Tên Tiếng Việt: Nữ lang.
Tên khác: Sì to (theo tiếng gọi của người dân tộc Mèo).
Tên khoa học: Valeriana officinalis, Valeriana hardwickii Wall., thuộc họ Nữ lang (Valerianaceae).
Cây nữ lang là một loại cây thân thảo và có tuổi thọ lâu năm. Chiều cao của cây thường dao động khoảng 1 mét, thậm chí có khi cao hơn. Thân cây mịn màng, có các rãnh, đôi khi có lông ở các cành và ở gốc cây.
Lá có hình dạng như lá chim lẻ, dài từ 5 đến 10cm, rộng từ 3.5 đến 7.5cm. Có từ 3 đến 5 lá chét, có thể có các lobe nguyên hoặc lobe có răng cưa, dài từ 1 đến 6cm, rộng từ 0.5 đến 3cm. Lá không có cuống, lá chét ở phía cuối thường lớn hơn, và lá ở gốc thường khô héo trước khi cây có quả.
Hoa mọc thành cụm hình nón, phủ rộng trên một cành dài. Cánh hoa có răng cưa màu trắng, đài hoa gắn liền với quả và có 10 răng nhọn. Chiếc hoa có 5 cánh hợp lại thành ống hẹp ở phía dưới. Nhị có chỉ nhị ngắn, và quả có hạ bầu. Quả của cây có hình dạng dẹt, một mặt có 3 đường lồi, mặt khác có bề mặt nhám, có đài tồn tại và có răng nhỏ, nhọn, giống như lông. Quả của cây nữ lang thường vào mùa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Ở Việt Nam, cây nữ lang mọc tự nhiên ở vùng núi cao trên 1300 mét. Cây này phân bố rộng rãi tại một số tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam, Lâm Đồng, và nhiều nơi khác. Nữ lang thích hợp với khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao. Mỗi năm, cây nảy mầm từ hạt vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Vào mùa thu, sau khi quả trưởng thành, toàn bộ cây tàn lụi và hạt được phát tán xung quanh gốc cây mẹ. Nữ lang được xem là một loài cây quý hiếm tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, cây đã được thu hái và trồng tại Trại thuốc Sapa – Viện dược liệu với kết quả khá tốt.
Rễ cây nữ lang làm thuốc thường được thu hái vào mùa thu, đây là thời điểm mà rễ cây phát triển mạnh mẽ nhất, có hàm lượng dược tính cao nhất trong năm.
Sau khi thu hái, rễ cây có thể dùng tươi hoặc phơi khô để làm dược liệu.
Bộ phận thường sử dụng của cây nữ lang là rễ, thường thu hái vào mùa đông. Rễ cây nữ lang làm thuốc có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học chính của cây nữ lang bao gồm:
Trong đó, thành phần chính của tinh dầu cây nữ lang có chứa:
Các hợp chất iridoid như các valepotriate (hợp chất đặc trưng của chi Valeriana) cũng được phân lập trong cây nữ lang. Dựa trên các hợp chất phân lập được, tác dụng chống co thắt, chống oxy hoá, giải lo âu, an thần và gây độc tế bào của cây nữ lang đã được nghiên cứu. Cho thấy dược liệu quý này là một dược liệu tiềm năng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm hỗ trợ điều trị mất ngủ và giúp giảm lo âu.
Theo Đông y, cây nữ lang có vị cay, ngọt, tính ấm. Được quy vào các kinh Tâm, Thận và Tỳ. Cũng theo Y học cổ truyền, cây nữ lang có tác dụng an thần, minh tâm, hoạt huyết và thông kinh lạc.
Cây nữ lang được sử dụng theo Đông y giúp điều trị các chứng như mất ngủ, kinh phong, hỗ trợ điều trị đau dạ dày, giảm các tình trạng mệt mỏi, lo âu muộn phiền.
Trong điều trị mất ngủ
Mất ngủ là một vấn đề phổ biến trong xã hội ngày nay. Một vài nghiên cứu còn cho thấy mất ngủ có thể gây hại cho cả sức khoẻ tinh thần và thể chất của con người. Việc mất ngủ kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, như suy giảm trí nhớ, hay quên, mất tập trung, vấn đề về lo âu. Tất cả các điều này có thể gây ảnh hưởng đến công việc và học tập hằng ngày. Trong bối cảnh đó, có nhiều loại thuốc điều trị mất ngủ được sử dụng, tuy nhiên, tất cả các thuốc này đều dễ bị dung nạp và gây nghiện.
Do đó, các nghiên cứu dần tập trung vào các loại thuốc và chiết xuất giúp giảm các phản ứng bất lợi của người bệnh mất ngủ. Với kinh nghiệm sử dụng lâu dài trong y học cổ truyền để điều trị mất ngủ, các nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy được hiệu quả và cơ chế điều trị mất ngủ của cây nữ lang.
Một nghiên cứu của tác giả Wenfei Wang và cộng sự về cơ chế điều trị mất ngủ của tinh dầu cây nữ lang đã được thực hiện vào năm 2022. Kết quả của nghiên cứu trên mô hình chuột bị mất ngủ cho thấy, tinh dầu cây nữ lang có thể giúp kéo dài thời gian ngủ đáng kể, giảm bớt căng thẳng và lo lắng do mất ngủ gây ra. Về cơ chế tác động, nhóm tác giả cho rằng caryophyllene trong tinh dầu dầu cây nữ lang giúp điều hòa tăng cường thụ thể 5-HT1AR, tăng giải phóng 5-HT với thụ thể kết hợp protein G, kết quả của quá trình này giúp tăng biểu hiện của 5-HT và GABA, giúp cải thiện triệu chứng mất ngủ và giảm lo lắng.
