Tên Tiếng Việt: Long nha thảo.
Tên khác: Tiên hạc thảo; còn gọi là Long nha thảo lông; Cỏ răng rồng; Hoàng hoa thảo; Địa thiên thảo; Thoát lực thảo; Kim đính; Hoàng long vĩ; Móc bạc Nepal; Mạ lìn an.
Tên khoa học: Agrimonia pilosa.
Cây cỏ thân rễ có nhiều cành, cao từ 0,5 – 1,5 m, thân cây có lông trắng và vạch dọc theo thân. Thân rễ có đường kính khoảng 1 cm, thường mọc ngang. Lá kép, mọc so le, mép lá có hình răng cưa, ngoài ra còn có các lá chét hình trứng dài. Có 2 loại lá chét là lá chét to và lá chét nhỏ mọc cạnh nhau. Lá chét to có chiều dài khoảng 6 cm, chiều rộng 2,5 cm, lá chét nhỏ kích thước nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng 5 mm. Có nhiều lông mọc ở 2 bên mặt lá. Hoa màu vàng, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, thường mọc thành chùm. Quả có nhiều gai, có 2 – 3 quả bế có đế hoa gồm đài hoa ở mép trên bao bọc xung quanh.
Cây phân bố rộng khắp nước ta, dễ tìm thấy Long nha thảo mọc hoang nhiều đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại cây chưa được khai thác nhiều tại Việt Nam. Tại các nước khác cũng có: Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Tại Việt Nam, tiên hạc thảo mọc hoang nhiều trên các vùng núi cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…
Thời gian thu hái: Thu hái vào mùa hạ (thời điểm hoa nở) hoặc thu hoạch toàn cây vào mùa thu. Sau khi hái để phơi khô trong mát.
Toàn cây. Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Long nha thảo – Herba Agrimoniae, thường có tên là Tiên hạc thảo.
Tannin, ít tính dầu, không có alkaloit và glucozid, không có chất béo, có sterol và một đường.
Chất màu đỏ nâu có tên gọi gọi là agrimonim (có C, H, N, O) và nhiều axit.
Năm 1958, theo báo cáo Hoá học thế giới (1-7-1958), các tác giả Hứa Thực Phương và Lưu Tin Giai đã chiết từ Long nha thảo được các chất sau:
Theo Đông y, Long nha thảo có vị đắng, chát, tính ấm, vào các kinh tâm, phế, can, thận. Tác dụng:
Thu liễm chỉ huyết, trị lỵ (chữa kiết lỵ), tiệt ngược (chống sốt rét), bổ hư (bồi dưỡng cơ thể).
làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, khái huyết (ho ra máu), nục huyết (đổ máu cam), đi lỵ phân lẫn máu, sốt rét và mụn nhọt lở loét ngoài da.
Chủ trị: Ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam, băng huyết.
Ngoài ra còn dùng chữa viêm ruột, lỵ, sốt rét, tràng nhạc, ung thũng, chữa bệnh gan, mật, viêm miệng.
Tác dụng tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, tăng lượng tiểu cầu
Tiên hạc thảo có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý huyết học như xuất huyết do giảm tiểu cầu, xuất huyết do dị ứng, bệnh ưa chảy máu (hemophilia), chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu đường tiết niệu, xuất huyết tử cung bất thường.
Tác dụng kháng khuẩn
Dịch nước chiết từ tiên hạc thảo có tác dụng kháng khuẩn mạnh, đặc biệt đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn lao. Ngoài ra, agrimol trong tiên hạc thảo có tác dụng trừ sán; tannins trong tiên hạc thảo có tác dụng chống virus gây bệnh mụn rộp…
Tác dụng ức chế mạnh đối với tế bào ung thư mô liên kết S180, ung thư ruột, ung thư gan và một số loại ung thư khác; tăng cường và cải thiện miễn dịch của cơ thể.
Tiên hạc thảo tác dụng ức chế mạnh đối với tế bào ung thư gan
Nên dùng 6 – 15g/ngày dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng liều cao hơn khi cần.
Dùng ngoài: Lấy 40g đến 80g lá tươi giã nát, đắp, bó để cầm máu vết thương; hoặc dùng dạng cao lỏng, bôi vào chỗ mụn nhọt sưng đau, viêm búi trĩ, viêm tuyến vú.
Trị các bệnh lý xuất huyết (ho khạc ra máu, đi tiêu hoặc đi tiểu ra máu, ra máu tử cung)
Chuẩn bị: Tiên hạc thảo 30 – 50g tươi hoặc dùng tiên hạc thảo khô 15g.
Thực hiện: Giã vắt lấy nước uống (tiên hạc thảo tươi) hoặc sắc nước uống (tiên hạc thảo khô).
Trị xuất huyết giảm tiểu cầu phát ban
Chuẩn bị: Tiên hạc thảo 20g, đan bì 10g, sinh địa 10g, kim ngân hoa 12g, tử thảo 10g.
Thực hiện: Sắc nước uống trong ngày.
Tiên hạc thảo trị xuất huyết giảm tiểu cầu phát ban
Trị hạch to, hạch tràng nhạc
Chuẩn bị: Tiên hạc thảo 20g, nga truật, ngưu tất, xạ can, huyền sâm, mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống.
Một số lưu ý khi sử dụng Long nha thảo:
Long nha thảo là dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Long nha thảo có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
1) //tracuuduoclieu.vn/long-nha-thao.html.
2) //suckhoedoisong.vn/tien-hac-thao-chi-huyet-kien-vi-16919435.htm.
3) Viện dược liệu: //rcmp.org.vn/cau-chuyen-ve-vi-thuoc-tien-hac-thao.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.