Tên Tiếng Việt: Măng cụt (Vỏ quả).
Tên khác: Sơn trúc tử; măng cụt tía.
Tên khoa học: Garcinia mangostana L. thuộc họ Clusiaceae (Bứa).
Măng cụt là loài thực vật có thân cây to, thân cây lâu năm có thể cao tới 20m. Lá măng cụt khá dày, có màu lục sẫm, với hình dáng thuôn dài có kích thước chiều dài khoảng tầm 15-20cm, và chiều rộng khoảng tầm 7-10cm.
Theo thực tế cho thấy người ta chỉ mới quan sát thấy cây cái. Theo nghiên cứu cho thấy trong số các nhị lép (staminode) bao xung quanh bầu có thể có chứa phấn hoa.
Quả măng cụt có thể to bằng quả cam nhỏ, có dạng hình cầu.Vỏ quả bên ngoài dày cứng, có ngoài màu đỏ sẫm, phía đỉnh là đầu nhụy và phía dưới có lá đài. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt ăn được.
Người ta cho rằng cây măng cụt nguồn gốc ở các đảo LaSôngđơ và Môluyc (Malaysia, Indonesia) sau được các nhà truyền giáo đạo gia tô di thực vào miền Nam Việt Nam. Hiện nay được trồng rộng rãi ở Nam Bộ. Còn thấy ở Philipin, Inđônêxya, Malaixia.
Măng cụt được trồng để thu hoạch áo hạt dùng làm thực phẩm, vỏ quả đem sấy hoặc phơi khô để cầm tình trạng ỉa lỏng hoặc đi lỵ.
Vỏ quả và vỏ thân cây.
Vỏ quả được nhiều người nghiên cứu hơn vì người ta hy vọng dùng nó để thuộc da. Trong vỏ quả có chứa từ 7-13% tanin. Tuy nhiên không được dùng thuộc da vì theo yêu cầu của những nhà thuộc da, nguyên liệu dùng để thuộc không được chứa quá một phần không phải tanin (tối đa) so với 2 phần tanin. Trong khi đó vỏ măng cụt chứa trong phần tan trong nước khoảng 13,61% tanin và 14,59% không phải tanin (theo Bull. Office Colonial, số 136, tháng 4-1919).
Ngoài tanin ra, trong vỏ quả măng cụt, theo W.Schmidt còn có chất nhựa và chất mangostin (C20H22O5), có tinh thể hình phiến nhỏ, màu vàng tươi, không vị, tan trong rượu, ête và chất kiềm, không tan trong nước. Độ chảy 175°C. Chiết xuất chất mangostin có trong vỏ măng cụt như sau: Chiết kiệt vỏ măng cụt đầu tiên bằng nước lạnh, sau đó chiết kiệt bằng nước sôi. Hợp cả hai hỗn hợp nước đó lại, sau đó cô đặc, đem bốc hơi cho khô. Tiếp đó, đem rửa cặn bằng nước rồi hòa tan dung dịch chiết trên bằng rượu. Thêm nước và axit axetic vào dung dịch và để yên trong một thời gian để tinh thể bắt đầu kết tinh, sau đó đem đi gạn và ép. Khi cho thêm dung dịch clorua feric vào chất mangostin thì dung dịch chuyển sang màu lục đen nhạt. Còn trong trường hợp thêm axit sunfuaric vào thì dung dịch chuyển sang màu đỏ.
Tính vị: Măng cụt vị chát. Theo Đông y thì vỏ quả măng cụt có tác dụng làm săn da, trừ lỵ, cầm tiêu chảy. Chủ trị tiêu chảy, kiết lỵ, khí hư, bạch đới.
Vỏ thân cây có tác dụng chữa tiêu chảy.
Tại nhiều nước Malaixia, Campuchia, Philipin, người ta dùng nước sắc vỏ măng cụt để làm thuốc chữa đau bụng đi ỉa lỏng, chữa lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da).
