Tên Tiếng Việt: Lạc tiên, Chùm bao, Dây nhãn lồng.
Tên khác: Cỏ hồng tiên (Thái), Dây lưới, Mấm nêm, Mò pì, Mác quánh mon (Tày).
Tên khoa học: Passiflora foetida L. Họ: Passifloraceae (Lạc tiên).
Lạc tiên là một loại dây mọc leo, thân mềm, trên có rất nhiều lông mềm.
Toàn cây L ạc tiên có nhiều lông. Cuống lá dài 3cm đến 4cm. Lá hình tim, mọc so le, mép lượn sóng nhẹ và xẻ hơi sâu thành 3 thuỳ, cuống lá dài khoảng 7 – 8cm. Lá có vẩy. Vẩy sau này phát triển thành sợi tua cuốn ở nách lá.
Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt, có 5 tráng. Lá đài màu trắng và có gân xanh phái dưới, những gân phụ bao xung quanh trông như lá.
Quả hình trứng, nhẵn bóng, dài 2 – 3cm. Mùa hoa 4 – 5, mùa quả 5 – 7.
Cây Lạc tiên phân bố rộng rãi khắp nước Việt Nam. Từ xa xưa, Pháp đã dùng cây này làm thuốc an thần, sau đó tác dụng này mới được du nhập vào Việt Nam và được nhân dân dùng nhiều.
Lạc tiên được thu hái vào mùa xuân, hạ.
Có thể dùng cây tươi hoặc phơi khô để dành sắc nước uống hoặc pha rượu thuốc.
Bộ phận dùng là toàn cây Lạc tiên.
Lạc tiên có thành phần hóa học:
Pachypodol, 4’;
7-O-dimethyl-apigenin;
Ermanin-4’;
7-O-dimethyl-naringenin;
3,5-dihydroxy-4,7-dimethyloxyflavanon;
chrysoerpol;
2”-xylosylvitexin;
vitexin;
Flavonoid;
Alcaloid, harman.
Tính vị, quy kinh: Cam, vi khổ, lương. Vào các kinh tâm, can.
Toàn cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy.
Quả có vị ngọt, tính bình mùi thơm, tác dụng nhuận tràng, chỉ thống.
Tác dụng an thần, gây ngủ
Lạc tiên có chứa thành phần alcaloid, thành phần này có tác dụng làm giảm hoạt động của động vật thí nghiệm khi chúng được kích thích bởi cafein và kéo dài thời gian gây ngủ của hexobarbital.
Chế phẩm có chứa lạc tiên (thành phần gồm lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, lá dâu, hạt keo giậu, sâm đại hành) được chứng minh rằng:
Tác dụng an thần ở động vật đã dùng cafein.
Gây hạ huyết áp và kích thích hô hấp của động vật thí nghiệm.
Ngủ ngon.
Liều dùng an thần, chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: 20g đến 40g một ngày, dạng thuốc sắc, cao lỏng, siro, rượu thuốc, nên uống trước khi đi ngủ.
Chữa mẩn ngứa: Dây lá Lạc tiên nấu nước tắm hàng ngày đến khi khỏi.
Bài thuốc điều trị mệt mỏi, căng thẳng
Chuẩn bị: 300g Lạc tiên, 200g Râu ngô, 100g Rau má.
Thực hiện: Sắc các vị trên lấy nước uống.
Hỗ trợ điều trị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
Bài 1:
Chuẩn bị: 50g Lạc tiên, 30g Lá vông, 20g Tâm sen, 10g Lá dâu tằm.
Thực hiện: Kết hợp các vị trên và cô thành cao lỏng. Mỗi ngày dùng 2 – 4 thìa nhỏ pha cùng nước ấm và uống trước khi đi ngủ.
Bài 2:
Chuẩn bị: Ngọn Lạc tiên
Thực hiện: Luộc hoặc nấu canh như những loại rau xanh khác. Nên dùng vào buổi tối.
Bài 3:
Chuẩn bị: 6g Cam thảo, 6g Xương bồ, 20g Lạc tiên, 12g Hạt san, 15g Cỏ mọc, 10g Cỏ tre, 10g Táo nhân sao, 10g Lá dâu, 12g Lá vông nem.
Thực hiện: Đun cùng 600ml nước còn khoảng 200ml. Dùng 2 ngày một lần, dùng liên tục khoảng 1 tháng.
Bài 4:
Chuẩn bị: Cây Lạc tiên 50g, lá Vông 30g, lá Dâu tằm 10g, Liên tâm 2,2g, đường 90g, nước vừa đủ 100ml, Acid benzoic.
