Tên Tiếng Việt: Ma hoàng
Tên khác: Ty diêm; Long sa; Xích căn; Đậu nị thảo; Cẩu cốt; Ty tướng
Tên khoa học: Ephedra sinica Stapf, Ephedra equisetina Bge và Ephedra intermedia Scherenk
Thảo ma hoàng (Ephedra sinica) là loại cây mọc thẳng đứng có chiều cao từ 30 – 70cm, thân cây có nhiều đốt, mỗi đốt dài khoảng 3 – 6 cm, trên có rãnh dọc. Lá của Thảo ma hoàng mọc đối hoặc mọc vòng từng 3 lá một, thoái hoá thành vỏ nhỏ, phía dưới lá có màu hồng nâu, phía trên lá có màu tro trắng, đầu lá nhọn và cong, hoa đực hoa cái không chung một cành, cành hoa cái ít hơn hoa đực (4 – 5 đôi), quả thịt, màu đỏ giống như quả nho. Vì cây lại hay mọc ở bờ biển cho nên châu Âu gọi ma hoàng là loại nho biển (Raisin de mer) vì cây thường hay mọc ở bờ biển. Hạt hơi thò ra.
Mộc tặc ma hoàng (Ephedra equisetina) là một dạng cây bụi nhỏ, chiều cao khoảng 2m, có cành cứng hơn so với thảo ma hoàng, màu xanh xám hay hơi có phấn trắng, đốt ngắn hơn, chiều dài khoảng 1 – 3cm, lá dài 2mm, màu tía. Hoa đực và hoa cái không cùng cành, quả hình cầu, hạt không thò ra như thảo ma hoàng.
Để phân biệt hoa loài thảo ma hoàng và mộc tặc ma hoàng dựa vào chiều dài của đốt như sau: Mộc tặc ma hoàng đốt ngắn hơn (khoảng 1 – 3 cm), hạt không thò ra còn thảo ma hoàng có đốt dài hơn khoảng 3 – 6cm, hạt thò ra.
Còn có một loài khác là trung ma hoàng (Ephedra intermedia) cũng có đốt dài như thảo ma hoàng, nhưng lại có đường kính cành dài hơn khoảng 2mm, còn đường kính thảo ma hoàng chỉ khoảng 1,5 – 2mm.
Hiện nay, ma hoàng chưa được trồng ở nước ta, chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Ma hoàng Trung Quốc được xem là tốt và hiệu quả nhất trên thế giới vì có chứa nhiều hoạt chất trị bệnh. Ma hoàng chủ yếu mọc hoang dại nhiều ở vùng Tây Bắc, Hoa Bắc Trung Quốc. Có ba loài ma hoàng nhưng phổ biến nhất là thảo ma hoàng, sau đó là mộc tặc ma hoàng được dùng trong nước và xuất khẩu, còn trung ma hoàng thường không xuất khẩu.
Mùa thu hoạch ma hoàng vào mùa thu, khi nghiên cứu định lượng hoạt chất cũng nghiên cứu vào mùa thu cho chất lượng tới 100%, nhưng khi chiết hoạt chất vào màu xuân chỉ còn 25 – 30%, nếu thu hái vào mùa đông thì lượng hoạt chất giảm còn 50% so với thu vào mùa thu.
Trong bộ sách thuốc cổ nhất của Trung Quốc (Thần nông bản thảo), người ta cũng đã hướng dẫn ma hoàng nên thu hái vào tiết lập thu, khi thân cây còn hơi xanh, bỏ các mấu và quả. Hiện nay, y học hiện đại cũng đã chứng minh kinh nghiệm thu hái trên là dùng có thể thu được toàn bộ hoạt chất. Đốt và quả hầu như không có chứa alkaloid, nếu cây già thì lượng hoạt chất đã hết, sử dụng làm thức ăn cho gia súc.
Bộ phận sử dụng được của cây ma hoàng là toàn cây bỏ rễ và đốt.
Ma hoàng có chứa ephedrin. Trong ma hoàng đã chiết được những hoạt chất chủ yếu sau đây: Ephedrin hay 1- ephedrin (C10H15NO), d-pseudoephedrin (C10H15NO), 1-N-methyl ephedrin (C11H17NO), d-N-methyl ephedrin C11H17NO, L-nor-ephedrin C9H13NO, d. nor-ephedrin C9H13NO, trong đó ephedrin chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ ephedrin khác nhau giữa các loài ma hoàng: E. sinica 1,315% 80 – 85%, E. equisetina 1,754% 85 – 90%, E. intermedia 1,155% 40 – 46%, E. gerardiana 1,65-1,70% 70-80%.
