Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Dây ký ninh: Món quà của rừng xanh giúp bảo vệ sức khỏe cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Dây ký ninh là một loại thực vật làm thuốc có phân bố ở vùng rừng rậm Đông Dương, chẳng hạn như Việt Nam, Lào, Campuchia,… Quinine (phiên âm tiếng việt là ký ninh) là một loại thuốc dùng để trị bệnh sốt rét và bệnh Babesiosis. Hoạt chất này điều trị sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium falciparum có khả năng kháng lại Chloroquine. Mặc dù tên ký ninh nhưng trong thành phần chiết xuất lại không có chất ký ninh (quinine).
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Dây ký ninh.
Tên khác: Thuốc sốt rét, dây thần thông, Bảo cự hành.
Tên khoa học: Tinospora crispa (L.) Miers (Menispermum crispum L., Cocculus tuberculatus L., C. crispus DC.). Thuộc họ Menispermaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Dây ký ninh là một loại dây leo, thân rất xù xì, màu nâu nhạt, dài tới 6 – 7 mét hoặc hơn, mọc rất khỏe. Lá mọc so le, hình tim, mép nguyên, trông hơi dày, dài 8 – 12cm, rộng 5 – 6cm, cuống gầy, ngắn hơn phiến lá. Hoa tập hợp thành 1 – 2 chùm ở kẽ lá. Quả chín có màu đỏ, dài khoảng 12mm, có một hạt dẹt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Dây ký ninh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Hà Tây (nay là Hà Nội), Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Ngoài ra còn phân bố ở Lào, Campuchia, Philippines. Để trồng được dây ký ninh, ta chỉ cần cắt thân cây mẹ thành từng mẫu kích thước khoảng 10 – 15cm và cắm nghiêng xuống đất. Lưu ý tránh trồng vào mùa rét vì mùa rét cây ngưng phát triển.
Thu hái:Cây có thể thu hoạch quanh năm, hái về cắt thành từng đoạn 0,5 – 1cm, sau đó đem phơi hoặc sấy khô.
Chế biến:Sau khi thu hoạch dây ký ninh có thể sử dụng tươi hoặc cắt khúc phơi khô.
Bộ phận sử dụng
Người ta chủ yếu dùng thân hoặc rễ cây ký ninh như một vị thuốc. Khi tươi, cây tiết ra chất nhựa nhớt, rất đắng. Lá cây ít được dùng hơn.
Thành phần hoá học
Trong thân cây ký ninh người ta chiết xuất ra được một ít Alkaloid. Các tác giả tranh cãi Alkaloid này là Berberin hoặc Panmatin. Tỷ lệ Alkaloid chiếm khoảng 0,1% so với khối lượng thân khô. Ngoài ra Alkaloid, cây ký ninh còn chiết xuất ra được Glucozit có vị đắng với tỷ lệ 0,6 – 0,8% theo khối lượng thân khô. Theo tổng hợp của nhóm các tác giả Waqas Ahmad và các cộng sự, người ta đã phân lập được các chất hóa học sau từ dây ký ninh:
- Flavone và Flavone Glycosides: 6 loại.
- Triterpene: 2 loại.
- Diterpene và Diterpene Glucoside: 16 loại.
- Cisclerodane: 8 loại.
- Alkaloids: 22 loại.
- Lignan: 5 loại.
- Sterol: 3 loại.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh: Dây ký ninh tính mát, vị rất đắng.
Công dụng: Theo y học cổ truyền, vị đắng có tác dụng táo thấp, tính mát giúp thanh nhiệt, do đó, dây ký ninh có tác dụng hạ nhiệt, tiêu đờm, phá huyết, trục ứ thông kinh chỉ thống, trừ thấp nhiệt, trừ thũng,… là vị thuốc ứng dụng để điều trị bệnh lý sốt ho rất hiệu quả.
Chủ trị:Dân gian chủ yếu dùng dây ký ninh chữa bệnh sốt rét, trị sốt và làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, dây ký ninh còn dùng đắp ngoài hoặc sắc lấy nước rửa các vết loét ngoài da.
Theo y học hiện đại
Tiêu chảy
Berberin trong dây ký ninh có tác dụng cầm tiêu chảy.
Hoạt tính kháng Cholinesterase
Một số alkaloid phân lập từ cây thuốc đã được báo cáo có hoạt tính ức chế Cholinesterase. Các alkaloid phân lập từ dây ký ninh cần được đánh giá về hoạt tính ức chế Cholinesterase của chúng. Sự ức chế Cholinesterase có tiềm năng điều trị bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ do tuổi già), mất điều hòa và bệnh nhược cơ.
