Tên Tiếng Việt: Lá cách.
Tên khác: Vọng cách; cách biển; lộc cách.
Họ: Premna integrifolia.
Vọng cách là một loài cây nhỏ có nhiều cành, đôi khi mọc leo, có khi có gai. Lá Vọng cách mỏng hình dáng thay đổi, có thể là hình trái xoan hay trái xoan bầu dục, hình trứng hoặc hơi bầu dục, đầu lá tù hoặc hơi nhọn, phía cuống hơi tròn, chiều dài từ 10 – 16cm, rộng 5 – 6cm, có khi tới 10cm hay hơn; mép lá nguyên hay hơi khía tai bèo, có ít lông ở dưới, nhất là trên các gân. Hoa nhiều, mọc thành ngù ở đầu cành, nhỏ màu xanh lục nhạt. Quả hạch hình trứng, màu đen nhạt, to bằng hạt đậu, xù xì, ở đầu hơi lõm, có 4 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt.
Toàn thân cây tỏa ra mùi thơm dễ chịu, lá cũng có mùi thơm nhưng hơi hắc, rễ có vỏ hăng đắng và mùi thơm.
Cây Vọng cách mọc hoang khắp nơi ở Việt nam và các nước Lào, Campuchia. Còn thấy mọc ở Mangat, Ấn Độ, Indonexia, Philippines và Châu Úc.
Thường thu hái lá quanh năm, có nơi dùng cả vỏ thân, rễ hái về rửa sạch, dùng bằng cách phơi hay sấy khô hoặc sao vàng.
Bộ phận sử dụng được của Vọng cách là lá, rễ và cành – Folium, Radix et Ramulus Premnae Corymbusae.
Chưa được nghiên cứu rộng rãi.
Basu N.K và Dandiya P.C (1947) đã chiết được từ vỏ thân hai alkaloid gọi là premnin và ganiarin. Premnin là chất có tác dụng giống thần kinh giao cảm, làm giảm sức co của tim và làm dãn nở đồng tử.
Rễ Vọng cách có chứa tinh dầu thơm và một chất màu vàng.
Lá Cách
Theo kết quả nghiên cứu trên ếch của Basu N.K và Dandiya P.C, thì premnin có tác dụng giống 1 chất kích thích giao cảm (chất cường giao cảm), nó làm giảm sức co của tim và làm dãn nở, dãn đồng tử.
Phạm vi sử dụng Vọng cách còn hạn chế, đến nay chỉ mới thấy được dùng chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian truyền lại. Ngoài công dụng làm thuốc, lá Vọng cách còn được dùng ăn gỏi cá.
Lá Vọng cách dùng làm thuốc chữa lỵ, thông tiểu tiện, giúp tiêu hoá. Rễ Vọng cách có tác dụng đau bụng, ăn uống không tiêu, chữa sốt.
Ngoài ra, còn được dùng trị phù do gan, xơ gan, trị thấp khớp và làm thuốc lợi sữa.
Ở Ấn Độ, cây được dùng trị đau dây thần kinh, rễ dùng trị triệu chứng xuất huyết não. Ở Ấn Độ và Indonexia, người ta còn dùng cây trị bệnh đau gan, đau dạ dày và làm thuốc hạ nhiệt. Lá cách được dùng nhiều ở Ấn Độ làm thuốc trị cảm lạnh và sốt, trị đầy hơi và dùng dưới dạng súp làm thuốc lợi tiêu hóa, gây trung tiện.
Tại Ấn Độ và Indonesia, lá Vọng cách sắc uống được dùng để chữa tê thấp, thấp khớp, lợi sữa cho phụ nữ mới sinh con. Liều dùng: Mỗi ngày dùng 30 – 40g lá tươi hoặc 15 – 20g rễ.
Chữa kiết lỵ
Lá Vọng cách tươi (30 – 40g) được rửa sạch, vò nát thêm ít nước lã, đem đun sôi để nguội, khuấy đều. Sau đó, vắt lấy nước thêm 1 ít đường cho vị dễ uống, người lớn ngày uống một chén 30 – 40ml, trẻ em dùng nửa liều người lớn. Theo kinh nghiệm dân gian thì có thể hái phơi khô hay sao vàng với liều 10 – 15g mỗi ngày, sắc uống.
Hậu sản vàng da
Dùng Lá cách phối hợp với Nhân trần và Cối xay, liều lượng bằng nhau 12g sắc lấy nước uống.
Một số lưu ý khi sử dụng Lá cách:
Theo Y học hiện đại, việc thường xuyên sử dụng nước sắc Vọng cách để thay nước sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, do có thể khiến huyết áp tăng cao, gây cường thần kinh giao cảm. Theo Y học cổ truyền, thói quen thường xuyên uống nước sắc dược liệu có khả năng tác động và làm mất cân bằng âm dương, đồng thời làm rối loạn chức năng của tạng phủ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc với tần suất không kiểm soát, điều này có thể dẫn đến những hậu quả không tốt với sức khỏe hơn là công hiệu chữa bệnh của cây.
Nước sắc cây Vọng cách có khả năng kháng sinh mạnh mẽ. Chính vì thế người bệnh có thể sử dụng dược liệu trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột, lỵ trực trùng, ngộ độc thực phẩm…Ngoài ra, người bệnh còn có thể dùng nước cốt và bã dược liệu bôi lên những vị trí bị lở ngứa ngoài da, mụn nhọt… Tuy nhiên hai loại alkaloid được tìm thấy trong Vọng cách gồm premnin và ganiarin là những chất hơi độc. Vì thế, tốt nhất người bệnh nên sử dụng dược liệu theo từng liệu trình, mỗi liệu trình kéo dài từ 5 – 7 ngày, sau đó tạm thời dừng 1 thời gian. Người bệnh không nên sử dụng dược liệu với liều lượng cao trong 1 thời gian liên tục, như vậy không những không phát huy được công dụng của dược liệu mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/vong-cach.html .
Những cây thuốc và vị thuốc việt nam – Đỗ Tất Lợi.
3033 Cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh thiền sư.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.