Tên Việt Nam: Mù u
Tên khác: Đồng hồ; Hồ đồng, cây cồng, Khung tung; Khchyong
Tên khoa học: Calophyllum inophyllum L., họ Măng cụt (Guttiferae)
Mù u là một cây to, cao, cành non tròn nhẵn, màu lục. Lá mọc đối, phiến dày và cứng, dài 10 – 17 cm, rộng 5 – 8 cm, gốc tròn hơi thuôn, đầu tù, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, gân nhiều và rõ, mép nguyên, cuống lá dày và dẹt, dài 0,8 – 2 cm.
Cụm hoa mọc thành chùm xim ở kẽ lá và đầu cành, hoa khá to, thơm, màu trắng, lá đài 4, khum, cánh hoa 4, nhị rất nhiều, chỉ nhị mảnh, bầu tròn, nhẵn.
Quả hạch, hình cầu, đường kính khoảng 2,5 cm, khi chín có màu vàng nhạt, vỏ quả ngoài mỏng, vỏ trong dày, cứng. Hạt có lá mầm và chứa nhiều dầu.
Phân bố
Cây Mù u phân bố rộng rãi ở Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippin, Indonesia và một số đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, Mù u mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền Trung, Nam như ở: Quảng Ninh, từ Quảng Bình đến Phan Thiết, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gia Định, Sông Bé, Vũng Tàu.
Thu hái, chế biến
Hạt thu hái vào mùa đông, đập vỡ vỏ lấy nhân, dùng tươi hoặc ép lấy dầu.
Nhựa lấy quanh năm, phơi khô, tán bột.
Bộ phận dùng của cây Mù u là dầu và nhựa.
Hạt mù u chứa từ 41 – 51% dầu, hoặc có thể lên đến 73% nếu chỉ tính nhân hạt. Từ dầu thô này có thể tách ra 71,5% dầu béo và 28,5% nhựa, có loại chứa tới 90,3% dầu béo.
Dầu thô từ hạt Mù u có màu xanh lục sẫm, có mùi đặc biệt, vị đắng và rất sánh. Dầu thô đã được loại nhựa (dầu béo) sẽ lỏng hơn và có màu nâu vàng. Trong dầu béo có stearin, panmitin, olein và arachidin.
Nhựa mù u lấy được từ dầu thô có màu nâu sẫm, tan trong carbon sunfua, benzen, cồn, ete dầu hỏa và các dung môi hữu cơ khác.
Trong những năm gần đây, dầu Mù u đã được nghiên cứu kỹ hơn. Người ta chiết được acid calophylic, chất calophylotlid và một chất lacton từ hạt Mù u. Từ acid calophylic và chất calophylotlit chiết ra được acid benzoic và axetonphenon. Chất lacton đem xà phòng hóa cho axit calophylic.
Thân cây mù u có chứa một loại nhựa màu lục nhạt, cũng dùng làm thuốc. Trong vỏ cây chứa 11,9% tanin.
Trong lá, vỏ cây và rễ có chứa axit xyanhydric và một chất saponin.
Nhựa Mù u có màu lục nhạt, mùi thơm, có vị mặn đắng, tính rất lạnh, có tác dụng gây nôn, giải độc.
Nhựa mù u phơi khô, tán bột rắc lên các vết lở loét, mụn nhọt, tai có mủ. Nhựa hòa tan với nước hoặc mài gỗ với nước bôi làm tan các chỗ sưng cứng, chữa họng sưng không được nuốt, cam tẩu mã thối loét, và các mụn tràng nhạc không tiêu.
Dầu ép từ hạt đã được chứng minh có nhiều tác dụng chữa bệnh như: Chữa các bệnh ngoài da, điều trị bệnh tràng nhạc, dùng xoa bóp chữa bệnh thấp khớp, điều trị các vết thương, viêm xương, lộ tuyến viêm cổ tử cung.
Tác dụng làm giảm độ thấm mao mạch
Calophylolid phân lập từ hạt Mù u gây giảm 60,7% phù thực nghiệm chân chuột cống trắng với liều 40 mg/kg tiêm phúc mạc, so sánh với tác dụng của hydrocortison ức chế phù chân chuột 44% với liều 10 mg/kg cho thấy có tác dụng làm giảm độ thấm mao mạch.
Giúp mau lành vết thương
Thử nghiệm trên thỏ cho thấy dầu Mù u có tác dụng làm mau lành vết thương rõ rệt. Gây vết thương bằng cách cắt bỏ miếng da ở đầu thỏ, hằng ngày bôi dầu Mù u lên vết thương, theo dõi đo đường kính vết thương hàng ngày, đồng thời làm thêm xét nghiệm vi khuẩn và giải phẩu bệnh lý.
Tác dụng chữa các bệnh ngoài da
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy dầu Mù u ép từ hạt già nấu thành xà phòng có tác dụng để trị ghẻ và thuốc mỡ bào chế từ dầu Mù u có tác dụng trị mụn nhọt, bỏng, lở loét nhỏ. Áp dụng trong điều trị 350 ca lộ tuyến và lộ tuyến viêm tử cung, kết quả lành, tốt 92%. Ngoài ra, dầu Mù u còn có tác dụng tốt điều trị mạch lươn.
Dầu Mù u trộn với vôi đun nóng, bôi ngày 2 – 3 lần để chữa ghẻ, bệnh ngoài da khác.
Este etylic của dầu Mù u dùng để điều trị chứng viêm dây thần kinh do bệnh phong với liều 5 – 10 ml (tiêm bắp thịt sâu) hoặc 5 – 20 ml (uống). Có thể dùng nhiều ngày.
Dầu mù u còn dùng xoa bóp chữa bệnh thấp khớp.
Ngoài công dụng làm thuốc, dầu Mù u còn được dùng để thắp đèn, có thể dùng nấu xà phòng. Gỗ mù u dùng đóng thuyền và làm cột buồm.
Chữa cam tẩu mã, chân răng thối loét
Nhựa Mù u trộn với bột Hoàng đơn, bôi vào chân răng, dùng liên tục.
Chữa răng đau chảy máu hay lợi răng tụt xuống, chân răng lộ ra
Rễ Mù u, rễ Câu kỷ với tỉ lệ bằng nhau. Sắc nước ngậm.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Mù u:
Chưa thấy có lưu ý gì đặc biệt.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 2 (Tr. 304)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Tr. 106)
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.