Tên Tiếng Việt: Mộc thông.
Tên khác: Thông thảo.
Tên khoa học: Hocquartia manshuriensis (Kom) Nakai hay Aristolochia manshuriensis Kom, họ Mộc hương (Aristolochiaceae).
Cây mộc thông là một loại cây leo có thân gỗ. Thân cây nhỏ gọn, hình trụ và uốn lượn, và cành non có lông. Vỏ thân có màu nâu xám. Lá to mọc xen kẽ hoặc thành chùm trên các nhánh ngắn. Thường có 5 lá chét, nhưng đôi khi có 3 – 4 hoặc 6 – 7 lá chét. Cuống lá dài khoảng 4,5 – 10cm và lá chét có hình elip, hình trứng hoặc oval. Cây thường mọc trên cỏ ở rừng độ cao thấp.
Quả của cây mộc thông thường là đôi hoặc đơn độc. Quả có hình thuôn hoặc hình elip, có độ dài khoảng 5 – 8cm và đường kính 3 – 4cm. Màu sắc của quả là tím khi trưởng thành và có nứt dọc. Trong quả, chủ yếu là hạt. Hạt có hình trứng thuôn, hơi phẳng và không được sắp xếp đều.
Cây mộc thông thường ra hoa từ tháng 4 đến tháng 5 và ra quả từ tháng 6 đến tháng 8. Hoa mọc ở kẽ lá, có màu lục nhạt với các đốm màu tím.
Phân bố
Ở Việt Nam, cây mộc thông chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, cây này được sử dụng ở các vùng như Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm. Một số loại mộc thông được nhập khẩu và bán tại Việt Nam bao gồm:
Những loại cây này được khai thác chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Tứ Xuyên.
Thu hái
Người ta sử dụng thân cây mộc thông bằng cách bóc vỏ và phơi khô để sử dụng. Do nguồn gốc và đặc điểm khác nhau, cây mộc thông được chia thành các loại sau:
Chế biến
Sau khi thu hái, cây mộc thông được đem về để loại bỏ tạp chất và rửa sạch. Sau đó, thân cây được ngâm trong nước và ủ mềm. Sau quá trình ủ, cây được thái lát và sau đó phơi hoặc sấy khô để sử dụng.
Thường sử dụng thân và cành già của cây mộc thông. Người ta sẽ tẩy vỏ bẩn trên cây, sau đó chặt nhỏ chúng và phơi hoặc sấy khô để sử dụng.
Trong mộc thông mã đậu linh, còn được gọi là quan mộc thông (Hocquartia mashuriensis), thu được một chất có tinh thể màu vàng với tỷ lệ 0,091% trong cây. Chất này có độ chảy từ 281-283 độ C và có công thức hóa học là C12H11O4.
Trong mộc thông Nhật Bản (Akebia quinata Decne), tìm thấy một glucozit có tên akebin (C35H56O20). Khi glucozit này bị thuỷ phân, sẽ tạo ra akebigenin (C31H50O4), glucoza và rhamnoza. Ngoài ra, cây mộc thông Nhật Bản còn chứa hederagenin (C30H48O4) và axit oleanolic hoặc caryophylin (C30H48O3).
Tính vị, quy kinh
Theo tài liệu cổ, mộc thông có vị đắng, tính hàn.
Quy kinh Tâm, Phế, Tiểu trường và Bàng quang.
Công năng, chủ trị
Mộc thông có tác dụng giáng Tâm hỏa, thanh Phế nhiệt, lợi tiểu tiện, thông huyết mạch. Dùng để chữa tiểu tiện khó khăn, thấp nhiệt lâm bệnh, thủy thũng, phụ nữ bế kinh, sữa tắc.
Tác dụng giảm mỡ
Nghiên cứu của Hwang và cộng sự năm 2012 chứng minh Mộc thông có tác dụng ức chế sự biệt hóa tế bào mỡ của các tế bào 3T3-L1 cùng với việc giảm đáng kể sự tích lũy lipid bằng cách điều hòa giảm một số yếu tố phiên mã đặc hiệu của tế bào mỡ. Ngoài ra, Mộc thông còn ức chế quá trình tạo mỡ, ức chế sự biểu hiện gen của các yếu tố tiết như axit béo tổng hợp adiponectin, lipoprotein lipase và aP2 trên mô hình chuột béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo.