Trong vỏ quả chứa nhiều hoạt chất xanthones. Chất này thể hiện đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm rõ rệt. Súc miệng bằng nước sắc vỏ măng cụt sau khi ăn có tác dụng giảm mùi thức ăn, chống lại sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn ngừa hôi miệng và mang lại hơi thở thơm tho hơn.
Theo các nghiên cứu tại Mỹ đã chứng minh trong vỏ quả măng cụt có chứa các chất chống lão hóa mạnh mẽ có thể có tác dụng hơn cả vitamin C, E. Do đó người ta hay dùng vỏ măng cụt ở dạng phơi khô hay chiết xuất để chăm sóc da, đắp mặt nạ nhằm chống lão hóa da.
Chất Xanthones có trong vỏ quả giúp cơ thể phòng ngừa cholesterol xấu, hỗ trợ trong việc điều trị béo phì. Người ta dùng vỏ măng cụt để làm trà giúp làm da săn chắc da và có thể ổn định cân nặng.
Chất Xanthones còn giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn thành dạng năng lượng cung cấp cho cơ thể hoạt động. Vỏ quả măng cụt ở dạng chiết xuất có tác dụng ức chế sự phát triển vi khuẩn gây ra các bệnh lý ở đường ruột,.
Trong vỏ quả măng cụt có chứa chất Garcinone E được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở dạ dày, phổi và gan. Ngoài ra, hợp chất xanthone có thể giúp tiêu diệt các tế bào ác tính và làm giảm các tác hại từ các gốc tự do
Vỏ măng cụt có thể được dùng ở dạng sắc uống đắp ngoài da hoặc làm trà với liều lượng tùy vào mức độ của từng bệnh.
Bài thuốc măng cụt giúp trị vàng da, đau bụng, chữa lỵ
Dùng khoảng 10 vỏ quả măng cụt cho vào một cái nồi tránh dùng nồi bằng tôn hoặc bằng sắt. Sau đó thêm nước lạnh vào đến khi ngập vỏ quả măng cụt rồi đun sôi tầm khoảng 15 phút. Mỗi ngày có thể dùng khoảng tầm 3 đến 4 chén nước sắc vỏ măng cụt.
Bài thuốc chữa tiêu chảy, đau bụng
Nguyên liệu của đơn thuốc này gồm có vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt thìa và hạt mùi mỗi loại tầm 5g. Cho hỗn hợp nguyên vào đun sôi với khoảng 1200ml nước đến khi sắc cạn còn 600ml . Mỗi ngày dùng hai lần, mỗi lần khoảng tầm 120ml nước sắc vỏ măng cụt.
Bài thuốc trị rạn da cho phụ nữ sau sinh
Dùng vỏ quả măng cụt khô được phơi khoảng 2 nắng. Cho vỏ quả măng cụt vào bình thủy tinh và ngâm với rượu trắng 40 độ trong vòng khoảng 2 tuần. Khi dùng bạn có thể gạn một ít rượu để xoa bớp lên vùng da bị rạn như bụng, đùi hay mông…
Bài thuốc chữa lỵ
Nguyên liệu bài thuốc này gồm vỏ quả măng cụt 6g, rau má, cỏ sữa, rau sam, bạch hoa thảo, mỗi loại 8 g, cam thảo và vỏ quýt mỗi loại tầm 4g, trà xanh 6g, vài lát gừng tươi. Sắc lấy hỗn hợp nguyên liệu này làm nước dùng vài lần trong ngày.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng măng cụt:
Không nên ăn quả măng cụt liên tục trong thời gian dài.
Trước khi làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trước đó khoảng 2 tuần vì trong măng cụt chứa chất xanthones có thể tác động đến việc đông máu trong quá trình phẫu thuật.
Khi dùng dụng cụ để chế biến măng cụt nên dùng đồ bằng gỗ hoặc nồi đất tránh dùng đồ kim loại.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/mang-cut-vt.html
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Đỗ Tất Lợi.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.