Tên Tiếng Việt: Ngô thù du (Quả).
Tên gọi khác: Ngô thù; thù du; ngô vu.
Tên khoa học: Evodia rutaecarpa (Juss) Benth, họ: Rutaceae.
Thù du là cây nhỏ, có độ cao khoảng 2,5 đến 5m. Cành cây có màu nâu hoặc tím nâu, trên bề mặt chứa nhiều bì khổng. Khi còn non cành có lông dài và mềm mịn, khi già lông này sẽ rụng đi. Lá thù du là lá kép lông chim, rìa lẻ, mọc đối nhau, cả cuống và lá dài khoảng 15 đến 35cm. Mỗi lá chứa 2 đến 5 đôi lá chét với cuống lá ngắn. Mỗi lá chét dài 5 đến 15cm và rộng 2,5 đến 5cm, đầu lá chét nhọn dài với mép nguyên, 2 mặt lá và cuống lá đều mang lông màu nâu mền mịn (mặt dưới nhiều hơn mặt trên), khi soi lên ánh sáng sẽ thấy có các đốm tinh dầu.
Hoa ngô thù du là hoa đơn tính, hoa đực và cái khác gốc, hoa cái lớn hơn hoa đực. Hoa màu vàng trắng, phần lớn các hoa nhỏ tụ lại thành tán hoặc thành chùm. Cuống hoa thô và to, bề mặt cuống có nhiều lông màu nâu mềm, mịn.
Ngô thù du là quả của cây thù du, được thu hoạch lúc gần chín và được phơi/sấy khô. Quả có hình cầu dẹt với đường kính 6mm và chiều dài 3mm. Quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu đỏ tím, trên quả có những đốm tinh dầu như ở lá. Quả thường gồm 5 lá noãn, mỗi ô quả có dạng hình trứng với đường kính cỡ 4 mm, dài 5 – 6mm, màu đen bóng.
Ngô thù du ra hoa vào tháng 6 đến 8 và kết quả vào tháng 9 đến 10.
Ngô thù du phân bố nhiều ở Trung Quốc, tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…
Trước đây chưa thấy ngô thù du ở Việt Nam. Đến năm 1963, cửa hàng dược phẩm Phó Bảng (Hà Giang) đã phát hiện người dân ở đây dùng nó để trị nóng sốt, đau bụng và gọi là xà lạp hoặc ngô thù. Ngày nay, có thể tìm thấy ngô thù du tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn…
Quả ngô thù du được thu hái vào tháng 9 – 10, khi quả còn màu xanh hay hơi vàng xanh, chưa tách ra. Sau đó quả được phơi nắng hoặc sấy tới khi khô.
Quả ngô thù du gần chín, phơi hoặc sấy khô.
Lượng tinh dầu trong ngô thù du chiếm trên 0,4%. Theo J. Amer Pharm Ass (1933), trong tinh dầu có chứa evoden C11H16, evodin hoặc obakulacton C26H30O8, oximen C10H10 và 3 ankaloid (evodiamin C19H17N3O, rutaecarpin C18H18N3O và wuchuyin C13H13N3O).
Rutaecarpin sẽ phân giải thành rutamin có cấu tạo là indol etylamin, nhân indoxyl.
Ngô thù du có vị cay, đắng, tính ôn, hơi có độc. Quy vào 4 kinh can, thận, tỳ và vị. Nhờ tác dụng trợ tiêu hóa, bổ dạ dày, ngô thù du được dùng khi ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, cước khí đau đầu.
Ngoài ra, ngô thù du còn dùng trong những trường hợp đau nhức mình, tê yếu tay chân, yếu cơ, cảm lạnh, đau răng, ngứa, lở loét.
Rutamin có tác dụng co bóp tử cung (Tăng Quảng Phương, Trung Hoa y học tạp chí, 1936).
Qua các thí nghiệm trên giun lợn, giun đất và đỉa, ngô thù du có tác dụng diệt giun rõ rệt. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng thí nghiệm đối với giun đất và đỉa chưa đủ cơ sở tin cậy (Ngô Vân Thụy, Trung Hoa y học tạp chí, 1948).
Có báo cáo cho thấy ngô thù du có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của một loại vi khuẩn ngoài da (Trịnh Vũ Phi, Trung Hoa y học tạp chí, 1952).
Ngô thù du đường uống có tác dụng chống nôn mửa, khi dùng phối hợp với gừng càng tăng cường tác dụng này hơn (Nhật Bản dược lý học tạp chí, 1953).
Mỗi ngày uống 1 – 3g bột ngô thù du hoặc 4 – 6g dưới dạng thuốc sắc, chia làm 3 – 4 lần/ngày.
Đơn thuốc chữa nôn mửa
Sắc 5g ngô thù du, 2g can khương với 300ml nước đến khi còn 100ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa nôn mửa, đau bụng, đau đầu
Sắc uống các vị thuốc theo liều lượng sau: 5g ngô thù du, 10g đại táo, 10g đảng sâm, 20g sinh khương. Thuốc uống khi còn ấm.
Chữa đầy bụng, đau do hàn khí
Sắc lấy nước các vị thuốc sau: 6g ngô thù du, 10g mộc qua, 10g bình lang. Uống khi thuốc còn ấm.
Chữa đau quặn bụng từng cơn
Sắc lấy nước các vị thuốc theo liều lượng sau: 4g ngô thù du, 10g xuyên luyện tử, 5g mộc hương, 3g tiểu hồi. Uống khi thuốc còn ấm.
Trợ tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của dạ dày
Nghiền thành bột 2g ngô thù du, 2g một hương, 1g hoàng liên, sau đó trộn đều và chia thành 3 lần uống trong ngày.
Bộ phận sinh dục bị chảy nước, gây ngứa
Sắc ngô thù du lấy nước rửa, không kể liều lượng.
Chữa bệnh chàm
Tán thành bột mịn 40g ngô thù du đã sao vàng, 8g lưu huỳnh, 30g mai mực.
Chàm ướt: Dùng bột đó bôi trực tiếp lên vết chàm.
Chàm khô: Trộn bột đã tán với dầu mù u hoặc bột thầu dầu, bôi 2 lần/ngày rồi dùng vải băng lại.
Chữa nhức răng
Ngâm rượu ngô thù du, không kể liều lượng. Ngậm vào một lúc rồi nhổ bỏ.
Vì ngô thù du là dược liệu có độc nhẹ nên chỉ dùng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y có chuyên môn.
Không dùng ngô thù du cho bệnh nhân bị âm hư, hỏa vượng.
Nguồn Tham Khảo:
- Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)
- //tracuuduoclieu.vn/ngo-thu-du.html
- //thuocdantoc.vn/duoc-lieu/ngo-thu-du
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.