Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Kim vàng: Dược liệu hiệu quả trong điều trị hen suyễn và rắn độc cắn cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây kim vàng là một trong những cây thuốc nam quý. Loài cây này thường mọc hoang rải rác ở một số địa phương của nước ta, tìm thấy nhiều nhất là ở các tỉnh miền Nam. Theo kinh nghiệm dân gian, Kim vàng thường được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa cảm cúm, hen suyễn, nhức mỏi tay chân, đặc biệt là trị rắn cắn.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Kim vàng còn có tên gọi khác là Gai kim bóng, Sơn đông, Gai kim vàng, tên khoa học là Barleria lupulina Lindl, thuộc họ Ô rô Acanthaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Cây Kim vàng là loại cây nhỏ mọc đứng, nhánh vuông, không lông. Lá nguyên không lông, lá kèm biến thành gai thẳng nhọn. Cụm hoa mọc ở ngọn, các lá bắc kết hợp cao 2cm. Hoa màu vàng nhạt, lá đài có gai, tràng có 1 môi 4 thùy, 2 nhị sinh sản, 2 nhị lép.
Mỗi cụm hoa thường có 18 – 20 hoa nhưng thường không nở hoa cùng một lúc. Cây ra hoa vào mùa đông xuân, chỉ nở hai hoa mỗi ngày, sau 7 ngày mới nở hết một cụm hoa. Quả nang có 2 hạt dẹt, hạt được bao bọc bởi một vỏ cứng. Khi quả chín đến khô thì nổ tách bắn hạt ra xa.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây Kim vàng có nguồn gốc từ đảo Mô-ri-xơ thuộc Bồ Đào Nha.
Ở nước ta, cây thường mọc hoang dại ở các tỉnh phía Nam, cũng có nhiều nhà đem trồng làm cảnh hoặc trong chậu, hoặc trồng thành hàng rào vì có gai nhọn. Gần đây nhiều người đã trồng để lấy lá dùng làm thuốc chữa rắn độc cắn. Thường chỉ thu hoạch lấy lá tươi và dùng ngay.
Cây còn mọc hoang hoặc được trồng ở Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia.
Lá và rễ được thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Chế biến: Được dùng ở dạng tươi hoặc dạng khô (tùy vào mục đích sử dụng của từng bài thuốc). Khi dùng ở dạng khô, cần làm rửa dược liệu bằng nước sạch rồi cắt thành từng đoạn nhỏ, sau đó đem phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ thích hợp.
Bảo quản: Những lá còn tươi nên được sử dụng trong ngày, nếu không sử dụng hết, có thể bảo quản bằng cách cất trong ngăn mát của tủ lạnh.
Đối với lá khô, ta nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt nhất, nên bảo quản trong bao bì kín để tránh mối mọt và sử dụng được lâu dài.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của Kim vàng là ngọn cây, lá và thân cây.
Thành phần hoá học
Thành phần hóa học của cây chưa được nghiên cứu nhiều, một số nghiên cứu cho thấy có chứa Scutellarein-7-rhamnosyl glucoside.
Nếm hoa có vị ngọt, lá có vị đắng.
Công dụng
Kim vàng thường được dùng trong dân gian làm thuốc chữa rắn cắn, cắt cơn suyễn, cảm cúm, ho, thổ huyết, băng huyết, đau nhức răng, tê bại nhức mỏi, bong gân, trật khớp.
Ở Thái Lan, lá tươi dùng trị sâu bọ đốt và mụn rệp.
Ở Trung Quốc, thân được dùng trị rắn độc cắn, chó dại cắn, đòn ngã tổn thương, sưng đau, ngoại thương xuất huyết.
Kim vàng trị rắn độc cắn
Liều dùng & cách dùng
Để làm thuốc chữa rắn cắn, dùng đọt non nhai, sau đó lấy bã đắp hoặc lấy lá và cành giã nát vắt lấy nước cốt cho uống, phần bã đắp vào vết cắn, cứ 30 phút cho uống 1 lần, làm 5 – 6 lần thì khỏi bệnh.
Để trị hen suyễn, ta dùng lá tươi nhai với 1 ít muối rồi nuốt phần nước, bỏ phần bã.
Có thể lấy cành lá sắc nước uống, có khi sắc ngậm hoặc giã tươi lẫn với phèn chua, ngậm dùng chữa nhức răng.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa vết rắn độc cắn
Hái một nắm lá tươi (ước 20 – 35g) giã nát, sau đó vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống sống, bã dùng đắp lên vết thương rắn cắn. Cứ 30 phút cho uống lại một lần.
Cũng có bài thuốc phối hợp lá Kim vàng với phèn chua như sau: Đầu tiên, ta hút nọc rắn bằng một ống nhựa, hay ống trúc đặt vào vết rắn cắn rồi dùng miệng hút. Hút một vài lần để lấy được tối đa lượng nọc độc rắn.
Sau đó dùng 30g lá Kim vàng tươi, thêm 5g phèn chua, đem giã chung với nhau. Thêm ít nước vào rồi vắt lấy phần nước cho uống. Nếu bệnh nhân răng cắn chặt thì cạy miệng cho uống thuốc. Phần bã lá và phèn chua thì đắp lên vết thương rắn cắn.
Bài thuốc chữa chân nứt nẻ
Dùng 2 – 3 nắm lá cây Kim vàng đã được rửa sạch bụi bẩn, đem giã nát rồi chắt lấy phần nước cốt. Đem nước cốt thoa lên vùng chân bị nứt nẻ kết hợp với việc massage nhẹ nhàng, dùng thường xuyên sẽ cải thiện được tình trạng nứt nẻ chân.
Bài thuốc giúp giảm sưng do sâu bọ, côn trùng đốt
Dùng một nắm lá cây Kim vàng (khoảng 25 – 30 gram), nên chọn những lá còn tươi, không bị héo úa, đem về rửa sạch. Sau đó, đem giã nát rồi đắp lên vị trí bị côn trùng, sâu bọ đốt. Kiên trì thực hiện đến khi vết sưng giảm hẳn.
Bài thuốc chữa đau nhức răng
Dùng một nắm lá cây Kim vàng đem đi rửa sạch bụi bẩn, cho một ít muối rồi vê như hạt đậu, lưu ý không để lá mất nước, sau đó đem nhét vào chỗ răng bị đau.
Hoặc có thể dùng lá tươi để nhai nát rồi chèn vào vị trí đau. Để yên trong khoảng 5 – 10 phút rồi khạc bỏ, súc miệng kỹ bằng nước sạch.
Bài thuốc chữa hen suyễn
Dùng một nắm lá cây Kim vàng còn tươi đem về rửa sạch với nước lạnh hoặc nước muối pha loãng để lọc bỏ tạp chất và vi khuẩn gây hại.
Sau đó đem giã nát để lấy phần nước. Mỗi lần sử dụng một lượng để nhỏ để ngậm rồi nuốt từ từ cho thuốc thấm vào thành họng lâu nhất có thể.
Ngoài ra, người ta còn dùng Kim vàng để chữa ho sốt đối với trẻ em.
Lưu ý
Chưa ghi nhận.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/kim-vang.html.
Những cây thuốc và vị thuốc việt nam – Đỗ Tất Lợi.
3033 Cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh thiền sư.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.