Tuy nhiên, kết quả được trình bày trong nhiều nghiên cứu chưa đủ để đưa ra một kết luận có ý nghĩa. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu cơ học và tiên tiến hơn để hiểu rõ hơn về hoạt động kháng cholinesterase của dây ký ninh.
Hoạt động bảo vệ tim mạch
Chiết xuất từ dây ký ninh cho thấy tác dụng đối với hệ tim mạch cả in vitro và in vivo. Một số hợp chất có tác dụng tăng huyết áp và nhịp tim. Một số chất lại có tác dụng giảm huyết áp trên động vật thử nghiệm.
Giảm đau
Chiết xuất khô của thân cây ký ninh với liều 666 ml cho thấy tác dụng giảm đau trung ương đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, liều thử nghiệm không đủ để làm nổi bật tác dụng phụ thuộc vào liều. Ngoài ra, có tác giả đã báo cáo rằng chiết xuất ethanol của dây ký ninh làm giảm cơn đau do axit axetic gây ra ở chuột theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Người ta đã chứng minh rằng chiết xuất ethanol ở liều 300 mg/kg cho thấy phản ứng giảm đau cao hơn (92%) so với 100 mg/kg axit acetylsalicylic hay còn gọi là Aspirin (81%).
Hoạt động ức chế Cytochromes
Cytochromes P450 (CYP) là enzyme chính xúc tác quá trình chuyển hóa oxy hóa của thuốc và các xenobiotic khác. Các dạng đồng phân của CYP như CYP3A4, CYP2D6, CYP2C9 và CYP2E1 đã được báo cáo là có liên quan đến quá trình chuyển hóa thuốc. Sự ức chế CYP dẫn đến các tương tác thuốc bất lợi không mong muốn do thay đổi độ thanh thải chuyển hóa của thuốc. Một xét nghiệm đo phóng xạ kháng lại CYP3A4 và CYP2D6 cho thấy rằng dây ký ninh thể hiện hoạt động ức chế trên 70% đối với quá trình trao đổi chất qua trung gian CYP3A4.
Kháng khuẩn
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Tường Vân, dây ký ninh có tác dụng kháng khuẩn gram dương và không có tác dụng kháng khuẩn với vi khuẩn gram âm.
Chống sốt rét
Người ta đã phát hiện ra rằng chiết suất của dây ký ninh có tác dụng ức chế sự phát triển của Plasmodium theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Ức chế 100% sự phát triển của Plasmodium falciparum sau 72 giờ.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị sốt rét bao gồm nhức đầu, ù tai, gặp khó khăn về thị lực và đổ mồ hôi do có chứa Quinine. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể kể đến bao gồm điếc, tiểu cầu hạ thấp và nhịp tim không đều. Tuy nhiên, dây ký ninh có thể chữa sốt rét nhưng trong thành phần không chứa Quinine nên hoàn toàn tránh được các tác dụng phụ này.
Hạ đường huyết
Theo nghiên cứu của Yuan Gao cho thấy rằng chiết xuất từ dây ký ninh có tác dụng hạ đường huyết đáng kể.
Chống oxy hóa
Theo một số nghiên cứu chiết xuất thô trong nước của thân cây được phát hiện có hoạt tính chống oxy hóa cao và hiệu lực chống oxy hóa của nó tương đương với các chất chống oxy hóa như vitamin C.
Hạ Lipid máu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất từ dây ký ninh được sử dụng cho thỏ tăng cholesterol trong máu đã làm chậm sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch bằng cách ngăn chặn mức cholesterol toàn phần và chất béo có hại khác. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng trên người.
Chống ung thư
Các tế bào ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu và cổ tiết ra thành phần MMP-13 và dịch chiết từ dây ký ninh có thể ức chế các tế bào ung thư biểu hiện bằng cách giảm nồng độ chất này.
Diệt chấy rận
Thuốc mỡ chiết xuất từ dịch chiết dây ký ninh có thể chống lại chấy rận mà không làm kích ứng da.
