Tên Tiếng Việt: Bọ cạp nước; Bò cạp nước; Cây cốt khí; Cây quả canhkina; Sac phlê; Krêête; Rich chopeu (Campuchia); Brai xiêm; May khoum (Viên chăn), Ô môi.
Tên khoa học:Cassia grandis L.f., thuộc Họ Đậu – Fabaceae.
Ô môi là cây gỗ to, cao từ 7 đến 15 m. Cây phân cành lớn, vỏ thân nhẵn, cành mọc ngang thẳng. Những cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá có kích thước lớn, kép lông chim chẵn, gồm 5 đến 16 đôi lá chét phụ dạng thuôn dài tròn cả hai đầu. Lá có hình giống quả trám, chiều rộng từ 4 – 8 cm, chiều dài từ 7 – 12 cm, có phủ lông mịn, màu xanh bóng, gân rõ.
Hoa ô môi có màu hồng tươi, mọc ở nách những lá đã rụng. Cụm hoa nở rộ khi lá rụng, mọc thành chùm dài, xếp thưa, thõng, màu hồng đậm, chiều dài khoảng 20 – 40 cm.
Quả có hình trụ cứng, dẹt, hơi cong như lưỡi liềm, màu nâu đen nhạt, chiều dài từ 20 – 60 cm, chiều rộng từ 2 – 3 cm, đường kính 3 – 4 cm. Đầu quả có mỏm nhọn và nhỏ, phần cuống ngắn, không mở. Quả có 50 – 60 ô nhỏ, phân cách nhau bởi lớp màng mỏng màu trắng nhạt. Mỗi ô chứa 1 hạt dẹt cứng màu vàng. Quanh hạt có lớp cơm mềm, đặc sền sệt, màu nâu đen hay nâu đỏ, vị ngọt, mùi hắc, lúc tươi hơi có vị chua, khi khô có màu sẫm. Khi quả chín khô, hạt long ra tạo thành tiếng kêu đặc biệt khi lúc lắc quả.
Cây có nguồn gốc từ các nước phía Nam của châu Mỹ, nay được trồng khắp các nước nhiệt đới trên thế giới. Cây có các đặc điểm thân cành to, hoa đẹp nên được trồng làm cây lấy bóng mát và làm cảnh ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, ô môi mọc hoang chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để làm dược liệu và lấy bóng mát. Cây được trồng nhiều ở một số nơi ở miền Bắc nước ta. Đây là loài cây ưa đất ẩm, tại nước ta cây được trồng vào mùa khô khi cây rụng lá. Mùa ra hoa từ tháng 2 đến tháng 3. Mùa quả vào mùa đông.
Bộ phận dùng của cây ô môi gồm quả, lá và rễ. Người dân thường hái quả chín về dùng với tên quả “canhkina” để lấy cơm quả, có lẽ vì thấy rượu ngâm quả này có màu đỏ như màu rượu canhkina. Quả ô môi thường được thu hái vào mùa thu, khi quả chín đều. Sau khi thu hái quả về, người dân bỏ vỏ, bỏ phần hạt và chỉ lấy cùi ngâm rượu, dùng dần.
Lá và vỏ cây ô môi thu hái quanh năm, thường được dùng tươi.
Trong cơm quả có saponin, đường, oxalat canxi, chất nhầy, anthraglucozit, tanin, sáp, chất nhựa và tinh dầu. Hạt ô môi chứa chất béo. Các nhà nghiên cứu thấy rằng trong lá ô môi chứa flavonozit và anthraglucozit.
Theo đông y, Ô môicó vị ngọt, hơi đắng chát và có mùi hăng đặc trưng. Ô môi có các tác dụng sau:
Cơm quả Ô môi có tác dụng nhuận tràng và xổ.
Lá có tác dụng sát trùng.
Vỏ Ô môi có tác dụng giải độc.
Cao cơm quả ô môi là thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng
Cơm quả dùng ăn chơi hoặc ngâm rượu làm thuốc có tác dụng giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, bồi bổ sức khỏe, chữa đau lưng, đau xương, nhức mỏi. Ngoài ra, một số nơi có thể nấu quả Ô môi thành cao mềm để kích thích tiêu hóa và nhuận tràng. Sử dụng 1 kg cơm và hạt Ô môi nấu với 1 lít nước rồi lọc và cô cách thủy đến thành cao thì dùng làm thuốc chữa đau lưng, đau người, nhuận tràng hay tẩy hoặc chữa lỵ, ỉa chảy với liều 5 – 15 g.
Tác dụng khác
Với nhiều công dụng làm thuốc, cây ô môi còn được ví như là Canh ki na của Việt Nam, khiến nhiều người lầm tưởng cây ô môi là cây Canh ki na.
Hạt ô môi ngâm nước nóng tới khi lớp vỏ cứng bong mềm ra, lấy nhân bên trong, đem nấu với nước đường cho mềm, dùng trong chè giải khát, tương tự như các loại hạt trong sâm bổ lượng.
Lá ô môi dùng tươi đem giã nát, xát vào những vết hắc lào, lở ngứa, có thể chữa khỏi. Lá ô môi sắc nước làm thuốc cũng có công dụng chữa đau lưng, nhức mỏi như cơm quả.
Vỏ thân được người dân Campuchia dùng đắp lên nơi bị rắn, rết, bò cạp cắn.
Cách dùng chữa táo bón: Quả dùng sống, với liều 4 – 6 g (nhuận tràng) hoặc 10 – 20 g (tẩy ruột).
Cách dùng chữa đau lưng: Mỗi ngày uống 15 – 20 g lá ô môi.
Cách dùng chữa hắc lào: Lá tươi giã nát vắt lấy nước xát vào nơi bị hắc lào. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chưa có thông tin.
Cây Ô môi khi dùng cần theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra như: Chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ, đỏ mặt. Do các tác dụng phụ trên, cần thận trọng khi sử dụng rượu Ô môi để điều trị bệnh cho các trường hợp sau:
Phụ nữ mang thai và cho con bú, người già và trẻ em.
Người đang điều trị bệnh hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
Nguồn Tham Khảo:
- Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 2).
- Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/cassia-grandis-l-f.html.
- //www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/o-moi.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.