Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Long đởm (Rễ và Thân rễ): Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Long đởm thảo – tên khoa học Gentiana scabra Gentianaceae là cây thân thảo sống lâu năm, cao 35 – 60 cm. Đây là loại dược liệu ở dạng thân rễ. Long đởm thảo có tác dụng an thần, trợ tiêu hoá, trị sốt, đau mắt đỏ.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Long đởm (Rễ và Thân rễ).
Tên khác: Đởm thảo; Thảo long đờm; Lăng du.
Tên khoa học: Gentiana scabra Bunge, Gentianaceae (họ Long đởm).
Đặc điểm tự nhiên
Long đởm thảo cao khoảng 35 – 60cm, là cây thân thảo sống lâu năm. Cây có nhiều rễ mọc ra từ thân, đường kính vài mm, rễ bên ngoài có màu vàng nhạt. Lá không có cuống, mọc đối từ phía dưới lên phía trên, lá bên dưới nhỏ, bên trên to và nhọn hơn, kích thước trung bình dài khoảng 3 – 8cm, rộng khoảng 0,4 – 3cm. Hoa màu xanh lam nhạt, có hình chuông, mọc đầu cành. hoặc ở kẽ lá bên trên thành từng chùm không có cuống.
Dược liệu ở dạng thân rễ được cột thành từng bó không đều, xén thành từng đoạn dài 1 – 3 cm, mặt ngoài của thân rễ màu xám thẫm hoặc nâu thẫm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Long đởm thảo được nhập từ Trung Quốc là chủ yếu, tại nước ta có 2 loài “long đởm” thảo khác cũng được dùng làm thuốc là Gentiana loureirii (D. Don) Griseb. có ở Lâm Đồng và Gentiana rigescens Franch. ex Hemsl. có ở Tây Nguyên.
Các loài long đởm nói chung đều là những cây nhỏ, thường mọc lẫn trong các trảng cỏ thấp. Cây thường thích sống ở vùng khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao ở vùng ôn đới ấm hoặc á nhiệt đới trên các vùng đồi núi cao. Cây sinh trưởng rất nhanh đặc biệt là khoảng thời gian xuân – hè.
Thu hái: Hai vụ xuân, thu, đào lấy thân rễ và rễ, rửa sạch.
Chế biến: Làm sạch rễ loại bỏ đất, cát, sau đó cắt bỏ lớp lông rồi cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng từ 3 – 5 cm rồi đem ngâm với nước cam thảo. Sau khi ngâm một đêm, phơi long đởm thảo cho khô dưới bóng râm rồi đóng gói bao bì. Ngoài ra, thay vì ngâm với nước Cam thảo thì có thể ngâm bằng rượu hoặc đem đi sao vàng rồi sử dụng.
Bộ phận sử dụng
Thân rễ hoặc rễ đã phơi khô (Radix et Rhizoma Gentianae).
Thành phần hoá học
Polysaccharid, secoiridoid (gentiopicrosid, swertiamarin, swerosid), triterpen.
Long đởm chứa Polysaccharid
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Long đởm (Rễ và Thân rễ) có vị đắng, tính hàn, quy kinh Can, Đởm, Bàng quang. Tác dụng:
-
Thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thực, tiêu viêm.
-
Trợ tiêu hóa, trị sốt, có tính chất an thần, trị đau mắt đỏ.
Theo y học hiện đại
Tác dụng trên dạ dày
Ở liều thấp, nếu uống trước bữa ăn 30 phút sẽ làm tăng lượng dịch vị bài tiết nhưng nếu ngược lại. dùng sau bữa ăn sẽ làm giảm dịch vị bài tiết.
Tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng sốt rét
Dịch tiêm chiết xuất từ Long đởm thảo có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh thông thường, ngoài ra còn có tác dụng trên ký sinh trùng (Gentiopicrin ức chế mạnh với ký sinh trùng sốt rét).
Các tác dụng khác như chống oxy hóa và bảo vệ gan, chống đông máu, chống khối u và điều trị tiểu đường type 2.
Liều dùng & cách dùng
Dùng 6 – 12g/ngày dưới dạng thuốc sắc, hoàn tán được phối hợp trong các phương thuốc.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa ăn không tiêu, đầy bụng
Chuẩn bị: Long đởm thảo 2g, Đại hoàng 1g, Hoàng bá 1g.
Thực hiện: Sắc uống làm 3 lần trước khi ăn khoảng 15 phút.
Chữa đau dạ dày
Chuẩn bị: Long đởm thảo 0,5g; Hoàng bá 0,5g, Can khương 0,3g, Quế chi 0,3g, Hồi hương 0,3g, Kê nội kim 0,5g, Sơn tra 1g (sao cháy).
Thực hiện: Tất cả trộn đều tán bột, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa sốt cao có co giật
Chuẩn bị: Long đởm thảo, Thanh đại, Phòng phong mỗi vị 12g; Băng phiến, Xạ hương, Ngưu bàng tử mỗi vị 4g, 8 g Câu đằng cùng với 20g Hoàng liên.
Thực hiện: Đem tất cả các vị thuốc trên sắc nhỏ rồi tán thành bột mịn, cho một ít mật rồi hoàn thành viên có kích bằng bằng hạt thóc. Liều dùng 5-10 viên/lần, có thể sắc thêm nước Kim ngân hoa để uống kèm.
Trị đau mắt đỏ, ù tai, đắng miệng, yếu gân cốt, sốt cao co giật, viêm thận cấp
Chuẩn bị: Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng cầm, Mộc hương, Xa tiền tử, Trạch tả và Đường quy mỗi vị 12 g, 16 g sinh địa, 8 g Sài hồ cùng với 4g Cam thảo.
Thực hiện: Đem các vị thuốc trên làm thành một thang để sắc lấy nước uống.
Long đởm chữa viêm thận cấp
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng Long đởm (Rễ và Thân rễ):
-
Chứng hư hàn, tỳ vị hư nhược, ỉa chảy và không có thực hỏa thấp nhiệt thì không nên dùng.
-
Vị thuốc long đởm thảo rất đắng. Không nên dùng lâu dài dễ ảnh hưởng tới việc ăn uống.
-
Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Long đởm thảo giúp kích thích tiêu hóa nhưng không nên dùng quá liều. Thêm vào đó, thuốc nên được uống trước khi ăn. Lưu ý không nên uống quá liều vì nhiều khi sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến người uống tiêu hoá kém, nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt.
-
Ngoài loại Long đởm kể trên, người ta còn dùng rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của các loại cây long đởm sau như điều diệp long đởm (Gentiana manshurica Kitag.), tam hoa long đởm (Gentiana triflora Pall.) hoặc kiên long đởm (Gentiana rigescens Franch.) cũng đều thuộc họ Long Đởm.
Long đởm (Rễ và Thân rễ) là dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Long đởm (Rễ và Thân rễ) có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
1) https://thuocdongduoc.vn/long-dom-thao.
2) https://mplant.ump.edu.vn/index.php/long-dom-thao-gentiana-scabra-gentianaceae/.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.