Ngân hạnh có tên khoa học là Ginkgo biloba L., thuộc họ Ginkgoaceae (Bạch quả), còn hay được gọi với cái tên Bạch quả.
Ngân hạnh thuộc cây thân gỗ, cây cao và to với chiều cao trung bình từ 20 – 35m, có một số cây cao tới 50m. Thân có nhiều cành dài, mọc theo hình vòng tròn, trên cành phân thành nhiều cành ngắn hơn, có mang lá. Lá mọc so le, thường tụ ở một mấu, phiến lá hình quạt, gốc thuôn nhọn, mép lá phía trên tròn, nhẵn, lõm giữa chia phiến lá thành hai thùy rộng. Gân lá rất sít nhau, tỏa từ gốc lá thành hình quạt, phân nhánh theo hướng rẽ đôi, cuống lá dài hơn phiến.
Ngân hạnh là loại cây đơn tính khác gốc nên có cây sẽ mang hoa đực, có cây sẽ chỉ mang hoa cái, quá trình thụ phấn nhờ vào giao tử đực có thể di động, kết quả ra hoa.
Quả của Ngân hạnh là loại quả hạch, có hình trứng, to bằng quả mận bắc, thịt màu nâu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu.
Ngân hạnh có nhiều ở Trung Quốc, xuất hiện từ lâu đời, có nhiều cây ngàn năm tuổi được tìm thấy tại Nhật Bản và Trung Quốc, người dân xứ Trung trồng Ngân hạnh thành đồn điền, một số tỉnh trồng nhiều như An Huy, Phúc Kiến, Quý Châu, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Giang Tô, Sơn Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Hầu hết Ngân hạnh nước ta sử dụng đều nhập từ Trung Quốc, chưa trồng tại Việt Nam.
Bộ phận sử dụng làm thuốc của Ngân hạnh là lá và hạt.
Đối với lá, sấy khô hoặc đem phơi trước khi sử dụng.
Đối với hạt, thu hái quả chín, bỏ đi phần thịt ngoài sau đó đem rửa sạch và phơi khô. Khi dùng, đập giập, loại bỏ vỏ cứng lấy nhân, bóc bỏ màng ngoài, rửa sạch, đồ hoặc nhúng vào nước sôi, sấy ở nhiệt độ thấp đến khô. Hạt được dùng sống hoặc sao vàng, có độc nên cẩn thận khi dùng.
Mỗi thành phần của Ngân hạnh có những chất khác nhau:
Lá Ngân hạnh chứa Các hợp chất flavonoid và các terpen.
Nhân Ngân hạnh chứa 5,3% protein, 1,5% chất béo, 68% tinh bột, 1,57% tro, 6% đường.
Vỏ quả chứa ginkgolic acid, bilobol và ginnol.
Theo Đông y, Ngân hạnh có tính chất thu sáp, Ngân hạnh ăn chín thời ôn mà ích khí, ích phổi, tiêu đờm, trừ được hen, điều trị ho, giảm được chứng tiểu tiện, điều trị chứng khí hư, bạch đới.
Trong điều trị tình trạng sa sút trí tuệ
Trong sa sút trí tuệ hay thiểu năng não, các tế bào thần kinh bị tổn thương và suy giảm dẫn truyền thần kinh, dẫn đến chức năng trí tuệ kết hợp với rối loạn về cung cấp oxy và glucose. Trên nghiên cứu lâm sàng, Ngân hạnh có tác dụng điều trị thiểu năng não, gồm suy giảm sự tập trung và trí nhớ, lú lẫn, mất nghị lực, mệt mỏi, giảm vận động thể lực, tâm trạng trầm cảm, lo âu, chóng mặt, ù tai và nhức đầu. Ngân hạnh có nhiều cơ chế tác dụng như tác dụng điều hòa trên mạch máu, làm tăng lưu lượng máu đến não, làm giảm độ nhớt của máu, cải thiện rối loạn dẫn truyền thần kinh và dự phòng sự thương tổn màng do gốc tự do.
Trong điều trị bệnh tắc động mạch ngoại biên
Cao Ngân hạnh có tác dụng điều trị bệnh khập khiễng cách hồi do tắc động mạch ngoại biên (dùng 120 – 160mg/ngày trong 24 tuần), làm tăng khoảng cách đi được và giảm đau (200mg/ngày trong 8 tuần). Có tác dụng điều trị bệnh tắc động mạch ngoại biên.
Trong điều trị rối loạn ở tai
Cao Ngân hạnh được dùng điều trị những rối loạn ở tai trong như điếc, chóng mặt và ù tai (dùng 120-160mg/ngày trong 4 – 12 tuần). Kết quả điều trị hiệu quả khi xuất hiện hội chứng chóng mặt mới mắc phải và không rõ rệt với triệu chứng ù tai và điếc.
Liều dùng cao khô tiêu chuẩn hóa với tỉ lệ dược liệu/cao lá 36 – 67/1: Ngày dùng 120 – 240mg, chia 2 – 3 lần, 40mg cao tương đương 1,4 – 2,7g lá. Cao lỏng (1:1), 0,5ml, ngày 3 lần.
Y học hiện đại dùng dạng cao có chứa 24% heterosid flavonoid và 6% hợp chất terpenic mang tên ginkogink hay ginkor dưới dạng ống để uống 5ml hay viên nang.
Điều trị cảm lạnh, ho có đờm, có khi thở suyễn, cổ có tiếng khò khè
Sử dụng Ngân hạnh 7 quả nướng chín, cùng với lá ngải cứu. Dùng lá ngải làm như cái tổ, rồi mỗi Ngân hạnh cho vào một tổ lá ngải, bọc giấy ướt xung quanh rồi đem nướng cho thơm, bỏ hết giấy, bỏ hết lá ngải, chỉ ăn nguyên Ngân hạnh. Ngày 3 – 4 quả như vậy để điều trị cảm lạnh, ho có đờm, có khi thở suyễn, cổ có tiếng khò khè.
Ngân hạnh định suyễn thang
Sử dụng Ngân hạnh 21 quả sao vàng cùng với các dược liệu khác như ma hoàng 12g, tô tử 8g, khoản đông hoa, chế bán hạ, tang bạch bì đều dùng mật sao, các vị đều 8g, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, hoàng cầm sao qua, đều 6g, cam thảo 4g. Nước 600ml. Sắc ba lần. Gạn lấy nước, chia uống trong ngày.
Điều trị đi đái luôn, tiểu tiện quá nhiều, tiểu tiện trắng đục
Sử dụng Ngân hạnh 10 quả, 5 để sống, 5 để chín. Gom cả hai thứ vào mà ăn trong ngày.
Không có thông tin.
Nguồn Tham Khảo:
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
//tracuuduoclieu.vn/bach-qua.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.