Tên Tiếng Việt: Nam sâm
Tên khác: Ngũ gia bì chân chim, Cây chân chim, Cây lằng, Ngũ chỉ thông, Ấp cước mộc, Nga chưởng sài
Tên khoa học:Schefflera octophylla (Lour.) Harms, (Aralia octophylla Lour.)
Nam sâm thuộc loại cây nhỡ hoặc cây to, có chiều cao từ 2 – 8 m. Lá kép hình chân vịt, có 6 – 8 lá chét mọc so le, mỗi lá chét có chiều dài 7 – 17 cm, rộng 3 – 6 cm, phiến lá chét có hình trứng, nguyên, gốc tròn hay thuôn, đầu nhọn; cuống lá chét ngắn 1, 5 – 2,5 cm, trong đó cuống lá chét giữa dài hơn các cuống lá chét còn lại (3 – 5 cm); cuống lá kép dài 8 – 25 cm. Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùy hoặc chùm tán, hoa nhỏ màu trắng, trang hoa rời, có 5 cánh hoa. Nhị thường là 5, dài hơn cánh hoa, bao phấn 2 ngăn, bầu hạ có 5 – 6 ngăn. Quả mọng hình cầu, đường kính 3 – 4 mm, có núm nhọn, khi chín có màu tím sẫm đen, trong đó có 6 – 8 hạt. Mùa hoa nở thu đông.
Phân bố
Nam sâm là loại cây mọc rải rác khắp nơi Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), ở phía Nam, cây phân bố ở Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Côn Đảo. Trên thế giới, Nam sâm phân bố rộng rãi từ Nhật Bản, Đài Loan qua phần Nam Trung Quốc đến Myanmar, xuống các nước ở Đông Nam Á.
Thu hái, chế biến
Vỏ thân hoặc vỏ rễ Nam sâm thu hái về, rửa sạch, cạo bỏ lớp bên ngoài, đem phơi trong bóng râm. Khi chế biến Nam sâm, đem vỏ rễ hoặc vỏ thân đã phơi đi làm ẩm, ủ trong vòng 7 ngày đến khi tạo mùi thơm, phơi trong râm, cắt thành các miếng nhỏ, tẩm rượu hoặc nước gừng, sau đó đem sao.
Nam sâm có bộ phận sử dụng là vỏ thân hoặc vỏ rễ.
(Chem. Pharm. Bull., 37 (10), 272730) J. Kitajama và cộng sự đã chiết từ lá Sch. ootophylla của Nhật hai triterpenoid glucosid là 3 a-hydroxylap.20 (29) ene 23,28 dioic acid 28-0-α L.rhamnopyranosyl và 3-epo-betulinic acid 3-O-β-D-glucopyranosid.
Năm 1990 (Chim. Pharm, Bull., 38(3), 714-716) vẫn tác giả trên còn phát hiện thêm 2 triterpenoid sulfat cũng từ lá Sch. octophylla mọc ở Nhật: 3-epi-betulinic acid 3-O-sulfate và betulinic acid 3-O-sulfat. Đây là một điều thú vị vì triterpenoid sulfat thu được từ thiên nhiên ở dạng tự do.
Nam sâm có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải biểu, khử phong trừ thấp, sơn căn hoạt lạc.
Rễ Nam sâm được dùng làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện.
Vỏ thân Nam sâm chữa cảm sốt, họng sưng đau, thấp khớp, đau xương, vết thương sưng đau.
Tác dụng tăng lực (tăng khả năng vận động)
Trong thử nghiệm với 2,5 g vỏ/kg vỏ thân Nam thân làm tăng rõ rệt thời gian bơi của chuột nhắt trắng so với nhóm đối chứng.
Tác dụng kích thích trên thần kinh
Với liều 0,75 g/kg thể trọng vỏ thân Nam sâm (tiêm dưới da) có tác dụng kích thích rõ rệt trên thần kinh chuột nhắt đã tiêm thuốc ngủ veronal natri.
Tác dụng chống lạnh
Với liều 5 g vỏ/ kg thể trọng (uống) Nam sâm có tác dụng chống lạnh rõ rệt đối với chuột nhắt trắng.
Tác dụng chống nóng
Với liều 2,5 g/kg thể trọng (tiêm dưới da) vỏ Nam sâm chưa thể hiện tác dụng chống nóng trên chuột nhắt trắng thực nghiệm.
Tác động kiểu oestrogen
Với liều 5 g/kg thể trọng (uống) vỏ Nam sâm không thể hiện được tác dụng kiểu oestrogen một cách chắc chắn (thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cái đã thiến bỏ buồng trứng theo phương pháp Allen Doisy).
Tác dụng hạ đường huyết
Uống với liều 2,5 g/kg thể trọng vỏ Nam sâm có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt trên chuột trắng thực nghiệm.
Liều sử dụng cho người lớn là 6 – 10 g bột dược liệu khô trong một ngày và đưa ra sử dụng trên người hai dạng bào chế của vỏ thân Nam sâm: Dạng rượu ngọt 1 ml chứa 0,2 g bột dược liệu khô với tên langtonic (chai 500 ml, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 – 30 ml và dạng elixir 1 ml chứa 2 g bột dược liệu khô với tên là langgosin (lọ 150 ml, ngày uống 5 ml)
Liều dùng là thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện: 6 – 11 g.
Bài thuốc chữa phong thấp đau xương
Vỏ thân Nam sâm 180 g, ngâm rượu 500 ml. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 – 300 ml.
Bài thuốc chữa bệnh cước khí, chân sưng đau
Nam sâm, Lõi thông, Hạt cau, Hương phụ, Tử tô, Chỉ xác, Ké đầu ngựa, mỗi vị 8 – 16 g sắc uống (Nam dược thần hiệu).
Bài thuốc chữa tê buốt, sưng đau, da lở ngứa do thấp nhiệt
Vỏ thân Nam sâm, Bạch chi lan, Hy thiêm, Phòng kỷ, Tỳ giải, mỗi vị 20 g. Sắc nước uống.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Nam sâm:
Chưa ghi nhận lưu ý đặc biệt khi dùng.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 823-824.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1), trang 411-414.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.