Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Khoai nưa: Loài khoai có tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Khoai nưa, một loại cây thuốc sống lâu năm, mọc hoang khắp các nơi ẩm ướt.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tùy theo vùng mà gọi là Khoai nưa hoặc Khoai na, Củ nưa, Củ nhược hay Quỉ cậu. Khoai nưa có tên khoa học là Amorphophallus konjac K. Koch thuộc họ Ráy (Araceae).
Đặc điểm tự nhiên
Khoai nưa là loại sống nhiều năm với củ to, dẹt, hình cầu, có khi to hơn đầu của người lớn, thịt màu vàng, ăn hơi ngứa. Các lá riêng lẻ có cuống lá dài đến 40cm hoặc hơn; lá có màu xanh lục nâu, đốm trắng, xẻ làm ba thành các đoạn dài khoảng 50cm, phiến lá nhiều khía sâu. Bông mo có màu tím, hình trụ, tận cùng là một phần bất thụ. Mo có màu nâu sẫm.
Thời gian ra hoa: Mùa hè và mùa thu.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây khoai nưa mọc hoang khắp các nơi ẩm ướt, đôi khi được trồng lấy củ ăn hay nuôi lợn.
Củ Khoai nưa được thu hoạch vào khoảng tháng 9 đến tháng 11.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bào chế khác nhau:
-
Sử dụng trực tiếp: Củ cạo vỏ, ngâm với nước vo gạo 12 tiếng rồi nấu khoảng 1 tiếng với một ít muối.
-
Làm dược liệu: Thái mỏng củ, ngâm với nước vo gạo qua đêm, rồi ngâm thêm một đêm với phèn chua. Lấy dược liệu sau ngâm phơi khô, sau đó nấu cùng với gừng khoảng 3 giờ (tỉ lệ 1kg Khoai nưa: 100g gừng). Cách làm này có thể giúp hết ngứa khi sử dụng Khoai nưa.
-
Nếu thu hoạch muộn, củ đã già hoặc quá to thì cần kiềm hóa bằng cách xử lý cùng vôi và tro: Thái củ thành các miếng nhỏ rồi ngâm một đêm cùng nước phèn sau đó nấu khoảng 1 giờ với vôi rồi mới dùng được.
Bộ phận sử dụng
Thân củ (Củ Khoai nưa).
Thành phần hoá học
Ở củ Khoai nưa ở Việt Nam chỉ thấy tinh bột là một chất chưa xác định.
Một loại Khoai nưa Amorphophallus konjac K. Koch, đã phát hiện được một loại tinh bột với thành phần chính là konjac-mannan (50%) khi đem thủy phân thu được lagavulin (hoặc laevidulinoza).
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay, tính ấm và hơi ngứa.
Công dụng: Thông kinh lạc, làm ấm tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa, tiêu sưng viêm, giảm nôn, tiêu đờm, sát trùng…
Chủ trị: Điều trị đau nhức, ho có đờm, đầy bụng, ăn uống khó tiêu, bệnh liệt nửa người, mụn nhọt…
Theo y học hiện đại
Kháng khuẩn: Các loại vi khuẩn như B typhi, Bacillus diphtheriae…
Kháng viêm: Ức chế phù bàn chân chuột nhắt trắng do albumin.
Chống oxy hóa: Tiêu trừ các gốc tự do, kích hoạt glutathione. Ngoài ra, có thể phá hủy các gốc tự do bên ngoài cơ thể, bảo vệ thương tổn đến gen.
Giảm đường huyết: Konjac Glucomannan với chất xơ không bị hệ tiêu hóa hấp thu, không có calo và tạo cảm giác no. Vì vậy, làm giảm sự hấp thu đường glucose.
Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu: Giảm nồng độ của Cholesterol và Glyceride.
Bảo vệ niêm mạc ruột: Làm tăng số lông tơ, độ dày niêm mạc ruột dẫn đến làm tăng tác dụng bảo vệ niêm mạc của dạ dày.
Liều dùng & cách dùng
Tùy mục đích sử dụng mà có thể dùng Khoai nưa tươi ăn trực tiếp hay dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc đắp ngoài da…
Người dân thường đào củ Khoai nưa ăn khi đói hoặc dùng nấu canh, muối dưa.
Bột Khoai nưa có thể dùng làm nguyên liệu nấu ăn, làm lương thực, làm bánh, nấu chè, làm miến hoặc dùng trong công nghiệp vải, lụa.
Dọc nưa cũng có thể dùng ăn được. Sau khi thu hoạch, đem tước bỏ vỏ, thái thành khúc, ngâm cùng nước vo gạo cho hết ngứa rồi dùng nấu canh, hoặc muối dưa.
Nước tươi được giã nát từ củ Khoai nưa có thể giảm sưng tấy của mụn nhọt, nhanh lành da.
Dạng thuốc sắc: 4g đến 12g.
Dùng ngoài: Liều không cố định.
Bài thuốc kinh nghiệm
Đơn thuốc chữa liệt nửa người: Củ Khoai nưa tươi 10g, ô đầu 1g, phụ tử 1g đem sắc kỹ với 600ml nước đến khi còn 100ml. Chia uống nhiều lần trong ngày.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng Khoai nưa:
● Mẫn cảm hay dị ứng với với thành phần trong Khoai nưa.
● Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng khi dùng.
● Xử lý bằng nước vo gạo hay vôi để giảm ngứa trước khi dùng.
● Khoai nưa có độc, cần đun kỹ mới hết chất độc, khi sử dụng cần phải theo dõi.
Nguồn Tham Khảo:
1. Tra cứu dược liệu Khoai nưa: https://tracuuduoclieu.vn/khoai-nua.html.
2. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
3. Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
4. G.S Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. NXB Trẻ.
5. PTS Võ Văn Chi (1998). Câu rau làm thuốc. NXB Tổng hợp Đồng Tháp.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.