Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Lưỡi bò – cây thuốc quý cho người táo bón cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây Lưỡi bò là một cây thuốc mọc dại ở khắp các vùng đồi, ven rừng tại nước ta. Cây có hình dạng lá giống lưỡi con bò (hay ngưu thiệt) nên có tên là cây Lưỡi bò. Ngoài ra, dương là dê, đề là gót, rễ cây có hình dạng giống với gót chân dê nên còn có tên gọi là Dương đề.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cây Lưỡi bò.
Tên khác: Dương đề, thổ đại hoàng, cây chút chít.
Tên khoa học: Rumex wallichii Hook, thuộc họ Rau răm – Polygonaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Lưỡi bò là cây thân thảo sống lâu năm, cao đến 30 – 50cm, rễ mập khỏe, dài, màu nâu. Thân mọc đứng, có khía dọc, thường phân nhánh ngay phần gốc. Lá mọc so le, những lá ở gốc có kích thước lớn hơn những lá ở phía trên, phiến lá hình mũi mác, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên lượn sóng, bẹ chìa mỏng và trong mờ.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành chùm mang lá nhỏ suốt chiều dài của chùm; hoa màu vàng lục xếp thành những vòng sát nhau, nhất là ở ngọn. Bao hoa có 6 mảnh xếp thành hai vòng, những mảnh ở vòng ngoài rụng sớm, 3 mảnh ở vòng trong tồn tại với quả có 1 – 2 răng dài ở mỗi bên mép; 6 nhị đính ở gốc của bao hoa; bầu thượng, hình 3 góc. Quả nhỏ, bao bọc bởi hoa tồn tại.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây mọc ở nơi đất ẩm ướt trên đồi núi, ven rừng, có khi gặp trên đất cát mới lấp ở các vườn, bãi sông. Ra hoa tháng 4 – 7, mùa quả vào tháng 6 – 10.
Ở Việt Nam, có thể bắt gặp cây này ở khắp các vùng đồng bằng đến trung du và miền núi, nhất là ở các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng. Lên đến vùng núi cao lạnh từ khoảng 1500m trở lên thì hiếm gặp hơn. Cây còn phân bố ở Mông Cổ, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào, Indonesia, một số khu vực ở châu Âu, Bắc Phi và châu Mỹ.
Cây có thể nhân giống bằng hạt. Trong tự nhiên, hạt chín rơi xuống đất, đến mùa xuân thì hạt nảy mầm. Có thể lấy cây con mọc tự nhiên đem trồng hoặc gieo hạt vào tháng 2 – 3. Cây không kén đất, nhưng phải cung cấp đủ ẩm và không để úng ngập. Đất sau khi làm nhỏ, thường lên thành luống cao 10 – 15cm, rộng 1 – 1,2m. Cây con trồng với khoảng cách 20 x 20cm, hoặc 20 x 30cm. Cũng có thể đánh rạch gieo hạt, sau khi cây con mọc thì tỉa định cây với khoảng cách như trên. Cây sống khỏe, ít sâu bệnh. Thỉnh thoảng nên tưới thêm nước phân chuồng cho cây.
Có thể thu hái rễ và lá quanh năm; rễ bỏ rễ con, rửa sạch, thái thành lát dày khoảng 0,5 – 1cm, phơi hay sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Rễ già của cây Lưỡi bò trên 2 tuổi (gọi là vị thuốc Thổ đại hoàng). Lá cây Lưỡi bò cũng được sử dụng.
Thành phần hoá học
Trong rễ và lá cây Lưỡi bò có chứa anthranoid, tannin, chất nhựa và tinh dầu. Anthranoid toàn phần trong cây chiếm khoảng 3 – 3,4%, trong đó dạng anthranoid tự do chiếm 0,47% và khoảng 2,54% còn lại là dạng anthranoid kết hợp. Thành phần anthranoid đã được xác định có emodin và acid chrysophanic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, cây Lưỡi bò có vị đắng, tính hàn. Cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ huyết, thông tiện, sát trùng. Ngoài ra, cây còn gây kích thích da và các màng nhầy, kể cả màng nhầy của hệ tiêu hóa.
