Tên Tiếng Việt: Cỏ nhọ nồi.
Tên khác: Cỏ mực, hàn liên thảo, lẻ trường, phong trường.
Tên khoa học: Eclipta alba Hassk. (Eclipta erecta Lamk.); Thuộc họ:Cúc (Asteraceae).
Cỏ nhọ nồi là một loài cỏ mọc thẳng đứng đôi khi bò lan rồi vươn thẳng, cao từ 30 đến 40cm, có cây có thể cao đến 80cm. Thân tròn có lông cứng áp sát, màu lục hoặc đỏ tía. Lá mọc đối, hình mác, có lông ở hai mặt, dài từ 2-8cm, rộng từ 5-15mm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép có răng rất nhỏ, hai mặt lá có lông, cuống lá rất ngắn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành hình đầu, cuống dài từ 1 đến 4 cm, có lông thô áp sát, đầu có đường kính 0.8 – 1.2cm. Hoa màu trắng, hoa cái ở ngoài, hình lưới, xếp thành một hàng, hoa lưỡng tính ở trong, hình ống, mào lông giảm thành vảy nhỏ và ngắn. Tràng hoa cái có lưỡi nguyên hoặc xẻ thành 2 răng, tràng hoa lưỡng tính có 4 thùy hình trái xoan, nhị 4. Lá bắc thuôn nhọn, dài từ 5 – 6 mm, cũng có lông. Mùa hoa quả từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm. Quả bế, có 3 cạnh hoặc dẹt, có cánh, dài khoảng 3mm, rộng 1.5mm và đầu cụt.
Hằng năm cây ra nhiều hoa quả, mọc tự nhiên bằng hạt là chủ yếu. Với khả năng mọc chồi gốc và phân cành nhiều nên cây rất dễ phát triển, hay tạo thành đám bò lan trên mặt đất.
Nhọ nồi được nhân giống bằng hạt. Hạt chín rải rác vào mùa hè và mùa thu, vì vậy hạt chín đến đâu thu hái ngay đến đó, đem phơi khô và bảo quản đến mùa xuân năm sau thì gieo. Hạt cây cỏ nhọ nồi rất nhỏ nhưng tỉ lệ nảy mầm rất cao. Thường áp dụng cách gieo hạt trong vườn ươm, rồi sau đó lấy cây con đi trồng. Đất vườn ươm và đất trồng nên làm thật tơi xốp. Nên bón phân lót (từ 10 đến 15 tấn phân chuồng cho 1 ha đất gieo trồng). Lên luống như luống cải rồi trồng với khoảng cách 20 x 10cm hoặc 20 x 15cm. Sau khi cây bén rễ cần bón phân thúc cách 20 ngày một lần.
Phân bố:Cây nhọ nồi mọc nhiều ở hầu hết các nước thuộc vùng Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây nhọ nồi phân bố ở khắp các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và miền núi, đến độ cao 1500m ở các tỉnh phía Nam. Cây là loài thực vật vừa ưa ẩm vừa ưa sáng, chúng mọc xen lẫn với các loại cỏ thấp, ven bờ sông, ruộng, ven đường đi, bãi hoang,… Cây dễ tìm kiếm vì mọc hoang khắp nơi ở nước ta.
Ngoài việc thu hái từ nguồn hoang dại, trước đây, cỏ nhọ nồi chỉ được trồng lẻ tẻ với quy mô nhỏ ở các gia đình. Gần đây, cây bắt đầu được trồng phổ biến hơn ở một số nơi.
Thu hái: Toàn bộ phần trên mặt đất của cây cỏ nhọ nồi được thu hái trước khi cây ra hoa.
Chế biến: Sau khi thu hái đem phơi khô. Khi dùng, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, cắt thành đoạn dài từ 3 đến 5 cm, đem đi sao qua hoặc sao cháy. Dùng lửa to sao nhanh đến khi bên ngoài cây có màu đen thì phun ít nước để trừ hỏa độc. Để nguội ở nơi khô ráo thoáng mát.
Toàn thân cây nhọ nồi.
