Tên Tiếng Việt: Cây vai, Vai trắng, Nhà can, Ngưu nhĩ phong, Giao phương mộc.
Tên nước ngoài: Calyx-shape Daphniphyllum, Calyx-shape Tigernanmu.
Tên khoa học: Daphniphyllum calycinum Benth thuộc Họ Vai – Daphniphyllaceae.
Tên đồng nghĩa: Daphniphyllum calleryanum Baill.; Daphniphyllum gaudichaudianum Baill.
Ngưu nhĩ phong là cây nhỏ, cao khoảng 1,5 đến 5m. Thân cành hình trụ tròn, nhẵn, không lông. Cành già màu xám hoặc màu lục. Lá mọc so le, thường tập trung ở đầu cành, phiến lá hình trứng hoặc trái xoan ngược, chiều rộng lá từ 3,5 – 9m, chiều dài lá từ 8 – 15 cm. Đầu lá tù hoặc hơi nhọn, gốc lá tròn, rộng nhất ở ½ trên, gân bên có 6 – 7 đôi. Hai mặt lá nhẵn, không lông, mặt dưới lá có màu trắng xám. Cuống lá dài từ 1 – 7 cm.
Cụm hoa đơn tính khác gốc, mọc ở kẽ lá thành chùm dài 3 – 4 cm. Hoa đực có 4 lá đài, dính nhau ở phần dưới thành 4 thùy, nhị 8. Hoa cái có 5 lá đài rời nhau, có 2 vòi nhụy, bầu hình nón. Cuống hoa dài từ 4 – 5 mm. Lá bắc nhỏ, sớm rụng.
Quả hạch, hình xoan hoặc hình trứng, dài từ 6 – 10 mm, có phấn trắng ở mặt ngoài, chứa 1 hạt.
Mùa ra hoa từ tháng 5 đến tháng 7. Mùa ra quả từ tháng 8 đến tháng 11.
Ở nước ta, chi Daphniphyllum Blume có khoảng 6 đến 7 loài, trong đó có cây ngưu nhĩ phong. Cây ngưu nhĩ phong có vùng phân bố hẹp trên thế giới, hiện tại cây chỉ còn phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam. Cây được tìm thấy ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Nội, Cao Bằng và Thái Nguyên.
Cây ngưu nhĩ phong thuộc loài cây ưa sáng, kém chịu hạn, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây thường mọc rải rác ở các lùm bụi, rừng thưa, ở vùng núi đất hay ven rừng núi đá, đồi cây bụi hoặc rừng non tái sinh trên đất nương rẫy cũ.
Người dân thường thu hái rễ vào mùa thu. Sau khi thu hoạch, rễ được rửa sạch, phơi khô. Lá được thu hái quanh năm và dùng tươi. Quả được thu hái từ tháng 9 đến tháng 11 khi quả trưởng thành màu xanh đen, đem phơi nắng.
Bộ phận dùng của cây là cành lá, quả và rễ.
Theo Hao Xiaojiang và cộng sự năm 1993 đã nghiên cứu hạt ngưu nhĩ phong chứa calycinin A, ngoài ra hạt còn chứa dầu 38,6%, alkaloid 1,2%, trong đó có daphnicalin, daphnicadin, daphnicamin, acid fumaric. Vỏ thân và lá cây ngưu nhĩ phong chứa calycine.
Theo đông y, rễ và lá ngưu nhĩ phong có vị đắng, vị cay, tính bình; cành lá có vị ngọt. Rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, thư cân; Cành lá có tác dụng chỉ thống, tiêu thũng, khu phong.
Tác dụng kháng khuẩn
Trong hạt ngưu nhĩ phong, có thành phần acid fumaric phối hợp với acid succime nên ngưu nhĩ phong có tác dụng kháng khuẩn yếu. Thí nghiệm dùng 60mg/kg hạt ngưu nhĩ phong vào dạ dày chuột nhắt trắng có tác dụng ức chế sarcom-180 với tỷ lệ 37,1 – 38,6%.
Sắc rễ cây uống có tác dụng chữa viêm họng, sưng amidan, viêm ruột và mụn nhọt sưng lở.
Tác dụng khác
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ và lá ngưu nhĩ phong được dùng làm thuốc với nhiều công dụng:
Rễ dùng giải độc chữa rắn cắn, cảm sốt, ho ra máu, đòn ngã sưng đau, gãy xương.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ cây còn dùng trị nhiệt tả, lao phổi.
Cành lá dùng cầm máu chữa vết thương, sưng vú, phong thấp đau xương.
Điều trị viêm đại tràng mãn tính. Tràng vị khang đã sử dụng cây La liễu (có tên khoa học là Polygonum hydropiper L. hoặc Polygonum flaccidum Meisn) kết hợp với cây Ngưu nhĩ phong (Có tên khoa học là Daphniphyllum calycinum Benth) để điều trị bệnh viêm đại tràng mãn, viêm dạ dày rất có hiệu quả. Sản phẩm này được Bộ Y tế đưa vào danh mục thuốc thiết yếu để điều trị tại Việt Nam.
Quả dùng trị lỵ mạn tính.
Cách dùng rễ ngưu nhĩ phong làm thuốc giải độc chữa rắn cắn: Dùng rễ tươi rửa sạch, giã nát, thêm nước gạn uống, bã đắp làm thuốc giải độc.
Cách dùng chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm amidan, viêm ruột: Dùng 12 – 20g rễ phơi khô thái mỏng, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể lấy rễ dùng tươi, nhai nuốt nước dần dần.
Cách dùng chữa ho ra máu: Sắc rễ ngưu nhĩ phong với rễ cây găng vàng làm thuốc uống.
Cách dùng chữa băng huyết ở phụ nữ: Dùng lá ngưu nhĩ phong tươi giã nát thêm nước gạn uống làm thuốc cầm máu, chữa băng huyết.
Dùng lá giã nát đắp tại chỗ chữa vết thương sưng tấy. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chưa có thông tin.
Không sử dụng ngưu nhĩ phong cho phụ nữ mang thai.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
Tracuuduoclieu.vn: //tracuuduoclieu.vn/daphniphyllum-calycinum-benth.html
Hình 1: //en.wikipedia.org/wiki/Daphniphyllum_calycinum
Hình 2: //www.ydhvn.com/news/cay-duoc-lieu-cay-vai-vai-trang-vai-dai-nha-can-daphniphyllum-calycinum-benth
Hình 3, 4: //www.epharmacognosy.com/2020/03/daphniphyllum-calycinum-benth.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.