Ở châu Âu, rễ cây được xem như có tính chất bổ, chống thiếu máu và dùng lọc máu. Cây được ứng dụng trong dân gian làm thuốc điều trị thiếu máu, ho lao, viêm gan, thấp khớp mạn tính, vàng da, đái tháo đường và một số bệnh ngoài da (hắc lào, eczema, nấm tóc). Cây có thể được dùng ngoài để trị nhọt ngoan cố, loét ở đùi, bạch đới.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn
Các hợp chất trong cây Lưỡi bò có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn Bacillus subtilis, Escherichia coli, Moraxella catarrhalis trong các thử nghiệm in vitro. Ngoài ra, dịch chiết cây Lưỡi bò còn ức chế Acidovorax avenae subsp. cattleyae và Ralstonia solanacearum, hai loài vi khuẩn gây bệnh cho cây trồng.
Acinetobacter baumannii là một tác nhân gây nhiễm trùng da thứ phát thường gặp, làm chậm quá trình lành vết thương. Dịch chiết rễ và lá cây Lưỡi bò có thể tiêu diệt loại vi khuẩn này, do đó có tiềm năng trong việc thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
Tác dụng kháng viêm
Dịch chiết cây Lưỡi bò thể hiện tác dụng kháng viêm thông qua cơ chế làm giảm nồng độ các cytokin viêm và ức chế sản xuất nitrit oxid. Ngoài ra, trên mô hình chuột viêm da cơ địa, sử dụng dịch chiết cây dược liệu này còn làm giảm đáp ứng viêm, giảm sang thương da.
Tác dụng chống virus
Trên thử nghiệm in vitro, các hợp chất chiết xuất từ cây Lưỡi bò ức chế sự nhân đôi của virus HSV type 1 (gây tổn thương dạng mụn nước ở môi) và HSV type 2 (gây tổn thương dạng mụn nước ở bộ phận sinh dục).
Tác dụng chống oxy hóa
Phản ứng oxy hóa từ các hoạt động sinh lý trong cơ thể tạo ra các gốc tự do. Các gốc tự do này là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý lão hóa ở con người. Rễ và lá cây Lưỡi bò có khả năng dọn dẹp các gốc tự do này, thể hiện thông qua các thử nghiệm dược lý in vitro. Trong đó, dịch chiết từ rễ cây thể hiện tác dụng chống oxy hóa tốt hơn dịch chiết các bộ phận khác của cây.
Tác dụng kháng khối u
Trên các dòng tế bào ung thư cổ tử cung người, ung thư tế bào biểu bì da, ung thư biểu mô tuyến vú người, dịch chiết cây Lưỡi bò có khả năng ức chế sự tăng trưởng của các loại tế bào này bằng cách thúc đẩy sự chết tế bào theo chương trình.
Ngoài ra, trên dòng tế bào ung thư lympho, các hoạt chất từ cây Lưỡi bò gây giảm điện thế màng ty thể, gây tích tụ các gốc tự do trong ty thể và gây chết tế bào ung thư. Các kết quả này cho thấy tiềm năng của cây Lưỡi bò trong hỗ trợ điều trị ung thư ở người.
Tác dụng hạ đường huyết
Trên thỏ bị tăng đường huyết, uống dịch chiết cây Lưỡi bò gây hạ đường huyết đói, tăng dung nạp đường và tăng dự trữ glycogen ở gan thỏ. Ngoài ra, nồng độ các loại lipid không tốt trong máu (cholesterol, LDL, triglycerid) của các thỏ uống dịch chiết này cũng giảm đáng kể.
Tác dụng trên đường ruột
Trên ruột thỏ và ruột ếch cô lập, cao lỏng và dịch hãm rễ cây Lưỡi bò có tác dụng làm tăng trương lực, tăng biên độ co bóp và tần số co bóp của cả ruột thỏ và ruột ếch.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng thông thường để nhuận tràng là 1 – 3g, để có tác dụng tẩy xổ là 4 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc pha hay thuốc bột. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa thiếu máu do thiếu sắt, mất ngủ ở phụ nữ mang thai, sinh đẻ
Rễ cây Lưỡi bò 30g, Kê nội kim 10g, Đan sâm 15g, tất cả sắc uống, ngày 1 thang, uống trong khoảng 15 ngày.
Chữa mụn trứng cá
Trường hợp thấp nhiệt nhiều
Rễ cây Lưỡi bò, Đan sâm, Sinh địa, Cam thảo, Ý dĩ mỗi thứ 30g, Hoắc hương 9g, Bội lan 9g, Phục linh 15g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 1 thang.
Trường hợp nhiệt nặng
Rễ cây Lưỡi bò, Đan sâm, Sinh địa, Cam thảo mỗi thứ 30g, Đại hoàng 15g, Đan bì 9g, Hòe hoa 9g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 1 thang.
