Tên Tiếng Việt: Nần nghệ (Thân rễ)
Tên khác: Nần vàng
Tên khoa học: Dioscorea collettii
Cây Nần nghệ (Dioscorea collettii Hook. F.)
Cây dây leo, mọc bằng thân quấn, sống nhiều năm, dài từ 5 – 10 m. Lá đơn, mọc cách, phiến lá hình tim, dài từ 6 – 10 cm, rộng từ 5 – 9 cm, mang 7 gân chính, 3 gân trong số đó mọc dài đến đỉnh phiến lá, có lá kèm dạng gai nhỏ, cong, nằm ở gốc cuống lá. Hoa đơn tính. Cụm hoa đực dài từ 10 – 30 cm dạng xim mang 3 – 4 hoa không cuống. Bao hoa gồm 6 phiến dính nhau bên dưới trên chia thành 6 phiến hình tam giác. 3 nhị thụ có chỉ nhị chia đôi, mỗi nhánh mang 1 bao phấn. 3 nhị lép hình dùi. Cụm hoa cái dài 15 – 30 cm. Mỗi hoa cái có 2 lá bắc. Bao hoa 6 thùy, không mang các nhị lép, đầu nhụy chia thành 3 thùy. Quả nang có 3 cánh, chia thành 3 ô, mỗi ô mang 2 hạt có cánh tròn.
Thân rễ nằm dưới đất đến tháng 2 hoặc tháng 3 thì bắt đầu mọc lên các thân khí sinh, ra hoa và tháng 5 đến tháng 6 rồi lụi đi vào cuối năm.
Thân rễ Nần nghệ (Rhizoma Dioscoreae collettii)
Thân rễ phân nhánh, hình dạng thay đổi, thắt thành các đoạn không bằng nhau, dài từ 5 – 8 cm, dày từ 2 – 3 cm, tạo các khối. Ở tận cùng các nhánh, các lớp bần tụ lại thành những đám vẩy màu đen. Vỏ ngoài có màu nâu vàng hoặc xám, xù xì, lồi lõm, mang nhiều rễ con dạng sợi cứng, phần sát với thân rễ có vết tích của bần bong ra, tạo thành những ống ôm lấy rễ con. Ở các phần thân rễ già sẽ nhẵn hơn có màu vàng nâu, do các rễ con đã rụng, cứng, dai, cắt ngang có màu vàng tươi.
Phân bố
Trên thế giới, cây được tìm thấy ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar. Ở Việt Nam, cây mọc ven rừng, ở các bụi, tre nứa, ven suối hoặc các sườn núi của Mộc Châu – Sơn La. Hiện nay, Nần nghệ đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (1996).
Thu hái và chế biến
Vào tháng 5 đến tháng 6, tìm và nhổ lấy cây vào lúc cây đang ra hoa, để thu lấy phần thân rễ. Sau đó, rửa sạch, cắt lát rồi phơi hoặc sấy khô.
Thân rễ Nần nghệ (Rhizoma Dioscoreae collettii) đã phơi hoặc sấy khô.
Thành phần chính là diosgenin (chiếm hơn 2,5% trên dược liệu khô), hàm lượng này sẽ đạt cao nhất lúc cây ra hoa (4,4%).
Thân rễ Nần nghệ có vị khổ, tính bình, vào các kinh can, thận, dùng để giải độc, tiêu thũng, tán ứ, chỉ thống, khu phong, trừ thấp, chủ trị các bệnh như đau xương khớp do phong thấp, đau lưng gối, viêm đường tiết niệu, bạch đới, rắn cắn, hạ cholesterol máu, hạ huyết áp.
Diosgenin là một saponin steroid tự nhiên được tìm thấy trong các cây chi Dioscorea. Đây là tiền chất của nhiều thuốc có cấu trúc khung steroid.
Trong các mô hình thử nghiệm của bệnh nhân béo phì, bằng cách thúc đẩy biệt hóa tế bào mỡ và ức chế viêm trong các mô mỡ, diosgenin làm giảm triglycerid trong máu và gan giúp cải thiện cân bằng glucose nội môi.
Nần nghệ cho thấy hiệu quả hạ cholesterol rõ ràng (đặc biệt là hạ LDL, tăng HDL), rối loạn lipid máu mà không gây ra tác dụng phụ nào.
Diosgenin ảnh hưởng trực tiếp đến một số mục tiêu phân tử tham gia vào quá trình chuyển hóa enzyme cũng như quá trình dẫn truyền tín hiệu ở gan. Vì vậy, diosgenin có thể điều hòa chức năng gan và hỗ trợ trong việc kiểm soát điều trị các bệnh về gan đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ.
Người ta cũng nghiên cứu hiệu quả tiền lâm sàng của diosgenin trong hóa trị liệu điều trị ung thư ở một số cơ quan nội tạng.
Ngày dùng từ 9 – 12 g, dạng hãm hoặc sắc uống, thường phối hợp với các dược liệu khác.
Bài thuốc chữa mỡ máu
Cách 1: Đem 15 g Nần nghệ đã phơi khô, hoặc cắt mỏng 40 g Nần nghệ tươi, đem sắc với 500 ml, đến khi còn hơn một nửa thì chia làm 2 lần, uống trong ngày, sau ăn 30 phút.
Cách 2: Lấy lượng vừa đủ pha với nước ấm, uống sau bữa ăn như thuốc sắc nói trên.
Dùng sau bữa ăn để đạt hiệu quả giảm mỡ máu cao nhất.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam 5 – Trang 1259 – 1261.
//tracuuduoclieu.vn/cay-nan-nghe.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.