thực sao: Rang nóng cám đến lúc có khói bay lên, cho Khiếm thực đã làm sạch vào và sao cho tới khi hạt chuyển màu hơi vàng (10kg Khiếm thực cần 1kg cám). Sàng bỏ lớp cám dính trên hạt đã sao, để nguội.
Bảo quản:
Để nơi thoáng khô, tránh mọt.
Hạt lấy từ quả Khiếm thực chín đã sấy hoặc phơi khô.
Theo tạp chí Thực vật học của Trung Quốc, trong Khiếm thực có chứa nhiều catalase và tinh bột.
Theo một số nghiên cứu phân tích khác, trong Khiếm thực có 32% hydrat cacbon, 4,4% chất protein, 0,2% chất béo, 0,11% phospho, 0,009% calci, 0,004% sắt, 0,006% vitamin C.
Khiếm thực vị ngọt chát, tính bình, quy vào các kinh tỳ, thận.
Công năng: Ích thận, cố tinh, chỉ tả, ngừng đới hạ, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt.
Chủ trị: Mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, di niệu, đới hạ, bạch trọc, tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày.
Đông Y coi Khiếm thực là một vị thuốc bổ, có tác dụng làm săn (thu liễm) và trấn tĩnh dùng điều trị các bệnh tê thấp, đau nhức dây thần kinh, đau đầu gối, đau lưng. Các tác dụng chữa di tinh, đa niệu, khí hư bạch đới ở phụ nữ cũng đã được chứng minh.
Ngày uống 10 – 30g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hoặc thuốc bột.
Trị tiểu đêm, ăn uống kém, lưng gối đau mỏi
Sao vàng Khiếm thực, tán bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống 8g cùng với nước sắc từ ích trí nhân và phá cố chỉ, mỗi vị 6g.
Trị thần kinh suy nhược, viêm ruột mạn tính
Tán nhỏ 2 vị Khiếm thực và kim anh tử với lượng bằng nhau, thêm mật làm viên hoàn. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4g.
Trị viêm phế quản, hư suyễn ở người già
Đập dập 50g Khiếm thực, nghiền cả vỏ 10g cùi hồ đào, thêm 10g táo nhân và 100g gạo tẻ. Cho các vị thuốc trên vào nấu cháo, thêm đường phèn vừa đủ và ăn ngày 2 lần.
Trị thận hư, tiểu tiện đục, khí nhược
Giã nát 15g Khiếm thực và 10g phục linh, sắc với nước cho mềm rồi thêm gạo tẻ vừa đủ và nấu thành cháo. Dùng liên tục bài thuốc này trong 5 – 7 ngày.
Trị di mộng tinh, mất ngủ
Đun các vị thuốc: Khiếm thực 10g, hạt sen 40g, phục thần 20g trên lửa nhỏ đến mềm, thêm đường và bỏ bã phục thần. Chỉ dùng hạt sen, khiếm thực và uống nước.
Trị thận hư, đái dầm, di tinh, đại tiện lỏng, tỳ hư
Sắc lấy nước 20g Khiếm thực cùng 15g hạt kim anh bỏ nhân, bỏ bã. Thêm 100g gạo lứt vào nấu cháo. Khi cháo chín, thêm đường phèn vừa đủ và ăn trong ngày.
Trị khí hư, thận hư, tiểu không tự chủ
Nấu cháo cùng các vị thuốc: Khiếm thực 30g, gạo nếp 30g, ngân hạnh 10g và ăn mỗi ngày 1 lần. Liệu trình điều trị thường kéo dài 7 – 10 ngày.
Trị các chứng tỳ hư bất vận, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy lâu ngày không cầm được
Tán mịn các vị thuốc: Khiếm thực, biển đậu, bạch truật, hạt ý dĩ, phục linh, liên nhục, sơn dược, mỗi vị 30g; nhân sâm 8g. Pha với nước sôi, uống mỗi ngày 2 – 3 lần. Có thêm 6g đường mỗi lần để cho dễ uống.
Ích thận, cố tinh
Bài 1: Xay mịn Khiếm thực và quả kim anh với lượng bằng nhau, làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 8g cùng với nước cơm để điều trị chứng di tinh, bạch trọc (tiểu đục, xuất tinh tự phát).
Bài 2: Xay mịn Khiếm thực, liên tử, sa uyển tử, mỗi vị 40g; và long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 20g. Nấu Liên tử thành hồ rồi trộn đều với bột của các dược liệu khác và làm thành viên hoàn. Mỗi ngày uống 16 – 20g để điều trị di tinh, tinh tự ra.
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy
Bài 1: Sắc uống nóng các vị: Khiếm thực 12g, bạch truật 8g, cam thảo 4g, đảng sâm 12g, sơn dược 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, trạch tả 8g, thần khúc 8g, ý dĩ nhân 12g. Điều trị trẻ em tỳ hư, tiêu chảy kéo dài, tiêu hóa kém.
Bài 2: Tán bột các vị: Khiếm thực 30g, biển đậu 30g, bạch truật 30g, liên nhục 30g, nhân sâm 8g, phục linh 30g, sơn dược 30g, hạt ý dĩ 30g. Mỗi nngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 6 – 8g để điều trị tỳ hư bất vận, ăn uống kém, tiêu chảy lâu ngày, người mệt mỏi.
Thử thấp, chỉ đới
Bài 1: Nghiền bột hoặc sắc uống các vị thuốc: Khiếm thực 12g, bạch quả 12g, hoàng bá 8g, sơn dược 20g, xa tiền tử 12g để điều trị chứng thấp nhiệt đới hạ.
Bài 2: Luyện bột khiếm thực và bột phục linh (liều lượng bằng nhau) cùng với mật rồi làm viên hoàn. Mỗi lần uống 12g cùng với nước muối nhạt để điều trị bạch đới.
Trị đái tháo đường
Nấu chín 63g Khiếm thực và 100 – 200g gan lợn rồi ăn.
Người bị cảm cúm mới phát, đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng.
Khiếm thực là loài cây làm cảnh đang được trồng ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Khiếm thực có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam V
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)
Tra cứu dược liệu
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.