Tác dụng trên gan
Tác giả Kwak và cộng sự năm 2016 đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng bảo vệ gan của chiết xuất ethyl acetate của Mộc thông trong mô hình viêm gan nhiễm mỡ không do rượu do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Kết quả thấy rằng tình trạng gan nhiễm mỡ và viêm nhiễm giảm, cũng như mức độ lipoprotein tăng lên trong quá trình điều trị, quá trình peroxid hóa lipid và chất béo trung tính ở gan giảm, ức chế sự biểu hiện của các gen tạo mỡ ở gan.
Tác dụng chống ung thư
CDK2 là một thành phần của họ kinase phụ thuộc cyclin của serine/threonine kinase, giúp điều chỉnh sự phát triển của chu trình tế bào. CKD2 có vai trò hạn chế tốc độ của chu kỳ tế bào, nên được coi là mục tiêu tiềm năng trong điều trị ung thư.
Nghiên cứu của Hegde và cộng sự năm 2010 báo cáo chiết xuất methanol của Mộc thông được phát hiện có chứa hai hợp chất phenanthrene và glycoside phenanthrene. Cả hai hợp chất này được xác định là chất ức chế enzyme CDK2.
Một nghiên cứu khác của Alshatwi và cộng sự năm 2011 báo cáo phát hiện hai hợp chất aristolactam mới trong Mộc thông và hai hợp chất này được chứng minh có tác dụng tác dụng ức chế CDK2.
Tác dụng trên tim mạch
Theo báo cáo của Chu Nhan vào năm 1954, mộc thông đã được xác định có tác dụng tăng huyết áp. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm trên thỏ lại không cho thấy hiện tượng tăng huyết áp, mà thậm chí huyết áp còn giảm. Có sự khác biệt về tác dụng của mộc thông tùy thuộc vào nguồn gốc và cách sử dụng. Chu Nhan sử dụng mộc thông từ Bắc Kinh, trong khi Tưởng Bá Thành sử dụng từ Nam Kinh.
Nước sắc mộc thông từ cây mộc thông mã đậu linh, khi dùng với liều nhỏ, có tác dụng kích thích tim cô lập của cóc, tăng sức co bóp của tim. Tuy nhiên, với liều lớn, nó lại làm yếu sức co bóp của tim và dẫn đến tim ngừng đập ở trạng thái tâm giãn. Đối với tim cô lập của chuột, nước sắc mộc thông có tác dụng kích thích. Tác dụng này khác với tác dụng của ion canxi, nhưng cả hai vẫn có tác động tương đồng.
Mộc thông có thể được sử dụng hàng ngày với liều 4 – 6g dưới dạng thuốc sắc. Có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
Chữa tiểu tiện đau buốt hoặc khó tiểu tiện
Mộc thông 6g, Trạch tả 6g, Phục linh 6g, Xa tiền 6g, Đăng tâm 6g, Chư linh 6g. Cho tất cả vào ấm sắc chung với 600ml sao cho còn khoảng 200ml. Chia uống nhiều lần trong ngày.
Tiểu tiện ra huyết
Mộc thông 4g, Thiên môn đông 4g, Sinh địa 4g, Ngưu tất 4g, Hoàng bá 4g, Cam thảo 4g. Sắc chung với 600ml, còn khoảng 200ml chia uống nhiều lần trong ngày.
Chữa bệnh thấp nhiệt ở phần dưới cơ thể, nước tiểu đỏ, tiểu rắt, nóng buốt
Bài 1: Mộc thông 12g, Trư linh 12g, Xích phục linh 12g, Hạt cau 12g, Vỏ rễ dâu 12g, Tía tô 8g, Hành ta 12g, Gừng tươi 12g. Sắc uống. Chủ trị thấp nhiệt, hen suyễn, tức thở, phù chân, phù thũng một bên, khó chịu, tiểu tiện không lợi.
