Tên Tiếng Việt: Kim Phật thủ, Phật thủ hương duyên, Phúc thọ cam.
Tên khoa học:Citrus medica L.var. sarcodactylis Sw. , thuộc Cam – Rutaceae.
Phật thủ là cây gỗ nhỏ, xanh tốt quanh năm. Lá cây có hình trứng, méo có răng cưa nhỏ, mọc so le, có gai ngắn mọc ở phía dưới lá. Hoa màu trắng, thời gian ra hoa vào đầu mùa hạ. Quả khi chín có vỏ ngoài màu vàng nâu, có những múi chạy dọc quả và tách ra trông như ngón tay, mùa quả chín thường vào mùa đông.
Phật thủ là phân bố tự nhiên ở các nước Trung Quốc và Nhật Bản, là giống cây bản địa ở quốc gia này. Ngày nay, phật thủ cũng được trồng nhiều ở nước ta. Người dân thường sử dụng quả để ăn, làm mứt hoặc làm thuốc chữa bệnh. Quả được thu hái về, rửa sạch, thái dọc thành từng miếng mỏng, sau đó đem phơi khô.
Bộ phận dùng của cây phật thủ là quả phơi khô của cây phật thủ và rễ.
Cây, lá, hoa và quả của phật thủ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt là ở vỏ quả và một số flavonoid có tên là hesperidin C25H21O15, vitamin (B1, B6, B12, C, E,…), khoáng chất (sắt, kẽm, selen,…). Trong quả phật thủ còn chứa limettin, xitropten C11H10O4 0,007%; ngoài ra còn có diosmin C34H44O15.
Trong Đông y, phật thủ là vị thuốc được dùng phổ biến trong dân gian. Quả phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ôn, quy vào kinh phế và tỳ. Có tác dụng lý khí, cầm nôn mửa, mạnh tỳ, hóa đờm, giúp tiêu hóa, chữa ho. Do đó, thường được dùng trong các trường hợp như đau bụng, biếng ăn, nôn mửa, ho.
Chưa có thông tin.
Phật thủ được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Ngày dùng 3 đến 6 g.
Điều trị ăn không tiêu, trợ tiêu hóa
Dùng 50 g quả phật thủ, thái mỏng, đem hong gió; tiểu hồi hương, xuyên tiêu, sa nhân mỗi vị 12 g. Tán tất cả các vị thành bột, hòa với nước sôi để uống. Ngày dùng 2 lần, trong 2 – 3 ngày.
Chữa đau bụng do lạnh
15 g quả phật thủ và 30 g gạo rang. Sắc thuốc, chia ra, dùng 3 lần trong ngày.
Điều trị đau dạ dày và đau gan
Sắc chung 10 g phật thủ và 6 g thanh bì và uống. Hoặc có thể sắc chung 10 g phật thủ, 3 g cam thảo, 15 g sa nhân, 6 g ô dược, 15 g bạch thược, 10 g hương phụ.
Điều trị ăn không tiêu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi lưng, ngực suồn trướng bụng
Ngâm 5 lít rượu với 30 g quả phật thủ, đã rửa sạch, thái nhỏ trong 10 ngày. Uống 1 lần mỗi 5 ngày. Mỗi lần uống khoảng 15 – 20 mL trước bữa ăn chiều.
Chữa ợ hơi
Ướp vỏ quả phật thủ với một ít đường và nuốt.
Điều trị viêm loét dạ dày – hành tá tràng
Nấu 30 g rễ cây phật thủ cùng với dạ dày lợn vừa đủ và ăn.
Hổ trợ tiêu hóa và kiện tỳ
Dùng qua phật thủ nấu với nước, lọc lấy nước đem nấu với 15 g gạo và 100 g đường phèn. Dùng cháo vào mỗi buổi sáng.
Chữa viêm amidan
Sắc 10 g hoa phật thủ, 10 g hoa tường vi, 6 g hoa mai và dùng nước sắc được để uống, ngậm hoặc súc miệng.
Điều trị viêm phế quản mạn tính
Thái nhỏ 1 – 2 quả phật thủ, đem chưng cách thủy với một lượng vừa đủ đường mạch nha cho chín nhừ. Ăn một thìa to hàng ngày trong 1 tuần.
Điều trị chứng ho suyễn, nhiều đờm và khó thở
Sắc chung 9 – 15 g phật thủ với 5 – 9 g củ gừng và 9 g lá hoắc hương.
Điều trị đau bụng kinh
Sắc chung 30 g phật thủ tươi, 6 g gừng tươi, 6 g đương quy và 30 g rượu gạo với một lượng nước vừa đủ. Lọc lấy nước để uống. Ngoài ra, có thể dùng quả phật thủ ngâm với rượu trong vòng 6 tháng, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.
Chữa bệnh nước tiểu đục hoặc bệnh đái tháo đường
Nấu chung 15 – 25 g rễ cây phật thủ và 1 bộ ruột lợn non và ăn.
Điều trị động kinh
Ninh chung 30 g rễ cây phật thủ với 1 con gà mái tơ lông trắng đã được làm sạch. Sau đóm ăn và uống nước trong thời gian ngắn giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
Chữa bạch đới ra nhiều
Ninh chung 30 g phật thủ với lòng lợn (dài 0,5 – 1 m). Dùng liên tục trong 5 – 7 ngày.
Điều trị say rượu
Sắc 30 g quả phật thủ tươi với nước và uống.
Phàm âm hư không dùng được.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- //www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/phat-thu.
- Hình 1: //vnexpress.net/lang-trong-phat-thu-vao-vu-tet-4412009.html.
- Hình 2: //meta.vn/hotro/qua-phat-thu-la-gi-7441.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.