Tên Tiếng Việt: Long nhãn.
Tên khác: Lệ chi nô; á lệ chi; quế viên; mạy ngận; bảo viên; mác nhan.
Tên khoa học: Dimocarpus longan Lour., họ Bồ hòn (Sapindaceae).
Cây nhãn cao trung bình khoảng 5 – 7 mét, có nhiều cành và lá mọc sum suê. Thân cây xù xì, màu xám. Lá kép hình lông chim, mọc so le gồm 5 – 9 lá chét hẹp dài 7 – 20 cm, rộng 2,5 – 5cm. Hoa thường ra vào các tháng 2 – 3 – 4 và có màu vàng nhạt, thường mọc ở đầu cành hay kẽ lá thành chùm, có đài 5 – 6 răng, tràng 5 – 6, nhị 6 – 10, bầu 2 – 3 ô.
Quả nhãn phát triển từ một ô của bầu thành quả (các ô còn lại của bầu tiêu giảm đi), bên ngoài nhẵn và có màu vàng xám. Phần bên trong quả gồm 1 hạt đen có áo hạt trắng bao bọc. Ở Việt Nam có nhiều loại nhãn khác nhau có thể kể đến như: Nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn miền thiết,…
Cùi nhãn mềm và dẻo, có mùi thơm nhẹ, ăn có vị ngọt đậm và khi sờ tay vào không bị dính tay.
Cây nhãn được trồng rộng khắp nước ta. Trên thế giới có thể tìm thấy nhãn ở các quốc gia như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Australia, Hoa kỳ. Ở Việt Nam có nhiều giống nhãn khác nhau chủ yếu bởi kích thước và phẩm chất của quả nhưng nhãn ở Hưng Yên là giống nhãn có thể xem là nhiều và quý nhất.
Thu hái, chế biến: Mùa hạ, thu, hái quả nhãn đã chín, cùi dày, ráo nước đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40-50°C đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, mang ra bóc vỏ, lấy cùi đã nhăn vàng, rồi sấy ở 50 – 60°C đến khi nắm mật không dính tay (độ ẩm dược liệu dưới 18%) thì bỏ ra, tách rời từng cùi một. Khi bóc phần thịt quả cần đảm bảo vệ sinh và kể cả khi sấy hoặc đem phơi. Có thể trụng qua nước sôi 1 – 2 phút trước khi phơi hoặc sấy áo hạt (phần thịt quả).
Là áo hạt (phần thịt quả) đã sấy hoặc phơi khô – tên khoa học là Arillus Longanae.
Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sucrose 12,25%, vitamin A và B.
Cùi khô (Long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, đội tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucose 26,91%, sucrose 0,22%, acid tartric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%…
Theo Đông y, Long nhãn có vị ngọt, tính bình, ấm, không chứa độc, quy vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Tác dụng:
Bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần.
Chủ trị: Khí huyết bất túc, hồi hộp, tim đập mạnh, hay quên, mất ngủ, huyết hư.
Làm thuốc bổ, trị chứng trí nhớ bị sút kém, hay quên, mất ngủ, hay hốt hoảng, tâm thần hồi hộp mệt mỏi, thiếu máu.
Long nhãn trị chứng mất ngủ
Ngày dùng 9 – 18g. Dạng thuốc sắc hay cao lỏng.
Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và Long nhãn (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông) hay còn có tên là nhị long ẩm
Chuẩn bị: Cao ban long 40g, Long nhãn 50g.
Thực hiện: Sắc long nhãn với nước và sau đó thêm vào nước sắc long nhãn cao ban long đã được thái nhỏ. Đun nóng để hòa tan, sau đó để nguội và cắt thành từng miếng mỏng. Liều lượng sử dụng: 2 lần mỗi ngày, mỗi lần dùng 10g cao này, nên dùng lúc sáng sớm và trước khi đi ngủ.
Chữa lo âu suy nghĩ quá độ, khó ngủ, buồn và hay quên
Chuẩn bị: Nhân sâm 10g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, Long nhãn 12g, toan táo nhân 12g, phục thần 12g, viễn chí 8g, mộc hương 6g, cam thảo 8g.
Thực hiện: Sắc uống khi thuốc còn ấm, liều 1 thang chia làm 2 – 3 lần/ngày.
Bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần
Chuẩn bị: Long nhãn 16g, Đại táo 15g, Ngạnh mễ (gạo tẻ) 100g.
Thực hiện: Nấu cháo ngày dùng 1 thang, dùng trong hai đến ba tuần.
Bổ huyết, điều trị chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi, đoản hơi
Chuẩn bị: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, uống ấm.
Long nhãn điều trị thể trạng mệt mỏi
Một số lưu ý khi sử dụng Long nhãn:
Không dùng cho người ở trong có đảm hỏa, thấp trệ, đảm ẩm.
Không dùng cho người nên ngoài bị cảm, bên trong có uất hỏa, đầy bụng, ăn uống đình trệ.
Lưu ý khi dùng long nhãn quá nhiều có thể gặp các tác dụng phụ sau: Nóng trong người, nổi mụn, táo bón, tăng cân, tăng đường huyết. Đặc biệt phụ nữ có thai ăn nhiều long nhãn có thể bị ra huyết âm đạo, đau bụng, động thai.
Long Nhãn là dược liệu phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Long nhãn có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
1) //thuocdongduoc.vn/long-nhan-Dimocarpus-longan.
2) //duocdienvietnam.com/long-nhan/#Cong_nang_chu_tri.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.