Theo Đông y, ma hoàng có vị cay đắng, tính ôn, đi vào 4 kinh tâm, phế, bàng quang và đại trường, không độc, có khả năng khai thấu lý, ra mồ hôi, lợi tiểu tiện, làm thuốc chữa lỵ, giúp long đờm, dùng chữa trúng phong, thương hàn, nhức đầu, điều trị ho, viêm khí quản, hen suyễn, đau xương khớp, phá tích tụ, chữa chứng hay ngủ, tiêu xích ban độc, nhưng không nên uống nhiều sợ người bị hư tổn.
Tác dụng kích thích thần kinh giao cảm
Ma hoàng có chứa ephedrin có tác dụng kích thích giao cảm tương tự adrenalin nhưng yếu hơn, sử dụng ma hoàng có tác dụng làm giãn phế quản trong trường hợp bệnh nhân co thắt phế quản, đối với cơ trơn của ruột và dạ dày, ephedrin có tác dụng ức chế (giảm) nhu động, ephedrin có tác dụng kích thích cơ tim và làm co mạch máu ngoại vi, do đó làm cho tim đập nhanh hơn, tăng huyết áp, khi trúng độc hoặc nhỏ vào mắt thì làm giãn đồng tử, ephedrin còn tăng đường huyết, chuyển hóa tăng, cơ nhỏ lá lách làm tăng lưu lượng máu tuần hoàn.
Tác dụng kích thích thần kinh trung ương
Ephedrin có tác dụng kích thích vỏ đại não làm cho tinh thần phấn chấn, sảng khoái, giảm cảm giác buồn ngủ, kích thích trung tâm hô hấp ở hành não.
Tác dụng gây đổ mồ hôi
Tác dụng làm ra mồ hôi của ma hoàng còn đang nghiên cứu trên lâm sàng.
Tác dụng khác
Ngoài những tác dụng nêu trên, ma hoàng còn giúp kích thích bài tiết nước tiểu và bài tiết dịch vị, tăng lượng nước tiểu.
Tác dụng dược lý của rễ ma hoàng. Theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả (Lưu Mễ Đạt Phu, Mộc Thôn Hùng Tứ Lang, Hòa hán dược dụng thực vật, 424, 1940), thì tác dụng dược lý của rễ ma hoàng hoàn toàn ngược lại với tác dụng của cành và thân ma hoàng nếu dùng cao lỏng rễ ma hoàng tiêm vào động vật thì thấy hạ huyết áp, giãn mạch và tăng hô hấp.
Liều dùng hàng ngày: Ngày uống 5 – 10 g dưới hình thức thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Tây y dùng ephedrin dưới dạng muối clohydrat hay sunfat, dùng riêng hay phối hợp với aspirin, cafein, papaverin. Liều dùng hàng ngày là 0,05 – 0,15 g để chữa hen (bắt đầu dùng liều 0,02g, tăng dần tới liều 0,12 và 0,15g). Có khi dùng ephedrin làm thuốc nhỏ mũi chữa sổ mũi (dung dịch 3% trong nước, mỗi lần nhỏ 1,2 giọt dung dịch này).
Điều trị viêm khí quản, hen suyễn, cảm mạo
Ma hoàng thang (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh), ma hoàng 8g, quế chi 6g, hạnh nhân 8g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Điều trị hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, lao
Ma hoàng 5g, tế tân 3g, bán hạ 2g, ngũ vị tử 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng ma hoàng:
Phàm những người khí hư, tự ra mồ hôi (mồ hôi trộm), phổi nóng khó thở thì không dùng được.
Cần chú ý là trong đông y người ta phân biệt cành và rễ do tác dụng đối kháng nhau. Theo đông y rễ ma hoàng (ma hoàng căn) và đốt ma hoàng (ma hoàng tiết) có tác dụng ngược lại, làm giảm tiết mồ hôi, sử dụng trong những bệnh mồ hôi trộm, phụ nữ sau sinh hoặc những người suy nhược ra nhiều mồ hôi.
Nguồn Tham Khảo:
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
//tracuuduoclieu.vn/ma-hoang.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.