Thực hiện: Dùng cao lỏng Lạc tiên, cách chế như sau: cây Lạc tiên, lá Vông, lá Dâu tằm, Liên tâm, Đường, nước vừa đủ, acid benzoic (để bảo quản) và cồn (vừa đủ để hòa tan acid benzoic). Ngày dùng 2 – 4 thìa cà phê. Uống trước khi đi ngủ. Ngoài ra có thể lấy ngọn non cây Lạc Liên luộc hoặc nấu canh ăn vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ vài giờ.
Bài 5:
Chuẩn bị: Lạc tiên 400g, lá Vông 400g, lá Gai 100g, Rau má 100g.
Thực hiện: Dùng cao lỏng có đường được pha chế như sau: Lạc tiên, lá Vông, lá Gai, Rau má. Tất cả nấu với nước đến khi cô đặc còn được 100ml. Đường nấu thành siro. Pha 6 phần cao với 4 phần siro. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần.
Bài 6:
Chuẩn bị: cây Lạc tiên tươi hoặc khô.
Thực hiện: Hãm khoảng 50g Lạc tiên khô với 1,5 – 2l nước trong khoảng 5 đến 10 phút, dùng như trà.
Trị đau nhức, mất ngủ ở người cao tuổi
Chuẩn bị: Lạc tiên 500g, lá Mướp đắng non 100g, hoa Thiên lý 300g.
Thực hiện: Đem tất cả các vị trên đi sao vàng, phơi hoặc sấy khô rồi tán thành bột mịn. Dùng để pha nước uống thay trà, mỗi lần pha với khoảng 100ml nước ấm. Nếu đắng thì có thể thêm 50g đậu xanh đã tán nhuyễn để giảm độ đắng. Nên dùng liên tục từ 2 đến 4 tháng để thấy được kết quả lâu dài.
Tại Việt Nam, ngoài Lạc tiên đề cập ở trên trên, cũng có các loại Lạc tiên khác, cần tránh nhầm lẫn khi dùng:
Lạc tiên Nam Bộ (Passiflora cochinchinensis Spreng): Dây leo nhưng cành hơi dẹt hơn và thân cành có khía rãnh. Lá có hình dạng thuôn hẹp, phần gốc và đầu lá hơi bo tròn, mép không có răng cưa. Mặt trên của lá nhẵn bóng, mặt dưới có lông nhưng ít. Hoa mọc thành cụm, tràng hoa màu trắng. Quả có hình trứng, nhẵn bóng. Cây này không có tác dụng an thần như Lạc tiên đề cập ở trên.
Lạc tiên tây (P. incarnata L.): Dây leo dài khoảng 9 đến 10m. Thân cây có rãnh, vỏ thân ban đầu màu xám, sau chuyển màu đỏ tía. Cành non có lông mịn. Lá mọc so le, phiến lá chia làm 3 thùy, mép lá có răng cưa và cây có tua cuốn ở nách lá. Hoa màu trắng, cuống dài màu tím hoặc hồng. Hoa to và có mùi thơm. Quả có dạng hình trứng và có màu vàng khi chín. Quả có vị chua, chứa vitamin, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Lạc tiên trứng (P. edulis Sim): Dây leo, thân cành mảnh, chiều dài hơn 10m. Thân mềm và có hình trụ, có rãnh dọc, nhiều lông nhưng lông mọc thưa thớt. Lá mọc so le, phiến lá chia làm 3 thùy, mép lá có răng cưa, gốc lá hình tim, có hai tuyến nhỏ, đầu lá nhọn. Hoa màu trắng, cuống dài màu trắng. Quả có dạng hình trứng, mọng nước và có màu cam khi chín. Ở Việt Nam, Lạc tiên trứng thường phân bố ở vùng Kỳ Sơn, Nghệ An. Lạc tiên trứng chứa nhiều vitamin, acid hữu cơ, khoáng chất tốt cho sức khỏe nên được dùng làm thực phẩm, nước giải khát và làm thuốc bổ thần kinh và kích thích tiêu hóa.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam V.
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/lac-tien.html
Sở y tế Bắc Giang: //syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/cach-su-dung-cay-lac-tien-chua-mat-ngu-hieu-nghiem-nhat
Trung tâm y tế Hóc Môn TP.HCM: //tytxadongthanh.medinet.gov.vn/chuyen-muc/tac-dung-cay-lac-tien-cay-chum-bao-c13013-32082.aspx
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.