Qua tất cả những công dụng trên, chúng ta thấy dây ký ninh rất có hiệu quả với các căn bệnh xuất hiện ở vùng rừng núi như sốt rét, viêm họng, lở loét, chấy rận,… Như một món quà của rừng xanh giúp bảo vệ sức khỏe cho con người sống dựa vào thiên nhiên, gắn bó gần gũi với thiên nhiên. Nhất là trong thời kỳ thuốc chống sốt rét chưa phổ biến và sốt rét vẫn còn lây lan thành những đợt dịch lớn, đặc biệt đối với những đồng bào sinh sống ở vùng đồi núi và trung du phía bắc nước ta.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng chữa sốt rét:Ngày uống khoảng 0,5 – 1,5g cao dưới hình thức thuốc viên.
Bột thân cây chế thành rượu thuốc hay thuốc ngâm: Bột thuốc ngày uống khoảng 2 – 3g, rượu thuốc ngày uống khoảng 4 – 8g.
Thường dùng Dây ký ninh dưới nhiều hình thức đa dạng như: Cao, bột, viên hoàn, sắc…
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa sốt rét dây dưa và chặn cơn sốt rét
Bài 1: Dây đau xương 16g, dây kỳ nam hương 10g, dây ký ninh 10g. Đem tất cả các dược liệu trên sắc với 3 chén nước đến khi còn 8 phần, uống trước cơn sốt rét khoảng 2 tiếng, ngày uống 1 thang.
Bài 2: Sài hồ 12g, địa long (sao gừng) 12g, thường sơn (sao rượu) 16g, dây ký ninh 12g, muồng trâu 12g, thảo quả 8g, binh lang 8g, trần bì 8g, bán hạ chế 8g. Dùng 600ml nước sắc còn 300ml. Uống ngày 1 thang.
Bài 3: Thân rễ dây ký ninh, thân rễ củ cỏ gấu và gừng khô, mỗi vị 5g. Sắc với nước uống trong ngày, trong 4 – 5 ngày.
Chữa mất ngủ, đau nhức xương khớp
Có thể dùng dây ký ninh 4 – 12g. Rửa sạch rồi sắc 600ml nước còn khoảng 300ml trên lửa nhỏ, chia làm 3 lần uống trong ngày. Cần uống liên tục ít nhất 15 ngày.
Kháng khuẩn, ngừa viêm họng
Có thể dùng rễ dây ký ninh 2g tán bột, ngày uống 01 lần.
Chữa sỏi thận
Dùng Dây ký ninh, cỏ nhọ nồi, nhục đậu khấu khối lượng như nhau. Nghiền 3 – 5g dược liệu trong nước thành bột nhão và uống ngày 1 lần giúp trị sỏi thận mà không có tác dụng phụ.
Trị giang mai, di tinh hoặc liệt dương
Dùng 4 thìa cà phê dịch ép thân tươi dây ký ninh cùng 1 thìa cà phê mật ong uống lúc đói, ngày uống 2 lần trong 7 ngày để chữa di tinh. Cũng dùng thuốc này để hỗ trợ làm tăng lượng tinh trùng trong tinh dịch.
Ngoài ra, người ta còn cho súc vật như trâu, bò, ngựa ăn thóc hoặc ngô trộn với bột dây ký ninh để súc vật ăn khỏe, chống lại bệnh tật, cơ thể béo tốt, lông mượt.
Lưu ý
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng ký ninh:
- Khi dùng kéo dài phải lưu ý men gan và chức năng thận.
- Những người dị ứng với nước sắc ký ninh không nên dùng. Biểu hiện bằng các triệu chứng như ngứa hoặc nổi mẩn đỏ.
- Nếu bị sốt rét nên đến khám ở trung tâm y tế và chỉ dùng dây ký ninh như liệu pháp điều trị hỗ trợ.
Nguồn Tham Khảo:
- Dây Ký Ninh (Dây Thần Thông, Dây Cóc) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: https://vnras.com/day-ky-ninh-day-than-thong-day-coc-nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-do-tat-loi/
- Safety, Efficacy, and Physicochemical Characterization of Tinospora crispa Ointment: A Community-Based Formulation against Pediculus humanus capitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5594725/
- Tinospora crispa extract inhibits MMP-13 and migration of head and neck squamous cell carcinoma cell line: https://www.sciencedirect.com/science/article/
- Antioxidant activity of Tinospora crispa extracted with different ethanol solvents: https://balimedicaljournal.org/
- Tinospora crispa (L.) Hook. f. & Thomson: A Review of Its Ethnobotanical, Phytochemical, and Pharmacological Aspects: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4800188/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.