Tuy nhiên, một bài nghiên cứu tổng quan hệ thống các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về điều trị chứng mất ngủ của cây nữ lang vào năm 2000 của tác giả Clare Stevinson và Edzard Ernst cho thấy rằng hiệu quả điều trị mất ngủ của cây nữ lang là chưa nhất quán. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được đưa vào có các kết quả trái ngược nhau, không có sự nhất quán lớn, thiết kế và quy trình cũng như chất lượng phương pháp luận là chưa cao. Do đó vẫn cần nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để có thể kết luận hiệu quả của cây nữ lang trong điều trị mất ngủ. Năm 2024, một phân tích tổng quan hệ thống khác dựa trên tổng cộng 8 thử nghiệm cũng cho thấy bằng chứng điều trị mất ngủ trên lâm sàng còn rất yếu hoặc không có tính thuyết phục. Do đó, mặc dù là một trong những dược liệu hỗ trợ giấc ngủ được sử dụng phổ biến, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu chất lượng để có thể kết luận được hiệu quả của cây nữ lang.
Trong hiệu quả điều trị lo âu
Năm 2024, tác giả Natalie và cộng sự thực hiện nghiên cứu về hiệu quả của Acid valerenic (chiết xuất từ cây nữ lang) trên chuột. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, acid valerenic giúp giảm nhiều hành vi liên quan đến lo âu, tác dụng giải lo âu ở liều 12 mg/kg trên chuột mạnh tương đương diazepam. Nghiên cứu này giúp cung cấp bằng chứng cho việc hỗ trợ điều trị lo âu của cây nữ lang trên thực tế.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi, chéo trên tổng cộng 39 người bệnh chạy thận nhân tạo về hiệu quả của cây nữ lang trong chất lượng giấc ngủ, trầm cảm và trạng thái lo âu đã được thực hiện. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nhóm được sử dụng nữ lang có mức cải thiện chất lượng giấc ngủ, điểm trầm cảm và trạng thái lo âu đáng kể hơn so với nhóm sử dụng giả dược.
Rễ cây nữ lang có thể được làm thuốc sắc uống, hãm trà, hoặc nghiền làm bột mịn uống hàng ngày. Liều sử dụng tùy thuộc vào hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ y học cổ truyền.
Giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ, an thần
Bài thuốc 1
Chuẩn bị: Rễ cây nữ lang 10g.
Thực hiện: Đem rễ cây nấu với 300ml nước, đến khi sắc lại còn 200ml nước thì ngưng, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc 2
Chuẩn bị: Thân và rễ cây nữ lang 15g.
Thực hiện: Đem thân và rễ cây sắc với 300ml nước đến khi cạn còn khoảng 200ml thì chia làm 2 lần uống, sáng và tối.
Bài thuốc 3
Chuẩn bị: Toàn cây nữ lang 20g, Rễ trinh nữ 20g.
Thực hiện: Đem 2 vị thuốc sắc với 400ml nước cho đến khi còn 200ml thì ngừng, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc 4
Chuẩn bị: Thân và rễ cây nữ lang 15g, Lạc tiên 20g.
Thực hiện: Đem thuốc sắc với 400ml nước cho đến khi cạn còn 200ml, chia thuốc làm 2 lần uống sáng và tối.
Bài thuốc 5
Chuẩn bị: Rễ và thân cây nữ lang 15g, Lá vông 15g, Lạc tiên 20g.
Thực hiện: Nấu các vị thuốc với 400ml nước đến khi sắc lại còn khoảng 200ml, chia thuốc làm 2 lần uống trong ngày.
Hỗ trợ điều trị đau dạ dày
Chuẩn bị: Rễ cây nữ lang 100g.
Thực hiện: Đem rễ cây nữ lang đã chuẩn bị sao khô, sau đó tán thành bột mịn, mỗi lần lấy 6g sắc với nước uống 2 lần/ngày.
Giúp hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch
Chuẩn bị: Rễ cây nữ lang khô 10-15g (hoặc 30g nếu là rễ tươi), Củ dong riềng đỏ khô 20g.
Thực hiện: Đem 2 vị thuốc sắc với nước uống hằng ngày.
Giúp tăng cường sức khỏe
Chuẩn bị: Cây nữ lang 10g, Đỏ ngọn 10g.
Thực hiện: Đem các vị thuốc sắc với nước uống trong ngày.
Nữ lang được coi là một loại thảo dược hiệu quả trong việc điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, người sử dụng cần duy trì một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, cùng với việc giữ tinh thần thư thái để đảm bảo giấc ngủ tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một số lưu ý khi sử dụng cây nữ lang bao gồm:
Mặc dù hầu hết các nghiên cứu cho thấy cây nữ lang có độ an toàn tốt, tuy nhiên, bạn cũng không nên tự ý sử dụng thảo dược để điều trị bệnh. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng cây nữ lang hoặc bất cứ dược liệu nào.
Nguồn Tham Khảo:
- Valerian essential oil for treating insomnia via the serotonergic synapse pathway: //www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnut.2022.927434/full
- Valerian for insomnia: a systematic review of randomized clinical trials: //www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1389945799000155
- Does valerian work for insomnia? An umbrella review of the evidence: //www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0924977X24000294
- Valerenic acid reduces anxiety-like behavior in young adult, female (C57BL/6J) mice: //www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0166432823004357
- The Effects of Valerian on Sleep Quality, Depression, and State Anxiety in Hemodialysis Patients: A Randomized, Double-blind, Crossover Clinical Trial: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8077445/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.