Tên Tiếng Việt: Mỏ quạ (Lá)
Tên khác: Hoàng lồ; Vàng lồ; Cây bướm; Sọng vàng; Gai vàng lồ; Gai mang; Móc câu
Tên khoa học: Cudrania tricuspidata (Carr.) Bur
Mỏ quạ là một loài cây bụi nhỏ, mọc leo, cao từ 2 – 3m. Rễ phát triển rất mạnh, có thể xuyên qua đá, hình trụ, nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài. Thân, cành mềm mọc tựa vào cây khác, màu xám bóng mang các nốt sần màu trắng và các gai nhọn sắc, đen nhánh ở phần ngọn, cong gập, dài từ 0,5 – 3cm. Lá mọc cách. Phiến lá hình bầu dục gốc hẹp, đầu nhọn hoặc hơi tù, dài từ 6 – 9cm, rộng từ 2,5 – 3cm, màu xanh, mặt trên sẫm bóng. Có lá kèm hình tam giác, có lông. Cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ, mọc ở kẽ lá. Hoa đơn tính khác gốc.
Cụm hoa đực có cuống dài, mọc thành chùm ngắn mang các hoa vô cánh, 4 lá đài, có lông, 4 nhị đối diện với 4 lá đài. Chỉ nhị loe ở gốc, bao phấn có hình 4 cạnh.
Cụm hoa cái không cuống, dạng đầu, bao hoa gồm 4 lá đài đều, dày hơn lá đài của hoa đực. Bầu hình mắt chim, hơi thắt lại ở phía trên.
Quả phức mang nhiều quả nhỏ hình bầu dục, hơi cụt ở đầu, chẻ ba.
Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Cây thường ra hoa vào tháng 4 đến tháng 5 và cho quả vào tháng 10 đến tháng 11.
Phân bố
Đây là một loài mọc hoang ở vùng đồi núi thấp, trung du hoặc đồng bằng. Đôi khi cây được trồng làm hàng rào bao quanh vườn. Chỉ cần giâm cành là có thể nhân giống. Ngoài Việt Nam, cây còn phân bố ở một số nước như Indonesia, Philippin, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc (Quảng Tây, Hải Nam), Australia, Đông Phi.
Thu hái và chế biến
Thu hái lá hoặc cắt cành rồi về thu lá tại nhà. Ngoài ra còn có thể đào rễ, rửa sạch, phơi hay sấy khô để dùng dần.
Bộ phận sử dụng chính của Mỏ quạ là lá và rễ. Lá dùng tươi, rễ phơi khô.
Thành phần hóa học chính trong gỗ thân là chất nhuộm có tên morin hoặc maclurin; trong vỏ và gỗ chứa cudrantaxanthon, butyrospermol acetat, kaempferol, aromadendrin, populnin, quercetin và taxifolin; trong lá có flavonoid.
Mỏ quạ có vị hơi đắng, tính mát, hoạt huyết khu phong thư cân, hoạt lạc.
Trong nhân dân, dùng rễ làm thuốc khử phong, hoạt huyết, phá ứ, chữa ứ tích lâu năm, bầm tím do bị đánh, bế kinh.
Theo kinh nghiệm của cụ lang Long (Hải Dương), lá Mỏ quạ tươi được dùng để chữa vết thương phần mềm, có thể dùng riêng hoặc kết hợp tùy vào vết thương.
Ở Trung Quốc, rễ lá được dùng trị phong thấp, khớp xương đau buốt, hoàng đản, lâm trọc, cổ trướng, bế kinh, lao thương khái huyết, ngã tổn thương, đinh sang, ung thũng, quả dùng tị bàng quang sa khí, thận tích phúc trương, tiểu tiện bất lợi.
Ở Thái Lan, người ta dùng gỗ trị sốt mạn tính, làm thuốc bổ, trị tiêu chảy.
Thuốc mỡ từ lá Mỏ quạ và lá Sài sung, có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với trường hợp nhiễm tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Ngoài ra khi thử thăm dò điều trị eczema ở 6 bệnh nhân có độ tuổi khác nhau, đều khỏi hẳn.
Nhóm hoạt chất flavonoid và coumarin trong lá Mỏ quạ cho tác dụng kháng khuẩn ở mức độ vừa, đồng thời tăng khả năng của thực bào, tăng cường chuyển dạng lympho bào để tạo kháng thể, có thể chống sốc phản vệ, giãn mạch hoặc cường tim nhẹ. Điều này giải thích khả năng làm lành vết thương của lá Mỏ quạ.
Các hợp chất polyphenol chứa trong lá Mỏ quạ dưới dạng thuốc mỡ dùng để điều trị vết loét có mủ, các vết thương phần mềm, loét kẽ ngón chân, eczema người lớn.
Nhóm hoạt chất flavonoid trong lá Mỏ quạ có tác dụng hoạt hóa enzyme cathepsin, có thể đây là cơ chế giải thích khả năng tiêu mủ của lá Mỏ quạ trong các vết thương phần mềm.
Bài thuốc có lá Mỏ quạ cũng cho thấy tác dụng điều trị viêm loét cổ tử cung.
Lá Mỏ quạ được dùng để điều trị vết thương phần mềm dưới 3 dạng sau:
Lá tươi bỏ cọng, giã nhỏ đắp trực tiếp lên vết thương.
Lá tươi bỏ cọng ngâm vào glycerin để có thể dùng lâu.
Lá tươi bỏ cọng đem nấu thành cao.
Lá Mỏ quạ không chỉ giúp làm lành vết thương mà còn chóng hết mùi, mau sạch, tổ chức hạt phát triển nhanh để phục hồi thương tổn.
Cao nước lá Mỏ quạ có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E. coli, Shigella flexneri, Bacillus subtilis; đồng thời thúc đẩy sự phát triển mô hạt trong điều trị bỏng.
Lá dùng phụ thuộc vào kích thước vết thương, chỗ bầm tím.
Sắc từ 10 – 30g rễ dùng mỗi ngày.
Bài thuốc chữa vết thương lâu lành
Cách dùng như sau: Giã lá Mỏ quạ tươi đắp vào vết thương rồi băng lại, thay băng mỗi ngày 1 lần. Rửa vết thương bằng nước đun lá Trầu không (40g lá Trầu + 2l nước đun sôi để nguội rồi thêm 8g phèn phi, khuấy đều cho tan, lọc sạch để dùng). Sau 3 – 5 ngày thì giảm số lần thay băng còn 2 ngày 1 lần. Nếu vết thương lâu đầy thịt có thể dùng thêm lá Thòng bong (Lygodium flexuosum Sw.). Sau 3 – 4 ngày tiếp tục dùng thêm lá Hàn the (Desmodium heterophyllum DC.), 3 vị đồng lượng, 3 ngày thay băng 1 lần. Sau 2 – 3 thay băng thì rắc thuốc bột (20g phấn cây cau, 16g phấn cây chè, 8g bồ hóng, 4g phèn phi, tất cả tán mịn).
Bài thuốc chữa viêm loét tử cung
Lá Mỏ quạ, lá Móng, phèn phi, giã nhỏ đắp.
Bài thuốc chữa lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu
Rễ Mỏ quạ 40g, dây Rung rúc 30g, Bách bộ 20g, Hoàng liên ô rô 20g. Sắc uống.
Bài thuốc chữa kinh giản, lên cơn hàng ngày hay 3 – 4 ngày phát một lần
Cây Mỏ quạ, hạt Cau, Thảo quả, mỗi vị 20g, sắc uống.
Không dùng cho phụ nữ mang thai.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc – Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Từ điển cây thuốc – Võ Văn Chi.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.