Tên Tiếng Việt: Mao địa hoàng
Tên khác: Dương địa hoàng; cây hoa chuông tím
Tên khoa học: Digitalis purpurea
Cây thân cỏ, mọc đứng, sống hai năm, cao từ 0,5 – 1,5m. Thân nhẵn, màu đỏ tía nhạt. Ban đầu, lá mọc cách sát mặt đất tạo thành hình hoa thị. Cuống lá mập, dài, màu đỏ nhạt. Phiến lá nguyên, thuôn dài và rộng dần về phía ngọn, đầu nhọn; mép lá có răng cưa tròn nhỏ, mặt dưới màu trắng nhạt. Càng về phía cụm hoa lá càng nhỏ dần, không cuống hoặc cuống rất ngắn. Cụm hoa dạng chùm, mọc ở ngọn thân, trục cụm hoa dài, mang các hoa màu đỏ tía, mọc thòng xuống, lá bắc nhọn. Đài hoa gồm 5 răng, rời; tràng dính, không đều, hình phễu, chia thành 2 môi, có nhiều đốm trắng ở mặt trong môi dưới. Bốn nhị, 2 dài, 2 ngắn. Bầu 2 ô, nhiều noãn. Quả nang, hình trứng, màu nâu, đầu có mũi nhọn, khi chín mở ra thành 2 mảnh, hạt nhỏ, màu nâu sáng, sần sùi.
Loài Dương địa hoàng hoa trắng (Digitalis lanata L.) cũng được dùng.
Phân bố
Đây là loài phân bố chủ yếu ở vùng khí hậu ôn đới ẩm của châu Âu và châu Á, ở các nước như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, một số nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Cây được Viện dược liệu nhập vào nước ta từ những năm 60, ban đầu trồng tại Sa Pa, Tam Đảo, Hà Nội và Đà Lạt.
Thu hái và chế biến
Cây được trồng bằng hạt vào khoảng tháng 10 đến tháng 11, đến tháng 6, tháng 7 năm sau thì có thể thu lá. Nên thu hoạch vào ngày nắng ráo, đem về rửa sạch, cắt nhỏ, ủ men thủy phân rồi sấy ở nhiệt độ từ 50 – 60 0C.
Lá (sử dụng để chiết xuất glycosid tim).
Thành phần hóa học chính trong lá Mao địa hoàng là glycosid cường tim (purpurea glycoside A, purpurea glycoside B, glucogitaloxin), dưới tác dụng của enzyme, các hợp chất này sẽ bị cắt phân tử glucose cuối mạch, purpurea glycoside A cho ra digitoxin hoặc digitalin kết tinh, purpurea glycoside B cho ra gitoxin, glucogilatoxin cho ra gilatoxin. Ngoài ra, còn có dẫn chất anthraquinon, các acid hữu cơ, sitosterol, choline, acetylcholine.
Hạt cũng chứa khoảng 30 loại glycoside cường tim.
Mao địa hoàng là dược liệu dùng để chiết xuất các glycosid tim, không sử dụng trong y học cổ truyền.
Các glycoside của Mao địa hoàng có những tác dụng sau:
Tăng cường sức co bóp cơ tim
Tác dụng này được ghi nhận rõ trên động vật thí nghiệm, trên người bệnh, trên tim cô lập, trên tim tại chỗ vàcó tính đặc hiệu cao, đồng thời tác dụng trực tiếp trên cơ tim. Tác dụng còn thể hiện đối với tim bình thường cũng như trường hợp suy tim. Đối với tim bình thường, các glycosid cường tim trong khi tăng cường sức co bóp cơ tim cũng sẽ gây co bóp các mạch máu ngoại vi, gia tăng trở kháng ngoại vi, làm cho lượng máu trở về tim giảm, cho nên lượng máu do tim đẩy ra khi co bóp không được tăng cường.
Còn trong trường hợp suy tim, sức co bóp của cơ tim bị suy yếu, glycoside tim có tác dụng tăng cường sức co bóp của cơ tim lên thông qua các bộ phận cảm nhận về áp lực ở xoang động mạch cổ và cung động mạch chủ gây nên các phản xạ điều tiết, giảm hoạt động hệ thần kinh giao cảm, gây giãn mạch ngoại vi, trở kháng ngoại vi giảm, lượng máu trở về tim tăng, do đó lượng máu do tim đẩy ra tăng, ngoài tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, các glycoside cường tim còn có tác dụng kéo dài tương đối thời gian tim nghỉ và làm giảm lượng oxygen tiêu thụ của tim bị suy yếu, do đó là thuốc thích hợp để điều trị suy tim.
Làm giảm nhịp đập của tim
Trong trường hợp suy tim, lượng máu do tim đẩy ra khi co bóp giảm, gây nên các phản xạ điều tiết làm cho nhịp tim tăng nhanh. Glycosid cường tim tăng cường sức co bóp cơ tim dẫn đến lượng máu do tim đẩy ra tăng, nên không còn phản xạ tăng nhịp nữa.
Tác dụng ức chế dẫn truyền
Glycosid cường tim giúp kéo dài thời gian trơ của hệ thống dẫn truyền và ức chế sự dẫn truyền nhĩ thất. Liều điều trị thông thường của glycosid tim chỉ hơi kéo dài tốc độ dẫn truyền và không ảnh hưởng đến nhịp đập, nhưng liều gây ngộ độc sẽ làm tăng tốc độ dẫn truyền rất rõ rệt, gây nên block nhĩ thất. Trong điều trị rung nhĩ, tác dụng ức chế dẫn truyền và kéo dài thời gian của hệ thống dẫn truyền rất có lợi.
Ảnh hưởng đối với tâm đồ
Những biến đổi của sóng T xuất hiện sớm nhất, đoạn ST thường hạ thấp, sóng T trở thành 2 pha hoặc đảo ngược. Sự thay đổi của sóng T là dấu hiệu để theo dõi tác dụng của glycosid tim với chuyển hóa cơ tim.
Chữa suy tim: Dùng bột lá, viên digitalis hoặc dung dịch tiêm digitoxin.
Viên digitalis: 2 – 3 ngày đầu dùng 50 – 200mg, sau đó dùng liều duy trì 70 – 100mg. Liều tối đa dùng cho 1 lần là 400mg và 1 ngày không dùng quá 1g.
Dung dịch tiêm digitoxin 0,2%, mỗi lần tiêm 0,25 – 1ml.
Dược liệu sử dụng để chiết xuất glycosid tim, không dùng trong các bài thuốc dân gian.
Liều cao gây ngộ độc nên thận trọng khi sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Những cây thuốc và động vật làm thuốc (Tập 1) – Trang 705 – 709.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.