Trường hợp ngứa nhiều
Rễ cây Lưỡi bò, Địa phu tử, Bạch tiễn bì, Đan sâm, Sinh địa, Cam thảo mỗi thứ 30g, Khổ sâm 9g, Đại hoàng 15g, Đại thanh diệp 15g. Các vị thuốc trên sắc, lọc bỏ bã, uống ngày 1 thang.
Trường hợp nhọt mủ nặng
Rễ cây lưỡi bò, Diếp cá, Đan sâm, Sinh địa, Cam thảo mỗi thứ 30g, Đại thanh diệp, Đại hoàng, Bồ công anh, Tảo hưu mỗi thứ 15g. Các vị thuốc trên sắc, lọc bỏ bã, uống ngày 1 thang.
Trường hợp sẹo thâm
Rễ cây Lưỡi bò, Đan sâm, Sinh địa, Cam thảo mỗi thứ 30g, Đại hoàng 15g, Đương quy, Cúc hoa, Tạo giác, Mẫu lệ mỗi thứ 8g. Các vị thuốc trên sắc, lọc bỏ bã, uống ngày 1 thang.
Chữa cảm cúm
Thạch cao sống 50g, rễ cây Lưỡi bò, rễ Sắn dây, Sài hồ mỗi thứ 30g. Các vị thuốc trên sắc trên lửa nhỏ, lọc bỏ bã, uống ngày 1 thang.
Chữa hắc lào
90g rễ cây Lưỡi bò, rửa sạch, phơi khô rồi cho vào bình sành hoặc thủy tinh. Đổ 600ml rượu vào ngâm trong 10 ngày. Vệ sinh vùng da bị tổn thương rồi dùng rượu thuốc này thoa lên ngày 1 lần. Thực hiện đều đặn trong 5 ngày liên tục.
Chữa mẩn ngứa do nhiệt
Rửa sạch 15 g lá cây Lưỡi bò rồi giã nát. Vệ sinh và lau khô vùng da bị mẩn ngứa rồi xát nhẹ dịch lá Lưỡi bò lên. Thực hiện 2 lần/ngày.
Chữa viêm da thần kinh
Rễ cây Lưỡi bò 8 chỉ, Khô phàn 6g tán thành bột rồi trộn đều với một ít giấm ăn, sau đó bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, thoa ngày 1 – 2 lần.
Chữa táo bón
Rễ cây Lưỡi bò tươi 8 -12g nhai sống hay sắc nước uống, có thể sắc chung với Cam thảo 4g. Để công hạ trong bệnh lý cấp tính, có thể dùng rễ cây Lưỡi bò 10g, Mộc thông, Chỉ xác mỗi thứ 8g sắc nước uống. Sắc nước thứ hai uống tiếp nếu vẫn chưa đi ngoài được sau một giờ uống thuốc.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Lưỡi bò:
- Người Tỳ Vị hư hàn với các biểu hiện đau lạnh bụng, tiêu phân sống, tiêu lỏng cần thận trọng khi sử dụng.
- Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài để tránh tổn thương hệ tiêu hóa.
Cây Lưỡi bò là một loài thực vật dễ gặp ở nước ta. Mặc dù có nguồn gốc từ thiên nhiên, do tính hàn và tính nhuận trường của dược liệu, việc sử dụng lâu dài cây Lưỡi bò với liều cao có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nhất là với những người có vấn đề về hệ tiêu hóa như đầy trướng bụng, tiêu lỏng. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng cây Lưỡi bò làm thuốc.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1 – Viện dược liệu
- Cây cỏ Việt Nam – Tập 1 – Võ Văn Chi
- Li, JJ., Li, YX., Li, N. et al. The genus Rumex (Polygonaceae): an ethnobotanical, phytochemical and pharmacological review. Nat. Prod. Bioprospect. 12, 21 (2022). https://doi.org/10.1007/s13659-022-00346-z
- Duong Quang Pham, Jae Woo Han, Nga Thu Dao et al. In vitro and in vivo antimicrobial potential against various phytopathogens and chemical constituents of the aerial part of Rumex chinensis Campd, South African Journal of Botany, 133, 2020: 73-82. https://doi.org/10.1016/j.sajb.2020.07.006.
- Prakash Mishra A, Sharifi-Rad M, Shariati MA, Mabkhot YN, Al-Showiman SS, Rauf A, Salehi B, Župunski M, Sharifi-Rad M, Gusain P, Sharifi-Rad J, Suleria HAR, Iriti M. Bioactive compounds and health benefits of edible Rumex species-A review. Cell Mol Biol (Noisy-le-grand). 2018 Jun 25;64(8):27-34. PMID: 29981688.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.