Thành phần hóa học của cây cỏ nhọ nồi phụ thuộc vào từng bộ phận dùng. Rễ chứa nhiều Hentriacontanol, Heptacosanol & Stigmasterol, Ecliptal,… Các bộ phận trên mặt đất chứa nhiều ß-amyrin & Luteolin – 7 – 0 – glucoside, Apigenin, Cinnaroside, Sulphur compounds,… Lá chứa nhiều Stigmasterol, a – terthienyl methanol, Wedelolactone, Demethyl Wedelolactone, Desmethyl – wedelolactone – 7 – glucoside,…
Thân cây nhọ nồi chủ yếu chứa nhiều Wedelolactone, hạt cây chứa nhiều Sterols. Trong khi toàn bộ cây chứa một lượng lớn resin, Ecliptine, Reducing sugar , Nicotine, Stigmastero, Triterpene saponin, Eclalbatin together with a-amyrin, Ursolic acid, Oleanolic acid
Thành phần hóa học của cây cỏ nhọ nồi chủ yếu chứa các dẫn xuất coumestan như wedelolactone (chiếm khoảng 1.6%) và demethyl wedelolactone. Trong đó chất hóa học quan trọng có tác dụng bảo vệ gan có trong cây cỏ nhọ nồi là Wedelolactone. Ngoài ra, cỏ nhọ nồi còn chứa tanin, tin dầu, saponin C và một lượng nhỏ alkaloids như nicotin chiếm 0.078%, có thể tăng lên đến 8.28% khi được xử lý với 0.5% Ethylenimin.
Tính vị quy kinh:Cây cỏ nhọ nồi có vị ngọt chua mặn, tính mát, quy vào 2 kinh can và thận.
Công năng: Nhọ nồi có tác dụng bổ can thận âm, mạnh xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.
Chủ trị: Cỏ nhọ nồi giúp bổ huyết, chỉ huyết tức cầm máu, chữa ho ra máu, lỵ ra máu, trĩ xuất huyết, nôn ra máu, rong kinh, băng huyết, chảy máu cam, đi tiểu ra máu, chấn thương chảy máu. Ngoài ra còn được dùng để chữa ban sởi, ho, hen, viêm họng, bỏng, lao phổi, di mộng tinh, bệnh nấm ở da, làm thuốc mọc tóc hoặc nhuộm tóc.
Theo quan điểm y học cổ truyền Trung Quốc, cỏ nhọ nồi được dùng làm thuốc bổ toàn thân và thuốc cầm máu, có trong thành phần của một số thuốc mỡ bôi trị bệnh về da.
Ở Ấn Độ, cỏ nhọ nồi được dùng làm thuốc bổ, thuốc hóa ứ ứng dụng trong các bệnh gan to hay lách to, ngoài ra còn chữa một số bệnh về da. Dịch ép cây được dùng phối hợp với một số chất thơm để chữa vàng da xuất tiết. Dịch ép lá cây được dùng phối hợp với mật ong để chữa sổ mũi ở trẻ em. Chế phẩm được làm từ dịch ép lá nhọ nồi đun nóng với dầu dừa hoặc dầu vừng giúp mọc tóc đen tóc khi ủ trực tiếp lên da đầu.
Cây tươi có tác dụng làm giảm đau và thấm hút. Nó được trộn với gôm để chữa đau răng và đắp với một ít dầu để trị nhức đầu. Nó cũng được đắp với dầu vừng để trị phù chân voi. Trước kia, cây nhọ nồi được dùng làm chất nhuộm để xăm mình. Lá nhọ nồi thậm chí được dùng trong bữa ăn ở Java, và làm gia vị ở một số vùng thuộc Ấn Độ.
Lá nhọ nồi cũng được dùng ngoài làm thuốc sát trùng chữa vết thương và vết loét ở gia súc.
Tác dụng cầm máu
Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu do làm tăng tổng lượng Prothrombin trong máu giống như cơ chế tác dụng của Vitamin K. Hoạt tính cầm máu của 1g bột cỏ nhọ nồi tương đương 1.33mg Vitamin K. Nước sắc cỏ nhọ nồi khô với liều 3g/kg cân nặng ở khỉ, kết quả cho thấy tác dụng làm giảm thời gian Quick rõ rệt. Từ đó có thể kết luận là cỏ nhọ nồi làm tăng tỉ lệ prothrombin toàn phần.
Nhọ nồi cầm máu tốt và trong một vài trường hợp cá biệt tác dụng cầm máu của cỏ nhọ nồi biểu hiện rõ rệt hơn cả tác dụng của Vitamin K giúp nâng cao tổng lượng Prothrombin của máu rõ rệt trong các trường hợp suy gan.
Tác dụng bảo vệ gan
Đã có một nghiên cứu sâu rộng được thực hiện để chứng minh hoạt động bảo vệ gan của cỏ nhọ nồi. Chiết xuất Alcohol của cây được biết là có tác dụng bảo vệ tổn thương gan thực nghiệm ở chuột cống và chuột nhắt. Tác dụng này đã được báo cáo là có tác dụng bảo vệ gan ở mức độ dưới tế bào của các dấu hiệu chức năng, trong tình trạng viêm và tổn thương gan.
