Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Lưỡi rắn: Loài cỏ dại với nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây Lưỡi rắn là một cây cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thường hay gặp nhất ở hai bên đường xe lửa hay ở nơi mát. Cây Lưỡi rắn có công dụng: Chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, sốt, ho, rắn cắn.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Đơn đòng, Lưỡi rắn, Vương thái tô, An điền, Cóc mẳn, Nọc sởi.
Tên khác: Cỏ lưỡi rắn; vương thái tô; cóc mẳn; đơn dòng; đơn thảo; tán phong hoa nhĩ thảo; bòi ngòi ngù; vỏ chu; xà thiệt thảo; xà thiệt có cuống; nọc sởi
Tên khoa học: Hedyotis corymbosa (L.) Lam. Họ: Rubiaceae (Cà phê).
Đặc điểm tự nhiên
Lưỡi rắn, một loài cỏ nhỏ, thân thảo, mọc hằng năm, thân non hơi vuông, mềm yếu, nhẵn, màu xanh, thân già dạng tròn, màu nâu mang nhiều cành, chỉ cao chừng 30 – 40cm.
Lá đơn, mọc đối, phiến lá hơi rộng, hình mác hẹp và dài. Phiến lá dài từ 1 – 5cm, rộng từ 1 – 5mm, đôi khi có thể rộng tới 1cm, hai đầu nhọn, cuống lá ngắn có lá kèm, đôi lúc nhìn như không có cuống, mép nguyên, gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, mặt trên lá có màu xanh đậm.
Cụm hoa mọc xim mang 2 đến 4 hoa ở kẽ lá, hoa nhỏ có màu trắng hay hồng nhạt, đài hoa dài khoảng 2 mm, tràng hoa dài khoảng 2,5mm.
Quả nang, có hình bán cầu, đỉnh quả hơi phồng lên, có 2 thùy cạn, mặt ngoài quả có 4 gân nổi rõ, đài tồn tại. Quả non có màu xanh, khi già có màu vàng nhạt. Hạt khá nhiều, nhỏ có màu nâu vàng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây Lưỡi rắn là loại cây ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc thành đám trên các bãi đất hoang, vườn, ruộng cao và nương rẫy. Cây mọc hoang khắp nước ta, phổ biến nhất là trên đường ray xe lửa hoặc những nơi râm mát.
Cây có thể sống ở nhiều loại đất, sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa hè thu rồi lụi tàn trước mùa đông. Cây ra hoa sum suê khi quả già tự bung ra để phân tán hạt.
Cây còn tìm thấy nhiều ở nhiều nước nhiệt đới khác ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ. Nó cũng phát triển mạnh ở miền nam Trung Quốc.
Người ta dùng cả cây, thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa hè khi cây đang ra hoa. Hái về đem phơi khô hoặc sao vàng để sử dụng.
Lưỡi rắn khi thu hái về đem rửa sạch, có thể dùng tươi, phơi khô hoặc sao vàng.
Bộ phận sử dụng
Toàn cây.
Thành phần hoá học
Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo ông Đỗ Hữu Cận, một thầy thuốc đông y ở Hà Nội, người có nhiều kinh nghiệm dùng cây Lưỡi rắn cho rằng cây có tác dụng chữa sốt cao có biến chứng hóa điên, ngoài ra cây có thểchữa đau nhức xương cốt, thấp khớp, đau lưng.
Trong một số tài liệu cũ ở Ấn Độ, Philippin, người ta cũng dùng Lưỡi rắn để chữa sốt, sốt cách nhật, nóng trong bụng, mệt lả, chữa ho.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm
Tác dụng kháng khuẩn trên in vitro không mạnh. Tuy nhiên cây có tác dụng đáng kể trên thỏ bị viêm ruột thừa.
Ngoài ra Lưỡi rắn còn được ghi nhận khả năng tăng cường chức năng của vỏ thượng thận. Vì vậy tăng khả năng chống viêm.
Tác dụng giảm độc tố rắn độc
Nghiên cứu thực nghiệm ở chuột bị rắn độc cắn được uống dịch chiết Lưỡi rắn cho kết quả giảm tỷ lệ tử vong đáng kể so với nhóm chứng.
Tác dụng bảo vệ gan
Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy cây Lưỡi rắn có khả năng bảo vệ gan và lợi mật.
Liều dùng & cách dùng
Ngày dùng 160g cây tươi, đem rửa sạch, sao vàng rồi thêm 600ml nước, sắc còn 100ml (1 bát), chia làm 3 lần uống trong ngày (sáng, trưa, tối).
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa rắn cắn
Lưỡi rắn dùng tươi có khả năng giải độc, chữa rắn cắn có hiệu quả.
Lấy 100g cây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt để uống, bã thuốc đem đắp lên vết thương, băng lại.
Lưu ý: Đây là biện pháp sơ cứu, giải độc ban đầu cho người bị rắn độc cắn khi mà chưa có thuốc giải độc, sau khi thực hiện xong các biện pháp trên cần lập tức đưa nạn nhân đi bệnh viện tiêm huyết thanh giải độc và điều trị càng sớm càng tốt.
Chữa viêm ruột thừa cấp đơn thuần, viêm phúc mạc nhẹ
60g thuốc sắc chia 2 – 3 lần dùng mỗi ngày.
Chữa sốt cao
Lấy 30g Lưỡi rắn khô đem sao vàng hạ thổ hoặc sắc với 600 ml nước đến khi còn 300ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Lưu ý
Để sử dụng cây thuốc một cách hiệu quả nhất bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn Tham Khảo:
1. https://tracuuduoclieu.vn/luoi-ran.html.
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: https://drive.google.com/file/d/11HYLqPu7eW-p5LePwUl4L2z18YnIRfQH/view?usp=sharing.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.