Tên Tiếng Việt: Cây bàng.
Tên khác: Quang lang, indian almond – tree, tropical almond (Anh), badamier (Pháp).
Tên khoa học:Terminalia catappa L.. Thuộc họ Bàng (Combretaceae).
Cây bàng là loại cây to, cao 8 – 10m, có khi hơn. Thân phân cành nằm ngang gần như mọc vòng làm thành nhiều tầng. Lá to, mọc so le, cuống lá ngắn, hình trứng ngược, gốc thuôn, đầu tròn hơi có mũi nhọn, dài 20 – 30cm, rộng 10 – 13cm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt, hơi có lông màu hung nhạt, gân phụ chằng chịt men theo phiến đến tận đầu lá, cuống lá có lông màu hung.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gắn gọn, dài 15 – 20cm. Hoa nhỏ nhiều, màu trắng lục, đài hoa có 5 răng, rụng sớm, gốc có 5 tuyến màu nâu, không có tràng. Nhị 10, cao hơn đài, bầu một ô, chứa hai noãn.
Quả hạch, hình trứng dẹp, đầu múp nhọn, hai mép mỏng, khi chín màu vàng.
Mùa hoa: Tháng 4 – 5. Mùa quả: Tháng 6 – 7.
Chi Terminalia L. có khoảng 150 loài trên Thế Giới, hầu hết là cây gỗ, rụng lá, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam, có 11 loài, trong đó có những loài rất đáng chú ý, như chò xanh (Terminalia myriocarpa Van Henrek et Muell – Arg.) là một loài cây gỗ rất to, cao tới 30 – 40m (ở Cúc Phương) hoặc cây bàng quen thuộc đối với nhiều nơi.
Cây bàng là một cây nhiệt đới, có nguồn gốc ở vùng Nam Á. Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở ven rừng và cả ở những nơi đất khô cằn có nhiều sỏi cát. Cây còn được trồng để lấy bóng mát xung quanh các khu dân cư. Cây bàng phân bố cả ở Malaysia, Thái Lan, Lào.
Ở Việt Nam, không thấy cây bàng mọc trong trạng thái tự nhiên. Cây được trồng nhiều ở các khu đô thị, ven đường đi hoặc trong các đình chùa để lấy bóng mát, trừ vùng núi cao.
Cây bàng là cây gỗ mọc nhanh, cây trồng từ hạt sau 1 năm có thể cao tới 2m. Sau 10 – 15 năm, cây sinh trưởng chậm đi rất nhiều, rụng lá hoàn toàn vào mùa đông, ra hoa quả nhiều hàng năm. Tỷ lệ hạt nảy mầm cao.
Bộ phận sử dụng được của cây bàng là vỏ, lá và hạt.
Các thành phần hoá học có sự khác nhau từ quả, hạt và vỏ của cây bàng. Quả chứa 1.95g protein, 12.03g carbohydrate và 1.21g tro. Beta-caroten (2090μg) và vitamin C (1386mg) hiện diện với số lượng lớn.
Vỏ quả được khử nước dưới ánh nắng mặt trời có tro, protein, glucose, độ ẩm, tannin, carbohydrate và dầu với nhiệt lượng 3434,5kcal/kg là rất cần thiết cho giá trị dinh dưỡng của nó.
Hạt bao gồm dầu cố định (51.2%), olein (54%), và stearin (46%). Hạt mang lại độ ẩm 4.13%, chất xơ thô 4.94%, protein thô 23.78%, tro 4.27%, chất béo 51.80% và 16.02% carbohydrate; tổng giá trị nhiệt lượng là 548,78kcal.
Vỏ cây chứa glycoside, cardiac tannin, dầu dễ bay hơi, saponin, steroid, glycoside và phenol. Được phân loại vào nhóm axit oleic-linoleic, dầu chứa hàm lượng lớn axit béo không bão hòa, chỉ có oleic (lên đến 31.48%) và linoleic (lên đến 28.93%).