Bài 2: Mộc thông 10g, Hoàng cầm 12g, Sinh địa 20g, ngọn cành Cam thảo 4g. Sắc hoặc nghiền thành bột để uống. Trị người nóng, mụn lở loét trong miệng, tiểu nhỏ giọt.
Bài 3: Mộc thông 4g, Sinh địa 4g, Ngưu tất 4g, Hoàng bá 4g, Thiên môn 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa tiểu tiện ra huyết.
Chữa chứng đau co rút khắp người, huyết mạch bế tắc, ứ đọng, sữa không thông
Bài 1: Mộc thông 12g mang đi sắc, uống lúc thuốc còn nóng để cho ra ít mồ hôi. Trị đau co rút khắp người, đau khớp khó cử động.
Bài 2: Mộc thông 12g, Sinh địa 20g, Diên hồ sách 12g, Ngưu tất 12g, Hồng hoa 8g. Sắc uống. Trị phụ nữ kinh nguyệt bế tắc.
Bài 3: Mộc thông 16g, Thảo quyết minh sao 16g, Bách bộ 16g, Chỉ xác 10g, Mạch môn 10g, Nga truật 10g, Ngưu tất 10g. Sắc uống. Chữa ăn hay bị nghẹn, ợ hơi hoặc nôn ọe, khó nuốt, đại tiện không thông, hơi thở hôi, rêu lưỡi cáu vàng.
Bài 4: Mộc thông 12g, Móng lợn 1 đôi. Cho vào vào hầm nhừ, ăn chân giò và uống nước canh. Dùng cho phụ nữ sau đẻ bị tắc sữa.
Một nghiên cứu từ năm 2000 của Qiu và cộng sự trên chuột về những thay đổi lâu dài về chức năng và hình thái của thận do nhiễm độc Mộc thông cấp tính. Kết quả cho thấy khi sử dụng liều lượng lớn Mộc thông sẽ gây suy thận cấp ở chuột như tăng nitơ huyết, protein niệu, đường niệu, nước tiểu giảm thẩm thấu; thay đổi mô bệnh học cho thấy hoại tử ống thận cấp tính. Tuy nhiên, chức năng thận và những thay đổi mô bệnh học của tổn thương thận cấp do Mộc thông gây ra sẽ hồi phục. Mặt khác vào tháng thứ 6, các tổn thương tiền ung thư ở thận, khối u thận và khối u ngoài thận đã xảy ra ở chuột.
Một nghiên cứu khác của Wang và cộng sự năm 2018 báo cáo rằng Mộc thông có tác dụng độc hại đáng kể ở chuột liên quan đến việc giảm trọng lượng cơ thể, suy giảm chức năng thận, tăng tình trạng thiếu máu và tỷ lệ mắc khối u. Thận, dạ dày, bàng quang và mô dưới da là các cơ quan đích gây ung thư của Mộc thông. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hợp chất gây ung thư chính trong Mộc thông là axit aristolochic.
Từ nghiên cứu trên cho thấy khi sử dụng mộc thông cần chú ý không sử dụng cho những người có triệu chứng suy nhược, hoạt tinh, mệt mỏi và không có thấp nhiệt bên trong cơ thể. Đồng thời, phụ nữ đang mang thai và những người có tình trạng tiểu tiện quá nhiều cũng nên tránh sử dụng mộc thông.
Tuy có nhiều tác dụng và được sử dụng nhiều trong y học tuy nhiên trước khi sử dụng hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không đáng có.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Aristolochia manshuriensis Kom inhibits adipocyte differentiation by regulation of ERK1/2 and Akt pathway: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23166699/
- Aristolochia manshuriensis Kom ethyl acetate extract protects against high-fat diet-induced non-alcoholic steatohepatitis by regulating kinase phosphorylation in mouse: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26726030/
- New potential antitumor compounds from the plant Aristolochia manshuriensis as inhibitors of the CDK2 enzyme: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20097074/
- Predicting the possibility of two newly isolated phenetheren ring containing compounds from Aristolochia manshuriensis as CDK2 inhibitors: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3280487/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.