Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Lô hội: Loài cây quen thuốc với nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Lô hội là một loài dược thảo rất dễ trồng, đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Lô hội có công dụng sát khuẩn, thông tiểu, thanh nhiệt, trẻ em cam tích, kinh giản, táo bón, ăn uống khó tiêu, nhuận tẩy.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên gọi: Lô hội (Nhựa).
Tên khác: Lô hội; Chân Lô Hội; Dương Lô Hội; Lô Khoái; Nội Hội; Nột Hôi; Quỷ Đan; Tượng Hội; Tượng Đởm; Lưỡi Hổ; Hổ Thiệt; Nha Đam.
Tên khoa học: Aloe vera L. Đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Asphodelaceae (họ Lô hội).
Đặc điểm tự nhiên
Mô tả cây Lô hội
Lô hội (tên khoa học Aloe vera L. var. sinensis Berger, Aloe barbadensis Haw hoặc Aloe perfoliata Lour. (non L.)) là một loài cây thân ngắn, hóa gỗ, to thô. Lá Lô hội mọc thành vành rất sít nhau, không cuống, phiến lá dày, hình 3 cạnh, rộng 5 – 10cm, dài 30 – 50cm, dày 1 – 2cm ở phía cuống. Mép lá dày và có răng cưa thưa và thô cứng.
Cụm hoa Lô hội mọc thành chùm dài khoảng 1m, mang hoa màu vàng xanh lục nhạt dài 3 – 4cm. Lúc đầu hoa mọc đứng, sau đó rũ xuống. Quả Lô hội nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau chuyển thành màu nâu và dai.
Mô tả dược liệu Lô hội
Khối nhựa Lô hội màu nâu đen bóng, có kích thước không đồng đều, mùi hơi khó chịu, vị đắng nồng, dễ vỡ vụn và chỗ vỡ óng ánh như thuỷ tinh.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Lô hội phân bố chủ yếu ở vùng phía đông châu Phi, cực nam châu Á, Ấn Độ và Châu Mỹ.
Lô hội dùng để làm thuốc trong Đông Y và Tây y ở nước ta chủ yếu được nhập từ nước ngoài (thường từ Pháp hoặc Trung Quốc).
Ở Việt Nam, Lô hội mọc hoang ở bờ biển các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận (Phan Rang, Phan Rí và ở miền Bắc (nhưng ít hơn).
Chế biến
Chế biến Lô hội theo một trong những phương pháp sau:
Phương pháp áp dụng ở nam châu Phi
Cắt lá Lô hội rồi xếp thành đống cao 1m sát miệng hố đã đào sẵn dưới đất và có lót da ngựa hay da dê bên dưới, để nhựa chảy vào hố. Thu nhựa chảy ra từ lá rồi cô đặc nhựa trong nồi đồng. Cần cẩn thận khi điều chỉnh lửa vì đun chưa đủ thì Lô hội bị mềm nhưng đun quá sẽ bị cháy.
Phương pháp ở Curacao, hiện đang được áp dụng ở vùng nam Trung Bộ Việt Nam
Xếp lá Lô hội đã cắt thành hình chữ V vào trong hố, quay đầu cắt xuống dưới để nhựa chảy xuống tự nhiên theo trọng lực rồi cô đặc trong nồi đồng.
Phương pháp khác
Cắt nhỏ lá Lô hội, giã và ép. Để lắng trong 24 giờ rồi gạn lấy nước, đem đun nóng hoặc cô cạn ở ngoài nắng cho đặc lại. Tuy nhiên, chế biến Lô hội theo phương pháp này thường bị lẫn nhiều tạp chất.
Ngoài ra, có thể ngâm lá đã giã nhỏ với nước rồi lọc lấy nước. Sau đó đun bã với một ít nước, trộn cả hai phần lại với nhau rồi cô đặc.
Bảo quản
Để nơi khô mát, trong lọ kín.
Bộ phận sử dụng
Chất dịch đã cô đặc và sấy khô, lấy từ lá cây Lô hội.
Thành phần hoá học
Các loài Lô hội khác nhau sẽ có thành phần hoá học khác nhau, những chất cơ bản bao gồm:
- Tinh dầu màu vàng, độ sôi 266 – 271oC cho Lô hội mùi đặc biệt nhưng ít quan trọng về mặt dược lý.
- Nhựa (chiếm 12-13%): Có thể có tác dụng tẩy xổ.
- Hoạt chất chính trong Lô hội là chất aloin. Đây là những antraglucozit tinh thể, có tác dụng tẩy, vị đắng. Tỷ lệ aloin thay đổi tuỳ theo nguồn gốc của cây, thường là trong khoảng 16 – 20%.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Lô hội có vị đắng, tính hàn, quy vào 4 kinh: Can tỳ, vị đại tràng.
Tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, làm mát gan, nhuận tràng và tẩy. Lô hội được dùng để chữa cam tích ở trẻ em, táo bón, kinh giản.