Gần đây hơn, Mininel và cộng sự đã phân lập được punicalagin (polyphenol), các dẫn xuất của nó và một số hợp chất khác trong lá của cây bàng. Lá cây bàng chứa 1-degalloyl-eugeniin, 2,3-(4,4′,5,5′,6,6′-hexahydroxy-diphenoyl)-glucose, axit chebulagic, axit gentisic, corilagin, geraniin, granatin B, kaempferol, punicalagin, punicalin, quercetin, tercatain, tergallagin, terflavin A, và terflavin B.
Hạt chứa carbohydrate, protein, chất béo, chất xơ, sắt, axit ascorbic, axit arachidic, beta-carotene, axit linoleic, axit myristic, axit oleic, axit palmitic, axit palmitoleic, axit stearic, phốt pho, kali, niacin, riboflavin, thiamin và nước. Quả chứa glucose, pentosan, corilagin, axit cacboxylic brevifolin, beta-carotene, cyanidin-3-glucoside, axit ellagic, axit gallic và tannin.
Shikhamandloi và cộng sự đã xác định quercetin trong lá của cây bàng. Các thành phần thực vật như flavonoid, carotenoids và các hợp chất phenolic có thể là lý do loại cây này được sử dụng trong y học.
Theo Đông y, lá bàng có tính mát, vỏ cây và vỏ quả có tác dụng làm săn da và niêm mạc, hạt có vị ngon, béo.
Kháng khuẩn
Các vi sinh vật có hại là tác nhân gây ra nhiều bệnh tật và tử vong. Nhiều loại thuốc điều trị đã ra đời nhưng có một số tác dụng phụ có hại. Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học đã quan tâm đến các nguồn tự nhiên có sẵn.
Các chất chiết xuất từ cloroform cũng như methanol cho thấy hoạt tính kháng khuẩn tốt chống lại các vi sinh vật gram dương và gram âm. Chiết xuất chloroform của rễ cây bàng cho thấy hoạt động kháng khuẩn chống lại Escherichia colivà Staphylococcus aureus.
Chiết xuất từ methanol của rễ cây bàng thể hiện nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 0.065mg/ml đối với Escherichia coli và dịch chiết cloroform có MIC là 0.4mg/ml đối với Staphylococcus aureus.
Các chất chiết xuất từ nước và methanol của lá cây bàng cho thấy mức độ hoạt động khác nhau chống lại Pseudomonas aeruginosa, Pseudomonas testosteroni, Pseudomonas pseudoalcaligenes, Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus subflava, Proteus mirabilis, Proteus Vulgaris, Proteus morganii, Bacillus cereus, Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Citrobacter freundii, Micrococcus flavus, Alcaligenes faecalis, Enterobacter aerogenes, Salmonella typhimurium, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Streptococcus faecalis, Streptococcus cremoris, Streptococcus agalactiae và Candida tropicalis.
Akharaiyi và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của cây bàng. Lá cây bàng ở các giai đoạn khác nhau được chiết xuất bằng cách sử dụng nước và được sử dụng để chống lại các vi sinh vật gây hại khác nhau. Kết quả cho thấy lá cây bàng có khả năng hoạt động chống lại các sinh vật khác nhau.
Kháng viêm, giảm đau
Gần đây, vai trò của tình trạng viêm trong cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh khác nhau đã được đặc biệt quan tâm. Các thuốc có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng trên toàn Thế Giới như một phương thuốc chữa các tình trạng viêm khác nhau gây rối loạn. Các hợp chất polyphenolic, triterpenoid và các hợp chất hóa học khác được tìm thấy trong thực vật có thể chịu trách nhiệm cho các hoạt động chống viêm.
Chiết xuất ethanol từ lá của cây bàng có tác dụng chống viêm trong nghiên cứu gây phù tai do 12-O-tetradecanoylphorbol-13-acetate (TPA) gây ra ở cả mô hình động vật cấp tính và mạn tính. Quy trình phân đoạn dựa trên xét nghiệm sinh học cho thấy hoạt tính tập trung vào phần cloroform và phần này có axit ursolic và 2alpha, 3beta, axit 23-trihydroxyurs-12-en-28-oic và cũng thể hiện khả năng hoạt động chống viêm mạnh.
