Tên Tiếng Việt:
Nhục thung dung (Thân).
Tên khác:
Thung dung; Đại vân; Hắc tư lệnh; Nhục tùng dung; Địa tinh; Tung dung; Kim duẩn.
Tên khoa học: Cistanche deserticolaY.C.Ma, họ Lệ dương (Orobanchaceae).
Vị nhục thung dung là toàn thân cây có mang lá vẩy Caulis Cistanchis. Trên thị trường người ta khai thác:
Cây thung dung – Cistanche deserticola Y. G. Ma thuộc họ Lệ dương Orobanchaceae.
Cây mễ nhục thung dung có tên khoa học Cistanche ambigua G. Beck (Bge) cùng họ Lệ dương.
Cây nhục thung dung có tên khoa học Cistanche salsa (C. A. Mey.) G. Bek., đều thuộc họ Lệ dương Orobanchaceae.
Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ (ký sinh) vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời, như ngọn tháp vàng, rất hoành tráng.
Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám. Nhờ có lớp lá vẩy phủ kín toàn bộ bề mặt bên ngoài, nên tránh bị mất nước và có thể chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng hoang mạc và được mệnh danh là “cây dũng sĩ trên hoang mạc”.
Vị thuốc nhục thung dung hiện nay ta còn hoàn toàn phải nhập. Theo những tài liệu của Trung Quốc thì những tỉnh có Nhục thung dung là Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương…
Vì vị thuốc này nung núc những thịt, tính chất bổ lại hòa hoãn từ từ, do đó có tên này. Tại những nơi có cây, người ta thu hoạch vào hai mùa xuân và thu, nhưng tháng 3 đến tháng 5 thu hoạch là tốt nhất. Quá thời gian đó thì chất lượng kém. Nếu thu hái vào mùa xuân, thì chỉ cần loại bỏ đất cát, để khô trong mát là được, còn nếu thu hoạch vào mùa thu, nước nhiều rất khó làm khô. Người ta cho vào hũ với muối và muối từ 1 đến 3 năm. Khi nào dùng làm thuốc thì rửa sạch muối mới dùng. Có khi người ta đun cách thủy với rượu để khi rượu cạn mới dùng. Cứ 1kg nhục thung dung dùng 0,3 lít rượu.
Phần rễ phát triển thành củ của Nhục thung dung được sử dụng để làm thuốc. Những củ to, mềm, có nhiều dầu, bên ngoài có vỏ mịn, màu đen được xem là chất lượng tốt.
Thành phần hóa học của Nhục thung dung rất phong phú có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic acid, betaine,… Còn chứa nhiều loại acid hữu cơ và trên 10 acid amin.
Theo các nghiên cứu dược lý, nhục thung dung là loại thuốc có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hormon sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.
Hiện vẫn chỉ thấy sử dụng trong y học cổ truyền. Tính vị, quy kinh: Cam, hàn, ôn. Vào các kinh thận, đại trường. Vị ngọt chua, tính hơi ôn, không có độc. Có tài liệu nói cay, ôn, đại nhiệt. Có tác dụng tư âm, bổ thận, ích tinh, huyết, tráng dương hoạt trường (mạnh dương trơn ruột). Dùng trong những trường hợp liệt dương, lưng gối lạnh đau (nam giới), vô sinh bạch đới khí hư (nữ giới), huyết khô, táo bón.
Theo các nghiên cứu dược lý, nhục thung dung là loại thuốc có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch.
Ngoài ra sử dụng nhục thung dung còn có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hormon sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.
Ngày dùng 8-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn. Những người thận dương vượng, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại di mộng tinh thì không dùng được.
Nhục thung dung 10g, sơn thù du 5g, thạch xương bồ 4g, phục linh 6g, thỏ ty tử 8g, nuớc 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Hâm nóng thuốc khi uống. Chữa suy nhược thần kinh (Kinh nghiêm của Diệp Quyết Tuyền).
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Nhục thung dung:
Nhục thung dung là vị thuốc kỵ đồ sắt, đồng. Vì vậy khi nấu, ngâm rượu hoặc lưu trữ vị thuốc nên dùng nồi đất, đồ vật bằng gốm.
Không dùng vị thuốc cho người bệnh tiêu chảy, âm hư hỏa vượng.
Trong thận có nhiệt, dương vật dễ cương cứng mà tinh dịch không ổn định, không được dùng.
Tránh sử dụng nhầm lẫn Nhục thung dung với Tỏa dương.
Nguồn Tham Khảo:
1. Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Đỗ Tất Lợi.
2. Tra cứu dược liệu:
//tracuuduoclieu.vn/nhuc-thung-dung-vt.html
//tracuuduoclieu.vn/nhuc-thung-dung-ngam-ruou.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.