Chiết xuất ethanol/nước (1:1) của cỏ nhọ nồi chống lại sự ức chế đáng kể do CCl4 gây ra đối với enzyme chuyển hóa thuốc của gan. Sự mất đi phosphatase axit lysosomal ở gan và phosphatase kiềm đã được phục hồi đáng kể nhờ chiết xuất của cỏ nhọ nồi. Loại thảo dược này còn được báo cáo là có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan cấp tính do carbon tetrachloride gây ra bằng cách giảm hoại tử trung tâm tiểu thùy, thoái hóa hydropic và thay đổi chất béo của tế bào nhu mô gan.
Thành phần dẫn xuất coumestan của cỏ nhọ nồi là wedelolactone và demethylwedelolactone thực vật chịu trách nhiệm cho các hoạt động chống độc gan và bảo vệ tế bào gan mạnh đối với chuột bị gây tổn thương gan bằng carbon tetrachloride, galactosamine và phalloidin. Cơ chế bảo vệ tế bào gan của Wedelolactone là góp nhặt các gốc oxy tự do gây độc tế bào gan, ức chế 5-lipoxygenase mạnh và chọn lọc với nồng độ ức chế IC50 là 2,5µM.
Tác dụng kháng khuẩn
Một loạt các hợp chất hóa học bao gồm coumestans, ancaloit, thiopenes, flavonoid, polyacetylenes, triterpenes và glycoside được phân lập từ cây cỏ nhọ nồi. Các nghiên cứu hiện tại đã xác nhận tiềm năng kháng khuẩn của chiết xuất các bộ phận trên mặt đất của cỏ nhọ nồi trong các dung môi như acetone, ethanol, methanol, nước và hexane chống lại một số loài vi khuẩn gram dương và gram âm.
Các nghiên cứu kháng khuẩn được thực hiện bằng phương pháp khuếch tán thạch. Các phương pháp MIC và MBC cũng được sử dụng. Chiết xuất hexane của cỏ nhọ nồi có hoạt tính kháng khuẩn cao chống lại S.aureus, B.cereus, E.coli, S.typhi, K.pneumoniae, S.pyogenes và P.aeruginosa. Trong khi acetone, ethanol, methanol và chiết xuất nước cho thấy hoạt tính trung gian chống lại S.aureus, B.cereus, E.coli, S.typhi, K.pneumoniae, P.aeruginosa, P.mirabilis và S.pyogenes.
Các hoạt động ức chế của tất cả các chiết xuất được so sánh với kháng sinh tiêu chuẩn (Ciprofloxacin 25μg/ml). Trong đó giá trị ức chế tối thiểu vi khuẩn E.coli và S.aureus được coi là tốt nhất (dưới 100μg/ml). Và nồng độ ức chế tối thiểu ở các vi khuẩn E.coli, K.pneumoniae, P.mirabilis và S.typhi được coi là khá tốt (100-500μg/ml).
Các chiết xuất nước của cây cỏ nhọ nồi cho thấy hoạt động tốt chống lại S.pyogenes, B.cereus, E.coli và P.aeruginosa. Nếu pha loãng trên 1000μg/ml, chiết xuất được coi là không hoạt động chống lại S.aureus, K.pneumoniae, P.mirabilis và S.typhi. Do đó, rất có khả năng một loại thuốc kháng khuẩn và bảo vệ gan mạnh có thể được bào chế từ chiết xuất cỏ nhọ nồi để chống lại tác động của nhiễm trùng do vi khuẩn làm tổn thương gan.
Tác dụng giảm đau
Nhiều loại thuốc giảm đau được sử dụng để điều trị cơn đau cấp tính và mãn tính ở các tình trạng bệnh khác nhau. Ở Ayurveda, một số lượng lớn các loại thuốc bản địa đã được đề cập là có đặc tính giảm đau (ví dụ Guggul, Erand, Rasna, Bhringaraj, Methika, Palandu và Prasikayavani).
Một nghiên cứu xác định hoạt tính giảm đau của chiết xuất ethanol cũng như các alkaloid phân lập khác trong cỏ nhọ nồi bằng cách sử dụng phương pháp kẹp đuôi, phương pháp vẩy đuôi và phương pháp axit axetic gây ra phản ứng đau ở chuột bạch. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy cả chiết xuất ethanol cũng như tổng số alkaloid đều tạo ra hoạt động giảm đau tốt trong tất cả các mô hình giảm đau khác nhau được sử dụng.