Chữa lành vết thương
Vết thương là sự mất đi hoặc phá vỡ tế bào và chức năng của các mô sống. Tình trạng kháng thuốc và độc tính của thuốc đã trì hoãn sự phát triển của các chất kháng khuẩn tổng hợp để điều trị vết thương. Một số loại cây có hoạt tính dược lý hiệu quả có thể cung cấp các phương pháp điều trị thay thế lành mạnh hơn cho vết thương.
Khan và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu chứng minh rằng việc bôi thuốc mỡ từ cây bàng lên vết thương cho thấy vùng vết thương giảm 97% khi so với nhóm chứng (81%) và thuốc mỡ betadine là thuốc tiêu chuẩn. Thuốc mỡ từ cây bàng giúp thúc đẩy quá trình biểu mô hóa nhanh hơn và chữa lành vết thương đáng kể.
Chống bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính kéo dài suốt đời do cơ thể sản xuất insulin không đủ hoặc các tế bào đề kháng với insulin. Gần đây, tầm quan trọng và hiệu quả của thuốc thảo dược liên quan đến bệnh đái tháo đường đã được quan tâm.
Năm 2019, Natarajan Divya và cộng sự thực hiện nghiên cứu nhằm xác định tác dụng chống bệnh đái tháo đường của lá cây bàng trên mô hình chuột được gây bệnh bằng streptozotocin. Hai nồng độ khác nhau của chiết xuất ethanol từ lá cây bàng (300 và 500mg/kg) được sử dụng để điều trị chuột mắc bệnh đái tháo đường và các thông số sinh hóa được phân tích trong các mẫu máu.
Kết quả điều trị bằng thảo dược được so sánh với thuốc tiêu chuẩn glibenclamide. Kết quả cho thấy chiết xuất ethanol (500mg/kg) có tác dụng chống bệnh đái tháo đường đáng kể bằng cách thay đổi đường huyết, huyết sắc tố glycosyl hóa, glycogen gan, glucose 6-phosphatase, fructose 1,6-bisphosphatase, glucokinase, aspartate transaminase, alanine transaminase, kiềm phosphatase, urê, axit uric và nồng độ creatinine, đồng thời tăng mức insulin.
Các bộ phận của cây bàng có liều dùng và cách dùng khác nhau:
Chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi
Búp hoặc lá bàng non, cúc tần, lá hương nhu, mỗi vị 10g, sắc uống.
Chữa ghẻ
Búp bàng non, phơi khô, tán thành bột mịn, rắc vào.
Chữa đau nhức, tê thấp
Búp bàng non dùng tươi, xào nóng chườm vào chỗ đau.
Chữa sâu răng, viêm quanh răng
Búp non hoặc vỏ thân cây bàng đem sắc đặc. Vỏ thân có thể ngâm rượu, ngậm. Ngày dùng 3 lần.
Một số lưu ý khi sử dụng cây bàng:
Nguồn Tham Khảo:
- Anand A, Divya N, Kotti P. An updated review of Terminalia catappa. Pharmacognosy reviews. 2015;9(18):93.
- Divya N, Rengarajan RL, Radhakrishnan R, et al. Phytotherapeutic efficacy of the medicinal plant Terminalia catappa L. Saudi Journal of Biological Sciences. 2019;26(5):985-988. doi://doi.org/10.1016/j.sjbs.2018.12.010.
- Abiodun OO, Rodríguez-Nogales A, Algieri F, et al. Antiinflammatory and immunomodulatory activity of an ethanolic extract from the stem bark of Terminalia catappa L.(Combretaceae): In vitro and in vivo evidences. Journal of ethnopharmacology. 2016;192:309-319.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.