Theo y học hiện đại
Liều nhỏ (0,05 – 0,1g)
Lô hội kích thích nhẹ niêm mạc một và thúc đẩy tống xuất cặn bã ở lâu trong ruột. Vì vậy đây là một vị thuốc bổ và hỗ trợ tiêu hóa.
Liều cao
Ở liều này, Lô hội có tác dụng tẩy mạnh nhưng chậm, thường xuất hiện sau 10 – 15 giờ, làm phân mềm nhão, không lỏng, đôi khi hơi đau bụng. Lô hội gây sung huyết ở các nội tạng trong khoang bụng, nhất là ở ruột già; vì vậy, không được dùng cho phụ nữ có thai và người lòi dom. Ngoài ra, còn có thể dùng Lô hội với liều này để chữa những sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng và bệnh nhức đầu khó chữa.
Lô hội còn có tác dụng thông mật (cholagogue). Để thuốc cho tác dụng mau hơn, có thể phối hợp với mật bò khi dùng.
Tuy nhiên, ở liều lượng quá cao (trên 8g), Lô hội có thể ngộ độc chết người (hạ thân nhiệt, mạch chậm, phân nhiều, yếu toàn thân).
Thuốc gel lô hội
Gel điều chế từ các tế bào nhu mô lá tươi của cây Lô hội có tác dụng chống viêm và làm lành vết thương.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng hàng ngày dưới dạng thuốc viên hay dịch:
-
Giúp tiêu hoá: 1g.
-
Nhuận tẩy: 0,15 – 2g.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị cam, sát trùng, chỉ tả, hòa vị
Lô hội hoàn: Tán thành bột các vị thuốc: Lô hội 40g, lôi hoàn 40g, hạc sắt 40g, mộc hương 40g, thuyền thoái 20 cái, hanh đại 40g, vu di 40g, xạ hương 4g rồi làm hoàn, uống 2 – 4g mỗi ngày.
Trị bí tiểu, táo bón do nhiệt kết
Lô hội thông tiện giảo hoàn (tác dụng thanh nhiệt thông lâm): Nghiền nát 6g Lô hội, phân ra 6 viên nang nhỏ. Uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 – 3 viên nang. Nếu không có viên nang, có thể trộn thuốc với đường và ngậm nuốt.
Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn
Lô hội tán: Tán bột 30g Lô hội và 15g cam thảo. Rửa chỗ loét bằng nước đậu hũ rồi đắp thuốc vào.
Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, thiểu niệu, tiểu máu, chóng mặt, hoa mắt, hoặc tiến triển thành nói nhảm, co giật, phát cuồng.
Đương quy lô hội hoàn: Tán bột các vị thuốc: Lô hội, thanh đại (thủy phi), đại hoàng, mỗi thứ 4g; chi tử, đương quy, hoàng bá, hoàng cầm, hoàng liên, long đởm thảo, mỗi thứ 6g; mộc hương 5,5g và xạ hương 0,3g (để riêng) rồi luyện mật làm hoàn. Uống 6 – 10g/ngày x 3 lần/ngày.
Trị cam nhiệt, giun đũa
Tán bột 15g Lô hội. Mỗi ngày uống 6g với nước ấm lúc đói.
Trị mụn nhọt
Giã nát lá Lô hội tươi rồi đắp lên mụn nhọt.
Trị trứng cá
Bóc vỏ lá Lô hội rồi lấy phần thịt tươi, xoa lên vùng bị trứng cá. Làm 1 lần/ngày trong liên tục nhiều ngày.
Trị đái tháo đường
Sắc 20g lá Lô hội 20g, uống 1 tháng/ngày (có thể uống sống).
Trị tiểu đục
Giã nát 20g Lô hội tươi, thêm 30 hạt Đạm qua tử nhân. Uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể nấu 20g hoa lô hội với thịt lợn.
Trị tiêu hóa kém
Sắc 20g Lô hội, 12g bạch truật và 4g cam thảo, uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Trị viêm loét tá tràng
Sắc các vị thuốc: Lô hội 20g, cam thảo 6g, dạ cẩm 20g và nghệ vàng 12g (đã tán bột mịn). Uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Thêm 10g mai mực tán bột 10g chiêu với nước thuốc trên nếu bị ở chua nhiều. Một liệu trình điều trị thường kéo dài 15 – 20 ngày.
Trị bế kinh, đau bụng kinh
Sắc các vị thuốc: Lô hội 20g, rễ củ gai 20g, cam thảo 4g, nghệ đen 12g, tô mộc 12g. Uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng Lô hội:
-
Vì Lô hội có tác dụng tẩy xổ mạnh nên cần phải giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu bệnh nhân bị tiêu chảy. Đồng thời, người đang bị tiêu chảy cũng không nên dùng.
-
Thận trọng khi dùng Lô hội cho người cao tuổi.
-
Không được dùng thuốc này cho phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược.
Lô hội là loài thảo dược mọc ở khắp nơi trên Việt Nam và được dùng làm thuốc từ lâu đời. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Lô hội có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Dược điển Việt Nam V.
- Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/lo-hoi.html.
- Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2.
- Báo Sức khoẻ và đời sống.
- Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.