Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Lưỡng diện châm: Vị thuốc quý miền núi giúp tán hàn, chỉ thống, bài trùng, ấm trung tiêu cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Lưỡng diện châm có tên khoa học là Zanthoxylum nitidum DC, thuộc họ Rutaceae (Cam). Lưỡng diện châm có rễ trị giun, tả, đau bụng, hen, bổ, sốt và quả dùng chữa đau răng, phong thấp.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Lưỡng diện châm.
Tên khác: Hoàng lực; xuyên tiêu; Hoa tiêu; Sưng; Trưng; Sâng; Lưỡng diện châm Hạt sẻn; Mác khén; Chứ xá; Chiêu khạt.
Tên khoa học: Zanthoxylum simulans Hance.
Đặc điểm tự nhiên
Cây lưỡng diện châm mọc nhiều cành dài với kích thước từ 1 đến 2 m, thậm chí có khi dài tới 15m. Đường kính thân lưỡng diện châm khoảng 15cm, cành cây có màu sắc đỏ nhạt, có những gai ngắn, dẹt quay về phía dưới nằm trên cành và cuống lá. Lá thuộc loại lá kép lông chim lẻ, lá chét mọc đối có hai đến ba đôi.
Sở dĩ loài thực vật này có tên là lưỡng diện châm do hai mặt trên và dưới của gân lá chính đều có gai. Hoa mọc kiểu dạng chùm hoặc chùm xim đơn có thể riêng lẻ hoặc tập trung ở kẽ lá. Quả bên ngoài thì nhăn nheo nhưng bên trong nhẵn, có 1 – 5 mảnh vỏ, ở quanh trục gồm ba tụ họp thành. Mỗi vỏ thường có một hạt màu đen bóng, khá cứng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây lưỡng diện châm phân bố khắp nơi ở nước ta, mọc hoang nhiều nhất tại các vùng miền núi thuộc các tỉnh Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hoà Bình, Hà Tây, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Ngoài ra, cây này còn phân bố thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Đài Loan ở Trung Quốc.
Vào mùa thu, thường thu hái cả quả lẫn cành mang về, sau đó cắt riêng lấy quả phơi khô. Rễ thu hái quanh năm còn quả hái khi còn xanh. Phơi hoặc sấy khô.
Quả lưỡng diện châm có vị đắng, nóng, có mùi thơm như chanh. Quả lưỡng diện châm trông khá đặc biệt khi tách thành 3 mảnh cứng, mỗi mảnh cứng này lại có một hạt đen bóng nằm phía trong.
Bộ phận sử dụng
Quả, hạt, rễ.
Thành phần hoá học
Theo tài liệu được ghi trong Nguyễn Xuân Dũng, PA Leclerq, Th. Nga năm 1990 thì hạt lưỡng diện châm có 1% tinh dầu chủ yếu có các thành phần sau neral (10,95%), linalool (6,84%), limonene (0,44%), geanial (12,14%).
Ngoài ra, vỏ cành và rễ chứa alcaloid nitidin, không bền vững dễ chuyển thành dihydronitidin và oxynitidin. Vỏ rễ chứa flavon, glucosid diosmin. Hạt có tinh dầu chứa linalol.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền thì lưỡng diện châm có vị cay, tính ôn, có độc, quy vào ba kinh là phế, tỳ và thận. Vị thuốc này tác dụng ôn trung, trợ hỏa, sát hồi trùng, tán hàn, trục thấp, giúp trị các trường hợp đau bụng lạnh, đau thổ tả, tẩy giun.
Lưỡng diện châm chỉ mới dùng trong phạm vi dân gian. Bộ phận dùng làm thuốc là quả hay còn gọi là hoa tiêu hay thục tiêu có tác dụng trợ tiêu hoá, chữa giun sán. Ngoài ra, nó còn dùng để pha nước thơm rất tốt cho răng miệng, chữa đau nhức răng.
Theo y học hiện đại
Không tìm thấy thông tin.
Liều dùng & cách dùng
Ngày dùng 3 – 5g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc kinh nghiệm
Đơn thuốc thứ nhất
Nhân dân ta còn dùng rễ cây này với tên hoàng lực hay rễ cây sưng huỳnh lực làm thuốc chữa sốt, thuốc ra mồ hôi, thuốc sốt rét kinh niên, thuốc tê thấp. Liều dùng mỗi ngày khoảng 4 đến 8g có thể đun nước sắc hoặc dùng để ngâm rượu. Trong rễ một số cây sưng có becberin.
Đơn thuốc thứ hai
Quả dùng để trị ho và các vấn đề tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, giun đũa): Mỗi ngày dùng khoảng 3 đến 5g ở dạng thuốc bột hoặc dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc thứ ba
Quả dùng ngoài giúp trị đau răng, thấp khớp: Dùng dạng thuốc sắc hay ngậm dạng thuốc rượu ngâm, nếu dùng để chữa rắn cắn có thể giã nát bôi lên vết thương.
Đơn thuốc thứ tư
Rễ giúp giảm đau xương khớp, phong thấp, đau vùng thượng vị, viêm da, chữa rắn cắn, uốn ván: Liều lượng mỗi lần khoảng 9 đến 15g, ở dạng vỏ rễ thì liều lượng dùng ít hơn khoảng 1,5 đến 3g.
Đơn thuốc thứ năm
Trị phong thấp,sưng đau xương khớp: Nguyên liệu gồm: Lưỡng diện châm, Ngưu tất, Tỳ giải, Cẩu tích, Dây đau xương, Cốt khí củ, Phòng kỷ, mỗi vị 12g, sắc nước uống.
Đơn thuốc thứ sáu
Theo Nam dược thần hiệu trị mụn ổ gà tại nách: Lấy rễ lưỡng diện châm mài với giấm cho đặc. Sau đó đem bôi lên da đến khi khô lại bôi thêm liên tục trong 2 ngày thì tiêu.
Lưu ý
Một số lưu ý khi dùng lưỡng diện châm như sau:
-
Lưỡng diện châm ở dạng chiết xuất khi tiêm có thể gây dị ứng. Tác dụng phụ xuất hiện sau khi tiêm có thể gặp là mẩn ngứa, nôn mửa, thở gấp, tăng huyết áp. Có thể uống nước đường và đợi khoảng sau một giờ thì các tác dụng phụ này sẽ dần hết.
-
Không dùng cho người bị âm hư nội nhiệt, phụ nữ có thai.
-
Lưỡng diện châm kỵ các vị thuốc sau như: Qua lâu, Khoản đông hoa, Hắc phụ tử, Phòng phong. Vì vậy, nên tránh phối hợp lưỡng diện châm với các vị thuốc này.
Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng lưỡng diện châm có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Đỗ Tất Lợi.
Tracuuduoclieu.vn: https://tracuuduoclieu.vn/hat-sen.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.