Tác dụng kích thích mọc tóc
Chiết xuất methanol của toàn bộ cây cỏ nhọ nồi khi được thử nghiệm về khả năng thúc đẩy tăng trưởng tóc, cho thấy khả năng tăng trưởng tóc phụ thuộc vào liều lượng. Tác dụng này được đánh giá bằng cách nghiên cứu sự hình thành hắc tố ở vùng da, số lượng nang ở lớp dưới da, độ dày của da.
Động vật được điều trị bằng 3,2mg/15cm2 chiết xuất methanol của cây cỏ nhọ nồi cho thấy hiệu quả tốt hơn so với liều thấp hơn. Những phát hiện này cho thấy chiết xuất methanol của cây cỏ nhọ nồi có thể có tiềm năng như một chất kích thích mọc tóc. Việc xác định và phân lập các phân tử từ chiết xuất có thể mang lại những hướng đi mới trong điều trị rụng tóc. Việc làm sáng tỏ thêm cơ chế hoạt động của chiết xuất hiện đang được nghiên cứu thêm.
Các tác dụng khác
Một số tác dụng khác từ cây nhọ nồi được ghi nhận như sau:
Liều dùng: Ngày dùng từ 6 đến 12g dưới dạng sắc uống hay làm thành viên.
Cách dùng: Có thể dùng nhọ nồi bằng cách giã vắt nước uống trong khi bị rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Có thể chế với dầu dừa, dầu vừng để làm thuốc bôi ngoài da, thuốc mọc tóc, thuốc nhuộm.
Thuốc cầm máu
Bài 1: Mỗi ngày 12g cỏ nhọ nồi khô hoặc 30 – 50g cỏ nhọ nồi tươi sắc uống.
Bài 2: Chế viên cỏ mực – cốc kèn để cầm máu. Dùng cao lỏng cỏ mực một phần, bột mịn lá cốc kèn 2 phần, tá dược vừa đủ làm viên nén 200mg, ngày uống 3 lần.
Chữa lỵ
Bài 1: Bài thuốc này gồm các vị thuốc như nhọ nồi 10g, rau sam 10g, cỏ sữa lá to 10g, lá nhót 10g, búp ổi 10g. Các vị thuốc trên đem phơi khô, chế thành dạng thuốc bột rồi làm thành thuốc hoàn, ngày uống 2 – 3 lần mỗi lần 10g.
Bài 2: Bài thuốc này gồm các vị thuốc như nhọ nồi tươi 100g, lá mơ tươi 80g, lá đại thanh tươi 30g, hạt cau 6g, bách bộ 12g, vỏ đại 8g. Sau khi sắc thuốc đặc lại chia nhiều lần uống/ngày.
Chữa tiêu chảy
Sử dụng cỏ nhọ nồi và rau má mỗi loại 1 nắm, mã đề tươi 1 – 2 nắm. Sắc đặc uống trong ngày.
Chữa sốt xuất huyết
Bài 1: Bài thuốc gồm cỏ nhọ nồi tươi 30g, rau má tươi hoặc cát căn 30g, cỏ tranh 20g. Đem vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
Bài 2: Bài thuốc này gồm cỏ nhọ nồi tươi 40g, rau má tươi 40g, rau sam tươi 40g, mã đề tươi 40g, kim ngân tươi 30g, hoa hòe 10g, thảo quyết minh 10g. Đem các vị thuốc trên sắc với 300ml nước còn 100ml thuốc uống nước đầu. Sau đó sắc nước thứ 2 và thứ 3 uống trong ngày.
Chữa bệnh kinh nguyệt, phụ khoa
Bài 1: Bài thuốc gồm nhọ nồi 16g, sinh địa 16g, hoài sơn 16g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thỏ ty tử 12g, ích mẫu 12g, hương phụ 10g, xuyên khung 8g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống.
Bài 2: Bài thuốc gồm nhọ nồi tươi 30g, rau má tươi 40g, sinh địa và ích mẫu mỗi loại 16g, hương phụ (củ gấu) tứ chế, quả dành dành sao cháy và ngưu tất mỗi loại 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng cỏ nhọ nồi:
Nguồn Tham Khảo:
- Cỏ Nhọ Nồi (Cây Cỏ Mực) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi //vnras.com/co-nho-noi-cay-co-muc-nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-do-tat-loi/
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam
- Chemical composition, pharmacological activities of Eclipta alba F:june 2009letter not sendAU (psu.edu)
- Antibacteria active of Eclipta alba (L.) Antibacterial activity of Eclipta alba (L.) Hassk (japsonline.com)
- Analgesic studies on total alkaloids and alcohol extracts of Eclipta alba (Linn.) Hassk. Phytotherapy Research | Medicinal Chemistry Journal | Wiley Online Library
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.